LỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 5 Phục Sinh)

0
376

Bài đọc: Cv 14,5-18

Tin Mừng: Ga 14,21-26

Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian ?” Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

—– SUY NIỆM —–

TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC (Tu sĩ  Micae Trần Văn Cường, SVD)

Tình yêu, nếu chỉ là những lời nói trên đầu môi chót lưỡi thì thật mau phai tàn, chóng qua. Tình yêu, nếu muốn bền vững, phải được biểu lộ qua những hành động yêu thương cụ thể.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy yêu mến và giữ lời của Ngài. Điều này có nghĩa là tình yêu đích thực phải được bộc lộ qua việc yêu mến và thực thi ý muốn của Thiên Chúa. Nếu chỉ yêu mến thôi thì chưa đủ, nhưng xa hơn nữa, lòng yêu mến đó phải được biểu lộ bằng những hành động cụ thể. Thánh Gioan đã mời gọi, anh em đừng yêu thương nhau nơi đầu môi chót lưỡi nhưng hãy yêu thương nhau bằng việc làm (x. 1Ga 3,18). Chính Đức Giêsu là tấm gương cho chúng ta thấy thế nào mới là tình yêu đích thực. Ngài đã yêu mến Chúa Cha hết lòng qua việc vâng phục Chúa Cha cách tuyệt hảo. Sự vâng phục này thể hiện qua việc Đức Giêsu đến trong thế gian, chịu đau khổ, mang lấy tội nhân loại và chết trên cây thập giá. Noi gương Đức Giêsu, mỗi người chúng ta hãy sống tình yêu của mình cách trọn vẹn. Bổn phận của chúng ta là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Nếu yêu mến Thiên Chúa đích thực, ta phải biết từ bỏ những gì là cám dỗ, tội lỗi, khiến ta xa cách Ngài. Mặt khác, ta cần biết quay về với bí tích Giao Hòa sau mỗi lần vấp ngã để đón nhận ơn tái sinh. Nếu ta yêu mến tha nhân đích thực, ta cần phải loại bỏ đi những tham, sân, si và sự ích kỷ. Ta cần nhìn người khác bằng ánh mắt yêu thương thay vì hận thù. Xa hơn nữa, ta cần hành động cách vô vị lợi như Mẹ Têrêsa đã làm. Đó là sự thấu cảm của con tim, sự hy sinh quên mình, cúi xuống để cùng nếm mùi đau khổ với những con người bên lề xã hội.

Lạy Chúa, xin lấp đầy trái tim chúng con bằng tình yêu của Ngài. Để từ đó, chúng con không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là sống cho Thiên Chúa và đem tình yêu của Ngài đến cho những người xung quanh qua những việc làm yêu thương. Amen.


ĐẾN VÀ Ở LẠI (Tu sĩ Giuse Đinh Viết Mậu, SVD)

Cuộc sống hiện tại cho ta thấy để hiểu một con người  cần  có  một  khoảng thời gian sống nhất định. Việc sống ở đây không chỉ là gặp gỡ chốc lát nhưng trên hết là “ở lại” với họ để hiểu, cảm thông và chia sẻ vui buồn.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời Ngài. Trong bối cảnh đó, câu nói “đến và ở lại” gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Lật lại lịch sử cứu độ, chúng ta có thể thấy rõ hơn về điều này. Thời Cựu Ước Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu qua hành động “đến và ở lại” với dân Do Thái nơi hình ảnh “lều hội ngộ”. Tiên tri Êlia đã “đến và ở lại” với bà góa nghèo thành Sarépta để minh chứng quyền năng của Thiên Chúa qua dấu chỉ “hũ bột chẳng vơi, vò dầu chẳng cạn”. Vào thời Tân Ước, Đức Maria hành trình “đến và ở lại” nhà của bà Êlisabét để chia sẻ niềm vui với chị họ. Đức Giêsu đã “đến và ở lại” nhà của Giakêu để đồng cảm và dẫn đưa ông đến “nẻo chính đường ngay”. Như vậy, xuyên suốt dòng lịch sử nhân loại chúng ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh nhiều chứng nhân “đến và ở lại” để thông chia vui buồn và làm cho tình yêu Thiên Chúa được triển nở.

Ngày nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục “đến và ở lại” với con người qua đời sống phụng vụ cũng như chứng nhân Tin Mừng. Ngài mời gọi mỗi chúng ta khước từ những tiện nghi vật chất để “đến và ở lại” với những người nghèo khổ, những vùng đất mới lạ, thậm chí cả những nơi đang bị bách hại, đàn áp tôn giáo. Ngang qua sứ vụ ấy, chúng ta chiếu tỏa dung mạo thương xót của Thiên Chúa và thắp lên trong mỗi người ngọn lửa tình yêu của Ngôi Lời Nhập Thể.

Lạy Chúa, Ngài đã sai con một là Đức Giêsu để “đến và ở lại” với nhân loại. Xin Chúa hướng dẫn và ban sức mạnh để chúng con sẵn sàng rũ bỏ những quyến luyến của cuộc đời này mà sẵn sàng lên đường đem tình yêu của Ngài đến với muôn người. Amen.


 

DÂY CHUYỀN VÀ PHẬN VỤ CỦA TÌNH YÊU (Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)

Thánh Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Tình yêu không chỉ là một trong những phẩm tính của Thiên  Chúa, nhưng Người là chính tình yêu. Tình yêu bao trùm lấy ngôi vị của Người. Thánh Gioan nói tiếp: “tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên  Chúa, nhưng chính Người yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 8,10).

Mỗi tín hữu đều được mời gọi cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho mình và cho toàn thể nhân loại. Một cảm nghiệm sâu sắc sẽ dẫn người ta đến đáp trả tình yêu. Hành động cụ thể của lòng yêu mến Chúa là “có và giữ các điều răn của Người” (Ga 14,21). Điều răn quan trọng nhất của Đức Giêsu là “điều răn mới: Anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Ý muốn của Thiên Chúa tình yêu thật lạ lùng. Người muốn chúng ta chứng tỏ tình yêu Người bằng cách giữ các điều răn của Người, bằng cách yêu thương nhau. Sao Chúa không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Chúa mà bảo chúng ta làm cho nhau, ấy là yêu thương Chúa? Bởi vì điều Chúa muốn là lan tỏa tình yêu.

Điều tốt nhất mà chúng ta làm cho Chúa là lan tỏa tình yêu càng xa càng tốt, đến càng nhiều người càng hay. Yêu thương nhau là yêu Chúa Giêsu, yêu Chúa Giêsu là yêu Chúa Cha và được Chúa Cha yêu, được Chúa Cha và Chúa Giêsu đến và “cư ngụ” trong mình. Ngược lại với những người chứng tỏ tình yêu của mình bằng cách “giữ các điều răn của Chúa” là những người không yêu và không giữ “những lời của Chúa”.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho mình và cho gia đình mình để rồi chúng con cũng biết đáp trả bằng những hành động yêu thương dành cho người khác. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 5 Phục Sinh – B)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 5 Phục Sinh)