Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Năm C

0
697

Bài Ðọc I: Kn 11, 23 – 12, 2

“Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Lạy Chúa, trước mặt Chúa, cả vũ trụ ví như hạt gạo trên đĩa cân, và như hạt sương sa trên mặt đất trước lúc rạng đông. Nhưng Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó.

Nếu Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được? Hoặc vật gì Chúa không kêu gọi, thì làm sao nó duy trì được? Nhưng Chúa dung thứ hết mọi loài: vì chúng thuộc về Chúa. Lạy Chúa, Chúa yêu thương các linh hồn.

Ôi lạy Chúa, thần trí của Chúa tốt lành và hiền hậu đối với mọi loài là dường nào! Vì thế, lạy Chúa, Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời

(x. c. 1).

Xướng: 1) Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. – Ðáp.

2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. – Ðáp.

3) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.- Ðáp.

4) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tx 1, 11 – 2, 2

“Danh Chúa được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em: Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.

Anh em thân mến, nhân về ngày trở lại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và về sự chúng ta tập họp bên cạnh Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội để mình bị giao động tinh thần, và đừng hoảng sợ bởi có ai nói tiên tri, hoặc bởi lời rao giảng hay bởi thư từ nào được coi như do chúng tôi gởi đến, mà nói như thể ngày Chúa gần đến.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 1-10

“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”.

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Bài giảng Chủ đề: TÌM VÀ CỨU

Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy,SVD

ó thể nói cuộc sống là một cuộc đi tìm: tìm công ăn việc làm, tìm cơ hội thăng tiến, tìm một đời sống sung túc, tìm kiếm học hỏi kiến thức, tìm những giá trị cao đẹp, tìm ý nghĩa cho cuộc đời … Để đạt được mục đích của cuộc kiếm tìm, người ta sẵn sàng hy sinh sức lực, tiêu tốn thời giờ, và ngay cả của cải. Cuộc tìm kiếm được coi là thành công khi người ta tìm ra được điều mà mình yêu mến và khát khao nhất.

Bài Tin Mừng về ông Giakêu hôm nay có thể được coi là một câu chuyện kiếm tìm. Ông Giakêu cố gắng “tìm Chúa”, nhưng chính Chúa mới là người “tìm và cứu ông”, hay nói cách khác, ánh mắt khao khát tìm ý nghĩa cuộc đời của ông Giakêu đã gặp được ánh mắt nhân từ của Chúa, Đấng hằng “đi tìm và cứu những đã mất”.

ÔNG GIAKÊU ĐI TÌM CHÚA

Trước hết, Thánh Luca tường thuật việc ông Giakêu đang “tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai” (19,3). Tương tự, vua Hêrôđê cũng “tìm cách để xem Người” (9,9). Nhìn bề ngoài, có vẻ như cả hai trường hợp đều như muốn diễn tả một sự tìm kiếm mang tính tò mò, nhưng tác giả Luca đủ tinh tế để cho thấy sự khác biệt. Vua Hêrôđê chỉ muốn “tìm cách để xem Người” và khi gặp Chúa Giêsu, vua đã tỏ ra mừng rỡ vì từ lâu đã muốn gặp Người với mong muốn “được xem Người làm một hai phép lạ” (23,8). Như thế, vua Hêrôđê “tìm cách” để “xem” Người chỉ với động cơ tò mò vì muốn xem thấy phép lạ. Trong khi đó, ông Giakêu thì lại muốn “tìm cách để xem Đức Giêsu là ai”. Có lẽ ông đã được nghe biết về Chúa Giêsu như là một người có nhiều cảm tình với những người thu thuế (15,1), nhưng việc ông muốn gặp Chúa Giêsu, theo cách trình bày của tác giả Luca, không chỉ vì một sự tò mò bên ngoài mà là sự khao khát tìm kiếm sâu xa hơn về Đức Giêsu.

Thêm vào đó, trong khi nỗ lực tìm cách để xem thấy Đức Giêsu, ông Giakêu gặp phải hai ngăn trở, một “do đám đông” và một “vì vóc dáng thấp bé”. Có thể ông Giakêu là một người nhỏ bé về vóc dáng, nhưng cũng có thể vì ông bị xem là người tội lỗi, nên trong mắt mọi người ông chẳng đáng gì cả. Ông bị mọi người coi thường, khinh rẻ, loại trừ; ông chỉ là một người “nhỏ bé” trong mắt họ. Vì ông bị coi là “nhỏ bé” nên đám đông không coi ông là người xứng đáng để được gặp Chúa Giêsu, họ tìm cách ngăn cản. Vì thế, đám đông trở thành một trở ngại trên đường tìm gặp Chúa của ông.

Ngoài ra, để có thể nhìn xem Chúa Giêsu đang đi ngang qua, ông Giakêu đã làm một việc gây nhiều ngạc nhiên: ông chạy lên phía trước và trèo lên một cây sung. Hành động chạy và trèo lên cây để vượt qua sự cản trở của đám đông không thể chỉ đơn thuần là một sự tò mò nữa, vì thật khó tưởng tượng một người đứng đầu những người thu thuế, một người giàu có lại chạy lên phía trước và trèo lên cây chỉ để thỏa mãn trí tò mò. Hơn nữa, ông không chỉ muốn “thấy” Chúa Giêsu nhưng còn muốn khám phá “Người là ai”. Vì thế, khi được Chúa Giêsu đề nghị vào nhà mình, ông Giakêu không những đón tiếp Chúa Giêsu cách mau mắn, mà còn đón tiếp với tất cả niềm vui. Vì là người đứng đầu những người thu thuế, ông Giakêu thuộc vào số những người bị xem là “bị lạc mất”, không còn ở trong mối hiệp thông với Chúa và với cộng đoàn dân Chúa. Do vậy, việc Chúa Giêsu đến nhà ông, trước là dấu chỉ hiệp thông và sau là dấu chỉ tha thứ, như chúng ta sẽ thấy sau này (19,9). Do vậy, thái độ hân hoan của ông Giakêu khi đón tiếp Chúa Giêsu không chỉ là niềm vui thoáng qua bên ngoài, mà là niềm vui sâu lắng bên trong, niềm vui vì gần kề ơn cứu độ.

Sau cùng, dù việc Chúa Giêsu đến ngụ tại nhà ông Giakêu đem lại cho ông sự khích lệ và niềm vui, nhưng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mới làm ông thay đổi, thúc đẩy ông làm một quyết định dứt khoát đối với của cải. Thái độ của ông Giakêu thể hiện một sự hoán cải khi ông chọn một cách sống mới và hành động bác ái của ông là hoa trái của cách sống mới này. Đó là một sự biến đổi của con tim. Dù ơn cứu độ là một ân ban của Thiên Chúa, nhưng không phải không có những điều kiện. Một trong những điều kiện đó là thái độ đối với của cải. Nếu ông Giakêu trở nên giàu có do sự chiếm đoạt bất chính bằng nghề thu thuế, thì việc ông chia phân nửa của cải cho người nghèo và đền gấp bốn cho những người ông đã chiếm đoạt làm cho ông không còn nằm trong số những người giàu có nữa mà thuộc vào số những người nghèo, những người biết cậy dựa vào Thiên Chúa hơn là của cải.

CHÚA ĐI TÌM VÀ CỨU ÔNG GIAKÊU

Trước hết, dù thánh Luca tường thuật cuộc tìm kiếm của ông Giakêu với rất nhiều cố gắng để được “thấy Chúa”, nhưng chính Chúa Giêsu mới là người “thấy” ông trên cây sung. Chúa Giêsu đến ngay chỗ ông Giakêu, nhìn vào ông mà nói: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (19,5). Dù ông Giakêu được mô tả như người tìm cách để gặp Chúa Giêsu, nhưng chính Chúa Giêsu mới là người thấu tỏ mong ước gặp gỡ của ông; Người biết rõ nơi ông đang ở (trên cây sung) và chủ động đến ngay chỗ đó để cho ông được nhìn thấy Người. Người biết rõ ông là ai (gọi đích danh ông), biết ông đang khao khát điều gì nên chủ động đề nghị ở lại nhà ông. Tất cả những hành động này của Chúa Giêsu cho thấy vai trò chủ động của Người trong việc dẫn dắt ông Gia kêu đến ơn cứu độ.

Thêm vào đó, việc Chúa Giêsu vào nhà ông Giakêu được xem như là một “đòi buộc” thần linh. Quả vậy, tác giả Luca thường dùng cách nói “phải” để chỉ sự đòi buộc của sứ mạng thần linh: Chúa Giêsu “phải” ở nhà của Cha (2,49); Người “phải” loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa (4,43); Con Người “phải” chịu đau khổ nhiều (9,22; 17,25); “cần phải” ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu lời Kinh Thánh đã chép (22,37; 24,44). Dù tác giả Luca không cho biết lý do tại sao Chúa Giêsu “phải” ở lại nhà ông Giakêu, nhưng câu kết của đoạn này cho ta câu trả lời (19,10). Việc Người ở lại nhà ông là cơ hội để làm nổi bật bản chất sứ mạng của Người là mang ơn cứu độ. Đây không phải là một sự lựa chọn mà là một “đòi buộc” của Thiên Chúa.

Hơn nữa, câu chuyện về ông Giakêu đạt tới cao điểm khi Chúa Giêsu loan báo ơn cứu độ cho nhà ông: “Hôm nay ơn cứu độ đến cho nhà này” (19,9). Đối với tác giả Luca, ơn cứu độ là sự thứ tha tội lỗi (như lời bài ca Benedictus 1,77) và ơn cứu độ đó được hiện thực hóa cách cụ thể nơi Đức Giêsu (như lời bài ca Nunc dimittis 2,20), nên việc Chúa Giêsu công bố ơn cứu độ cho nhà ông Giakêu cũng đồng thời là sự thứ tha tội lỗi, phục hồi sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và với cộng đoàn. Lời công bố ơn cứu độ làm thay đổi thân phận của ông Giakêu, từ một người bị loại trừ, bị coi như ở ngoài thành người ở trong, từ một người bị lạc mất nay được tìm thấy.

Sau cùng, lời công bố cứu độ cho nhà ông Giakêu “hôm nay” cũng có hàm ý sâu xa. “Hôm nay” không chỉ là một trạng từ chỉ thời gian, mà còn là dấu chỉ của việc hoàn tất kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Quả vậy, “hôm nay” đối với tác giả Tin Mừng Luca không chỉ mang ý nghĩa thời gian mà còn là dấu chỉ của thời cứu độ: “hôm nay” một Đấng Cứu Độ đã sinh ra (2,11); “hôm nay” ứng nghiệm lời Kinh Thánh về sứ mạng của Đấng Cứu Độ (4,21); “hôm nay” quyền năng cứu độ của Đức Giêsu được tỏ hiện gây kinh ngạc (5,26); và “hôm nay” cũng là lời hứa ơn cứu độ cho người trộm lành (23,43). Sự hiện diện của Chúa Giêsu khai mạc và hiện thực hóa kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu yêu cầu ở lại nhà ông Giakêu “hôm nay” (19,5) là lời mời gọi đến với ơn cứu độ và lời mời gọi này được hoàn tất khi Người loan báo ơn cứu độ “hôm nay” (19,9) cho nhà ông Giakêu.

TẠM KẾT

Câu chuyện về ơn cứu độ của ông Giakêu là một hành trình “tìm kiếm” và “tìm thấy”. Từ đầu câu chuyện ông Giakêu được mô tả như một người tìm kiếm cho biết Chúa Giêsu là ai, nhưng khi câu chuyện kết thúc, ta mới vỡ lẽ rằng chính Chúa Giêsu mới là người đi tìm và cứu ông. Dù ông Giakêu là người muốn thấy và tìm cách vượt qua những trở ngại để được thấy Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu mới là người biết ông đang ở đâu; Người đến ngay nơi đó và nhìn vào ông. Chúa Giêsu mới là người chủ động cho ông Giakêu được nhìn thấy Người. Thánh Luca trình bày ông Giakêu như một người “tìm kiếm”, nhưng Chúa Giêsu mới là người “tìm thấy” ông.

Câu chuyện kết thúc với lời tóm kết của thánh Luca về sứ mạng của Chúa Giêsu là “tìm và cứu những gì đã mất” (19,10). Chúa Giêsu có sứ mạng đi tìm và cứu những gì lạc mất (như con chiên lạc, như đồng tiền bị mất, như người con hoang đàng trong chương 15). Là một người thu thuế, ông Giakêu nằm trong số những người “bị lạc mất” mà Chúa Giêsu có sứ mạng đi tìm và cứu, nhưng vì là một người giàu có, ông lại thuộc vào số những người “khó vào Nước Trời”. Tuy vậy, câu chuyện về ơn cứu độ cho ông Giakêu, người đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có, lại là một minh chứng cho điều Chúa Giêsu đã từng nói: “Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa” (18,27). Thiên Chúa vẫn có cách tìm và cứu những gì xem ra là không thể đối với loài người. Thiên Chúa vẫn tiếp tục đi tìm và cứu tất cả những ai không quay lưng lại với Ngài và ơn cứu độ của Ngài vẫn là câu chuyện “hôm nay” cho con người mọi thời.

 

Bài trướcLinh hồn GIUSE NGUYỄN VĂN SƠN, Bào huynh Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Thanh,SVD
Bài tiếp theoAudio Lời Chúa + Suy niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.