TIN MỪNG LÒNG THƯƠNG XÓT

0
296

Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD

Ngay từ thuở hồng hoang, loài người đã biết nương tựa vào nhau để mang lại hạnh phúc cho đồng loại của mình. Con người phải đoàn kết với nhau để tồn tại trong một bầu khí khó khăn như vậy. Trong các biến cố lịch sử loài người, chúng ta thấy rằng mỗi khi cái ác mạnh mẽ nhất cũng chính là lúc con người cũng nắm tay vững chắc nhất. Rất khó để ta khẳng định đâu là hành động yêu thương cao cả trước hết và cao cả nhất cho chính đồng loại của mình?

Chúng ta hãy nghĩ đến một viễn tưởng rằng nếu thế giới này không có sự hiện diện của Kitô giáo? Đó là một xã hội thiếu tình yêu vô vị lợi. Mỗi người đều chỉ biết đến lợi ích cá nhân. Đó là một xã hội đầy vô cảm, dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại bởi tình yêu thương là một thứ xa xỉ. Con người loại bỏ chính Đấng sáng tạo nên mình và loại bỏ Lời của Đấng ấy, loại bỏ là giải pháp hữu hiệu nhất mang lại bình an cho thế giới. Vậy, điều gì khiến Thánh Arnold Janssen cho rằng: Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất?

Chúa Giêsu, mở đầu sứ vụ công khai, đã rao giảng: Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến, anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,14). Nước Thiên Chúa hay Nước Trời là một khái niệm chỉ tình trạng hạnh phúc viên mãn. Để đạt được hạnh phúc ấy, con người cần biết hối cải và tin vào Lời của Chúa. Chúng ta không loại trừ bất kỳ tôn giáo nào bởi mọi sự thiện hảo đều quy hướng về Thiên Chúa. Mọi tôn giáo đều hướng đến một Đấng Tối Thượng, là nguồn mạch cho muôn loài, đó chính là Thiên Chúa. Mỗi tôn giáo có thể là một con đường dẫn con người đến Thiên Chúa. Trong đó, Kitô giáo là con đường hữu hiệu và chắc chắn nhất. Điều gì khiến ta khẳng định điều này? Đức tin Kitô giáo nói cho chúng ta biết rằng chính Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Nhập Thể. Từ muôn đời, Người ngự trị nơi cung lòng Chúa Cha. Một Thiên Chúa đã tự khiêm tự hạ nhận lấy thân phận xác phàm yếu đuối, là bản tính loài người, để đồng lao cộng khổ với con người. Thiên Chúa của Kitô giáo đang trở nên rất gần gũi với con người, điều này khác xa với niềm tin các tôn giáo khác vốn cho Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, cách xa con người. Con người đối thoại với Thiên Chúa và Thiên Chúa đối thoại với con người một cách dễ dàng qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, đã khẳng định: Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm với người Do Thái, một sự điên rồ đối người ngoại giáo, nhưng đối với những người được kêu gọi, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người (1 Cr 1,25). Cái chết trên Thập Giá là minh chứng cho tình yêu bất diệt: Thiên Chúa muốn con người được tham dự Sự Sống Thần Linh. Được thông dự bản tính thiện hảo của Thiên Chúa là một Thiên Ân, và được tham dự Sự Sống Thần Linh là mục đích tối thượng khi con người hiện hữu nơi trần gian. Ai đón nhận Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành những Lời ấy thì sẽ sinh hoa kết trái trong đời sống ân sủng. Như vậy, rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất vì nó mang lại hạnh phúc Nước Trời cho con người.

Mệnh lệnh truyền giáo đã được Chúa Giêsu trao lại cho các môn đệ trước khi Người trở về với Chúa Cha, vì nhờ tin vào Lời ấy mà loài người sẽ được hưởng ơn cứu độ. Là thành viên của Dòng Ngôi Lời, chúng ta được mời gọi trở thành những chứng nhân của Lời. Bất cứ ai muốn gia nhập Hội dòng đều phải sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào mà bề trên sai họ tới (HP Dòng Ngôi Lời, số 102). Với vai trò là những nhân chứng Nước Trời, chúng ta mở lòng mình để tiếp nhận sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, lối sống. Chính điều đó nhắc nhở mỗi thành viên Dòng Ngôi Lời nhìn nhận sự phong phú đa dạng của Triều Đại Nước Thiên Chúa. Tiếp nhận sự khác biệt là hành động đích thực của lòng sám hối, là hành động của lòng thương xót, lòng trắc ẩn.

Ngày nay, thế giới đang đối diện với những cuộc chiến tranh đức tin, quyền lực và văn hóa. Đó là thách thức cho các nhà truyền giáo trên con đường làm chứng cho sự hiệp nhất. Câu chuyện người Samaritanô là một biểu tượng cho linh đạo hiệp nhất. Nơi ấy, tình thương được trải rộng; người ta không phân biệt địa vị, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt dân tộc, và chỉ còn cô đọng lại cho người nghe một điều mà ta đang tìm kiếm: đó là lòng thương xót.

Nếu tôi có lòng thương xót, tôi sẵn sàng từ bỏ những dự định của tôi để giúp kẻ đang gặp nạn. Nếu tôi có lòng thương xót, tôi sẵn sàng cho điều tôi đang có, bởi vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Nếu tôi có lòng thương xót, tôi sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt để tìm đến cái chung phổ quát nhất. Đức Giêsu Kitô là một minh chứng của lòng thương xót. Cái chết trên thập giá là minh chứng bất diệt cho tình yêu hiến dâng cho người mình yêu. Vì thế, thánh Gioan Tông Đồ đã cho rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8). Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông chiếu ấn định Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót, đã viết: Chúa Giêsu đã tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Thiên Chúa luôn được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt khi Ngài tha thứ. Chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ.

Để kết thúc, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta ra vùng ngoại vi. Đó là nơi con người đang bị bóp nghẹt bởi đầy dẫy sự bất công, hận thù, ghen ghét, cô đơn, thất vọng bởi sự dữ đang hoành hành. Chúng ta sẽ trở thành chứng nhân của lòng thương xót khi xoa dịu nỗi đau bằng chính sứ điệp ơn cứu độ, bằng tình yêu không biên giới. Chúng ta tôn trọng những giá trị của mỗi dân tộc cũng là tôn trọng chính mình. Tình yêu như sợi dây liên kết mọi người lại với nhau, dù lắm lúc ta vẫn còn những thiếu sót. Như thánh Giuse Freinademetz đã nói: Ngôn ngữ mà mọi người có thể hiểu được, đó là Tình Yêu. Đúng vậy, tình yêu là ngôn ngữ của Vương Quốc Tình Yêu. Chúng ta là những chứng nhân Tin Mừng Nước Trời, nghĩa là chúng ta trước hết phải luôn sống trong bầu khí của Vương Quốc ấy. Nơi ấy, tình yêu được thay thế cho mọi lẽ sống. Nó vượt qua mọi giới hạn của con người. Nơi ấy, bầu khí của lòng thương xót được thể hiện bằng sự đùm bọc tha thứ. Khi ấy, sứ điệp của Tin Mừng là giải pháp hoàn hảo cho mọi vấn nạn trong đời sống vì nó có sức mạnh cứu độ con người.

Bài trướcGx. Sơn Long, Gp. Ban Mê Thuột – Trại Hè Hiền Mẫu 2019
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 21 Thường Niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.