Vài câu chuyện trên bước đường sứ vụ

0
605

VÀI CÂU CHUYỆN TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG SỨ VỤ

Lm. Gioan Baotixita Trịnh Đình Tuấn, SVD

Thấm thoát cũng đã hơn mười tháng tôi sống và làm việc mục vụ tại giáo xứ. Giáo xứ tôi mục vụ nằm ven một thành phốcách thủ đô Santiago – Chile chừng 100km. Quả thật đây là một thời gian quá ư khiêm tốn để ta nói về những thành công hay thất bại trong sứ vụ. Thời gian đó chỉ đủ để tôi có cái nhìn về những gì tôi đã gặp, đã cảm nghiệm khi thực thi sứ vụ nơi xứ người.Dưới đây là một vài câu chuyện trải nghiệm và cái nhìn mang tính cá nhân của tôi trong khi thực thi sứ vụ.

Chuyện giải tội Mùa Chay

Khi tôi đến giáo xứ này cũng là vào đúng dịp Mùa Chay. Mùa Chay là Mùa ăn năn sám hối, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức. Tôi nhớ hơn một năm về trước khi đang ở Việt Nam và chuẩn bị thủ tục để xuất cảnh. Thời gian đó cũng vào dịp Mùa Chay và chúng tôi đã có chừng một tháng thường xuyên đi giải tội tại các giáo xứ. Xứ nào cũng đông nghẹt người tới xưng tội và cả hàng chục linh mục phải ngồi tòa cả vài ba tiếng đồng hồ. Kinh nghiệm đó tôi mang đi từ quê mẹ và khi nghe cha xứ nói với tôi là chuẩn bị để đi giải tội, tôi đã cảm thấy rất hồi hộp và lo lắng, bởi vì ngôn ngữ thì còn chưa thông, lại sợ lượng người đông như ở Việt Nam thì tôi quả thật sẽ rất vất vả. Tôi cũng cố gắng tìm và học công thức xá giải, nhờ các cha chia sẻ kinh nghiệm ngồi tòa,… để có thể nghe, hiểu và soạn cả lời khuyên giải và cách làm việc đền tội nữa,…

Thế rồi ngày giải tội cũng đến, chiều hôm đó anh em chúng tôi gồm ba người lên xe đi tới các giáo họ. Cũng nên nói thêm là giáo xứ chúng tôi ở vùng ven thành phố. Chúng tôi có 6 giáo họ nằm xung quanh giáo xứ. Anh em chúng tôi tới giáo họ đầu tiên, thấy được ông biện tới mở cửa và hai phụ nữ cũng vừa mới tới. Đợi thêm chừng 10 phút nữa được thêm hai người nữa tới. Thế là hai cha dày dặn kinh nghiệm mỗi người giải tội cho hai người, còn tôi một người. Tôi thật sự cảm thấy bất ngờ vì chuyện xẩy ngoài ý nghĩ của tôi.

Vì lịch đã thông báo trước đó cả hai tuần nên chúng tôi cũng phải đợi cho hết giờ như đã hẹn. Thế là ba anh em phải đợi cả tiếng đồng hồ chỉ để giải tội cho được năm người. Xong nơi đó, chúng tôi tiếp tục lên đường sang giáo họ khác. Qua tới nơi, chúng tôi thấy cửa nhà nguyện đang đóng kín, không có bóng người qua lại. Chúng tôi xuống xe đứng đợi chừng 15 phút thì thấy có bà giữ chìa khóa nhà nguyện tới hỏi cha có cần mở cửa nhà nguyện không? Nhưng hỡi ơi có ai tới đâu mà mở cửa để làm gì? Thế là chúng tôi được bà đứng tiếp chuyện một chút rồi anh em lên xe quay về. Trên đường về chúng tôi nói vui, giáo họ này toàn là thánh không à! Cả năm mới giải tội một lần mà không có một ai thấy cần phải xưng tội.

Những ngày tiếp theo chúng tôi tiếp tục đi các giáo họ khác và tình hình cũng chẳng mấy sáng sủa hơn, có giáo họ mà ngày chủ nhật tới bốn thánh lễ thì cũng chỉ vài chục hối nhân đến với bí tích Hòa giải.

Những Lễ tang buồn

Xứ tôi nổi tiếng là xứ có nhiều đám tang, vì dường như tuần nào cũng có ít nhất hai ba lễ tang. Đặc biệt vào mùa đông thì dường như ngày nào cũng có, có ngày 2 -3 người qua đời. Chính vì vậy, việc mục vụ thăm viếng bệnh nhân, xức dầu, lễ tang dường như là mục vụ chính của chúng tôi. Thời gian ở giáo xứ cũng giúp tôi có thêm kinh nghiệm về công việc mục vụ này.

Có lẽ khi đọc tựa đề “Lễ tang buồn” nhiều người sẽ cười, bởi lẽ tang chế sao không buồn được. Nhưng nỗi buồn mà tôi cảm nhận qua những lễ tang ở xứ này khác lắm. Những ngày đầu mới tới tôi bị một phen lúng túng và có thể nói là sốc vì những gì xẩy ra ngoài những kinh nghiệm tôi có. Hôm đó tôi được cha xứ nhờ dâng lễ tang, tôi cũng soạn bài giảng và chuẩn bị mọi sự chu đáo. Trước thánh lễ tôi ra mở cửa nhà thờ, soạn bàn lễ và mọi sựchu đáo. Tôi kéo chuông và vào mặc áo lễ. Sau đó tôi tìm người đọc bài đọc nhưng không ai chịu nhận đọc vì họ không quen.

Người ta đến đông kín nhà thờ. Bước vào Thánh lễ, tôi thầm nghĩ sẽ có một Thánh lễ sốt sắng vì người tham dự đông hơn cả lễ Chủ nhật. Nhưng hỡi ơi, những gì diễn ra sau đó không giống những gì tôi nghĩ. Cả một nhà thờ đông đúc mà không ai mở miệng đáp. Họ cũng không biết khi nào đứng, khi nào ngồi, tất cả cứ như những người đi xem phim rạp. Họ chỉ ngồi xem cha làm gì trên bàn thờ thôi. Cha cứ tự xướng – tự đáp, cha đọc bài một, đáp ca, lời nguyện,…nói chung cha đạo diễn từ A đến Z, rồi đến phần rước lễ cũng không có ai lên rước lễ. Thánh lễ kết thúc cũng chẳng thấy ai nói lời biết ơn cha chủ tế và mọi người tham dự, rồi họ khiêng xác đi chôn, còn cha thì khóa cửa, thu dọn bàn lễ và về phòng.

Tôi về phòng ngồi nghỉ chút mà lòng thấy buồn, buồn không phải vì vừa tiễn một người quá cố, vì đức tin cho tôi niềm trông cậy rằng họ đang được hưởng nhan thánh Chúa, nhưng buồn cho những người còn sống, những người mang danh kitô hữu nhưng dường như cánh cửa nhà thờ còn quá xa lạ đối với họ;xa lạ đến nỗi một Kinh Lạy Cha cũng không thấy ai mở miệng ra đọc được.

Tôi về kể lại chuyện xẩy ra cho các cha trong cộng đoàn nghe thì được biết chuyện như thế này xảy ra nhiều lắm ở xứ này. Và sau đó chuyện tương tự thế này cũng lặp lại nhiều lần với chúng tôi, nhưng tôi đã quen dần với bầu khí như vậy.

Không phải tất cả các lễ tang đều như vậy, nhưng ta sẽ gặp rất nhiều trong xứ này. Đây là lễ tang của những người mà ta thường nói vui là những tín hữu tới nhà thờ hai lần trong đời, đó là rửa tội và an táng. Và rất nhiều người trong số những người tới tham dự thánh lễ là những tín hữu đã lãnh nhận bí tích rửa tội, nhưng họ dường như không hề thực hành đức tin nên tới nhà thờ mà cứ như đi xem phim là vậy.

Chile được xem là quốc gia Công giáo với số tín hữu theo thống kê lên đến 66,65% dân số. Ấy vậy nhưng khi sống và mục vụ bên đây ta thấy khác xa nhiều với ở Việt Nam lắm. Số người tới tham dự Thánh lễ ngày Chủ nhật rất thưa thớt, phần lớn là phụ nữ và người già, giới trẻ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngày thường thì không có thánh lễ. Tôi thường hay ví von Giáo hội Chile như những chú gấu đang ngủ đông. Hỏi ra thì nhiều người nhận mình là Kitô hữu, nhưng họ không tới nhà thờ. Nhiều người cứ ung dung tự tại cho đến giờ nguy tử thì chạy đến tìm linh mục để xin xức dầu và khi chết thì dâng lễ. Đối với nhiều người Chile vậy là đủ lên thiên đàng rồi!

Sống trong niềm hy vọng

Những ngày cuốinăm vừa qua, giáo xứ chúng tôi tổ chức cho các em Xưng tội và Rước lễ lần đầu, cũng như cho một số em chịu phép Thêmsức. Giáo họ ít nhất cũng được hai em rước lễ lần đầu, giáo họ khác 7-8 em, giáo họ đông nhất được 14 em. Còn thêm sức thì cả giáo xứ được hơn 70 em.

Trước ngày cho các em lãnh nhận các bí tích, chúng tôi cũng tổ chức cho các em và phụ huynh xưng tội. Nhìn thấy đông đủ các em giáo lý và một số phụ huynh (đa phần các bà mẹ) đến xưng tội. Chúng tôi cũng nhìn thấy được sự háo hức và phấn khởi trên từng khuôn mặt các em. Hy vọng ngọn lửa yêu mến, lòng nhiệt huyết và đức tin cháy bỏng mà các em đang có sẽ mãi rực cháy trong tâm hồn các em. Giáo hội địa phương bên đây có vẻ đang già cỗi và thiếu vắng giới trẻ trong các Thánh lễ. Nhưng qua những dịp đặc biệt như thế này, hy vọng Giáo hội sẽ được tươi trẻ lại.

Giáo hội Chile trong những ngày giữa tháng 1/2018 vừa qua đã rất nhộn nhip và sốt mến đón Đức Giáo hoàng Phanxicôviếng thăm. Giáo hội địa phương đặt niềm hy vọng lớn lao vào chuyến viếng thăm này, với hy vọng vị Cha chung của Giáo hội có thể củng cố và tăng cường đức tin của các tín hữu, đặc biệt là cho giới trẻ, những người đang có xu hướng sống xa dần Giáo hội. Hy vọng với niềm động viên khích lệ và các huấn dụ của Ngài sẽ là động lực thúc đẩy người tín hữu sống và thực hành đức tin một cách sốt mến hơn.

Đôi điều chia sẻ trên đây với ước mong mọi người đọc, hiểu và thêm lời cầu nguyện cho Giáo hội, cho các nhà truyền giáo và cho mọi tín hữu. Hy vọng với ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn và tăng cường sinh lực, Giáo hội Chúa sẽ ngày một tiến triển và ngày càng có thêm nhiều tín hữu sống đức tin một cách hăng say, nhiệt thành và xác tín hơn.

 

Bài trướcChương trình lễ an táng Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc
Bài tiếp theoThông báo: Linh cữu Đức Tổng về Sài Gòn vào tối thứ Năm 15/03/2018

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.