Suy tư: ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

0
1051

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

 

Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

(Lc 11, 27-28).

Mt người ph n lên tiếng 

Ai lên tiếng giữa đám đông thì phải nói to nói rõ. Được vậy, những người đứng ngồi xung quanh mới nghe thấy được. Lời được nói ra phải đủ mạnh để vượt lên trên những xầm xì bàn tán, trầm trồ xôn xao nhưng vô ý vô nghĩa. Như vậy, với lời của mình, người đó đục thủng tấm màn “an phận” che phủ trên đám đông quanh mình. Đây là một sự quấy rối. Người nói phải can đảm lắm, hay phải là một người còn giữ được tính bộc phát tự nhiên mà các khuôn khổ chi li được văn hóa và tôn giáo đặt định (cho người phụ nữ) không thể bị bóp chết.

Cần phải lên tiếng. Thinh lặng không là chọn lựa hay nhất cho người phụ nữ vô danh trong trường hợp này. Bởi bà “không thể không nói ra những gì tai đã nghe, mắt đã thấy” (Cv 4,20). Đây là lời biện hộ trước các thủ lãnh và kỳ mục của hai tông đồ Phêrô và Gioan về việc họ rao giảng Đấng Phục Sinh cho dân. Họ không thể làm khác hơn. Tù ngục, đe dọa và cấm đoán không thể cản ngăn họ. Cũng vậy, người phụ nữ bị hạ thấp trong xã hội phụ quyền đã ý thức và cho phép mình lên tiếng nói điều mình cảm nghĩ vào thời điểm đó. Và qua đó bà không còn (chỉ) là một-con-người-đám-đông, một người như mọi người xung quanh mình, mà trở nên một cá thể. Một con người với tiếng nói riêng.

Người phụ nữ vô danh đã say mê nghe giáo lý của Đức Giêsu, những lời được minh chứng bằng những dấu lạ, và cất tiếng nói lên điều làm rung động con tim bà. Ai được chạm bởi Ngôi Lời thì trở nên chính mình. Chỉ lạ ở đây là lời được cất lên không để tỏ bày sự ngưỡng mộ cho vị ngôn sứ, mà cho người mẹ của Ngài. Tài năng và thành đạt của một người cho thấy người đó phải có nền tảng chắc chắn, có gốc tích tốt. Phải có một người mẹ tương xứng. Chúc khen như vậy cũng tỏ hiện lòng biết ơn cho người đã sinh dưỡng con người nổi trội đang đứng giữa đám đông. Người phụ nữ mà tên tuổi không được nêu này nhận ra ngay liên hệ chặt chẽ không thể phân tách giữa con và mẹ.

Hai li chúc phúc, hai ln chúc phúc

Đoạn Tin Mừng chỉ có vỏn vẹn hai câu. Súc tích, cô đọng. Trong đó hai con người xuất hiện: Mẹ và Con. Và nội dung chứa đựng hai lời chúc phúc dành cho hai lớp người: Mẹ và những ai nghe và sống Lời Chúa. Lời chúc phúc đầu được người phụ nữ nói ra từ đám đông. Người này nhìn Đức Maria như một người mẹ có phúc, vì “đã cưu mang và cho Thầy bú mớm.” Lời chúc phúc thứ hai được chính vị ngôn sứ, Đức Giêsu, nói: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

Đức Maria xứng đáng cho cả hai lời chúc phúc, vì ngài hội đủ các điều kiện được nêu. Người chị họ cao niên của Maria, bà Êlidabét, đã hoàn toàn đúng khi nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ.” Chẳng có người nào khác có thể sống trong tương quan hiệp nhất với Lời Chúa cách triệt để như Maria.

Và khi Mẹ là người “có phúc” thì Con “cũng được chúc phúc” (Lc 1,42). Ở đoạn Tin Mừng trên, người phụ nữ vô danh khi lắng nghe con-người-“được chúc phúc” qua mẹ mình, đã cất tiếng và quả quyết điều ngược lại: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Đóng kín lại một vòng tròn của ơn phúc xuôi ngược! Êlidabét nhìn Mẹ mà liên tưởng đến Con, và ngược lại ở đây: người phụ nữ không tên nhìn Con mà nhớ đến Mẹ.

Nhưng thực tế là vậy: Danh dự của Đức Maria không (chỉ) vì đã “cưu mang và cho bú,” mà danh dự thực sự của Mẹ – cũng như của mọi tín hữu lắng nghe và thi hành Lời Chúa – nằm ở trong thái độ sống trước mặt Thiên Chúa. Lắng nghe trước hết biểu lộ sự tôn trọng Đấng Tối Cao và ý muốn của Người. Bởi cuối cùng, Ý Cha cần được thể hiện trọn vẹn trong đời người nghe. Bởi Lời Người là ánh sáng, là sức sống, là hy vọng, là đường và là cùng đích. Sau nữa, người nghe phải chân thật và đồng nhất với chính mình khi đối diện với Thiên Chúa. Và ngược lại: Càng biết lắng nghe Thiên Chúa vô điều kiện, thì sự hiệp nhất càng trọn vẹn hơn nơi người nghe – vì được đưa đến gần với Thiên Chúa. Nói Đức Maria “được đưa về trời” nghĩa là được đưa vào sự hiện hữu đời đời của Thiên Chúa.

Lắng nghe là thái độ sống cần được tập tành. Cũng vì Lời của Thiên Chúa lắm lúc được nói thật nhỏ, khó nghe ra được liền. Vì vậy, tìm ý Chúa có khi thật khó nhọc, đòi hỏi sự tập trung cao độ và một sự bền bỉ. Và đó chính là thái độ của niềm tin. Là tin. Nói vậy, tin vào Thiên Chúa thì sống như Mẹ của Chúa.

Tương quan mẹ con là hình ảnh cho sự nối kết gần gũi nhất mà chúng ta có thể hình dung. Tin là sống với Thiên Chúa như vậy: như con trong lòng mẹ, là cưu mang Lời. Sống hiệp nhất với Thiên Chúa là cùng đích của con đường niềm tin. Bà già Êlidabét nhận ra nơi người em họ trẻ một kẻ dư đầy ơn phúc, có phúc hơn mọi người nữ, vì “đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói” (Lc 1,45).

Đúng hơn phi nói rng …

Đức Giêsu không muốn lời chúc tụng bị giới hạn vào các tương quan giữa người nhà mà thôi. Trong lời đáp của mình Ngài mở rộng tầm nhìn vào một chân trời mới: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” Như vậy, Đức Giêsu mở toang cổng ân phúc cho tất cả môn đệ của Ngài. “Đúng hơn phải nói rằng”: cho tất cả những ai tìm kiếm Lời Chúa để sống. Tầm nhìn được mở rộng vào điều Thiên Chúa muốn cho hết mọi người, là: nhìn nhận sự thật và được cứu thoát (1 Tm 2,4). Mẹ của Đức Giêsu chắc chắn là kiểu mẫu của con người Thiên Chúa mơ ước. Bởi thế, Đức Maria chỉ cho lối đi dẫn đến đích cuộc đời.

Muốn sống như Mẹ, chúng ta cần tìm đến với Lời, đón nhận và cưu mang Lời, để chính mình lớn lên và đem lại hoa trái như con người mẫu mực của Thiên Chúa, Đức Maria. Chúng ta không đón nhận trực tiếp, mà tiếp cận Lời Thiên Chúa qua những gì được viết lại. Nghĩa là cần học một cách nghe khác. Đọc, suy, chiêm ngắm, cầu nguyện, chia sẻ, là những bước được dạy trong truyền thống đọc Kinh Thánh của Giáo hội. Cần đọc Lời Chúa từ bối cảnh sống cụ thể, vì Đức Giêsu là “lời chú giải” của Thiên Chúa cho cuộc đời của chúng ta.

Để có thể nghe ra ý Chúa thì thinh lặng là một điều kiện cơ bản. Rút lui, dành không gian riêng tư với Lời là một điều không thể thiếu cho con người đi tìm Thiên-ý cho đời mình. Các hoạt động “nhân danh Chúa” luôn trở thành một cám dỗ lôi kéo tôi trốn tránh giờ phút riêng tư với Lời. Đây là một điều cần được chú ý nếu tôi muốn lớn lên, muốn tương quan của tôi với Người sâu đắm và mạnh mẽ hơn. Làm thế nào có thể phân biệt và nghe ra được Lời của Ngài giữa một rừng lời mà tôi ghi nhận hằng ngày, nếu tôi tránh né việc đều đặn tìm không gian tĩnh lặng? Cám dỗ và vấp ngã thường nằm ở đây, cho dù tôi không ngừng quả quyết rằng mọi bận rộn của mình chỉ để làm sáng danh Chúa và phục vụ tha nhân.

Nói vậy nghĩa là chúng ta cần học thái độ sống của Đức Maria. Kinh Thánh tường thuật về Mẹ như một người lắng nghe, không như một kẻ nhiều lời. Maria sống chú tâm hoàn toàn vào Lời đã đón nhận, trung thành một mực với lời Fiat đã trao cho sứ thần của Thiên Chúa. Cưu mang Lời, Mẹ cũng lớn dần mọi mặt với sự sống thánh thiêng, với Con trong lòng mình. Hướng nội là thái độ sống của Mẹ như Tin Mừng Luca mô tả: Maria “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Và đó là điều cần thực hành cả đời.

M được đón v tri

Giáo hội Công giáo biết đến hai cuộc lên trời: của Đức Kitô sau phục sinh và của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Sự khác biệt giữa hai lễ được nhìn thấy rõ trong tiếng Latinh: Đức Kitô chủ động lên trời: “Ascencio Domini,” trong khi Đức Maria được đón nhận lên trời: “Assumptio Mariae.” Con đón Mẹ. Mẹ theo Con. Cùng chung chia một sự sống, một hạnh phúc: hiệp nhất với nhau như thuở ban đầu của họ ở dưới thế.

Các sách Tin Mừng không nói đến biến cố lên trời của Đức Maria. Chỉ trong các Tin Mừng không thuộc Thư điển mới có tường thuật về sự kiện này. Truyền thuyết trong đó nói rằng các tông đồ được dẫn đưa một cách kỳ lạ từ các giáo điểm nơi họ đang hoạt động, đến bên giường Đức Mẹ lúc hấp hối. Rồi họ đã chôn cất Người và đóng cửa mồ bằng một tảng đá lớn, tại Êphêxô hay tại Giêrusalem. Cùng lúc đó, Đức Giêsu đã hiện đến với các thiên thần của Ngài và đã lăn tảng đá sang một bên. Rồi Đức Kitô đã gọi Mẹ ra khỏi mồ và đón Ngài về trời với mình.

Được đón nhận cả hồn lẫn xác lên trời nói lên một ưu đãi đặc biệt, nhấn mạnh vai trò vượt trội duy nhất của Đức Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo hoàng Bênêdictô có lần nói: “Chúng ta tin rằng Đức Maria, như con Bà, đã chiến thắng sự  chết.”

Thần Khí đời đời nhập thể vào trong xương thịt con người. Đó là một điểm cốt yếu của niềm tin Kitô giáo. Nhắc rằng: điều gì nơi con người không được chấp nhận thì không được cứu rỗi, chữa lành và giải thoát. Sự kiện đón nhận cả hồn và xác lên trời của Đức Maria là hình ảnh của sự chấp nhận và cứu độ toàn vẹn này. Nơi Đức Maria chúng ta nhìn thấy điều Thiên Chúa đã quy định cho mỗi người, và thấy rõ Người đã tạo dựng con người với mục đích gì.

Đức Maria Hồn Xác Lên Trời là một lễ có nguồn gốc trong Giáo hội Đông phương và đồng thời là Lễ Đức Mẹ đầu tiên được biết đến. Lễ này được thánh Cyrillô thành Alexandria thiết lập vào thế kỷ 5 và được mừng vào ngày 15 tháng Tám. Sau một thời gian phát triển, Công đồng Trentô (1545-1563) đã nhìn nhận giáo lý về việc đón nhận Đức Maria lên trời như là một phần của giáo thuyết của Giáo hội. Giáo lý này đạt đỉnh khi được nâng lên thành tín điều năm 1950.

 

(Đăng lần đầu ngày 10/8/2020)

 

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Ngày 10/8, Thánh Laurensô, Tử đạo, Lễ kính)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu Tuần 18 TN)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.