Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A

0
430

Bài Ðọc I: Is 11, 1-10

“Chúa lấy sự công minh mà xét xử người nghèo khó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa.

Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng, và lấy sự trung tín làm đai lưng.

Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương.

Ngày ấy gốc Giêsê đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân. Các dân sẽ khẩn cầu Ngài, và mộ Ngài sẽ được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 12-13. 17

Ðáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người (c. 7).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Ðáp.

2) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người cho tới khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. – Ðáp.

3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống người cùng khổ. – Ðáp.

4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca khen người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 15, 4-9

“Chúa Kitô cứu rỗi hết mọi người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, những gì đã viết ra là có ý để giáo huấn chúng ta, hầu nhờ Thánh Kinh thêm sức và an ủi, chúng ta được cậy trông. Xin Thiên Chúa, nguồn kiên tâm và an ủi, ban cho anh em biết thông cảm với nhau theo gương Chúa Giêsu Kitô, để anh em đồng thanh tôn vinh Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Vì thế, anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Vì chúng tôi quả quyết với anh em: để chứng tỏ sự chân thật của Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô đã phục vụ những người chịu phép cắt bì, hầu xác nhận lời hứa cùng các tổ phụ. Còn dân ngoại, họ tôn thờ Thiên Chúa vì lòng nhân từ Người, như lời chép rằng: “Vì vậy, lạy Chúa, con sẽ cao rao Chúa và sẽ ca tụng danh Chúa giữa các dân ngoại”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 3, 4. 6

Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 3, 1-12

“Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan.

Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: “Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Ðấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Ðấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

SỐNG TÂM TÌNH SÁM HỐI

Lm. Antôn Trần Xuân Sang,SVD

Trong khi tiết trời vào Đông se lạnh ở Việt Nam, các nước Á châu và Bắc Mỹ với những bài thánh ca bất hủ về Giáng Sinh được vang lên khắp nơi, thì bên kia bán cầu Nam Mỹ thời tiết lại nóng bức vì đang bước vào cao điểm của mùa Hè nên không hề có chút không khí mừng Chúa Sinh ra đời. Bởi thế, người dân ở Nam Mỹ chỉ có thể độ nhạc bài “Hang Bê-lem” của cố Nhạc Sĩ Hải Linh như sau: “Nóng lên, mừng Chúa Giáng Sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa…

Chúng ta vừa kết thúc Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhật Lễ Kitô Vua ngày 20 tháng 11 vừa qua. Có lẽ mỗi người chúng ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng phần nào vì trong Năm Thánh chúng ta đã được lãnh nhận bí tích hòa giải và bước vào Cửa Thánh để lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa.

Theo niên lịch phụng vụ thì Chúa Nhật I Mùa Vọng chúng ta bước vào Năm Phụng Vụ Mới và năm nay là năm A với các bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật theo Thánh Mátthêu. Trong Mùa Vọng, Hội Thánh kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa chuẩn bị tâm hồn cho xứng hợp để đón mừng Chúa đến. Chúng ta vừa nghe thánh Mátthêu trình bày với chúng ta một nhân vật đặc biệt của Mùa Vọng – Gioan Tẩy Giả: Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,1-2).

Để chuẩn bị cho một chuyến viếng thăm ngoại giao của một nguyên thủ quốc gia như chuyến thăm của tổng thống Hoa Kỳ Obama đến Việt Nam vào cuối tháng 5 vừa qua, cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đã có biết bao nhiêu sự chuẩn bị, ví dụ gởi các thiết bị tân tiến nhất nhằm bảo vệ an ninh cho vị nguyên thủ và đoàn tùy tùng, nhưng trên hết là gởi các đặc sứ đến để thương thảo, đàm phán và sắp xếp mọi chuyện để chuyến viếng thăm đạt được nhiều kết quả như mong đợi.

Cũng vậy, để chuẩn bị cho chương trình cứu độ của Con Thiên Chúa làm Người, Thiên Chúa đã sai sứ giả của Người là Gioan Tẩy Giả đến để dọn đường và rao giảng cho mọi người về sự Sám Hối và ơn Tha Thứ để đón nhận ơn cứu độ.

Sám hối hay hoán cải trước hết là từ bỏ nếp sống giả hình, nếp sống ‘khẩu phật tâm xà’: môi miệng đọc hết kinh này sang kinh khác, nói năng những lời ngọt ngào nhưng lòng dạ đầy những toan tính xấu xa; ngoài xã hội thì khuyên người khác ăn ngay ở lành còn riêng mình thì lại sống bê tha, khuyên mọi người hãy thương mến nhau nhưng sau lưng thì toàn đi nói xấu kẻ khác!

Chúng ta thường nói đến sám hối bằng cách đọc vài kinh, tham dự vài cuộc tĩnh tâm và xưng tội như những người không Công Giáo thường bông đùa rằng người Công Giáo cứ phạm tội thoải mái và sau đó đi xưng tội và ông cha sẽ tha hết. Tất nhiên những hành động bề ngoài là cần thiết: trong bài Tin Mừng hôm nay, việc sám hối được thể hiện qua việc để cho mình được dìm trong một phép rửa tỏ lòng sám hối, tức là qua một hành động bề ngoài. Nhưng chỉ những hoạt động bề ngoài thôi thì chưa đủ. Điều chính yếu cần phải làm là “sinh hoa quả xứng với lòng hối cải”.Sám hối cần phải gắn liền với canh tân, phải trở thành một con người mới, sống trong một thời đại mới, thời đại cứu chuộc, thời đại ân sủng và tình thương của Chúa. Đó chính là điều quan trọng nhất trong Mùa Vọng này

Sám hối mà Gioan Tẩy Giả muốn nói ở đây là từ bỏ những hình thức bói toán, lên đồng, những hình thức ỷ lại vào tiền tài, danh vọng. Đừng nghĩ rằng có được bằng cấp cao thì tự cho rằng mình là bậc thông thái, biết hết mọi chuyện. Đừng nghĩ rằng mình sinh ra trong một gia đình giàu có, muốn gì cũng được rồi coi khinh người khác. Đừng nghĩ rằng mình là con nhà gia giáo, trong gia đình có nhiều linh mục, nữ tu rồi có quyền ngồi xét đoán kẻ khác giống như thái độ kiêu căng tư phụ của dân Do Thái xưa khi họ nhìn đời bằng nửa con mắt, vênh vang tự đắc, khinh khi người khác vì nghĩ rằng mình là con cháu tổ phụ Ápraham.

Sám hối không chỉ là nhận ra lầm lỗi của mình nhưng rồi để đó nhưng còn phải đi xa hơn một bước nữa. Sám hối phải dẫn tới việc sửa đổi đời sống như thánh Gioan đã nói:“Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối” (Mt 3,5tt), và cụ thể như thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Rôma: “Anh em hãy tiếp rước nhau như chính Đức Giêsu đã tiếp nhận anh em”(Rm 15,4-9).

Để có thể sám hối trọn vẹn, chúng ta phải nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa. Một tấm lòng hỗn độn, đầy những lo âu và tham vọng chắc chắn không thể nào nhận ra lời kêu gọi của Gioan Tẩy giả phát xuất từ sa mạc. Cũng vậy, chỉ khi trong tâm hồn có một chỗ trống, có nghĩa là sẵn sàng dẹp bỏ mọi lo âu bận rộn qua một bên, trở về với lòng mình trong thinh lặng, chúng ta mới nhận ra tiếng Chúa. Chính lúc đó Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ làm việc trong chúng ta. Ngài sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan và thông suốt để phân biệt đâu là công minh chính trực, đâu là gian tà, phân biệt đâu là lúa, đâu là cỏ lùng. Ngài sẽ tăng sức giúp chúng ta đạt tới đích điểm.

Hoán cải tận căn chính là ngưỡng cửa bước vào một ‘trời mới đất mới’ mà ngôn sứ Isaia đã diễn tả trong bài đọc I: “Sói sống chung với chiên con, beo nằm chung với dê, trẻ con măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục…” (Is 11,1-10).Khi gia đình biết sống yêu thương hoà thuận với nhau, khi mỗi người biết trở về với Thiên Chúa là Đấng Chân-Thiện-Mỹ thì cuộc sống sẽ vô cùng hạnh phúc như thiên đàng ở trần gian. Chúng ta không cần phải đợi sau khi chết mới biết được hạnh phúc trên thiên đàng, nhưng ngay từ bây giờ nếu như chúng ta muốn, như người Pháp có câu“Vouloir c’est pouvoir- muốn là được”, chúng ta có thể biến cuộc sống hiện tại của chúng ta thành thiên đàng ở trần gian. Hạnh phúc trên thiên đàng có nghĩa là sự hiệp thông trọn vẹn và sống hài hòa giữa con người với nhau và với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên họ.

Những bài thánh ca về Chúa Giáng sinh tiếp tục vang lên trong bốn tuần của Mùa Vọng này nhằm nhắc nhở chúng ta một thái độ mong chờ để đón mừng sinh nhật Chúa. Trông chờ Chúa đến cũng có nghĩa là chuẩn bị đón mừng Chúa trong đêm Giáng Sinh và trong những biến cố cuộc đời. Và lời kêu gọi của thánh Gioan Tẩy Giả vẫn có giá trị đối với chúng ta ngày hôm nay: Hãy sám hối, hãy trở nên người mới, trong cách suy nghĩ, trong cách cư xử đối với Chúa và đối với anh chị em bởi vì đón nhận Chúa là đi vào một cuộc sống mới, một thời đại mới.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhìn ra con người yếu hèn của mình. Xin cho chúng con khám phá ra những ngăn trở làm chúng con không đến được với Chúa, không đến được với anh chị em chúng con. Xin cho chúng con biết tìm về tận căn của những lỗi phạm ấy và làm một cuộc hoán cải đúng nghĩa. Xin cho hoa quả của lòng sám hối giúp chúng con được Chúa đón nhận và chúc lành trong ngày Chúa Giáng Sinh.

Bài trướcTuần Tĩnh tâm thường niên của Linh mục đoàn Giáo phận Nha Trang từ ngày 21/11 – 25/11/2016
Bài tiếp theoAudio Lời Chúa + Suy niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.