“Họ là những con người”

0
616
Photo: https://humanvaluesfoundation.com/

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

“Người nghèo, họ là những con người” đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong thông điệp ngày Thế giới Người nghèo năm 2023. Hình ảnh về những người nghèo dễ dàng trở thành những thước phim lay động tâm hồn chúng ta trong chốc lát, thế nhưng, khi gặp họ bằng xương bằng thịt trên đường phố, chúng ta lắm khi cảm thấy khó chịu rồi ngoảnh mặt đi. Thiết nghĩ, người nghèo không vắng bóng trong suy nghĩ của chúng ta ngày hôm nay nhưng có lẽ những người nghèo chưa thể “bước vào” cuộc sống của chúng ta. Ngày Thế giới Người nghèo mời gọi chúng ta tái khám phá lại dung mạo của những người nghèo.

  1. Dung mạo của những người nghèo

Có lẽ, những suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong tâm trí chúng ta khi nói về những người nghèo gắn liền với những hình ảnh “mang những sắc màu ảm đảm”. Điều đó lắm lúc khiến con người lãng quên dung mạo thực sự của những người nghèo hoặc đúng khung họ với một dung mạo méo mó, không chuẩn xác.

“Người nghèo là những con người” là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh. Điều đó thực sự quan trọng và mang tính cốt lõi. Đức tin dạy chúng ta rằng mọi người nghèo đều là con cái Thiên Chúa và Đức Kitô hiện diện trong họ: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Thiên Chúa không bỏ rơi những người đi tìm kiếm Ngài và kêu cầu Ngài; “tiếng những người nghèo khổ, Chúa chẳng quên bao giờ” (Tv 9,13). Tình trạng nghèo khó không lấy mất đi phẩm giá họ đã nhận được từ chính tay Đấng Tạo Hoá; họ sống trong sự xác tín rằng nhân phẩm của họ sẽ được chính Thiên Chúa trả lại đầy đủ, Người không thờ ơ với số kiếp của con cái Người, những kẻ yếu đuối nhất; trái lại, Người thấy những vấn đề, những đau đớn của họ và đón lấy trong tay Người và ban cho họ sức mạnh và lòng can đảm (x. Tv 10,14). Đó là chân dung và niềm hy vọng của những người nghèo.

Nhìn về bối cảnh hôm nay, những người đã đối xử bất công, thậm chí ngay cả những người làm việc bác ái, lắm lúc cũng lãng quên dung mạo đích thực ấy của người nghèo. Dẫn đến việc khi nói đến người nghèo, người ta dễ rơi vào lối nói hoa mỹ. Đây cũng là cám dỗ ngấm ngầm để chỉ dừng lại ở thống kê và con số. Có một tác giả đã mạnh mẽ lên tiếng: “Tôi xin các bạn đừng hỏi tôi rằng có người nghèo không, họ là ai và bao nhiêu người, bởi vì tôi sợ rằng những câu hỏi như thế  biểu lộ sự sơ suất hay cái cớ để xa rời với chỉ dẫn rõ ràng của lương tâm và trái tim. […] Tôi đã không bao giờ đếm họ, những người nghèo, vì chúng ta không thể đếm họ: phải ôm lấy người nghèo, chứ không đếm họ”. Người nghèo ở giữa chúng ta. Thật là Tin Mừng dường nào nếu chúng ta có thể nói trong tất cả sự thật: chúng ta nghèo khổ, chúng ta cũng thế và chỉ bằng cách này mà chúng ta mới thành công trong việc nhìn nhận họ.

Có một sự thật nền tảng trong đời sống của Giáo hội là những người nghèo đang và sẽ luôn ở bên chúng ta để giúp chúng ta chào đón sự hiện diện của Chúa Kitô vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta (x. Ga 12,8 ). Những người nghèo chính là những người đầu tiên có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như có thể làm chứng cho sự gần gũi của Ngài trong cuộc sống của họ[1].  Đồng cảm với những người nghèo, chúng ta có thể hiểu được một cách sâu sắc hơn điều mà Đức Giêsu đã công bố thành một mối phúc: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Sự thật, những người nghèo là  một phần trong cuộc sống của chúng ta và họ trở thành dụng cụ cứu độ.[2]

  1. Ai có thể được coi là “giàu có” trước mặt Thiên Chúa?

Nhờ việc nhìn lại chân dung của những người nghèo, chúng ta tái khám phá rằng chính chúng ta cũng là những người nghèo. Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta quả là những người nghèo không hơn không kém. Ý thức như thế thật quan trọng biết bao: “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm” (Tv 8,5). Chính Thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15,10). Quả vậy, con người đón nhận tất cả từ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, bước vào đời với đôi bàn tay trắng và con người giã từ cuộc đời cũng với đôi bàn tay trắng. Như vậy, thử hỏi, liệu ai trong chúng ta có thể được coi là “giàu có” trước mặt Thiên Chúa?

Hơn nữa , “Đức Giêsu Kitô… đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em” (x. 2Cr 8, 9). Với những lời này, thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy chăm chú nhìn vào Đức Giêsu, Đấng “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8, 9). Thánh nhân dẫn lối các tín hữu đầu tiên của giáo đoàn Côrintô cũng như mỗi chúng ta biết đặt nền tảng cho sự dấn thân liên đới với những anh chị em túng thiếu. Bởi lẽ, chúng ta cũng là những người nghèo, cũng như bao người nghèo khác, lẽ nào chúng ta lại làm ngơ trước những người anh em cùng cảnh ngộ?

  1. “Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất kỳ người nghèo khổ nào” (Tb 4,7).

Đức Giêsu không chỉ ở bên cạnh người nghèo, nhưng hơn hết, chính Ngài đã chung chia phận nghèo với họ. Đó là một giáo huấn mạnh mẽ cho các môn đệ của Ngài thuộc mọi thời đại. Do đó, “sự chọn lựa những người bé mọn nhất, những người mà xã hội vứt bỏ và gạt sang bên” (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 195) là một sự lựa chọn ưu tiên mà các môn đệ của Đức Kitô được kêu gọi tiếp tục để không phản bội lại sự khả tín của Hội Thánh và cung cấp một niềm hy vọng có thực cho bao con người không được bảo vệ. Đây là điều mà các Kitô hữu không thể coi nhẹ. Sự khả tín của lời tuyên bố của chúng ta và của sự làm chứng của Giáo Hội phụ thuộc vào điều đó. Trong sự gần gũi với những người nghèo, Giáo Hội khám phá ra rằng mình là một dân tộc tản mác trên bao quốc gia, có ơn gọi là đừng làm cho bất cứ ai cảm thấy họ là người xa lạ và bị hắt hủi, bởi vì mọi người đều được tham dự vào con đường của sự cứu độ.[3]

Về những câu hỏi liên quan đến cuộc sống của những người nghèo trên toàn thế giới, Giáo Hội chắc chắn không có giải pháp toàn diện để đề nghị, nhưng nhờ ân sủng của Chúa Kitô, Giáo hội có thể đưa ra chứng tá và cử chỉ bác ái của mình. Giáo Hội cũng cảm thấy buộc phải lên tiếng thay cho những người thiếu nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Nhắc nhở mọi người về giá trị to lớn của lợi ích chung là một dấn thân sống còn của các Kitô hữu; nó được thể hiện trong nỗ lực không lãng quên bất cứ người nào trong số những người mà nhân phẩm bị xúc phạm trong các nhu cầu cơ bản. Đây không phải là vấn đề về việc đến với người nghèo bằng “não trạng trợ cấp”, như thường xảy ra; ngược lại, người Kitô hữu cần dấn thân để không một ai thiếu thốn những điều thiết yếu. Điều hữu ích không phải là duy hành động, mà là sự quan tâm chân thành và quảng đại cho phép chúng ta đến với một người nghèo như đến với một người anh em, người đang chìa tay ra, để tôi được cứu thoát khỏi vòng xoáy mà tôi bị rơi vào.

“Không ai được nói mình không thể gần gũi người nghèo vì nếp sống của mình đòi hỏi phải chú ý tới những lãnh vực khác. Đây là một lời bao biện thường nghe thấy trong các giới học thuật, doanh nghiệp hay chuyên môn, thậm chí cả trong giới giáo sĩ. […] không một ai trong chúng ta được miễn khỏi sự quan tâm tới người nghèo và công bằng xã hội” (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 201). Đến với những người nghèo là một đòi buộc của Kitô giáo, hay nói cách khác, người môn đệ Đức Giêsu phải dấn thân vào sứ vụ đồng hành với những người nghèo như chính Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh, đã thực thi.

Vậy đâu là tâm thế người môn đệ cần mang lấy để có thể bước vào thế giới của những người nghèo? Như đã nói ở trên “người nghèo là những con người”, Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh thêm “họ có những khuôn mặt, những câu chuyện, trái tim và tâm hồn. Họ là anh chị em của chúng ta, giống như tất cả chúng ta, họ cũng có những điểm mạnh và điểm yếu. Điều quan trọng là phải thiết lập mối tương quan cá vị với từng người trong số họ”.  Điều đó có nghĩa là người môn đệ cần hiểu những gì họ cảm thấy, những gì họ đang trải qua và đâu là những ước ao trong tâm hồn của họ.Trong ý hướng như thế, dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10, 25-37) không đơn thuần là một câu chuyện của quá khứ; nhưng tiếp tục thách thức hiện tại của mỗi chúng ta. Thật dễ dàng để ủy thác việc quan tâm, chăm sóc “người nghèo” cho những người khác, chứ không phải tôi. Thế nhưng, ơn gọi của mọi Kitô hữu là tham gia một cách cá vị. Điều quyết định là gia tăng sự nhạy cảm của chúng ta để hiểu những nhu cầu của người nghèo. Ở đây, chúng ta cũng cần có sự phân định dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để nhận ra nhu cầu đích thực của anh chị em chứ không phải nhằm thoả mãn những ước muốn và nguyện vọng cá nhân của chúng ta. Điều mà người nghèo chắc chắn cần là tình người, là trái tim của chúng ta mở ra cho tình yêu.

Tóm lại

Nhân ngày Thế giới Người nghèo năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi người tái khám phá dung mạo của những người nghèo và dung mạo của chính chúng ta, những người nghèo trước mặt Thiên Chúa. “Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo khổ nào” (Tb 4,7), lời này giúp chúng ta hiểu được bản chất chứng ta của mình. Người nghèo ở giữa chúng ta. Thật là Tin Mừng dường nào nếu chúng ta có thể nói trong tất cả sự thật: chúng ta nghèo khổ, chúng ta cũng thế, và chỉ bằng cách này mà chúng ta mới thành công trong việc nhìn nhận họ.

Lời của thánh Gioan Tông Đồ vang lên trong bối cảnh thời đại của chúng ta hôm nay, một cách cấp thiết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).

Chú thích:

[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-nguoi-ngheo-lan-thu-2-nam-2018-ke-ngheo-nay-keu-len-va-chua-da-nham-loi-51052

[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-nguoi-ngheo-lan-thu-5-nam-2021-nguoi-ngheo-cac-ong-se-luon-co-ben-minh-mc-14-7–51053

[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/toan-van-su-diep-cua-dtc-nhan-ngay-the-gioi-nguoi-ngheo-lan-thu-iv-40126

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 32 Thường Niên – A
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 32 TN-A)