Nghèo có chăng cũng là cái tội?

0
286
Photo: jesusfilm.org
✍️ Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời

Các tổ chức nhân loại hôm nay kêu gọi mọi người hướng về nhân quyền, về các ưu tư của con người để không ai bị bỏ lại phía sau. Đó là lý tưởng thật cao đẹp. Tuy nhiên, thực tế lại đang trình bày về một thế giới mà nơi đó những người nghèo, những người cùng khổ dường như đang bị loại trừ, bỏ rơi hay lãng quên. Đức Giêsu cũng trình bày cho dân chúng về một Thiên Chúa đến để không ai bị bỏ lại phía sau. Đó cũng là một lý tưởng cao đẹp và khác với nhân loại, Đức Giêsu đã hiện thực hoá lý tưởng ấy bằng chính cuộc đời phục vụ. Sự hiện diện của Đức Giêsu như là câu trả lời rõ ràng và cụ thể của Thiên Chúa. Một vị Thiên Chúa đã trở nên một người nghèo giữa con người“để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9).

  1. Có chăng nghèo cũng là cái tội?

            Câu cửa miệng này lắm lúc khiến người nghe bị ảnh hưởng về một suy nghĩ không mấy tích cực về những người nghèo. Cái tội ở đây được hiểu là sự tội nghiệp hay là sự đáng thương đơn thuần mà thôi. Chúng ta đang bàn về những người nghèo xét về sở hữu tài sản và của cải vật chất. Nhìn dưới khía cạnh xã hội và đời sống, sự thiếu thốn về vật chất dẫn đến nhiều bất lợi và khó khăn cho người nghèo trong sự phát triển đời sống cá nhân cũng như sự tham gia vào tiến trình thăng tiến chung của xã hội. Xét trên khía cạnh đó, có lẽ câu nói “nghèo cũng là một cái tội”, “tội nghiệp, đáng thương dành cho họ”, cũng có cái lý của nó.

            Khi nhìn dưới lăng kính Kinh Thánh Cựu ước, điều này còn gợi lên giữa mối tương quan giữa sự chúc lành của Thiên Chúa với sự sở hữu tài sản của cải của con người. Cựu ước không ít lần cho độc giả thấy rằng sự giàu sang, sung túc là một sự chúc lành cách rõ ràng của Thiên Chúa. Những người sống công chính và tốt lành trước mặt Thiên Chúa sẽ được ban cho sự giàu có sung túc này. Do đó, sự giàu có như là dấu chỉ cho thấy chủ thể của sự giàu sang là người công chính và được Thiên Chúa chúc phúc. Điều đó cũng làm dấy lên những lối loại suy về sự khó nghèo như là một điều bất hạnh dành cho những người không được Thiên Chúa đoái thương, dẫu Kinh Thánh Cựu ước không nhắc đến cách cụ thể, rõ ràng. Dưới góc nhìn của Cựu ước, không có nhiều tranh luận hay bất đồng quan điểm trước luận đề người công chính được Thiên Chúa đoái thương và chúc lành bằng sự giàu có, sung túc. Đó là điều được thần học gia cũng như độc giả Kinh Thánh nhìn nhận. Trái lại, sự khó nghèo về của cải vật chất được xem như là việc Thiên Chúa không đoái nhìn đến chỉ là một lối diễn giải loại suy theo lăng kính của con người mà thôi. Đây là một luận đề cần được luận bàn trên nhiều bình diện. Một nỗ lực làm sáng rõ không nhằm đi tìm lời biện minh cho sự thánh thiện của Thiên Chúa cho bằng đi tìm một lối hiểu về giá trị của sự nghèo khó của con người trước mặt Thiên Chúa.

 

Photo: Đình Trường
  1. Một vị Thiên Chúa của người nghèo

Vẫn còn không ít những tranh luận về sự khó nghèo nhưng sự hiện diện của Đức Giêsu như là câu trả lời rõ ràng và dõng dạc của Thiên Chúa. Một vị Thiên Chúa đã trở nên một người nghèo giữa con người, nghèo xét theo cả bình diện vật chất lẫn tinh thần khó nghèo trước mặt Chúa Cha. Trước hết, chính Đức Giêsu đã trở nên nghèo. Thiết nghĩ, những biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu quả là những dẫn chứng sống động về sự khó nghèo về bình diện vật chất của Đức Giêsu. Những dẫn chứng ấy cụ thể và mang sức nặng hơn bất cứ lời nào khi trình bày về khó nghèo của Đức Giêsu. Tin Mừng cho thấy sự giáng sinh của Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Pl 2,6-7a), Ngài đã hạ sinh nơi máng cỏ nghèo hèn. Thuộc dòng dõi vua Đavít nhưng thời sống ẩn dật của Đức Giêsu lại gắn bó với miền quê Nazarét mà thôi. Hành trình loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa được diễn tả theo đúng nghĩa đen của từ “hành trình”. Đức Giêsu đi khắp các làng mạc của người Do thái, không chỗ ở cố định, như chính Người đã nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Một vị Thiên Chúa đã thực sự sống cuộc sống của một người nghèo.

Không dừng lại ở đó, giá trị sự hiện diện của Đức Giêsu còn trổi vượt hơn việc đơn thuần chỉ sống như một người nghèo, khi Đức Giêsu đã trở nên hiện thân tình thương của Thiên Chúa dành cho những người nghèo khi Ngài sống giữa họ. Trước những đau khổ của kiếp nhân sinh, Thiên Chúa đã không đứng ở bên lề nhưng đã chọn bước vào lịch sử nhân loại. Ngài đã chẳng thể nào làm thinh, vì bản chất của Thiên Chúa là Tình yêu. Ngài đã chạnh lòng thương và chạnh lòng thương đến độ đã “ban chính Con Một, để cho con người khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x.Ga 3,16). Đức Giêsu xuống thế làm người. Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ qua những sấm truyền hay sự quan phòng từ trên cao nhưng là một sự đụng chạm thực sự giữa người với người. Ngài là hiện thân của Thiên Chúa tình yêu, một tình yêu trao ban, gần gũi và đụng chạm tới phận người. Ngài đã sống với họ, đứng kề bên họ và chạnh lòng thương trước những đau khổ của con người, đặc biệt đối với những người nghèo, những người sống bên lề xã hội, Đức Giêsu càng chạnh lòng thương họ biết bao. Chạnh lòng thương phát xuất từ trái tim nhân từ, từ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Điều đó làm cho con tim của Đức Giêsu luôn rộng mở và dạt dào cảm xúc trước cuộc sống con người. Người biết những gì đang diễn ra và điều gì là tốt cho họ. Đó không chỉ là những giáo huấn, lời động viên, nâng đỡ nhưng đi xa hơn, chạnh lòng thương dẫn đến những hành động và những dấu lạ nhằm cụ thể hoá tình thương của Ngài. Tình thương phát xuất từ trái tim nhân hậu của Đức Giêsu đã không thể làm ngơ trước những đau khổ và cả những nhu cầu của dân chúng. Trước cái nghèo, cụ thể là sự đói khát thể lý của đoàn dân, trái tim yêu thương của Đức Giêsu đã không khỏi thổn thức: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32). Một tình thương “rất người” của Thiên Chúa.

  1. Giáo Hội cũng phải trở nên nghèo

Thật vậy, chính con tim thổn thức đã giúp Đức Giêsu thấy được những góc cạnh ẩn khuất của đời sống và tâm hồn người ta. Chính sự chạnh lòng thương của Đức Giêsu đã đụng chạm đến tâm hồn của những người đói nghèo và cùng khổ. Hơn ai hết, Giáo Hội, hiện thân của Đức Giêsu giữa lòng nhân thế phải làm tiếp nối và chiếu toả hình ảnh của một vị Thiên Chúa nghèo cho những người nghèo và cho toàn thế nhân.

Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã mặc lấy hình ảnh một người nghèo thực sự. Người đã sống trọn cuộc đời trong điều kiện sống của một người nghèo. Nơi người nghèo, chúng ta nhận ra dung mạo và thân thể của Đức Kitô, Đấng đã mặc lấy cái nghèo mà làm cho chúng ta trở nên giàu có (2Cr 8,9). “Người nghèo là thân thể Đức Kitô” và Đức Kitô đã trở nên nghèo khó để luôn gần gũi người nghèo và những ai bị lãng quên (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 186).  Nơi Tông huấn Evangelii Gaudium, một trong những khẩu hiệu đáng nhớ nhất diễn tả khao khát của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Giáo Hội đương thời là “Giáo Hội nghèo và cho người nghèo”. Tư tưởng này không trực tiếp bắt nguồn từ Đức Phanxicô mà được thôi thúc từ những vị Giáo hoàng tiền nhiệm. Điều đó có nghĩa là từ rất lâu những Đấng kế vị Thánh Phêrô đã ý thức được vị trí của người nghèo trong đời sống Giáo Hội. Một sự ý thức phát xuất từ chính đòi buộc của Đức Giêsu, Đấng đã kêu mời và sai đi. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định “người nghèo dạy chúng ta nhiều điều; chúng ta cần để chính mình được loan báo Tin Mừng nhờ người nghèo” (EG 198).

Đức Giêsu đã chạnh lòng thương trước những đau khổ của phận người, vậy người môn đệ của Đức Giêsu chẳng lẽ lại chọn làm ngơ hay phủi tay vô can? Quả vậy, một điều tiên quyết, người môn đệ Đức Giêsu, cách riêng là các Linh mục, tu sĩ cũng phải biết chạnh lòng thương. Thế nhưng, làm sao có thể thấy, cảm thông và nhạy bén để chạnh lòng thương trước những người nghèo nếu trong con tim của người môn đệ Đức Giêsu vắng bóng hình ảnh của những người nghèo, những con người cùng khổ?

Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng trong Thánh Lễ Dầu năm 2020 đã nhấn mạnh: “Linh mục phải là người biết nhớ”. Không chỉ nhớ căn tính của mình, nhớ mối hiệp thông Giáo Hội, nhưng còn phải biết nhớ đến những người giáo dân, cách riêng là những người nghèo, những người thiếu thốn cái ăn cái mặc. Ngài nhắc lại điều mà thánh Phaolô đã dạy: “Lo cho người nghèo là dấu chỉ chứng tỏ tính xác thực của một tông đồ” (x. Gl 2, 9-10). Thật vậy, người môn đệ Đức Giêsu phải biết chạnh lòng thương trước những đau khổ của con người, trước những cái nghèo của kiếp nhân sinh. Dĩ nhiên, điều đó phải phát xuất từ tận cõi lòng như Thầy Giêsu, chứ không phải một thứ chạnh lòng thương vụ hình thức và duy cơ cấu. Đức Thánh Cha Phanxico đã từng nói: “Phải trút bỏ những mặt nạ nhân danh sự chạnh lòng thương của Chúa nhưng lại xa rời những thân phận khổ đau, khốn cùng của đồng loại, và cả nỗi sợ hãi khi thấy mình “lọt thỏm” trong cõi nhân sinh ngập tràn đau khổ này và lẩn trốn sứ vụ”. Đó không những là một lời khuyên nhủ mà còn là lời nhắc nhở mỗi người môn đệ Đức Giêsu hôm nay.

Photo: Đình Trường
  1. “Lương thực để lãng phí là lương thực ăn cắp của người nghèo”

            “Hãy trở nên nghèo” là lời mời gọi dành cho những người Kitô hữu. Vấn đề cần được làm sáng rõ là tiêu chuẩn nào để xác định hay để biết là người môn đệ Đức Giêsu đã thực sự “sống nghèo”? Một câu hỏi tưởng như nằm trên phạm trù thần học tâm linh, nghĩa là về chiều kích thiêng liêng, nhưng lại đáng được cân nhắc, xem xét như một câu hỏi mang tính thực tiễn trong bối cảnh hôm nay. Nói cách khác, làm sao để cụ thể hoá lời mời gọi “hãy trở nên nghèo” bằng một lộ trình hay bằng những thực hành cụ thể? Chúng ta làm gì để thể hiện sự tôn trọng những người nghèo, để xây dựng được ý thức về sự hiện diện của những người nghèo trong đời sống ngày hôm nay, cách riêng trong bối cảnh xã hội của “nền văn hoá vứt bỏ”. Đức Thánh Cha Phanxicô cho chúng ta một gợi ý: “Đừng lãng phí thực phẩm”.

Trong Ngày Quốc tế Nhận thức về Thất thoát và Lãng phí Thực phẩm, ngày 29.09.2023, Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp đến ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO), trong sứ điệp Ngài nói rằng “điều cấp bách hiện nay là mọi người phải phản ứng một cách hiệu quả và trung thực với tiếng kêu đau lòng của những người đói khát đòi công lý. Mỗi người chúng ta được mời gọi định hướng lại lối sống của mình một cách có ý thức và trách nhiệm, để không ai bị bỏ lại phía sau và mọi người đều nhận được lương thực cần thiết, cả về số lượng và chất lượng. Chúng ta mắc nợ những người thân yêu của chúng ta, các thế hệ tương lai và những người đang bị ảnh hưởng bởi sự khốn cùng về kinh tế và hiện sinh”. Và Ngài nhấn mạnh: “Lương thực để lãng phí là lương thực ăn cắp của người nghèo, nó cho thấy sự coi thường một cách ngạo mạn đối với mọi thứ, về mặt xã hội và con người”.[1] Điều này tiếp tục được Đức Thánh Cha lặp lại trong thông điệp Laudato Si’: “Vứt thức ăn cũng giống như lấy thức ăn trên bàn của người nghèo”. Một cách quyết liệt hơn, Ngài nói rằng “vứt bỏ thực phẩm là sỉ nhục người nghèo”. Thông điệp và cũng là lời mời gọi của Đức Thánh Cha thật rõ ràng: “Xin đừng lãng phí thực phẩm”. Thiết nghĩ, lời mời gọi của Đức Phanxicô thật gần trong bối cảnh sống của chúng ta hôm nay và đó quả là một thực hành cụ thể, xét về cả chiều kích suy tư thần học lẫn chiều kích mục vụ thực tiễn. Một thực hành xem ra nhỏ nhưng nếu được thực hành với tâm hồn tràn đầy suy tư và một tâm tình yêu mến, người môn đệ của Đức Kitô sẽ thực sự trở nên nghèo như Thầy Giêsu đã sống nghèo.

Photo: AI image by Milankov

Tóm lại

Người nghèo là những người không có khả năng phát triển thực sự vì điều kiện sống của họ xuất thân từ nghèo đói và bị loại trừ khốc liệt. Thậm chí họ còn bị loại ra khỏi những kế hoạch và chương trình phát triển toàn cầu trong xã hội hiện đại. Họ chính là “thân thể của Đức Kitô”. Thế mà, xã hội hôm nay đang lãng quên những con người cùng khổ ấy, thậm chí, đây đó còn có những chủ trương loại trừ nhóm người này.

“Những người nghèo đã kêu lên và Chúa đã nhận lời” (x. Tv 34,7). Người nghèo luôn nằm trong ánh nhìn yêu thương của Thiên Chúa. Do đó, người nghèo cũng phải trở thành mối bận tâm của Giáo Hội. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương trước những đau khổ của phận người, vậy người môn đệ của Đức Giêsu chẳng lẽ lại chọn làm ngơ hay phủi tay vô can? Quả vậy, một điều tiên quyết, người môn đệ Đức Giêsu cũng phải biết chạnh lòng thương trước những người nghèo. Thế nhưng, làm sao người môn đệ Đức Giêsu có thể thấy, cảm thông và nhạy bén trước những người anh em đang lâm cảnh khó nghèo, cùng khổ? Điều đó chất vấn chính mỗi người trong từng hoàn cảnh sống của mình.

[1] https://tgpsaigon.net/bai-viet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-quoc-te-nhan-thuc-ve-that-thoat-va-lang-phi-thuc-pham-29092023-71111

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 27 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Năm Tuần 27 TN)