Những Cộng sự viên Giáo dân của Dòng Ngôi Lời

0
353

NHỮNG CỘNG SỰ VIÊN GIÁO DÂN CỦA DÒNG NGÔI LỜI

Lm. Heinz Kulüke và Ban Lãnh Đạo

 

Trong các tỉnh dòng, miền dòng và vùng truyền giáo của chúng ta, có sự cộng tác với giáo dân bằng nhiều cách khác nhau; vấn đề là chúng ta có thể làm gì và làm thế nào hơn nữa để thực hiện sứ vụ này.

Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh rằng Giáo hội là Dân Thiên Chúa, và từ đó, những người giáo dân có tầm quan trọng nhiều hơn, khi hình thành và tổ chức họ để họ tham gia vào sứ vụ của Giáo hội. Trong một vài nơi, hàng giáo sĩ đã có sáng kiến để thực hiện điều này, và tại một vài nơi khác chính những người giáo dân đã bắt đầu việc tổ chức chính họ để tham gia vào chiều kích truyền giáo của Giáo hội, bởi vì mỗi người là một nhà truyền giáo qua bí tích rửa tội của họ. Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) rằng: “Đã có sự nhận thức đang lớn dần về căn tính và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo hội” (EG 102). Những nhóm giáo dân, với sự tham gia nhiệt tình của họ, kích thích chúng ta làm hơn nữa và đồng hành với họ để tiếp tục sứ vụ của Giáo hội.

Sự cộng tác với giáo dân trong việc truyền giáo

Việc truyền giáo được thực thi thông qua sự cộng tác của các linh mục, tu sĩ và các nam nữ giáo dân. Những điều gì là các phương diện cốt lõi của sự hợp tác? Trước tiên, các cộng sự viên phải có đồng trách nhiệm đối với kết quả cuối cùng. Để đạt được mục đích, cả giáo dân và tu sĩ hoàn thành nhiều bổn phận khác nhau nhưng với tinh thần đồng trách nhiệm. Thứ hai, sự đóng góp của mỗi cộng sự viên nên có chân giá trị để có thể so sánh được. Việc kiểm tra điều này cần có những nền tảng thật sự để tham khảo lẫn nhau và để thảo luận nhiệm vụ được nói đến với sự tôn trọng trước khi thực hiện. Thứ ba, cần có sự khác biệt thật sự trong năng lực hay chức vụ và trong năng khiếu về phía các cộng sự viên. Những người giáo dân và tu sĩ có năng lực trong các lĩnh vực của họ, vì thế họ sử dụng tài năng và hiểu biết của họ trong khi thực hiện. Những nguyên tắc này rất quan trọng trong việc thực hiện sứ vụ của Thiên Chúa.

Sự cộng tác với giáo dân được yêu cầu một cách rõ ràng trong giáo huấn của Giáo hội. Chúng ta đọc thấy trong Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân (Aposto-licam Actuositatem) rằng: “Họ cũng phải tùy sức mà cố gắng đóng góp vào mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình Giáo Hội địa phương” (AA 10). Lời mời gọi của Công đồng về sự cộng tác đưa ra cho chúng ta sự gợi ý cũng như về nơi mà chúng ta có thể bắt đầu tìm kiếm: sự cộng tác được mời gọi trong “mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo”. Vì thế, có một lĩnh vực rộng rãi trong Giáo hội địa phương, mà nơi đó sự cộng tác có thể diễn ra. Trong các tỉnh dòng, miền dòng và vùng truyền giáo của chúng ta, có sự cộng tác với giáo dân bằng nhiều cách khác nhau; vấn đề là chúng ta có thể làm gì và làm thế nào hơn nữa để thực hiện sứ vụ này cách hiệu quả hơn?

Arnold Janssen và giáo dân

Cha thánh Arnold Janssen đã lôi kéo giáo dân vào trong mỗi giai đoạn của thừa tác vụ ngài, đặc biệt khi hội dòng cần sự giúp đỡ. Ngài đã mời gọi họ tham gia vào trong công việc của chủng viện, các sứ vụ và công việc tông đồ. Vào năm 1880, cha thánh Arnold đã bắt đầu vươn đến giáo dân bằng phương tiện In Ấn Truyền giáo (Mission Press), không chỉ phát hành các tạp chí cho giáo dân nhưng còn phát hành các quyển sách cho họ đọc.

Cha thánh Arnold đã giữ liên lạc liên tục với giáo dân thông qua tạp chí “Sứ giả nhỏ của Thánh Tâm” (“The Little Messenger of the Sacred Heart”). Ngài sẽ báo cáo cho các bạn đọc của ngài về những gì xảy ra tại quê nhà và tại các vùng truyền giáo. Khác hơn, khi xem giáo dân như là những cộng sự viên, ngài đã có một tầm nhìn cao hơn: “Một ước mơ chưa được thực hiện trong thời gian sống của đấng sáng lập chúng ta, Thánh Arnold Janssen, là xây dựng một học viện cho các cộng sự viên tại thế để giúp đỡ các vùng truyền giáo – hay đơn giản là các người giáo dân giúp đỡ truyền giáo. Quan tâm đặc biệt này đã được bàn thảo hai lần trong suốt Tổng tu nghị đầu tiên của Dòng Ngôi Lời (loạt buổi họp), vốn đã diễn ra tại nhiều thời điểm khác nhau trong vòng hai năm (1884-1886). Nhưng trong bản phác thảo cuối cùng của Hiến pháp Dòng Ngôi Lời được đệ trình để xin sự phê chuẩn của Giám mục, tiết mục đặc biệt được dành cho việc hình thành học viện giáo dân (lay institute) này đã bị xóa … mà không có lời chú thích nào được ghi lại. Người ta chỉ có thể đoán rằng một ít tổng tu nghị viên (bốn) đã gạt bỏ dự án này vì quá sớm để thúc đẩy thực hiện” (Alt 2002; 213-214). Việc hình thành và đồng hành với các nhóm giáo dân đã bắt đầu nhiều năm sau trong các tỉnh dòng và miền dòng của chúng ta. Tổng tu nghị thứ 17 đã chính thức làm một nghị quyết về việc hình thành và thừa nhận một nhóm giáo dân (1.2.3). Bây giờ, nhiệm vụ của mỗi tỉnh dòng/miền dòng/vùng truyền giáo là tổ chức giáo dân như là những người cộng sự của Dòng Ngôi Lời trong sứ vụ truyền giáo.

Những cộng sự viên giáo dân của Dòng Ngôi Lời

Vào năm 2006, Tổng tu nghị thứ 16 đã nói rằng: “Thái độ cơ bản của chúng ta trong Linh hoạt Truyền giáo là lôi kéo người khác, cổ vũ họ bằng sự nhiệt tình của chúng ta đối hành trình tiến về Triều Đại Thiên Chúa và được họ làm phấn khởi, hơn là việc rơi vào cám dỗ nghĩ rằng chính tất cả chúng ta có thể làm điều đó.” (#9) Hội dòng chúng ta thừa nhận lòng hào hiệp bao la và sức mạnh của người giáo dân, và những chứng từ của họ, và việc họ làm chứng cho niềm tin đang thúc đẩy và khích lệ Giáo hội địa phương.

Sự cộng tác phát triển khi có mối tương quan với chúng ta (“we-with” relationship), chúng ta như là những người anh em với các nhóm giáo dân. Hãy khích lệ mối quan hệ này hướng đến “chúng ta” (“We”) như là Một Đại Gia Đình Arnoldus. Hội dòng chúng ta thừa nhận những năng khiếu và tài năng, những đóng góp và sự cộng tác của người giáo dân. Thông qua hội dòng, có một sự lôi kéo mạnh mẽ người giáo dân vào trong sứ vụ truyền giáo. Có rất nhiều cấp độ hợp tác với Hội dòng chúng ta trong sứ vụ truyền giáo. Những cộng tác viên giáo dân có thể hổ trợ trong các sứ vụ của chúng ta, có thể được giao việc trong các cơ sở của chúng ta, có thể giúp đỡ chúng ta bằng tiền bạc và cầu nguyện cho các sứ vụ của chúng ta. Cũng có một vài nhà truyền giáo giáo dân, vốn là những người tận hiến một vài năm cho công việc của Hội dòng, bây giờ chúng ta có những người cộng tác giáo dân.

Tổng tu nghị thứ 17 năm 2012 đã trình bày cách rõ ràng chính xác một vài hướng dẫn cho việc thừa nhận một nhóm giáo dân như là những cộng tác viên của Dòng Ngôi Lời. Cho nên, một vài nhóm giáo dân được thừa nhận bởi các tỉnh dòng và miền dòng tương ứng của họ. Một vài nhóm giáo dân khác đang làm công việc truyền giáo cách tuyệt vời, nhưng họ không được thừa nhận vì nhiều yếu tố khác nhau, nhưng điều quan trọng là những nhóm giáo dân này tiếp tục là những cộng tác viên trong sứ vụ truyền giáo của Giáo hội và hơn nữa trong các nỗ lực truyền giáo của Hội dòng chúng ta.

Phương diện cơ bản để trở thành cộng tác viên với Dòng Ngôi Lời là: các nhóm giáo dân này phát triển theo linh đạo của Hội dòng chúng ta và chính họ dấn thân vào trong sứ vụ truyền giáo theo đoàn sủng của Hội dòng chúng ta. Những phương diện này có thể được thừa nhận khi có một nhóm chính thức với tầm nhìn và kế hoạch hành động. Chúng ta cũng có thể khích lệ sự cộng tác của giáo dân bằng những định hướng cơ bản mặc dù không thể có một nhóm chính thức. Vì thế, có nhiều khả năng cộng tác: (a) Các nhóm giáo dân liên kết với các dự án của Hội dòng chúng ta, (b) Các nhóm giáo dân làm các công việc truyền giáo của riêng họ và (c) Các anh em chúng ta nối kết nhóm giáo dân với các dự án của chúng ta. Mục đích cuối cùng là Triều Đại Thiên Chúa được thấy rõ thông qua sự cộng tác và hổ trợ.

Những thách đố

Có nhiều cách thức cổ võ phương diện cộng tác quan trọng này trong Hội dòng, nhưng có cũng có nhiều thách đố. Một vài thách đố đó như sau:

  • Vượt qua thái độ độc tôn (attitude of exclusiveness): ‘sứ vụ của tôi’ hay ‘nhà của chúng tôi’ hay ‘học viện của chúng tôi’ hay ‘dự án của chúng tôi’. Khi các cộng tác viên giáo dân được lôi kéo vào trong sứ vụ truyền giáo, thì việc trao không gian cho họ là cần thiết trong tất cả các công việc của chúng ta và cũng trong không gian thể chế của chúng ta, vì thế nó trở thành ‘cái của chúng ta’.
  • Trách nhiệm cổ võ linh đạo và đoàn sủng của Hội dòng chúng ta nơi các cộng tác viên trong các nhà, các trường học, các cơ sở của chúng ta; nơi các ân nhân: ân nhân nhỏ hay ân nhân lớn; nơi các tình nguyện viên; v.v…
  • Việc nhận ra những người giáo dân có tiềm năng, việc trang bị cho họ linh đạo Arnold và đoàn sủng của Hội dòng, và việc trao cho giáo dân quyền trở nên những cộng tác viên trong sứ vụ truyền giáo.
  • Việc đào tạo giáo dân trong linh đạo Arnold và đoàn sủng của Hội dòng, những ưu tiên trong sứ vụ truyền giáo và những chiến lược thực tế để thực hiện chúng.
  • Cả việc đào tạo căn bản và việc thường huấn của các anh em chúng ta để có được kinh nghiệm và kỹ năng cho việc cộng tác với giáo dân trong sứ vụ truyền giáo.
  • Sự linh hoạt linh đạo và sự đồng hành của những cộng tác viên giáo dân.
  • Việc thừa nhận công việc của các cộng tác viên giáo dân và việc nới rộng sự hổ trợ của chúng ta đối với họ là bổn phận của chúng ta.
  • Việc cổ võ các nhà truyền giáo giáo dân của Dòng Ngôi Lời và việc tìm kiếm các chiến lược đúng đắn cho họ để cuộc sống của họ có ý nghĩa và công việc của họ có hiệu quả.
  • Việc cổ võ các cộng tác viên giáo dân của Dòng Ngôi Lời, vốn là những người tiếp tục các truyền thống của Hội dòng chúng ta và các nổ lực truyền giáo của chúng ta trong thế giới hậu hiện đại này.

Con đường phía trước

Chúng ta có một vài nhóm giáo dân rất tích cực và một vài nhóm khác đang phát triển cách đều đặn; vấn đề là bây giờ chúng ta có thể làm điều gì hơn nữa? Việc tổ chức họ là một trong những cách thức tốt nhất và thứ đến là việc chỉ cho họ con đường mà họ có thể trở thành những cộng tác viên hiệu quả hơn nữa trong sứ vụ truyền giáo.Việc lấy cảm hứng từ những hoạt động của họ là thích đáng đối với sự phát triển và sức mạnh của chúng ta. Trong Hội dòng chúng ta, chúng ta có thể gần gũi như thế nào đối với những nhóm này? Những nhóm giáo dân này có thể gợi hứng cho những nhóm giáo dân khác như thế nào? Chúng có thể kết nối như thế nào giữa chúng? Những nhóm này có thể được củng cố bằng những cách thức gì? Những nhóm này có thể tiếp tục như thế nào để trở nên trung thành hơn đối với linh đạo của Hội dòng chúng ta? Việc tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này là cốt yếu cho tương lai truyền giáo của chúng ta. Ba cây nến đứng gần mộ của Thánh Arnold Janssen ở Steyl đại diện cho ba Hội dòng mà ngài đã sáng lập. Gần đây, cây nến thứ tư đã được thêm vào để đại diện cho các cộng tác viên giáo dân của Dòng Ngôi Lời. Tương tự, mộ của Thánh Arnold đứng trên ba ‘chân’, nhưng bây giờ ‘chân’ thứ tư được thêm vào để đại diện cho những người bạn giáo dân.

Một Khóa học hội cho các cộng tác viên giáo dân của Dòng Ngôi Lời được tổ chức tại Nemi, Roma từ ngày 14 đến ngày 29 tháng 10 năm 2017. Có ba mươi sáu tham dự viên, là những người đã đăng ký tên của họ từ tất cả bốn vùng. Đây là một cơ hội để thảo luận hơn nữa về sự cộng tác của chúng ta, sứ vụ truyền giáo và thừa tác vụ của chúng ta với giáo dân.

Lm. Antôn Pađôva Nguyễn Thanh Hà, SVD chuyển ngữ

Bài trướcGiáo xứ Kim Cương – Sa mạc huấn luyện và Lễ Thăng cấp – năm 2017
Bài tiếp theoKỳ Tuyển Sinh Ơn Gọi Ngôi Lời – Năm 2017

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.