LỜI CHÚA + BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

0
488

LỜI CHÚA: Lc 9,18 – 24
Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”
Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”
Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.
Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

 

ĐỨC GIÊSU BẢO CHÚNG TA LÀ AI?

 

Lm.Vinh sơn Nguyễn Đức Khanh,SVD
Qua bài Mừng hôm nay, thánh Luca hé mở cho thấy Đức Giêsu ý thức mình là ai, vượt trên tất cả những điều người ta có thể nghĩ về Người. Người không chỉ là một con người can đảm, cũng không phải chỉ là một bậc anh hùng. Nhưng Người là Đại Sứ của Thiên Chúa theo nghĩa tuyệt đối, nghĩa là, Người Con của Thiên Chúa, được cưu mang do quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1,35), sinh ra là Đấng Cứu Độ (Lc 2,11). Do đó, Người mới có quyền đòi hỏi mọi người phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Người (Lc 9,32). Người được Thiên Chúa phái đến không chỉ để cứu sống một số người, nhưng là để cứu sống toàn thể nhân loại một cách vĩnh viễn.

Và cũng chính trong Tin Mừng hôm nay, với lời tuyên tín của Phêrô, thêm một lần nữa cho chúng ta một sự hiểu biết đích thực về Đức Giêsu. Ngài chính là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (9,20).

Các con bảo Thầy là ai?

Đứng trước câu hỏi của Chúa Giêsu, thánh Phêrô đã nhanh nhảu trả lời và ngài đã hoàn toàn đúng. Như thế căn tính của Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Giờ đây, hiện thân của Thiên Chúa đã cư ngụ giữa dân của Ngài. Và khi các môn đệ đã được biết một cách rạch ròi con người thật của Đức Giêsu là ai rồi thì lúc đó, Đức Giêsu mới chính thức mời gọi các môn đệ đi theo Người trên hành trình đức tin và làm chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa.

Khi khẳng định Đức Giêsu là Đấng Kitô, thánh Phêrô đồng thời cũng quả quyết rằng ngài không còn đợi chờ một đấng Mêsia nào khác hơn là Đức Giêsu. Phần chúng ta, đức tin chúng ta có đủ để nói cho mọi người biết rằng Chúa Kitô đã đến và đừng chờ đợi một người nào khác nữa không? Phải chăng chúng ta đã thường chờ đợi một người nào đó (thủ lãnh chính trị hay thủ lãnh tôn giáo) đến làm xứ sở phong phú giàu mạnh, sẽ bãi bỏ các thuế má, sẽ phát lương gấp bội, sẽ tái thiết tất cả cách mới mẻ, sẽ cho tự do tôn giáo, sẽ dẹp tan mọi đau khổ đó sao? Nhưng mọi cái đó đều là giấc mơ nguy hiểm làm đời sống hàng ngày của chúng ta trở nên nặng nề, thay vì vận dụng can đảm để cải thiện đời sống.

Đấng Mêssia đã đến nơi rồi: đừng chờ đợi một ai khác. Đấng Mêsia này đã không muốn biến đổi trái đất trong giây lát như một phù thủy; không muốn chúng ta đóng vai trò khán giả ngạc nhiên và thụ động. Nhưng Người đã muốn đi vào trong mọi đau khổ của nhân loại, mang lấy bệnh tật, thống khổ và tội lỗi của chúng ta. Đồng thời, Người mời gọi chúng ta tích cực trở nên những “đấng cứu thế khác” bằng cách trao ban sự sống mình cho anh chị em minh qua từngsống: đó chính là cách duy nhất chúng ta có thể biến đổi thế giới quanh ta nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, “Đấng canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 104,30). Làm được tất cả những điều đó trong đức tin và lòng phó thác vào Thiên Chúa, thì chắc chắn chúng ta sẽ mạnh mẽ tuyên tín như lời thánh Phêrô xưa “Thầy là Đấng Kitô”.

Đức Kitô bảo chúng ta là ai?

Có khi nào trong cuộc đời, chúng ta nghe Đức Giêsu hỏi chúng ta là ai không? Chúng ta có đủ niềm tin mạnh mẽ để kịp lắng nghe Người hỏi hay không? Và chúng ta có thật sự sẵn sàng để nhìn lại chính mình khi nghe Người nói với chúng ta không? Có thể rất nhiều người đã từng được Ngườigọi mời trong cầu nguyện, trong thinh lặng và cụ thể nhất là qua các biến cố trong cuộc sống để nhận ra chúng ta là ai. Chắc chắn tiếng Ngườigọi mời không phải là kêu lên một cái tên A hay B nhưng là đụng đến con người nội của chúng ta.

Vâng, sẽ có người trả lời rằng tôi là người Kitô hữu, là người tin vào Đức Giêsu, con Thiên Chúa hằng sống. Rồi cũng có người nói căn tính thật của tôi là môn đệ bước theo Thầy Giêsu. Căn tính ấy là bước trọn vẹn theo Thầy mình và sống chết như Thầy. Nói cách khác, theo Thầy là gắn liền với thân phận Thầy. Với một cách trả lời như vậy, thì quả thật, chúng ta đã phần nào làm thỏa lòng Thầy Chí Thánh. Vì chúng ta là những người con yêu quý của Thiên Chúa, Ngài luôn muốn chúng ta bước lại con đường mà Đức Giêsu đã đi để chúng ta được thông phần sự sống, hạnh phúc viên mãn và cuộc sống trọn vẹn mai hậu.

Và khi Đức Kitô hỏi chúng ta là ai, Ngườimuốn chúng ta nhìn lại căn tính thật sự của chúng ta là gì? Chúng ta đang sống và thực hành đức tin ra sao? Chúng ta tin vào Thiên Chúa nhưng những việc chúng ta làm có thật sự phản chiếu lại niềm tin đó không? Điều Đức Kitô mời gọi như một sự thức tỉnh con người thật của chúng ta, để chúng ta biết tiến lên trong con đường nhân đức và tuyệt vời nhất là Ngườimời gọi chúng ta hãy thực hành giáo huấn của Ngườivới lòng yêu mến và tận tâm. Có như thế, chúng ta sẽ sẵn sàng trả lời cho Đức Kitô biết chúng ta là ai trên hành trình đức tin này.

Môn đệ Đức Kitô – bỏ mình và vác thập giá mỗi ngày

Ngay sau lời tuyên tín của Phêrô, Đức Giêsu tiếp tục giáo huấn các môn đệ rằng, ai theo Ngườithì phải bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo (9,23). Khi mời gọi các môn đệ như vậy, Đức Giêsu muốn các ông đi theo Người trong tinh thần nhẹ nhàng chứ không phải ép buộc hay cưỡng bức; đó là một sự tự do hoàn toàn. Một lời mời gọi hết sức thân tình khiến người được gọi cảm thấy bình an và hạnh phúc.

Quả thật, lựa chọn con đường theo Đức Giêsu chắc chắn không phải là con đường nhung lụa, rộng rãi và dễ đi mà là con đường hẹp, ghồ ghề và chông gai. Và con đường đó phải là con đường từ bỏ. Nhưng để từ bỏ thật sự thì khó biết chừng nào. Bởi vì mỗi người chúng ta ai cũng có những cái tôi rất riêng của mình, từ cá tính đến lập trường sống, nếu phải từ bỏ thì còn gì là chính chúng ta nữa, lúc đó, chúng ta sẽ trở thành một người nào đó xa lạ rồi. Nhưng khi làm môn đệ của Đức Giêsu thì khác. Theo Chúa và từ bỏ ý riêng không phải là chúng ta đánh mất mình hoàn toàn, thay vào đó là được tất cả. Nói cách khác, từ bỏ mình là được kết hợp với Chúa và trở về chính mình một cách trọn vẹn nhất. Chúng ta biết, thuở ban đầu, Thiên Chúa dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài, và nay chúng ta được tháp vào Ngài thì chúng ta lại được trở về nơi chúng ta xuất phát. Như vậy, chúng ta đã hoàn toàn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Chúng ta thật hạnh phúc mới đúng chứ!

Hơn nữa, khi chúng ta từ bỏ mình cũng là lúc chúng ta dấn thân một cách trọn vẹn nhất. Vì làm môn đệ của Chúa mà còn quyến luyến quá nhiều thứ thì chưa phải là môn đệ đúng nghĩa. Từ bỏ đòi hỏi nhiều quyết tâm, hi sinh. Ngoài ra, một đòi hỏi cần có nơi người môn đệ là: từ bỏ mình để lo việc Chúa là tốt rồi, nhưng chúng ta còn phải biết chu toàn bổn phận hằng ngày nữa. Vì có những người rất sẵn sàng hi sinh lo lắng giúp đỡ người nghèo dù hoàn cảnh mưa nắng ra sao. Nhưng ngược lại, họ lại rất lơ là bổn phận gia đình hay cộng đoàn. Có nhiều người thích vác thánh giá cho người khác, còn thánh giá của chính mình thì đặt lên vai lên cổ người khác. Như vậy, từ bỏ trọn vẹn là từ bỏ ý riêng, chu toàn bổn phận và vác thánh giá hằng ngày.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi cách đặc biệt mỗi người chúng ta nhìn lại bản thân mình; chúng ta thực sự là ai và căn tính của đời mình là gì? Nếu mỗi người chúng ta trả lời một cách nhanh chóng và thực tâm thì chúng ta đã phần nào mặc lấy được tình yêu của Đức Giêsu. Và chúng ta chắc chắn đã tuyên xưng trong lòng về một Đức Giêsu là ai và luôn tìm cách ca vang lên lời tuyên xưng đó cho thật nhiều người với mục đích làm nhân chứng tình yêu và sự sống. Đồng thời, chúng ta cũng được kêu mời hãy đi lại con đường thập giá của Đức Giêsu bằng chính nỗ lực và khát khao của chúng ta. Nghĩa là, chúng ta, với ơn Chúa giúp, sẽ hoàn trọn hành trình đức tin và gánh vác trách niệm cuộc đời trên chính đôi vai của chúng ta chứ không phải lẩn tránh hay đặt để nơi người khác. Có như vậy, chúng ta sẽ tự tin trả lời câu hỏi mà Chúa Giêsu hỏi mỗi người: Người bảo chúng ta là ai?

Lạy Chúa Giêsu, chúng con được mang danh là môn đệ của Ngài, nhưng thực lòng chúng con chưa cảm nghiệm và thấu hiểu Ngài là ai. Chúng con chỉ nghe về Ngài như một Đấng Cứu Thế và môi miệng chúng con luôn tuyên xưng mạnh mẽ về niềm tin đó. Tuy vậy, việc tuyên xưng lại không có chút ăn khớp gì với đời sống thường ngày của chúng con. Lý do là chúng con chưa nhận thức hết Ngài là gì với chúng con. Xin Chúa giúp sức và ban ơn cho chúng con, để chúng con cảm nghiệm một cách sống động sự hiện diện của Đức Giêsu trong tâm hồn và xác tín tuyên xưng Ngài là hạnh phúc và lẽ sống của cuộc đời chúng con. Amen.

Bài trướcBảng Phân Chia Mục Vụ Hè 2016
Bài tiếp theoLỜI CHÚA + BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN – NĂM C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.