Góc Suy Tư: Nhìn Lại…..!

0
436

NHÌN LẠI

Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD

Quá khứ của một con người cũng có thể chất chứa những dấu ấn và kỷ niệm đẹp đáng nhớ, nhưng cũng có thể in đậm những dấu ấn và kỷ niệm buồn đau không đáng nhớ nhưng lại khó quên. Tuy nhiên, hành trình đời người có lẽ ít nhiều ai cũng đã trải qua những dấu ấn, kỷ niệm màu hồng hoà quyện với những dấu ấn và kỷ niệm màu đen ảm đạm. Thế nhưng khi hồi tâm nhìn lại đời mình, soi lại những bước thăng trầm trong cuộc sống, những thành công thất bại, những biến cố buồn vui diễn ra trên hành trình đời sống, ta mới ngộ ra rằng hành trình đời người là một huyền nhiệm. Những dấu chấm đen, chấm trắng, chấm dôi, dấu lặng ngang qua cuộc đời đã cấu thành một bản tình ca tuyệt đẹp với những cung bậc trầm bổng du dương khó diễn tả mà chỉ có Đấng là tác giả đã an bài nên bản tình ca tuyệt diệu đó mới có thể thẩm thấu một cách trọn vẹn. Trong bài chia sẻ này, người viết xin được chấp bút ngược dòng thời gian để trở về với quá khứ, trở về với những kỷ niệm, những dấu ấn buồn vui trong cuộc đời, để qua đó giúp bản thân cảm nhận sâu hơn về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đổ xuống trên cuộc đời mình.

  1. Nhìn Lại Để Thấy Đời Là Một Huyền Nhiệm Tình Yêu

Nhìn lại quá khứ không phải chỉ ngồi đó để gặm nhấm những nỗi đau, những kỷ niệm buồn chất chứa bấy lâu trong lòng, những thất bại cay đắng hay cả những thiếu sót, lỗi phạm của một thời đã qua … Nhìn lại quá khứ cũng chẳng phải để ôn lại những điểm mốc vàng son vang dội một thời; ôn lại những kỷ niệm đẹp, những dấu ấn tuyệt vời đã đi qua đời mình để say giấc chiến thắng trên đỉnh cao vàng son đó. Nhưng nhìn lại quá khứ mà tôi muốn nói ở đây là hồi tưởng lại cả một hành trình đã qua, trong đó những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn, những thành công thất bại, những thăng trầm của phận người nhằm đúc rút cho mình những kinh nghiệm sống, những cảm nhận sâu lắng về tình yêu. Khi nhìn lại một cách toàn diện như thế với mục đích là để giúp bản thân nhận ra rằng, cuộc đời là một huyền nhiệm, một “huyền nhiệm tình yêu” mà Thiên Chúa thiết định trên chính mỗi con người, dẫu rằng mỗi người một vẻ nhưng tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn đong đầy và trọn vẹn trên chính cuộc đời của mỗi con người.

Khi nhìn lại đời mình, tôi nhận ra rằng thành công cũng không ít và thất bại cũng có nhiều; kỷ niệm đẹp đáng nhớ cũng không thiếu và kỷ niệm đau thương muốn chôn chặt vào quá khứ cũng có thừa; những điều thánh thiêng, thánh thiện và tốt đẹp cũng có và cả những gì tầm thường, tội lỗi và bất xứng cũng không thiếu. Có lẽ trong tôi hội đủ mọi cung bậc trầm bổng của một bản nhạc cuộc đời. Trên cái cung bậc trầm bổng của phận người đó, tôi nhận ra rằng trong cái thánh thiêng của trời cao và trong cái ô tạp tầm thường của tục lụy phận người, lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn bao phủ đời tôi. Mỗi khi ngồi ngẫm suy về đời mình, tôi tự nhủ thầm: phép lạ không đâu xa; phép lạ đang diễn ra chính trên cuộc đời tôi. Nhiều lúc tôi tự hỏi làm sao tôi có được như ngày hôm nay? Từ một cậu bé gầy gò ốm yếu, chân lấm tay bùn, quê mùa dốt nát, học ít chơi nhiều, sự ưu đãi của xã hội dành cho những cậu bé Công Giáo như tôi thật khiêm tốn, nói đúng hơn chẳng có tí gì. Xem ra viễn cảnh tương lai chẳng có gì sáng sủa, thế mà làm sao tôi lại có được ngày hôm nay? Nhờ đâu và bởi ai? Lời của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô luôn mách bảo cho tôi rằng: “tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15,10a). Những gì tôi là hay những gì tôi có vượt trên sự không tưởng, nói khác là cả một sự bất ngờ khó diễn tả. Chính cái không tưởng và không ngờ đó đã giúp tôi nhận ra rằng đời tôi là một “huyền nhiệm tình yêu”. Huyền nhiệm ấy không phải khởi đi từ chính tôi, từ những tài năng hay nỗ lực riêng cá nhân tôi mà là được khơi nguồn từ chính tình yêu vô biên và lòng thương xót đại lượng của Thiên Chúa. Có thể nói khác, đời tôi được đúc kết bởi bàn tay nghệ sĩ tài ba tuyệt diệu của một Thiên Chúa đầy lòng xót thương.

  1. Nhìn Lại Để Biết Mình Được Yêu

Nhìn lại để biết mình được Thiên Chúa yêu thương: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 23,6). Đây là câu Thánh Vịnh mà tôi đã chọn để định hướng cho chính mình khi đời tôi bước sang trang sử mới, nghĩa là khi tôi được chịu chức thánh linh mục. Đây không phải là một chọn lựa ngẫu nhiên hay tình cờ mà là một sự lựa chọn có chủ ý bởi được thôi thúc và khơi dậy từ trong thẳm sâu của lòng mình, được khởi đi từ cảm nhận sâu lắng về tình Chúa yêu thương. Lời Thánh Vịnh luôn vang vọng bên tôi và nhắc nhở tôi về dấu ấn tình yêu mà Thiên Chúa đã thiết định. Tình yêu đó không phải chỉ được nhận ra khi tôi đón nhận hồng ân Thiên Chúa, được khấn trọn hay chịu chức linh mục mà được nuôi dưỡng trong tôi từ khi tôi thành hình trong lòng mẹ cho đến hôm nay. Lời Thánh Vịnh đó vẫn luôn âm thầm vọng lên trong tôi mỗi khi tôi thầm lãng quên tình Chúa. Khi tôi mỏi mệt, khi tôi chán chường, thất vọng và muốn buông xuôi tất cả thì lời ấy lại thúc bách tôi trong một khoảng lặng bình yên nhìn lại. Nhận ra ân sủng của Chúa tràn trào trên cuộc đời tôi, điều đó không cho phép tôi vô ơn với Ngài. Trải dài trên cuộc đời, qua mỗi giai đoạn, mỗi chặng đường, mỗi cột mốc quan trọng trong đời, Thiên Chúa đã cho tôi những kỷ niệm đẹp, những dấu ấn đầy ý nghĩa để hình thành nên con người, cuộc đời và ơn gọi làm tu sĩ linh mục của tôi như hôm nay. Đó là một hồng ân vô giá mà không phải ai muốn cũng có thể được vì ơn gọi tận hiến và thiên chức linh mục là của Chúa và Ngài ban tặng cho những ai Ngài muốn chứ không phải cho những ai xứng đáng, vì xét trên phận người thì chẳng có ai được gọi là xứng đáng với thiên chức cao trọng ấy. Do đó, tôi xin mượn lời của tác giả Thánh Vịnh để nói lên tâm tình của tôi trước tình yêu lớn lao mà Thiên Chúa đã ban tặng:  “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136,1).

Nhìn lại để nhận ra mình được mọi người thương mến. Khi ngược dòng đời, tôi mới nhận ra rằng đời mình luôn được dệt nên bởi một sợi dây ân tình vô hình, đó là sợi dây “yêu thương”. Tình Chúa và tình người. Tình Chúa ban xuống trên tôi có thể trực tiếp hay gián tiếp. Trực tiếp nghĩa là qua chính ân sủng của Ngài và gián tiếp nghĩa là qua tình người. Tình người là một yếu tố không nhỏ và không thể thiếu được vì đó là tình Chúa trải rộng và nối dài. Tình yêu đó dệt nên cuộc đời tôi hiện tại và tương lai. Nhìn lại đời mình, từ khi tôi chưa thành hình, tình cha tình mẹ đã tác thành nên tôi. Khi tôi được thành hình trong dạ mẹ, hơi ấm tình cha tình mẹ luôn bao bộc lấy tôi. Khi cất tiếng khóc chào đời, tình thương ấy vẫn đeo đẳng bên tôi; hơi ấm và bầu sữa mẹ luôn ấp ủ và nuôi dưỡng tôi. Khi tôi chập chững bước đi và bập bẹ những tiếng nói đầu đời, bàn tay mẹ vẫn luôn đỡ đần và lời dạy cha luôn vang vọng; vòng tay chị luôn bồng ẵm và đôi tay anh dẫn tôi đi từng bước. Cho đến khi tôi bước vào những năm đầu đời của cái nghiệp đèn sách, tình cha, nghĩa mẹ, ơn thầy cô, tình bạn bè như nhịp cầu dẫn tôi tiến bước. Nhớ lại cái thuở ban đầu cắp sách tới trường cho đến khi nhận tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học và nói lời giã từ mái trường thân thương, tình bạn bè, tình thầy cô, tình làng nghĩa xóm đã nối kết vòng tay yêu thương xây đắp cho tôi một hành trang vào đời thật trân quý và đáng nhớ. Khi chọn đời tu như cái nghiệp của đời mình, tình yêu ấy càng được nhân lên gấp bội. Dường như mọi người đều dõi bước theo tôi, dành cho tôi sự quan tâm, nâng đỡ và một tình thương yêu quý mến đáng trân trọng. Khi tôi trở thành linh mục của Chúa, sợi dây tình yêu ấy càng thắt chặt tôi hơn qua lời động viên khích lệ, qua lời cầu nguyện và qua sự giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần… Tất cả là hồng ân và tất cả vì tình thương mến thương.

  1. Nhìn Lại Để Biết Yêu Nhiều Hơn

Bản chất của con người là muốn yêu và được yêu. Đây cũng là hai nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong đời sống làm người. Yêu Chúa và được Chúa yêu. Yêu mình, yêu người và được người yêu. Khi ta xuất hiện trên đời, đó là một ân sủng tình yêu vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng. Do đó, yêu mến Thiên Chúa là hành động đáp trả và dấu chứng biểu lộ lòng biết ơn của ta đối với tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Còn yêu mình là một hành động bình thường, không phải là một lối sống ích kỷ. Vì khi biết yêu mình là ta biết trân trọng và yêu quý món quà ân sủng sự sống mà Thiên Chúa trao ban. Đó cũng là tâm tình và thái độ sống biểu lộ lòng yêu mến của ta đối với Chúa. Không biết yêu mình đồng nghĩa là không biết yêu Chúa vì không biết tôn trọng món quà vô giá của Ngài. Khi ta nhận được một món quà từ một người ta yêu thương và quý mến, ta cảm thấy vui sướng, hạnh phúc; ta nâng niu, giữ gìn và quý trọng nó. Thái độ trân trọng món quà không phải vì nó có giá trị vật chất mà vì ta yêu mến và trân trọng người tặng quà. Bởi thế, khi biết yêu mình đồng nghĩa ta biết yêu Chúa vì ta biết trân trọng món quà của Chúa là ân sủng sự sống, là tâm hồn, thân xác của ta, vì Thiên Chúa yêu ta và vì ta yêu mến Ngài.

Nhìn lại để biết yêu mình và yêu người. Soi lại mình, có khi tôi cũng mãn nguyện với những gì mình đang có, nhưng cũng đôi lúc còn mặc cảm tự ti với bản thân. Không biết sự tự ti mặc cảm đó đến từ đâu nhưng thoáng qua những so đo tính toán, so sánh ta với người lại thấy mình chẳng là gì, chẳng giống ai, chẳng tài cán gì đối với người khác. Chính sự mặc cảm tự ti đó lại làm khổ bản thân, đồng nghĩa là mình chưa yêu mình đủ. Một con người biết yêu chính bản thân là người biết chấp nhận những gì mình đang có, sau khi đã cố gắng nỗ lực hết mình. Quả đúng với sự cảm nghiệm của một đại văn hào “hạnh phúc là biết chấp nhận”. Những giây phút nhìn lại mình là khoảng thời gian thật cần thiết và quan trọng. Nhìn lại để ta không ảo tưởng về bản thân, không tự cao tự đại về những thành quả đạt được, không mặc cảm tự tôn cho mình hơn người hay mặc cảm tự ti là mình thấp kém hơn kẻ khác. Nhìn lại mình giúp ta nhận ra rằng Thiên Chúa đã yêu thương ta quá bội. Tình yêu đó thôi thúc ta không thể phụ tình với Đấng đã yêu ta và tình yêu đó càng đòi buộc ta biết yêu tha nhân nhiều hơn vì nơi anh chị em ta là hiện thân của Đấng Ban Sự Sống và là ân sủng tình yêu vô biên của Ngài.

Tóm lại, nhìn lại mình là một hành động phản tỉnh đời mình tuyệt đẹp. Nhìn lại mình cũng là chặng dừng chân yên bình để ngẫm nghĩ và suy xét kỹ càng những khoảng lặng trong cuộc đời. Vì chính khi biết nhìn lại, ta ngược dòng thời gian trở về với quá khứ và lần lượt ôn lại những điểm mốc quan trọng trên hành trình đã bước. Sự nhìn lại như thế sẽ giúp ta nhận ra thành bại và thăng trầm trong cuộc sống như là một quy luật tất yếu để làm cho đời mình thêm phong phú và giá trị. Chính trong những thành bại và thăng trầm đó, ta sẽ khám phá ra huyền nhiệm tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa và tình yêu đồng loại luôn được trải rộng trên cuộc đời ta. Khi thấy đời mình được bao phủ bởi tình yêu, ta mới thấy cuộc đời thật đẹp và giá trị, thật ý nghĩa và đáng sống. Ý thức được điều đó, tự thân chúng ta biết trân trọng món quà sự sống của Chúa là đời mình và giúp ta biết yêu Chúa, yêu mình và yêu người nhiều hơn.

(Trích: Nội San Học Viện Ngôi Lời Việt Nam – năm 2016)

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng LỄ TRUYỀN TIN (ngày 25 tháng 3)
Bài tiếp theoĐHY Parolin: ưu tiên hòa giải Công Giáo tại Trung Quốc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây