Tình yêu mãnh liệt như tử thần

0
878

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

 

Tình yêu mãnh liệt như tử thần

Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh, như chiếc ấn trên cánh tay anh.

Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ.

Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng.

Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.

Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dể.

(Diễm ca 8, 6-7)

Tất cả chỉ là phù vân?

Điều gì thực sự đáng tin cậy và bền vững trong thế giới của chúng ta? Còn có điều gì có giá trị lâu dài nữa trong thời sống nhanh sống gấp này hay không? Nằm sau các thành tích được phô trương, sau câu hỏi về mình[1], sau muôn dạng câu likes và tìm sự chú ý khác là một niềm khao khát, là ước vọng: muốn được tôn trọng và quý mến, được đánh giá cao, được chú ý đến. Muốn được coi là quan trọng và muốn được lắng nghe. Đó là những gì người ta mong đợi và hy vọng, khi bằng lòng hay tìm kiếm sự xuất hiện nơi được nhiều người nhìn thấy – trên truyền hình, báo chí hay trên các phương tiện truyền thông hiện đại. Con số likes đòi hỏi và thúc đẩy những lối diễn xuất bất chấp và dị thường. Nhưng sự hiện diện trên phương tiện truyền thông, sự nổi tiếng trong vài phút này chỉ là dấu hiệu của sự suy tàn và nhất thời. Chóng quay chóng quên.

Hỏi có thể có được điều gì đó không bao giờ thay đổi? Nhất quán và đáng tin cậy khi mọi sự bị đầu độc bởi những lời nói và thực phẩm không sạch, bởi các hình ảnh ảo và các ý tưởng không ngay lành?

Sách Diễm ca nói rõ rằng có hai điều. Trước hết là tình yêu. Tình yêu thay đổi con người, nhưng bản thân nó không thay đổi. Và rồi cái chết. Một nhận thức nghe thật quen. Con người luôn biết yêu và luôn phải chết. Theo lời nhà phê bình văn học nổi tiếng người Đức Marcel Reich-Ranicki thì “mọi nền văn học lớn đều chỉ biết đến hai chủ đề: tình yêu và cái chết”, và phần còn lại được ông coi là “rác rưởi.” Nhận định này nghe thật gay gắt, nhưng nghĩ cho cùng thì không sai. Không chỉ trong các tác phẩm sử thi lớn, trong ca kịch và thơ văn thế giới, mà trong đời sống hiện thực, hai chủ đề này đóng vai trò chủ đạo: tình yêu và cái chết, cái chết và tình yêu.

Sinh lão bệnh tử là chuyển động tự nhiên của cuộc sống, không gì có thể thể cưỡng lại. Con người được sinh ra để cuối cùng chết đi. Tất cả chúng ta đều đang già đi, chúng ta đều đang cận kề cái chết và một ngày nào đó chúng ta phải buông bỏ mọi thứ. Đúng là mọi thứ. Chẳng ai có thể thoát khỏi cái chết. Cuối cùng thì cái chết là một sức mạnh mà tất cả chúng ta đều phải cúi đầu chấp nhận. Các sản phẩm Anti-aging [chống lão hóa] để bảo vệ da là nỗ lực xa nhất mà con người có thể thực hiện, chứ trước cái chết thì con người phải chịu bó tay.

Bên cạnh chuyển động giữa sinh tử đó có một chuyển động ngược hướng lại, dẫn vào sự sung mãn và vẻ đẹp của cuộc sống: từ cái chết vào sự sống thật. Đó là chuyển động của tình yêu. Người yêu trải nghiệm nó như một cuộc sống mới. Chúng ta cũng được sinh ra để đón nhận và cho đi yêu thương. Tình yêu là sức mạnh đối lập với cái chết. Đôi khi nó chiếm lấy chúng ta và phá hủy mọi thứ đã có trước đây. Tình yêu mê hoặc con người. Tình yêu cứu chuộc. Tình yêu chảy tràn ngập chúng ta với niềm vui và hạnh phúc.

Tình yêu mãnh liệt như tử thần

Sách Diễm ca nói đến chính sức mạnh đối kháng này. Một tuyển tập những bài thơ tình yêu dịu dàng và đầy khát khao từ thời cổ đại Israel, được đưa vào Kinh Thánh để cho thấy rằng: Cả sự khao khát tình yêu, tình dục, sự khêu gợi của con người là món quà tốt của Tạo Hóa. Tự nguồn gốc, chúng thánh thiện và đẹp đẽ. Chính Thiên Chúa ban cho chúng ta những niềm vui và sự khoái cảm đó. Thông điệp của sách Diễm ca được tóm tắt trong phần gần cuối của cuốn sách. Trong đó, một cô gái bắt đầu bằng một lời tỏ tình dành cho người yêu của mình. Cô ấy nói với anh ấy, hoặc đúng hơn có lẽ nên nói: Cô ấy dịu dàng thì thầm vào tai anh ấy: “Chàng hãy đặt em như chiếc ấn trên lòng, như con dấu trên cánh tay chàng.” Nàng muốn là sự xác nhận, sự đồng ý và luôn gần gũi người nàng yêu thương. 

Bản chất của tình yêu đích thực giữa một người nam và một người nữ được miêu tả ở đây một cách thơ mộng. Tình yêu được đề cao và tôn vinh theo cái nhìn của một người phụ nữ, và với lý do chính đáng: Vì tình yêu mạnh mẽ như cái chết, và đam mê không thể cưỡng lại như không thể tránh cõi chết. Theo quan niệm của người Israel cổ đại, sau khi chết người ta đi vào Sheol, vào âm phủ, vào bóng tối mà từ đó không ai có thể thoát ra được. Trên trái đất dường như không có gì mạnh mẽ và dứt khoát hơn là cái chết và cõi chết. Chỉ có một sức mạnh duy nhất mới có thể đối mặt với cái chết, theo lời người phụ nữ trẻ trong Diễm ca. Cô đã trải nghiệm sức mạnh của tình yêu trên chính cơ thể, trong trái tim của chính mình: đó là sức mạnh ngập tràn mọi sự của tình yêu.

Kinh Thánh nói với chúng ta ở đây: Nếu sức mạnh tình yêu chạm đến và nắm lấy ai, người đó không thể kháng cự lại. Người đó sẽ bằng lòng buông bỏ mọi sự, chứ không vì sợ hãi mà bám víu vào cái cũ xưa, và sẵn sàng lắng nghe một tiếng nói khác. Cảm nghiệm được tình yêu thương chân thật, cho dù đó là tình yêu của Thiên Chúa hay tình yêu của một con người, tôi sẽ được dẫn vào một sự sống mới, ngang qua cái chết theo một cách nào đó. Theo lời của thiếu nữ trong Diễm ca thì người ta như bước qua ngọn lửa – nghĩa là được sưởi ấm, giác ngộ, biến đổi, tinh tẩy. Vì lửa tình yêu đến từ trời cao và được Tạo Hóa, Đấng ban phát sự sống, dành cho con người. Đó là “một ngọn lửa thần thiêng” mà “nước lũ không dập tắt nổi”, cả “sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp”. 

Một khi tình lên ngôi và được chúc phúc, nó có thể chịu đựng thật nhiều căng thẳng và xung đột và không nuôi thù hận – vì tình yêu luôn đeo đuổi hòa giải. Tội lỗi và thất bại cũng có thể vượt thắng nhờ khả năng tha thứ và lòng thương xót. Những dòng nước lớn của buồn sầu và âu lo, những cơn lốc dữ dội của đau khổ và yếu đuối có thể ập đến trên người yêu, nhưng không thể dập tắt và nhấn chìm tình yêu chân thật. Tình yêu đích thực có gốc nơi nguồn sống. Đó là một chuyển động hướng thượng, chống lại chuyển động đi xuống của cái chết. Là một sức mạnh giống như ánh sáng tình yêu có thể xuyên thấu bóng tối. Và như vậy, nó mang đậm chất thiêng thánh và có giá trị đời đời. Đó là lý do tại sao “mối tình của cuộc đời” một khi được tìm thấy, hay nói đúng hơn là được ban tặng và trao phó cho chúng ta, đến nay vẫn là thứ quý giá nhất mà con người có được.

Lửa tình bừng cháy và thần thiêng

Photo: hindi.cdn.zeenews.com

Tình yêu và lửa tình được đặt ngang nhau ở đây. Người ta không thể tránh được sự đam mê của yêu đương, như không thể thoát khỏi nanh vuốt của cái chết. Niềm đam mê của tình yêu là một thứ quyền lực vô hình không loại trừ ai, và không dễ buông bỏ bất cứ ai một khi nó đã nắm được. Tình yêu chân thành được xác định không chỉ bởi cảm giác an toàn, mà còn gồm cả sự sẵn sàng cùng nhau vượt qua mọi xáo trộn của cuộc sống để gìn giữ tình yêu. Và điều lớn nhất trong số những quấy phá là cái chết và những sứ giả của nó (bệnh tật, nghèo đói, thù hận, ghen tương, gian dối, áp bức, bóc lột, bạo lực).

Ngọn lửa có sức mạnh khó lường. Một chút than hồng là đủ để thắp lại ngọn lửa lớn và ban tặng ánh sáng và sự ấm áp. Gọi tình yêu là “ngọn lửa thần thiêng” nghĩa là nhìn nhận sức mạnh vô đối của nó. Đồng thời, lời này cũng cho thấy rõ rằng: Tình yêu, và đặc biệt là tình yêu giữa người nam và người nữ, là do ý muốn của Đấng là tình yêu. Nó là một món quà của Tạo Hóa.

Ngọn lửa tình yêu thật mãnh liệt, đến cả “nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.” Phương tiện dập lửa tưởng như đơn giản nhất, cụ thể là đổ nước lên ngọn lửa, cũng không giúp gì ở đây, nơi ngọn lửa tình yêu. Ngay cả khi chúng ta lấy hết nước trên trái đất, thì cũng không thể dập tắt lửa tình. Hình ảnh này ám chỉ rằng: Khi hai người yêu nhau được hợp nhất dưới sự bảo vệ và lời hứa của Thiên Chúa, thì không có gì có thể chống lại tình yêu của họ. Những nghịch cảnh của cuộc sống hàng ngày không thể làm tổn hại đến mối liên kết này. Mọi xung đột có thể được tha thứ và quên đi, và người yêu nhau lại có thể tiếp bước trong sự tin tưởng nhau.

Bài tình ca này đã đồng hành những người yêu nhau trong suốt 2.500 năm qua, và đã cho sự đam mê của họ mượn tiếng nói. Bản văn là một biểu hiện của tình cảm con người ngày xưa cũng như hôm nay. Đã có ngàn năm tuổi mà bản văn vẫn nhỏ hơn những gì nó miêu tả: bài tình ca nhỏ hơn tình yêu – và cũng nhỏ cũng hơn cái chết. Thật may là ngôn ngữ tình ái của Diễm ca đã được giữ gìn. Nhờ đó, chúng ta có thể đào tạo ngôn ngữ của chúng ta nơi vẻ đẹp của những ái từ ái ngữ này. Đó là quyền bình đẳng, sự tự do và sự tôn trọng, cũng như sự đồng ý với nhau trong ái tình.

Xin làm con dấu trên tim anh

Trong bài tình ca người thiếu nữ yêu cầu người yêu làm cô ấy thành một con dấu trên ngực hoặc cổ tay mình. Một lời tỏ bày niềm ước ao trở nên giống như một chiếc bùa hộ mệnh, hoặc một biểu tượng bảo vệ trên ngực hay trên cánh tay của người yêu. Tình yêu của cô dành cho anh ta chính là con dấu, là bùa hộ mệnh. Vào thời Cựu Ước, con dấu được làm bằng đá và có hình trụ nhỏ với một lỗ ở giữa. Người ta dùng nó để lăn qua đất sét ướt. Không có gì lạ khi những con dấu này được đeo quanh cổ, tức là rất gần với con tim. Mà tim là nguồn gốc của cảm xúc và suy nghĩ của con người. Cánh tay là biểu tượng cho các hoạt động, cho sự chăm chỉ làm việc. Vì lý do này, một con dấu trên trái tim và trên cánh tay có nghĩa là: “Hãy luôn ở bên tôi, trong suy nghĩ và trong công việc của anh.” Đây phải là một biểu tượng đặc biệt quan trọng đối với những người yêu nhau.

Tình yêu trở thành lá chắn bảo vệ con người trước mọi nghịch cảnh của cuộc sống, mà không đường tình nào tránh khỏi. Bởi “mãnh liệt như tử thần” và “dữ dội như âm phủ” nên tình yêu có đủ sức đối đầu với sự phá hoại của thần chết. Lửa tình được mô tả như những sức mạnh cơ bản, như tia chớp và như mũi tên lửa; nó còn mạnh hơn lũ lụt và cuồng phong. Trong mọi trường hợp, tình yêu chân thật không để cho điều khiển, quản lý và gây ảnh hưởng dù là cách nào, nhất là bởi vật chất, tiền bạc hay sự nổi danh. Đây là một quả quyết lớn cho một điều to lớn hơn – cho tình yêu giữa hai người.

Tình yêu lớn đến mức đã đưa con người mọi thời đến với nó, cuốn họ vào trong nó, thúc đẩy họ dùng ngôn ngữ, âm nhạc và hình ảnh để diễn tả các cảm xúc của tình yêu. Diễm ca đóng một vai trò quan trọng ở đây, vì nó đã được viết lại nhiều lần trong hàng nghìn năm, và theo những cách mới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhưng cho dù lúc đó hay bây giờ, tất cả mọi người, dù là Salômôn hay chúng ta: không ai yêu khác.

Khi thể hiện niềm đam mê của mình, người ta tìm kiếm các hình thức trình bày, tìm âm thanh và từ ngữ cho tình yêu. Và họ không bao giờ ngừng làm việc đó. Không có điểm kết, vì tình yêu sẽ luôn lớn hơn tất cả các tác phẩm nghệ thuật, các hình thức, âm thanh, từ ngữ của con người. So với tình yêu vĩ đại, chúng chỉ có thể là một sự phản chiếu nhạt mờ. Dù vậy, tình yêu gây ảnh hưởng mạnh trên con người và làm thay đổi họ. Khi yêu, chúng ta cảm thấy thôi thúc muốn chia sẻ cảm nghiệm đó – bằng lời, bằng âm thanh và hình ảnh – nghĩa là bằng ngôn từ. Tôi chạm người khác bằng lời của mình, như bằng những ngón tay. Lời đến từ một con tim đầy thì run rẩy đê mê, sau khi vượt qua được những bức tường ngại ngùng. Có khi loanh quanh trong từng mảnh không nhịp điệu, có lúc tràn trào vì không thể kiểm soát và điều khiển được bằng lí trí, mà chảy theo sự thúc bách của các cảm xúc dâng trào. Lời đó được quấn quanh hay được thổi thẳng vào mặt người nghe. Và tôi, như mọi người yêu, ước mơ tình đó bền bỉ dài lâu – muốn trăm năm, muốn đời đời.

Tuy nhiên, trong Diễm ca chúng ta cũng bắt gặp mặt tối của bạo lực và lạm dụng. Khi người tình đi lạc qua những con đường về đêm của thành phố để tìm kiếm người mình yêu: “Tôi mở cửa cho người tôi yêu, nhưng chàng đã quay đi khuất dạng. Chàng đi rồi, hồn tôi như đã mất. Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp, tôi mãi gọi chàng, không một tiếng đáp! Đang tuần tiễu trong thành, bọn lính gác gặp tôi. Chúng đánh tôi đến mang thương tích; quân gác đồn cướp cả áo choàng tôi.” (Dc 5,6t.). Được cho là một gái điếm, cô bị lính canh thành phố cởi áo, đánh đập và bị gây thương tích.

Điều được Diễm ca nói đến ở đây là thực tế quấy rối tình dục và sự lạm dụng quyền lực của đàn ông. Kinh Thánh quan tâm và nhắc nhở chúng ta phải đối mặt với các đề tài lạm dụng quyền lực và bạo lực tình dục, trong xã hội và đặc biệt là trong Giáo hội. 

_______

[1] Xem bài: Có biết tôi là ai không?

Bài trướcTHAO THỨC VÀ TẬN HIẾN CHO CHÚA THÁNH THẦN CỦA CHA THÁNH ARNOLD JANSSEN*
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần X Thường Niên)