Truyền Giáo và Lực Cản (Mt 5, 13-16)

0
614

Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Phú, SVD

 

Truyền giáo là đáp lại một lời mời gọi (x. Mt 28,19), là sống căn tính của người Kitô hữu (Ad Gentes), và là cách thế yêu thương đồng loại khẩn thiết và tuyệt vời nhất (Thánh Arnold Janssen).

Công đồng Vatican II, trong sắc lệnh Đến Với Muôn Dân (Ad Gentes) số 35-36, nhấn mạnh:

Toàn thể Giáo Hội phải truyền giáo và công cuộc Phúc Âm hóa là nhiệm vụ căn bản của toàn thể Dân Chúa… Vì là chi thể của Chúa Kitô hằng sống, được tháp nhập và nên đồng hình đồng dạng với Người nhờ bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, nên tất cả các Kitô hữu đều có bổn phận phải cộng tác vào việc tăng trưởng và phát triển Thân Thể Người, để nhanh chóng đạt tới tầm vóc viên mãn.

Vì thế, tất cả những người con của Giáo Hội phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải vun đắp tinh thần Công giáo đích thực, và phải dành mọi công sức cho công cuộc Phúc Âm hóa. Tuy nhiên mọi người phải biết rằng, bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc truyền bá Đức Tin là sống sâu xa đời sống Kitô hữu. Vì chính khi nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và bác ái đối với tha nhân, họ mang lại cho toàn thể Giáo Hội một cảm hứng thiêng liêng mới, và làm cho Giáo Hội tỏ hiện như dấu chỉ giương cao giữa các dân tộc, là “ánh sáng thế gian” và là muối đất…

Quả thật, trở nên muối để ướp mặn đời, trở nên ánh sáng để chiếu sáng thế gian là cách thế truyền giáo hữu hiệu và đối với Đức Giêsu đó là điều đương nhiên mà người môn đệ phải có: Anh em là muối cho đời; anh em là ánh sáng cho trần gian. Tuy nhiên, ở đời chẳng có chi dễ dàng.

Cha Anthony De Mello trong cuốn sách Taking Flight (được dịch là Bay Lên Đi) đã kể một câu chuyện rằng: Có một ẩn sĩ sống tại vùng sa mạc bên Ai cập. Ngày kia, ông quyết định rời túp lều của mình để đi một nơi khác vì ông không thể chịu nổi những cơn cám dỗ đang hành hạ ông. Đang xỏ đôi dép vào chân để chuẩn bị lên đường, bỗng dưng ông nhìn thấy cách ông không xa lắm, một người giống như ông và cũng đang xỏ dép vào chân. Vị ẩn sĩ hỏi người lạ: – Ông là ai? – Tôi là cái “TÔI” của ông, người lạ mặt trả lời, rồi tiếp: – Nếu vì tôi mà ông phải rời chốn này, thì tôi báo cho ông biết là cho dù ông có đi đâu chăng nữa, tôi cũng sẽ theo ông.

Người môn đệ của Đức Giêsu sẽ gặp muôn vàn lực cản: lực cản của việc ra đi, lực cản của những khó khăn trong việc hội nhập, lực cản ở thái độ dửng dưng của con người vì những hấp lực mạnh mẽ từ thế gian, và có lẽ lực cản lớn nhất chính là cái tôi to đùng trong con người của người loan báo. Đức Giêsu có lẽ thấy trước được vấn đề nên đã khéo léo căn dặn: “ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Người môn đệ phải nỗ lực sống tốt, sống tinh thần làm chứng, nhưng không được tôn vinh bản thân, không phải vì mục đích để người ta tung hô mình, mà là để người ta ngợi khen và ca tụng Chúa. Diễn tả theo Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, ngài viết: “Nhờ kiên trì ở với Chúa Giêsu, các tông đồ đã được tình yêu của Người biến đổi để trở thành những con người phục vụ Tin Mừng, chứ không phải làm chủ Tin Mừng.”

Phục vụ là công việc của người nhỏ bé, công việc của đầy tớ. Đầy tớ thì khiêm nhường, ý thức thân phận của mình, và sống hết tình vì chủ. Đầy tớ thấy mình không quan trọng. Ngược lại, làm chủ là công việc của người to, người đứng đầu. Người làm chủ thì dễ thấy mình quan trọng, dễ xem mình là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ và là thước đo cho mọi người. Thái độ sống quy ngã hình thành: quyền là của tôi, sự quyết định là của tôi, danh thơm tiếng tốt phải thuộc về tôi, của cải vật chất cũng phải chảy về túi tôi… Có lẽ độc tài, độc quyền, độc đoán từ đó mà ra, tạo ra bao hệ lụy xấu. Blaise Pascal nhấn mạnh rằng: cái tôi là bất chính khi tôi là tâm điểm của mọi sự, cái tôi như thế là kẻ thù và cũng là tên bạo chúa đối với tha nhân.

Người môn đệ được Thầy dạy dỗ không thể trốn tránh một hiện hữu hiển nhiên trong bản thân như vị ẩn sĩ trong câu chuyện muốn làm, mà là phải đối diện để sống tinh thần từ bỏ, sống hiền lành và khiêm nhường, sống tính thần phục vụ, bởi chính Thầy cũng đã tự hủy chính mình để thi hành thánh ý Cha, đã đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và trao ban mạng sống: cúi xuống để rửa chân cho môn đệ và hiến thân trên thập giá.

Xin Chúa Thánh Thần khơi gợi trong chúng ta khát vọng loan báo Tin Mừng và giúp chúng ta dịch chuyển khát vọng đó thành lời nói, hành động, thái độ và lối sống thường nhật của mình.

Bài trướcNgày 10/06 – CHÚA THÁNH THẦN THANH TẨY TÂM HỒN TA
Bài tiếp theoNgày 11/06 – XIN GIẢI THOÁT CON KHỎI SỰ KIÊU NGẠO