“Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37).

0
600

[Suy nghĩ về Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14/9]

Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

Có tác giả đã nói rằng chúng ta đang sống trong một “xã hội hoá lỏng” (Zygmunt Bauman); không còn những điểm cố định cũng chẳng còn những giá trị không thể chối cãi; không còn tảng đá nào trên biển để bám vào hoặc va chạm. Mọi thứ đều biến động.[1] Chính trong xã hội ấy, chủ thuyết vô thần đang ngày một bành trướng với nhiều những dạng thức khác nhau. Một thế giới đang kêu gào đòi“giết Thượng đế để con người được làm chúa của mình”. Triết gia hiện sinh Friedrich Nietzsche đã cho rằng con người chỉ có thể thực hiện được ước mơ, lý tưởng hay là trở thành ông chủ của chính mình khi không còn Thiên Chúa nữa: “Các ngươi chỉ được phục sinh kể từ khi vị Thiên Chúa nghỉ yên trong mồ”[2]. Quả thật, theo Nietzsche, con người phải thay thế Thiên Chúa tạo ra các giá trị và phải làm chủ cuộc đời của mình. Thiên Chúa đã bị xem là mối nguy hiểm lớn nhất của con người. Trong thời đại như vậy, liệu còn cơ hội nào cho Thiên Chúa để có thể cứu độ con người?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà đã mở đầu cuốn sách “Cơ hội của Chúa” bằng nhận định: “Sự cùng quẫn cuối cùng của con người đấy là cơ hội của Chúa”[3]. Trong những trang cuối của cuốn sách, tác giả đã chỉ cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cùng quẫn của con người trong đoạn văn:“Ở đâu có sự thô bạo của kiến thức ở đó có đông kẻ đạo đức giả. Rời vòng tay của Chúa, con người ta loay hoay tìm cách hoàn thiện bản thân mình… Chúng ta đã gay gắt chối bỏ ân sủng của Thiên chúa bằng nhiều lý do nghe có vẻ hữu lý. Một nhà Thần học đã phải đau đớn thốt lên: ‘Con người ta đã mất đất Mẹ và đã phải lang thang đi tìm đất hứa’. Cái miền đất hứa được thế tục hóa bằng sự giàu sang tiện lợi của nền văn minh…”[4]. Chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng nhận lấy ghi nhận của tác giả Nguyễn Việt Hà làm câu trả lời chăng? Cần biết rằng, trong sự khốn quẫn của kiếp nhân sinh, không ít người đã than trách, giận dữ và chối bỏ Thiên Chúa. Thực tế đã minh chứng điều đó.

Vậy chúng ta sẽ tìm đâu ra câu trả lời cho câu hỏi “cơ hội nào cho Thiên Chúa để có thể cứu độ con người?”. Thiết nghĩ, điều vẫn được cử hành vào ngày 14 tháng 9 hàng năm, điều mà Giáo Hội không ngừng mời gọi con cái chiêm ngắm và suy tôn cho chúng ta một câu trả lời mang tên “thập giá Đức Kitô”. Nhưng liệu câu trả lời đó sẽ làm chúng ta thoả mãn?

Thiên Chúa tìm kiếm cơ hội nào ở nơi bị xem là khổ hình ô nhục nhất dành cho những nô lệ phạm trọng tội, “điều mà người Do Thái cho là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ” (x.1Cr 1,23)? Từ việc phải chịu đánh đòn trước khi vác khổ hình thập giá, đến việc phải vác chính cây thập giá ấy mà bị điệu đến nơi hành hình, bị lột trần và đóng đinh, ở đó phạm nhân sẽ phải hấp hối trong những cơn co giật và đau đớn ghê gớm. Tất cả chỉ nhằm để khổ hình ấy làm mất phẩm giá phạm nhân ngần nào có thể. Thế nên, vào thời Đức Giêsu, người ta không thể nghe từ này mà không thấy toàn thân run sợ. Đối với người Do thái, thêm vào tất cả những chuyện đó còn có lời chúc dữ của Thiên Chúa, bởi Kinh Thánh nói: “Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!” (x. Gl 3,13).[5]

Dĩ nhiên, chúng ta cần xác tín rằng con người được cứu độ chẳng phải nhờ hai thanh gỗ trơ trọi, vô tri vô giác kia nhưng hệ tại nơi Đấng treo mình trên đó,“đấng mà họ đã đâm thâu” (x.Ga 19,37). Chính Đức Giêsu đã củng cố niềm tin đó của chúng ta: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Thiên Chúa mời gọi con người nhìn lên Đấng đang chịu treo trên thập giá, nhờ tin vào Đấng ấy mà con người được cứu độ.

Thiên Chúa toàn năng có thể dùng nhiều cách thế để cứu độ con người, thậm chí, chỉ cần phán một lời là tội lỗi được xoá bỏ và con người được nên tinh tuyền. Thiên Chúa hoàn toàn có thể làm được điều đó. Nhưng nếu vậy, Thiên Chúa đã can thiệp vào tự do của con người. Con người đánh mất tự do, đồng nghĩa với việc đánh mất chính mình. Và, Thiên Chúa đã không làm như vậy. Trái lại, Ngài đã chấp nhận giới hạn bản thân và tôn trọng tự do của con người khi chọn lấy thập giá. Thập giá trở nên cách thế Thiên Chúa dùng để cứu độ những ai ngước nhìn lên Đấng đang treo mình trên đó, “như ông Môsê đã giương con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (x.Ga 3,14-15).

Hình ảnh con rắn đồng trong sa mạc được đề cập đến trong câu Kinh Thánh trên giúp chúng ta hiểu được lý do “tại sao con người phải nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu?”. Chương 21 sách Dân số thuật lại việc dân nổi loạn khi liên tục kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê (x. Ds 21,5), hệ quả là Thiên Chúa đã cho rắn hổ lửa trong sa mạc cắn họ.“Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông” (Ds 21,7) đó là lời thú tội của dân hầu kêu cầu ơn chữa lành của Thiên Chúa; đó cũng là sự ý thức về tội và xưng thú với người trung gian. Quả thật, đứng trước sự chết, dân mới ý thức mình có tội: tội loại trừ và phủ nhận Thiên Chúa. Nhờ đó, Thiên Chúa đã ra tay giải cứu khi sai ông Môsê làm con rắn đồng treo lên để ai nhìn lên sẽ được sống (c.8). Thật vậy, Thiên Chúa muốn dân nhìn lên “bản chất thật” của con rắn và ý thức được tội của mình để được sống, nhìn lên con rắn đồng để ý thức được “con rắn” nơi mình luôn phản nghịch, loại trừ và từ khước.[6]

Đức Giêsu cũng đã treo mình trên thập giá để cứu độ những ai ngước nhìn lên. Thế nhưng, liệu con người có cho Chúa cơ hội được nắm lấy tay và kéo họ lên khỏi vũng bùn tội lỗi hay chăng? Thánh Augustine đã từng nói: “Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa không cần sự đồng ý của con người, nhưng khi cứu độ con người, Thiên Chúa cần có sự đồng ý của con người”. Thiên Chúa sẽ cứu độ bằng cách nào khi con người cương quyết chối từ và một mực phủ nhận tình yêu của Ngài? Quả vậy, Thiên Chúa hằng muốn con người được ơn cứu độ và đã cho Con Một chịu khổ nạn, chịu chết trên cây thập giá; Ngài không ép buộc một ai nhưng tha thiết mời gọi con người “nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (x.Ga 19,37) để được ơn cứu độ. Thật thế, chỉ khi con người nhìn lên thập giá để thấy mình yếu đuối và bất lực, nhìn lên thập giá để thấy “con rắn” vô ơn, phản nghịch nơi mình, để ý thức tội lỗi, sám hối và được dẫn đến việc tin vào Đấng đang chịu khổ nạn trên cây thập giá, Thiên Chúa mới có cơ hội dang tay kéo con người lên và ban ơn cứu độ.

Con rắn đồng trong Kinh Thánh (Sách Dân số 21,4-9)

Thế nên, thập giá trở thành “niềm hy vọng duy nhất”, thập giá là lý do để tự hào. Đến độ chúng ta cảm thấy được thúc đẩy để vui mừng thốt lên như thánh Phaolô: “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô!” (Gl 6,14). Thập giá chính là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Chính Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian nhưng là để thế gian, nhờ con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Do đó, thập giá không chống lại thế gian nhưng là vì thế gian: mang lại ý nghĩa cho mọi đau khổ đã có, đang có và sẽ có trong lịch sử nhân loại. Thập giá là lời tuyên bố sống động rằng chiến thắng cuối cùng không thuộc về những người chiến thắng người khác nhưng thuộc về những người chiến thắng chính mình; không thuộc về những người gây ra đau khổ, nhưng thuộc về những người chịu đau khổ.[7]

Thật vậy, chỉ khi con người nhận ra những tự mãn và kiêu căng đang kéo ghì mình xuống để ngẩng đầu lên, ngước nhìn Đức Giêsu, Đấng đang chịu treo trên thập giá và khám phá ra con người thật nơi mình. Con người sẽ mở toang mọi cánh cửa ngăn cách để đón lấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Và khi cho Chúa cơ hội nắm lấy tay chúng ta, chúng ta sẽ nhận lấy cơ hội của ơn cứu độ. Thế nên, cơ hội của Chúa để cứu độ con người và cũng chính là cơ hội của mỗi chúng ta, những tội nhân, chính là thập giá Đức Kitô, nơi “sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn” (2Cr 12,9). Vì thế, “họ sẽ phải nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”.

Có một tác giả đã nói: “Thập giá đứng yên trong khi thế giới xoay vòng”, thập giá Đức Kitô vẫn đứng đó và đợi chờ con người. Liệu chúng ta có khám phá được sự hiện diện ấy giữa một “xã hội hoá lỏng”, một thế giới đang kêu gào đòi “giết Thượng đế để làm chúa của mình” hay chăng?

Chú thích:

[1] Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, Dg: Lm. Micae Trần Đình Quảng, Nxb Đồng Nai (2020), tr. 468.

[2] Friedrich Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế, Dg.Trần Xuân Khiêm, Nxb Văn học (2021), tr. 531.

[3] Nguyễn Việt Hà, Cơ hội của Chúa, Nxb Trẻ (2013), tr. 4.

[4] Sđd, tr. 234.

[5] Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, Dg: Lm. Micae Trần Đình Quảng, Nxb Đồng Nai (2020), tr.198-199.

[6] Trích Bài giảng về chương 21, sách Dân số của Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga, Dòng Đức Bà, trong giờ học môn Ngũ Thư, lớp Thần I, TTHVĐM 2020-2021.

[7] Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, Dg: Lm. Micae Trần Đình Quảng, Nxb Đồng Nai (2020), tr. 467.

Bài trướcNGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THẬT CỦA ĐẤNG KITÔ (12/9, Chúa Nhật XXIV TN-B)
Bài tiếp theoAI TÍN: Ông Cố Giuse Lâm Văn Đường (Thân phụ Lm. Giuse Lâm Văn Việt và Lm. Giuse Lâm Sơn Tòng)