♦ Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời
“Hãy thờ lạy Thiên Chúa của ngươi và thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10), là lệnh truyền của Đấng Tối Cao đã vì yêu thương mà trở nên Thiên Chúa của nhân loại để cho con người được hưởng sự sống đời đời. Thế nhưng, con người, với việc lạm dụng tự do mà Thiên Chúa đã trao ban cùng với sự tự mãn về những thành tựu trong khoa học kỹ thuật, đã muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi vị trí của Đấng Tối Cao. Con người muốn trở thành Thiên Chúa của chính mình. Không còn phải tuân giữ lề luật cũng chẳng cần phải tôn thờ một ai khác, con người giờ đây muốn trở thành trung tâm điểm của vũ trụ cũng như là người tự quyết của cuộc đời.
Con người đã không gạt bỏ Thiên Chúa bằng cách chối bỏ sự hiện diện của Ngài; nhưng, họ gạt bỏ Thiên Chúa bằng việc dựng nên “những Thiên Chúa khác” và họ thờ lạy chúng. Thiên Chúa vẫn ở đó, nhưng người ta đã ngó lơ Ngài. Thiên Chúa bị đặt ngang hàng với “những Thiên Chúa” do con người dựng nên: những ngẫu tượng.
Bàn về thờ ngẫu tượng
Thánh Vịnh 115 diễn tả sự đối nghịch giữa Thiên Chúa hằng sống và các thứ ngẫu tượng. Thiên Chúa chứng tỏ cho thấy vinh hiển của Ngài, Vị Thiên Chúa là Đấng Hóa Công toàn năng: “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên” (Tv 115,3). Trung thành và yêu thương là những đặc tính của Thiên Chúa đối với dân Do Thái, dân được Ngài tuyển chọn (Tv 115,1). Bởi thế, vũ trụ và lịch sử này thuộc quyền thống trị của Ngài, Thiên Chúa quyền năng và là Đấng cứu độ. Thế rồi, “công việc do bàn tay con người làm ra” được đặt lên đối nghịch với vị Thiên Chúa chân thật mà dân tôn thờ (xc.4). Tác giả Thánh Vịnh đã mỉa mai những ngẫu tượng khi diễn tả: “Có mắt có miệng, không nhìn không nói; có mũi có tai, không ngửi không nghe. Có hai tay, không sờ không mó; có hai chân, không bước không đi; từ cổ họng, không thốt ra một tiếng” (xc. 5-7).
Không dừng lại ở đó, tác giả Thánh Vịnh còn nói thêm: “Những kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần cũng giống như chúng vậy” (xc.8). Đó là lời khuyên can mạnh mẽ hướng con người đến việc từ bỏ tôn thờ ngẫu tượng. Bởi sự tôn thờ quyền lực, giàu sang… làm con người đánh mất đi phẩm giá cao quý: “Tất cả những kẻ tạo nên ngẫu tượng chỉ là vô ích, và những công trình quý hóa của họ chẳng có lợi lộc chi, như chính họ chứng kiến thấy. Họ cảm thấy xấu hổ vì chúng chẳng thấy hay chẳng biết gì cả, và chúng còn điếc lác hơn cả con người ta” (Is 44,9).
Khi bàn về việc thờ ngẫu tượng, Giáo lý Hội Thánh Công giáo cũng lên nặng lời đối với tội phạm đến giới răn thứ nhất này. “Điều răn thứ nhất đòi hỏi con người không được tin vào thần nào khác ngoài Thiên Chúa, không được tôn kính các thần linh nào khác ngoài Đấng duy nhất. Thánh Kinh luôn nhắc nhở phải từ bỏ các ngẫu tượng “chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành”, “có mắt có miệng, không nhìn không nói.”.. Các ngẫu tượng là hão huyền nên ai thờ ngẫu tượng sẽ trở thành hão huyền” (GLHTCG số 2112).
“Thờ ngẫu tượng cốt tại việc thần thánh hóa những gì không phải là Thiên Chúa. Thờ ngẫu tượng là khi con người tôn thờ và kính bái một thụ tạo thay vì Thiên Chúa, đó có thể là thần linh, ma quỷ, quyền lực, khoái lạc, tiền bạc, v.v… Thờ ngẫu tượng là khước từ quyền chủ tể duy nhất của Thiên Chúa; vì vậy, nó không thể đi đôi với sự hiệp thông với Thiên Chúa” như chính Đức Giêsu đã quả quyết: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24) (GLHTCG số 2113). “Thờ ngẫu tượng là sự lệch lạc của cảm thức tôn giáo, một cảm thức vốn bẩm sinh nơi con người. Người thờ ngẫu tượng là người ‘gán ý niệm bất diệt về Thiên Chúa cho bất cứ thứ gì không phải là Thiên Chúa’” (GLHTCG số 2114).
Con người “Thiên Chúa hoá” mọi sự
Những sự ở đời này được con người tìm kiếm và đề cao vượt lên trên giá trị thực của nó. Thiên Chúa dựng nên mọi sự và trao ban cho con người như là phương tiện để giúp con người đạt tới cứu cánh của mình. Thế mà, con người lại quy hướng về những sự đời này và mải miết tìm kiếm, biến chúng thành “những vị Thiên Chúa” mà họ cần phải kiếm tìm và tôn sùng: tiền tài, danh vọng, những đam mê… Con người đang “Thiên Chúa hoá” hay “thần thánh hoá” những giá trị phàm tục.
Không dừng lại ở đó, những tiền tài, danh vọng, đam mê… vẫn không làm con người thoả mãn, cho bằng chính họ trở thành “Chúa của mình”. Tôi muốn tự quyết cuộc đời của tôi và do đó, “Thiên Chúa phải chết đi” để tôi được làm Chúa của chính mình. Đến đây, chúng ta hiểu được lời kêu gọi của Friedrich Nietzsche, triết gia hiện sinh bị xem là là người có tư tưởng phá đổ tôn giáo bằng những phê bình của ông. Nhưng cũng không ít người nhận ra nơi Nietzsche một con người trăn trở với tôn giáo và ước vọng xây dựng một tôn giáo đúng nghĩa. Trong một tác phẩm của mình, Nietzsche đã tuyên bố rằng Thượng Đế đã chết, Thượng Đế đã thực sự chết. Trước hết, Nietzsche chỉ ra rằng niềm tin của con người vào Thượng Đế đã chết. Thượng Đế không còn là trung tâm của những thực hành nhân sinh quan của nhân loại. Con người đã muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi vị trí của Ngài, để con người trở thành Chúa của họ. “Thượng Đế đã chết” mà Nietzsche muốn nhấn mạnh chính là niềm tin vào Thiên Chúa của Kitô giáo. Nhận định của Nietzsche đã đúng và đã thực sự xảy đến: niềm tin vào Thiên Chúa của Kitô giáo đã chết vì sự “Thiên Chúa hoá” mọi sự của con người. Thiên Chúa đã bị thay thế bởi cái tôi và các ngẫu tượng do con người dựng nên và chúng đã trở thành “Thiên Chúa mới của con người”.
Như vậy, Thượng Đế đầu tiên đã chết bởi tay con người. Và rồi, chính con người đã đặt để một “Thiên Chúa khác” để tôn thờ: tiền bạc, danh vọng, cái tôi… Lúc này, Nietzsche lại chủ trương “phải giết chết Thượng Đế”. Chúng ta hiểu được ở đây Nietzsche muốn kêu gọi con người phải giết chết các thứ ngẫu tượng, “Thiên Chúa khác” mà con người đã dựng lên. Vì đó đã chẳng phải là Thiên Chúa đích thực. Chúng ta nhận thấy được những giá trị thức tỉnh trong nhận định của Nietzsche, “một nhà tiên tri”.
Thiên Chúa đã bị “khuất phục”?
Thiên Chúa đã muốn dân tôn thờ Ngài hầu được hưởng ơn cứu độ. Dân được mời gọi trở nên dân riêng của Thiên Chúa. Đây không phải là một tình trạng nô lệ nhưng là một sự thuộc về Đấng đã tạo dựng và trao ban cho dân Chúa tất cả mọi sự. Lời mời gọi tôn thờ Thiên Chúa, hơn hết, là lời mời gọi dân bước vào một mối tương quan trọn vẹn với Đấng đã yêu thương dân đến tận cùng. Đó là mối tương quan không chia sẻ: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta… Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ” (Xh 20, 2-5).
Thế nhưng, cái tôi và sự tự mãn vẫn luôn tìm cách lôi cuốn con người xa rời Thiên Chúa. Nếu như, dân chúng xưa kia đã chối bỏ Thiên Chúa, chối bỏ Đức Giêsu như là cách để “khuất phục Thiên Chúa”. Họ đã chẳng muốn cái tôi chịu “khuất phục” trước tình yêu và uy quyền của Thiên Chúa và do đó, sự chối bỏ hay không tin nhận là cách mà dân chúng chọn để “khuất phục Thiên Chúa”. Còn con người ngày hôm nay, với sự tự mãn cao độ, đã “vượt xa” cha ông họ. Họ muốn “khuất phục Thiên Chúa” nhưng không cần phải chối bỏ sự hiện hữu của Ngài. Họ vẫn tin nhận sự hiện diện của Thiên Chúa nhưng họ “làm ngơ” trước sự hiện diện ấy. Họ khuất phục Thiên Chúa bằng việc dựng nên cho mình “những Thiên Chúa khác” và họ tôn thờ chúng. Thiên Chúa vẫn ở đó, nhưng người ta đã chẳng còn nhìn ngó đến Ngài. Thiên Chúa bị đồng hoá, ngang hàng với “những vị Thiên Chúa” do con người dựng nên, ngẫu tượng. Thật là một sự ngỗ nghịch đến cùng tận của con người. Những sự vật mà Thiên Chúa đã dựng nên để phục vụ con người, nay lại được chính con người đặt lên để thay thế Đấng Tạo Hoá.
Kẻ làm ra tượng thần cũng giống như chúng vậy
Vậy đâu là số phận dành cho những con người đã tôn thờ các ngẫu tượng hay liệu khi con người đã “khuất phục” được Thiên Chúa Tối Cao, họ nhận lại được điều gì? Con người đánh mất phẩm giá trong việc thờ ngẫu tượng. Thánh Vịnh 115 nhấn mạnh số phận của những kẻ đó: “Kẻ làm ra tượng thần cũng giống như chúng vậy”. Con người cũng sẽ trở thành những vật vô tri, bất động, “có mắt có miệng, không nhìn không nói; có mũi có tai, không ngửi không nghe…” (Tv 115, 5-7). Vì tôn thờ ngẫu tượng, họ trở nên những con người có mắt mà không nhận ra những ơn lành của Thiên Chúa, họ có tai mà không thấu hiểu lời ân sủng của Ngài và họ có miệng nhưng đã chẳng tuyên xưng “Thánh, Thánh Thánh, Chúa là Thiên Chúa toàn năng”. Và chung cuộc, con người đánh mất phẩm giá làm con cái Thiên Chúa, con người đánh mất sự sống mà Thiên Chúa hứa ban và con người rơi vào sự diệt vong.
Thánh Kinh vẫn không ngừng diễn tả cho con người thấy sự đối lập giữa việc tôn thờ Thiên Chúa và phục lạy các ngẫu tượng. Việc tôn thờ Thiên Chúa, Đấng là chủ muôn loài, Đấng đã dựng nên và không ngừng yêu thương con người, mang lại cho nhân loại niềm hạnh phúc đích thực, sự sống đời đời, “kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát” (Mt 6, 20). Trái lại, việc bái lạy các ngẫu tượng làm con người xa rời Thiên Chúa, đánh mất phẩm giá làm con cái Ngài và sau cùng, con người đánh mất sự sống mà Thiên Chúa hứa ban. Con người nhận lại hạnh phúc tạm bợ, chóng qua và mau hư nát vì “những Thiên Chúa” mà con người đã dựng nên để bái lạy cũng chỉ là những vật tạm bợ, chóng qua và mau hư nát mà thôi.
Tác giả Thánh Vịnh 115 tiếp tục thức tỉnh những ai đang tôn thờ ngẫu tượng khi nhắc nhở họ về một vị Thiên Chúa của nhà Israel, Đấng “độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che” (xc.9), Đấng “nhớ đến ta và sẽ ban phúc cho những kẻ kính sợ Ngài, cho người lớn cũng như kẻ nhỏ” (xc.12). Đó là số phận của những người tôn thờ Thiên Chúa, “chính chúng ta, những người còn đang sống, chúng ta chúc tụng Chúa từ nay đến muôn đời” (xc.18). Và niềm hạnh phúc đó không dành cho những ai xa rời Thiên Chúa mà tôn thờ ngẫu tượng, họ là“những người đã chết, những kẻ đã bước vào cõi thinh lặng ngàn thu” (xc.17)
Tóm lại
Lệnh truyền“hãy thờ lạy Thiên Chúa của ngươi và thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10) một lần nữa được vang lên nơi tâm hồn con người trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay. Con người được Thiên Chúa trao ban cho tự do. Trớ trêu thay, con người đã dùng món quà lớn lao của Thiên Chúa để “khuất phục” Ngài bằng việc dựng nên “những Thiên Chúa” khác, các ngẫu tượng và bái lạy chúng. Con người đã “giết chết Thiên Chúa” để làm Chúa của chính mình, như lời của Nietzsche: “Thiên Chúa đã chết” và con người rơi vào diệt vong vì chọn lựa của mình.
Thiên Chúa không muốn con người bị diệt vong. Ngài đã dùng Thánh Kinh và lời các ngôn sứ để nhắc nhở, mời gọi con người quay trở lại với Ngài. Sau cùng, Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, đã giáng trần và tỏ lộ cho con người thấy việc tôn thờ Thiên Chúa không phải là một sự nô lệ nhưng là một sự thuộc về cách trọn vẹn. Giờ đây, con người được mời gọi “hãy giết chết Thiên Chúa”, tức là “những Thiên Chúa”, những ngẫu tượng mà họ đã dựng lên. Nhờ đó, con người tìm lại phẩm giá của mình và đón nhận lời hứa ban sự sống của Thiên Chúa. Còn những ai tiếp tục chìm đắm trong việc tôn sùng ngẫu tượng, rồi ra “cũng sẽ giống như chúng vậy”.