Tuần Tĩnh tâm thường niên của Linh mục đoàn Giáo phận Nha Trang từ ngày 21/11 – 25/11/2016

0
283

Tuần tĩnh tâm này được sự hướng dẫn của Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục phó Giáo phận Bà Rịa, với chủ đề ”Niềm vui của trái tim mục tử”, chủ đề này được nêu lên như một hệ luận của Năm Thánh Lòng Thương xót vừa kết thúc, muốn mở ra một góc nhìn vào tác vụ mục tử qua lăng kính tình yêu.

Tòa Giám Mục Nha Trang, vào lúc 11g00 ngày 21/11/2016 gần 170 Linh mục trong giáo phận đề tề tựu về Tòa Giám Mục để tham dự tuần tĩnh tâm năm dành cho các triều và một số linh mục dòng đang làm việc mục vụ tại các giáo xứ.

Tuần tĩnh tâm này được sự hướng dẫn của Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục phó Giáo phận Bà Rịa, với chủ đề ”Niềm vui của trái tim mục tử”, chủ đề này được nêu lên như một hệ luận của Năm Thánh Lòng Thương xót vừa kết thúc, muốn mở ra một góc nhìn vào tác vụ mục tử qua lăng kính tình yêu, để nhận ra một chi tiết cũng nên tô đậm lại, đó là niềm vui của trái tim linh mục đã được Thiên Chúa đổ tràn lòng thương xót.  Chủ đề này, một cách nào đó như được hòa vào dòng suy tư của Đức Phanxicô sau hai kỳ họp Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới, [Tông huấn Niềm vui của Tin mừng Evangeli Gaudium (2013) – Niềm vui của tình yêu Amoris Lætitia (2016)] .

Chủ đề gồm các yếu tố liên quan đến đức ái mục tử, được thể hiện qua những thao thức của trái tim và cung cách chăm sóc đoàn chiên của linh mục qua 7 bài chia sẻ:

Bài 1: NÀY SIMON

Jn 21,15-17
Hỏi “Phêrô”(biệt danh) : này “Simon”(đích danh), con ông “Gioan”(không thể nhầm với ai khác)
Chúa đang hỏi, nói chuyện với “tôi” và muốn “tôi” trả lời.
Tôi nhìn kỹ lại, để thêm một lần thấy “tôi” với những chi tiết nhận dạng đặc trưng, đồng thời cũng để kiểm tra lại chính tôi, xem có bị biến dạng cách nào không.
– Khi lãnh nhận thánh chức, linh mục được xức dầu để trở nên ngôn sứ, tư tế, lãnh đạo, với ba chức năng tương ứng: thánh hóa, giảng dạy và hướng dẫn các tín hữu.
– Xét về tương quan cộng đoàn, tôi là “cha”. Tôi đã có được những phẩm tính nào của một người cha?
– Xét về trách nhiệm, tôi là mục tử. Chiên không người chăn đã là điều đáng chạnh lòng, nhưng chiên có người chăn bất hảo lại là một bất hạnh lớn hơn.
– Xét về căn tính của người được chọn gọi, “tôi” là môn đệ và tông đồ của Đức Giêsu, Tôi đã học đến cấp mấy? Đã giống Thầy được bao nhiêu phần trăm rồi?
– Trong ơn gọi, tôi phải trở nên conformatus Christo và trong tác vụ, tôi phải hành động in personna Christi, một lý tưởng không cho phép linh mục được dừng lại bao giờ

Bài 2: NIỀM VUI CỦA LINH MỤC

Niềm vui vừa là thành quả vừa là động lực cho đức ái mục tử. Niềm vui làm trái tim nở hoa, cho bàn tay thêm ấm áp và đôi chân thêm nhanh nhẹn.
Niềm vui tạo nền cho cảm nghiệm hạnh phúc trước tình yêu được đón nhận và trao ban.

a- Niềm vui trong thánh chức: niềm vui của người tôi tớ thấp hèn được Chúa đoái thương (Lc 1,48), niềm vui tìm thấy kho tàng và ngọc quý (Mt 13,44-45), niềm vui của Đức Giêsu (Gn 15,11; 17,13), niềm vui không ai lấy mất được (16,22)

Niềm vui của người “được thương xót và chọn gọi”

– Matthêô – “Miserando atque eligendo”: người ta ghét nhưng Chúa thương, con người chê nhưng Chúa chọn, không chờ đợi nhưng được Chúa gọi
– Phêrô – “hãy theo Thầy”: dù nhiều tật xấu, dù nhiều khuyết điểm, dù chối Thầy
– Phaolô – “người tệ nhất” (cf Ep 3,8); được gọi lúc đang còn là “Saulê”, cú ngã hồng phúc, chiếc bình sành dễ vỡ (2Cr 4,7)
– Giuđa – “Này bạn”, … bạn vẫn còn cơ hội cuối cùng

Sống ơn gọi linh mục

Luôn ý thức về lực đối kháng giữa Simon và Phêrô, giữa “xác thịt” và Thần khí”, biết mình “yếu hèn” nên chấp nhận để cho Đức Kitô sửa dạy.

b. Niềm vui trong tác vụ: vui vì tên các con được ghi trên trời (Lc 10,20), niềm vui khi đón nhận không lớn bằng niềm vui khi cho đi (Cv 20,35)

– niềm vui nơi trái tim những người trẻ để làm bừng cháy ngọn lửa nhiệt thành thúc bách họ nhanh nhẹn đáp trả tiếng Chúa gọi mời.
– niềm vui của các linh mục trẻ những người vừa bước vào tác vụ trong tư cách là người đã được xức dầu, đồng thời cũng có cảm giác như đang được các tín hữu xức dầu lại … niềm vui đi tới, làm mọi việc như thể lần đầu, niềm vui được tiêu hao trọn cả cuộc sống vì Chúa.
– niềm vui nơi những người đã qua một vài năm thi hành phận vụ linh mục, niềm vui trên những đôi vai đang mang gánh nặng của tác vụ tông đồ, đang cần tăng cường sức mạnh, đang “thở lấy hơi lại”, niềm vui được cảm nhận ngày càng sâu sắc và trưởng thành hơn.
– xin Chúa làm toả sáng niềm vui nơi các linh mục cao niên, những vị còn khoẻ mạnh hay đang đau yếu, niềm vui của Thánh giá, niềm vui được nhìn thấy những thế hệ mới, niềm vui trong nụ cười thanh thản và bình an của những người đang tiếp nhận những điều Chúa đã hứa ban.
Niềm vui trong tác vụ linh mục càng thêm sâu đậm khi người mục tử thực thi phận vụ chủ chăn với trọn lòng thương xót như Cha trên trời.

Bài 3: NIỀM VUI CỦA TRÁI TIM MỤC TỬ

A. TÁC VỤ MỤC TỬ

1Pr 5,2-4
“Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.”
Jn 10
Lý thuyết với ba phận vụ, thực tế với công việc hằng ngày của người chăn chiên: “qua cửa mà vào” – “gọi tên từng con” – “dẫn chiên đến đồng cỏ” – “để chiên được sống và sống dồi dào” – “bảo vệ chiên” – “hy sinh mạng sống vì đoàn chiên”- “tìm chiên lạc”
a. qua “Cửa” – Không chỉ trong cử hành bí tích, nhưng cả trong cư xử, vẫn luôn “in personna Christi”, hiền lành và khiêm nhường, phục vụ chứ không cần được phục vụ
b. biết chiên, gọi tên từng con – ở kề cận, ân cần đón tiếp mọi người, với cánh cửa mở và trái tim đủ rộng để có chỗ cho mọi người, không ngại tiếp xúc, trao đổi với tội nhân
c. chăm sóc, chăn dắt, dẫn chiên đến đồng cỏ
– cùng đi với và trong đàn chiên, biết học cách lắng nghe, thấu hiểu để nâng đỡ và hướng dẫn cách hiệu quả
đi trước – đi giữa  – đi sau
– với chiên ngoan: học cách nói của Chúa Giêsu với cung giọng của mục tử nhân lành
– với chiên “hư”: học cách chăm sóc của người Samaria nhân hậu (Lc 10,29) với những động từ chứ không phải danh từ
d. để chiên được sống và sống dồi dào
– mục tử là chiếc cầu với bảy nhịp bí tích đưa chiên đến gặp Thiên Chúa, giúp chiên sống dồi dào nhờ nguồn lương thực, kho linh dược là Lời Chúa và các Bí tích
– không đánh giá thấp “thần học của dân chúng” cũng như “linh đạo bình dân”, trong khuôn khổ lòng đạo đức bình dân, vẫn luôn được Chúa Thánh Thần tác động
e. bảo vệ chiên
– sư tử luôn lượn quanh tìm mồi, sói rừng luôn tìm cách để vồ chụp chiên non, trộm cướp vẫn muốn làm đàn chiên tan tác
– mục tử luôn tỉnh thức canh phòng, khôn ngoan hộ trực, can thiệp nhanh chóng và hiệu quả, khi cần sẽ kiên cường chiến đấu, không sợ mang thương tích
f. tìm chiên lạc
– tìm kiếm những con chiên chậm bước, rời đàn, lạc lối [Lc 15: chiên vô ý đi lạc; đồng bạc do chủ đánh rơi, hai đứa con cố tình bỏ đi] – chiên chưa thuộc về đàn
– tìm phương thức sáng tạo và hiệu quả

Bài 4: NIỀM VUI CỦA TRÁI TIM MỤC TỬ

B. TRÁI TIM MỤC TỬ  Amoris officium

Jn 21, 15-17     “Hãy chăn dắt, chăm sóc chiên của Thầy”

a. trái tim tràn đầy tình yêu Thiên Chúa
– trái tim ngập tràn ân sủng, tình yêu và ơn thông hiệp
– trái tim ở kề bên Thánh Tâm, trái tim của bạn hữu chứ không phải của tôi tớ, trái tim mang đầy thương tích, thánh giá, gai nhọn, lưỡi đòng nhưng luôn rực lửa
– trái tim ngoan ngãn vâng nghe Thánh Thần, biết nghe điều Thần Khí muốn nói với các Giáo Hội (Kh 2,7)
b. trái tim tràn đầy lòng thương xót
– trái tim mang hơi ấm và hương thơm của lòng thương xót – trái tim người cha, trái tim người mẹ
– trái tim không có bờ rào ngăn cách, giới hạn, không biết mệt và không bao giờ bỏ cuộc
– trái tim luôn vang vọng bài ca đức ái
– trái tim  “Misericordes sicut Pater”

Gợi ý Tin Mừng – là đứa bé tốt bụng (Jn 6,9) – là người mẹ liều lĩnh, lì lợm ở Tyrô, là bà Zêbêđê chìu con – là người Samari tận tâm, chu đáo – là người làm vườn kiên nhẫn, người chủ ruộng sợ nhổ lầm lúa tốt – là bà già tẩn mẩn quét nhà moi móc để tìm đồng bạc – là người chăn chiên không biết tính toán – là người cha quá nhân từ, quá vô lý, quá vui

c. trái tim tràn đầy niềm vui
– niềm vui khởi sinh từ hồng ân thánh chức, được xức dầu hoan lạc trong Thánh Thần để được sai đi loan báo Tin vui cứu độ.
– niềm vui ngập tràn hạnh phúc vì được hòa vào dòng chảy của tình yêu Ba Ngôi
– niềm vui được củng cố, ngày càng thêm sâu đậm và lan tỏa khi thi hành ba phận vụ thánh hoá, giảng dạy và hướng dẫn với đức ái mục tử luôn đi liền với sự nhạy cảm của lòng thương xót
– niềm vui được liên kết vào sứ mạng của vị Mục tử nhân lành, muốn ở lại và hoạt động giữa đoàn dân Thiên Chúa
– niềm vui được làm mục tử mang trong mỉnh trái tim dịu hiền của vị Mục tử nhân lành
– niềm vui không phải cho bản thân, nhưng cho người khác và vì người khác,
– niềm vui mỗi ngày cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho đoàn chiên, và cho mọi người
– niềm vui làm quên đi nỗi nhọc mệt, không vui thì càng mau mệt
– niềm vui cả khi kiệt sức

Bài 5: NIỀM VUI CHƯA TRỌN

Nếu mục tử mất lửa tông đồ, trái tim vơi cạn yêu thương, thì niềm vui cũng không còn đất sống.

Lạnh nhạt trái tim người môn đệ

– dù không thuộc về thế gian, nhưng vì vẫn sống giữa thế gian, nên người môn đệ cũng khó thoát khỏi hết những cạm bẫy của ác thần;
– dù đã biết bao lần “thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em”, nhưng mãi vẫn chưa sửa đổi, vẫn chưa bao giờ thật sự nỗ lực thánh hoá bản thân để chỉ mong phần nào “xứng đáng cử hành mấu nhiệm thánh”.
Những căn bệnh làm suy yếu trái tim môn đệ

Vô cảm trái tim người tông đồ

“Hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho chiên không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ” (1Pr 5,2)
– muối nhạt dần, nên nhiều khi vẫn hoạt động hăng say tích cực, nhưng có thể chỉ vì những động lực thuần tuý nhân loại hoặc do sở thích bản thân, hoặc tệ hại hơn, chỉ mưu tìm những tiện nghi lợi lộc vật chất thấp hèn
– đèn lụi dần, nên không còn sáng tạo khởi xướng mà chỉ còn an phận thủ thường, dùng quyền bính để cai quản chứ không còn lưu tâm nêu gương sáng cho đoàn chiên
lửa tàn dần, nên không còn nhiệt tình mà chỉ còn nguyên tắc, không còn dấn thân tự nguyện mà chỉ còn miễn cưỡng chán chường
Những căn bệnh làm rối loạn trái tim mục tử
mặc cảm ưu tuyển, tự tôn, tự ái,
suy thoái cảm tính, mất sự nhạy cảm nhân bản, thiếu khả năng yêu thương vô điều kiện
mặc cảm quyền bính, kiêu kỳ nghiêm nghị, cứng cỏi, cư xử với thái độ cứng rắn, cộc cằn và kiêu hãnh
tâm thần phân liệt, tạo thế giới song song vừa theo ý Chúa vừa theo ý mình, không còn trong tim “những tâm tình của Chúa Giêsu” (Pl 2,5)
ung thư tình cảm, dành nhiều ưu tiên cho cá nhân hay nhóm nhỏ, không quan tâm đến người ngoài nhóm, tạo khối u  gây gương mù nhức nhối, thiệt hại cho cộng đoàn
tê liệt tinh thần, mất ý thức về ơn gọi và sứ vụ, kèm theo hội chứng tự kỷ, bỏ việc mục vụ,
hội chứng làm thuê, làm việc tính giờ, chưa đảm nhận trách nhiệm đối với tha nhân (là con chiên, là gia sản, là con, là em của tôi)

Bài 6: TRÁI TIM MỤC TỬ TRAO BAN NIỀM VUI

A. NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG

Niềm vui nơi Đức Maria, Gioan Tẩy giả, mục đồng, ba vua, đám thiếu nhi, môn đệ, các tín hữu
Niềm vui cho Giakêô, viên thái giám, người cai ngục

Niềm vui của chính người loan báo tin vui

Người loan báo Tin Mừng cứu độ cảm nghiệm một niềm vui dịu ngọt và phấn khởi, cả khi phải gieo trong nước mắt.
Người loan báo Tin vui Phục sinh không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về, không bao giờ được rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng đầy nhiệt huyết, vì đã nhận được niềm vui của Đức Kitô.

Niềm vui nơi người được nghe Tin Mừng

Không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến.
Chúa Giêsu luôn có khả năng phục hồi niềm vui làm cho chúng ta có thể ngẩng đầu lên và bắt đầu lại.
Hội Thánh được kêu gọi trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa.

B. NIỀM VUI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Gặp được lòng thương xót, sẽ vui như gặp được một ốc đảo an bình xanh mát giữa nắng cháy của sa mạc hận thù, đố kỵ – như đứng trước cánh cửa rộng mở trong một chung cư khép kín, hững hờ vô cảm.

Đến với linh mục, ai cũng muốn gặp một thừa tác viên của Lòng thương xót chứ không phải một quan toà – gặp một người cha chứ không phải một ông anh ích kỷ, khó tính – nhận ra một misericordiae vultus thật sự.
Niềm vui được mang đến tận khu ngoại ô, đến những vùng ven còn nhiều bất hạnh.
Niềm vui này cũng được trao cho các thiên thần

C. NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU

Đức ái mục tử vun xới cho tình yêu con người đơm bông kết trái
Ba chủ đề mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:
– chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân: soi rọi niềm vui và vẻ đẹp đích thực của tình yêu đôi lứa và ý nghĩa của bí tích hôn nhân
– đồng hành với các gia đình: dẫn lối vào linh đạo hôn nhân và gia đình
– chăm sóc những gia đình đang khủng hoảng: giữ nhịp cho bài ca tình yêu

Bài 7: NIỀM VUI TRONG THÁNH THẦN

Đặt niềm vui của trái tim mục tử trên đôi cánh Chúa Thánh Thần, Đấng như gió muốn thổi đâu thì thổi, không biết từ đâu đến và thổi đi dâu, đồng nghĩa với quyết tâm giữ mãi nụ cười giữa trăm ngàn tình huống có thể xảy đến khi thi hành tác vụ

Niềm vui, hoa quả của Thánh Thần (Gal 5,22)

Chúa Thánh Thần trong niềm vui
niềm vui của ân sủng – niềm vui của đức ái – niềm vui của lòng biết ơn – niềm vui của Tin mừng – niềm vui của niềm tín thác – niềm vui của lòng trung tín – niềm vui của Nước Thiên Chúa
Niềm vui trong Chúa Thánh Thần
niềm vui có sức gắn kết của ơn hiệp thông, trong tình yêu và ân sủng – niềm vui có cùng chiều cao của tình yêu Thiên Chúa – niềm vui có cùng độ sâu của lòng thương xót – niềm vui mang chiều rộng của đức bác ái – niềm vui có cùng cường độ của niềm tín thác

niềm vui đơn sơ trong sáng của bồ câu, như hơi thở mang lại sinh khí, như ánh lửa làm bừng lên nhiệt tình, như làn gió lùa vào khắp nơi kể cả những căn phòng đóng kín cửa, như chất dầu thấm đượm lòng thương xót luôn lan tỏa hương thơm của tình yêu

Làm mới lại trái tim mục tử

Những lời nguyện đến từ nhiều hướng

Lạy Chúa,
xin ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những điều con không thể thay đổi,
cho con lòng can đảm để thay đổi những điều con có thể thay đổi,
cho con ơn khôn ngoan để phân biệt được điều  nào có thể và điều nào không thể đổi thay.
Reinhold Niebuhr

Lạy Thượng Đế, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt mọi thứ keo kiệt trong tim tôi,
xin cho tôi sức mạnh để thản nhiên gánh chịu mọi buồn vui,
xin cho tôi sức mạnh để đem tình yêu phục vụ cho đời, xin cho tôi sức mạnh để không bao giờ khinh rẻ người nghèo khó hay quỵ lụy trước ngạo mạn quyền uy,
xin cho tôi sức mạnh để nâng tâm hồn lên khỏi những ti tiện hằng ngày,
và xin cho tôi sức mạnh để yêu mến trao dâng chính sức mạnh của tôi cho thiên ý của Ngài.

Rabindranath Tagore

Lạy Chúa,
xin cho con trở nên khí cụ bình an của Chúa.
Nơi nào có oán ghét hận thù, xin giúp con xây dựng tình thương.
Nơi nào có khinh khi nhục mạ, xin giúp con mang lại thứ tha.
Nơi nào có mâu thuẫn bất đồng, xin giúp con nên người hòa giải.
Nơi nào có giả dối sai lầm, xin giúp con rao truyền chân lý.
Nơi nào có hoài nghi ngờ vực, xin giúp con củng cố đức tin.
Nơi nào có nản chí sờn lòng, xin giúp con gieo niềm hy vọng.
Nơi nào có bóng tối mây mù, xin giúp con khơi nguồn ánh sáng.
Nơi nào có u sầu buồn bã, xin giúp con đem lại an vui.
Phanxicô Assisi

Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng đáng
biết cho đi mà không tính toán
biết làm việc mà không tìm an nghỉ
biết chiến đấu mà không sợ mang thương tích
biết tiêu hao mình đi
mà không tìm một phần thưởng nào khác
ngoài việc biết rằng con đã thi hành thánh ý Chúa.
Ignatiô Loyola



Tác giả bài viết: BTT Giáo Phận
(nguồn: giaophanpnhatrang.org)
Bài trướcLinh mục được dùng máy tính bảng để dâng Lễ và đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ không?
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.