Đẹp thay bước chân những Sứ giả loan báo Tin Mừng

0
783

“Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng! Nhưng không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng; Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô.” (Rm 10, 14-17)

 

Tĩnh tâm là cơ hội để tìm lại chính mình (là ai, làm gì, đang ở đâu?), canh tân chính mình để trung thành với Đức Giêsu Kitô, với ơn gọi của mình. Tĩnh tâm là một đòi hỏi cấp thiết và “thời sự” trong cuộc lữ hành đi giữa thế gian với bối cảnh truyền giáo rất phức tạp. Nếu không có sự trung thành với ơn gọi riêng, thì bất cứ cấu trúc hay hình thức đổi mới nào sẽ bị hư hỏng hay xuống cấp trong thời gian ngắn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Mọi canh tân trong Hội Thánh phải có truyền giáo như mục đích, để không rơi vào nguy cơ của một Hội Thánh quy về mình” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 27). Quan trọng hơn, đây là dịp tốt nhất để khơi dậy ơn ban và huyền nhiệm ơn gọi Truyền giáo Ngôi Lời.

I.   ĐẸP THAY BƯỚC CHÂN NHỮNG SỨ GIẢ LOAN BÁO TIN MỪNG

Đây là lời tiễn chân Cha Thức (truyền giáo tại Argentina), lúc Cha tạm biệt tôi để lên đường trở lại nhiệm sở; và cũng là lời tiễn chân Cha Hải, lúc Cha rời Thỉnh viện về Nhà Chính chuẩn bị cho một sứ vụ mới… Đẹp nhất lúc ra đi, rời bỏ?!

Thật vậy, đây là một lời tôn vinh, khích lệ chúng ta tiến lên, tiến bước trong Ơn gọi truyền giáo… ngay cả trong lúc yếu đuối, giới hạn, khó khăn, thất bại, buông bỏ… khi phải đối diện với bệnh tật, tuổi già! Đây cũng là một thách đố cho cá nhân và cộng đoàn. Vẻ đẹp đích thật của sứ giả Tin Mừng là gì? Làm sao tỏa sáng vẻ đẹp ấy giữa trần thế đầy dẫy cái đẹp quyến rũ?

          1. Cái đẹp trong cuộc sống

Cuộc sống hôm nay có nhiều cái đẹp thu hút khiến ta quan tâm chú ý, nhìn ngắm, mơ ước, muốn “sở hữu” và hưởng thụ… Đẹp trong nhà ở, trang phục, kiểu tóc, mẫu xe, điện thoại, ngoại hình, nghệ thuật, thể thao… Những cái đẹp này do con người tự có hoặc tạo ra nhờ năng lực, kỹ thuật, sáng tạo như sản phẩm của con người. Cái đẹp này thay đổi nhanh chóng theo từng thế hệ và dường như đang làm lu mờ hay giảm giá những cái đẹp khác, khiến ta không còn nhận ra điều cốt lõi!?

          2. Vẻ đẹp của các sứ giả loan báo Tin Mừng

Trong ánh sáng Lời Chúa (Rm 10, 14-17), chúng ta thử khám phá lại vẻ đẹp đích thực của các sứ giả loan báo Tin Mừng. Bản văn Kinh Thánh đã phác họa nét đẹp “chân dung tinh thần” của sứ giả Tin Mừng qua những nét đặc trưng liên quan đến Nguồn gốc ơn gọi – Nội dung rao giảng – Mục đích hướng tới và cả Thách đố.

          a. Nếu không “được sai đi” (Nguồn gốc)

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Không ai tự mình trở thành sứ giả Tin Mừng do địa vị, tài năng, công trạng… Chính là “do lòng thương xót và được tuyển chọn” (Thánh Bêđa Khả kính), được Chúa thương tha thứ và đưa vào sứ vụ của Người (Missio Dei).

          b. Rao giảng là công bố Lời Đức Kitô (Nội dung)

Sứ giả loan báo Lời từ Thiên Chúa, Hồng ân và Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng không phải là một loại thông tin giữa các thông tin khác. Tin Mừng là một sứ điệp có bản chất hoàn toàn khác biệt. Tin Mừng chiếu tỏa vẻ đẹp vô tân của lòng thương xót Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng không phải là sản phẩm do con người suy tư hay làm ra (Gl 1,11). Tin Mừng đã được Đức Giêsu Kitô mạc khải, được tỏ bày do tình bằng hữu, nên chỉ có thể lãnh nhận và loan báo trung thành.

          c. Ai tin và kêu cầu Danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát (Mục đích)

Đức tin là hồng ân do Đức Giêsu Kitô khai mở và kiện toàn. Ơn giải thoát chỉ đến từ Thiên Chúa, chứ không phải do bởi thành tựu tiến bộ về xã hội, kinh tế của con người. Sứ giả được sai đi để phục vụ cho ý Thiên Chúa là ơn cứu độ loài người. Sứ giả loan báo Tin Mừng để khơi dậy lòng tin và mời gọi tin vào Tin Mừng “Đức Giêsu Kitô”. Chính do ân sủng và nhờ tin mà được cứu độ (x. Ep 2, 8)

          d. Không phải mọi người đều vâng theo Tin Mừng (Thập giá)

Lạy Chúa, ai đã tin khi nghe chúng con giảng!

Lời ngôn sứ Isaia giãi bày cùng Chúa phản ảnh một thực trạng. Sứ giả Tin Mừng phải đối diện với thử thách, thập giá: dửng dưng, cứng lòng, chối từ, chống đối… Sứ giả rao giảng một Tin Mừng tỏa sáng vinh quang Thập giá Đức Kitô, nên Thập giá cũng sẽ chiếu tỏa vẻ đẹp và vinh quang nơi sứ giả. Không có Thập giá, không đẹp và thu hút.

Trong Tin Mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu xuất hiện như vị sứ giả của Chúa Cha (sứ giả đầu tiên và số 1). Ngài đã thể hiện trọn vẹn vai trò sứ giả. Ngài luôn ý thức “được Cha sai đến”, không tự ý làm hay nói gì, chỉ làm và nói những gì được thấy và nghe từ Cha. Ngài thi hành ý Cha và trung thành cho đến cùng. Chúa Giêsu nên một với Đấng sai đi. Sứ vụ của Ngài do “bởi” Thiên Chúa, “cho” Thiên Chúa và nhân loại. “Kẻ được sai đi thì cũng như người sai đi” (Thần học Do Thái). Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Chúa Giêsu và kết hợp với Ngài để tái khám phá và thể hiện trung thành chân dung đích thực của sứ giả loan báo Tin Mừng. Có lẽ chúng ta đã có những lúc, nhiều lần chú tâm, mất thời giờ, tốn công sức và tiền của để tìm kiếm, sáng kiến, làm ra những nét đẹp khác bằng những thay đổi “mới lạ”, “ấn tượng” trong hình thức, tổ chức, kiểu ăn mừng… và đã tạo dáng một chân dung sứ giả khác, quy về mình, đặc quyền, đặc lợi cá nhân hay nhóm?! Chính “trang phục bên trong” là biết mình đến từ Thiên Chúa và quy về Thiên Chúa, cởi bỏ nhiều thứ bên ngoài mới biến đổi ta giống Đấng sai đi.

Kinh Thánh đã nhấn mạnh đến nét đẹp cốt yếu của sứ giả Tin Mừng được xuất phát từ Ân sủng, do lòng thương xót Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa. Chủ đề trung tâm của Kinh Thánh là “lòng Đại lượng vô biên của Thiên Chúa.” Đó là Ân sủng mà ta không xứng đáng. Ân sủng theo nghĩa đen là “sự cho đi”. Chính Thiên Chúa trao ban chính mình, dư tràn và quá mức (x. Lc 6, 38). Ân sủng làm cho duyên dáng, đáng yêu bằng cách tha thứ, thánh hóa, thay đổi… Ân sủng thể hiện và phát triển của việc tuyển chọn tự do và nhưng không, qua việc biến đổi một số người để làm điều Thiên Chúa muốn. Bản văn Đệ nhị luật 7,7-10 là lời dạy thật đẹp về sự tuyển chọn. “Ta chọn ngươi không phải vì ngươi nhân đức, tài giỏi, xứng đáng hơn người. Không, Ta chọn ngươi bởi vì Ta yêu thương ngươi…”. Được chọn không có nghĩa là Chúa thương ta hơn, ta tốt lành hơn, hay ta có giá trị hơn. Chúa không lệ thuộc bất cứ tiêu chuẩn giá trị nào, không hề thiên vị hay tính toán. Có một khẩu hiệu đã diễn tả sâu sắc vẻ đẹp của ân sủng bao phủ trên cuộc đời của sứ giả Tin Mừng: “Chúa không yêu bạn vì bạn tốt lành, nhưng bạn tốt lành vì Chúa yêu bạn.”Thiên Chúa liên tục chọn những người bình thường và sử dụng họ cho công trình thương xót phi thường. Vì thế, sự chọn lựa của Thiên Chúa thường đi kèm với lời trấn an thật mạnh mẽ: “Đừng sợ! Ta sẽ ở với ngươi.”

Như thế, tất cả vẻ đẹp và giá trị của sứ giả Tin Mừng đều do tình yêu và ân sủng. Sứ giả Tin Mừng là công trình kỳ diệu của Tình yêu Thương xót. Ánh mắt Tình yêu của Chúa mời gọi bước theo con đường Tình yêu, sai đi công bố Tin Mừng về một Tình Yêu lớn lao và cùng đồng hành trong công cuộc xây dựng một thế giới của lòng thương xót. Tình yêu là điều không thể tự làm ra, nhưng chỉ có thể lãnh nhận vào trao đi tiếp. “Bạn có gì mà bạn không lãnh nhận” (1Cr 4, 7). “Đừng có tự cao tự đại, nhưng phải sợ thì hơn” (Rm 11, 20). Thiên Chúa thương xót chúng ta là để nhiều người được thương xót. Cảm nghiệm về ân sủng Thiên Chúa ban cho “dư tràn” sẽ thay đổi nơi chúng ta cách nghĩ và sử dụng những gì nhận được, làm ra và cả những “năng quyền” được ủy thác; sẽ tránh nguy cơ đánh giá mình quá mức và che khuất vai trò trung tâm của Chúa Giêsu Kitô. Một tâm trí “tính toán” không thể hiểu nổi vẻ đẹp của “người môn đệ – truyền giáo”. “Lạy Chúa, con là ai và con là gì, mà Người đưa con tới địa vị này” (2Sm 7, 18).

II. CHĂM SÓC VÀ GÌN GIỮ VẺ ĐẸP CỦA SỨ GIẢ TIN MỪNG

Trong chương trình “Thời trang và Cuộc sống” trên VTV, những phụ nữ muốn đẹp đã gặp gỡ các chuyên gia để được tư vấn và giúp đỡ trong việc nhận ra những khuyết điểm nơi vóc dáng và thực hiện “3 thay đổi” về kiểu tóc, trang phục và cách trang điểm. Kết quả thật nhanh chóng và bất ngờ. Vẻ đẹp ngoại hình thực sự đổi khác.

Trong bộ sách Manna (Suy niệm Lời Chúa), tác giả đã đưa ra cho chúng ta một lời tư vấn thật sâu sắc: Muốn Đẹp, bạn hãy “dừng lại” trước gương soi 1 phút, trước lòng mình 5 phút, trước Lời Chúa 15 phút. Soi gương để biết và chỉnh sửa ngoại diện là điều không khó lắm. Khó hơn là soi lòng mình, xét mình, sửa mình, do tính chủ quan và sợ đau xót mình! Khó nhất và cần nhiều thời gian là soi gương Lời Chúa. Lời Chúa là tấm gương sự thật, là gươm hai lưỡi sắc bén, xuyên thấu tâm can, phê phán ý nghĩ, phơi trần lòng người (x. Hr 4, 12-13). Lời Chúa làm ta sợ, sợ thay đổi, nên “soi gương rồi bỏ đi và quên ngay mặt mình thế nào” (Gc 1, 24).

Ai mà không muốn đẹp, đẹp mãi. Nhưng để dừng lại trước Lời Chúa đủ lâu, chúng ta phải đối diện nhiều khó khăn, trở ngại. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi để ý đến 3 thách đố:

          1. Tiếng nói bên ngoài, bên trong

Trong thời đại hôm nay, quá nhiều tiếng động ồn ào, tiếng nói lan rộng xâm chiếm môi trường để lắng nghe, quấy nhiễu và làm ô nhiễm môi sinh tinh thần.

          a. Tiếng nói bên ngoài: Chúng ta đang sống trong một thế giới mênh mông của lời và tiếng nói (“siêu thị” của lời) qua phương tiện truyền thông tiến bộ (báo chí, phim ảnh, quảng cáo, điện thoại, internet…), phong phú, đa dạng, hấp dẫn về hình thức lẫn nội dung liên quan đến nhiều lãnh vực khác nhau với nhiều “cung giọng”… du nhập tràn ngập, đang mời mọc và quảng bá những “cái mới”, sản phẩm mới, kiểu mẫu mới, quan niệm mới, lối sống mới… và hứa hẹn một điều gì tốt đẹp hơn. Thế giới lời, tiếng nói ấy có tác động sâu rộng đến cách nghĩ, lối sống, chọn lựa… tạo nên “khuôn mặt tinh thần” của thời đại được gọi là “nền văn hóa mới”.

         b. Tiếng nói bên trong: Thế giới lời, tiếng nói bên ngoài ấy tác động không nhỏ nơi bề sâu nội tâm, khơi lên và thổi phồng những ham muốn, đói khát, suy tính trong lòng. Con rắn trong vườn Địa Đàng đã thổi phồng thứ “tự do độc lập” không phải lệ thuộc “ai”, ước muốn “bằng Thiên Chúa”. Lời Satan trong hoang địa đã khơi dậy ước muốn sở hữu, quyền lực, vinh quang theo kiểu thế gian!

Làm cách nào cho các lời và tiếng nói trong ngoài này lắng và lặng để nghe được tiếng Chúa, lời nội tâm của Chúa Thánh Thần?

          2. Thói quen đọc, nghe Kinh Thánh

Để tìm kiếm nhân tài cho đất nước, một vị vua đã đưa ra “3 Bức tượng vàng” và bảo các quan trong triều đình hãy cho biết bức tượng nào giá trị nhất. Qua quan sát kỹ, họ nhận thấy cả 3 bức tượng đều giống nhau về mỹ thuật, chiều cao, trọng lượng và chất lượng vàng. Tất cả đều “bó tay”! Có một tù nhân nghe biết và xin được giải đáp. Anh được đưa đến trình diện nhà vua. Anh xin một cọng rơm và đem 3 bức tượng vào một phòng kín. Sau một thời gian, anh đi ra và cho biết: bức tượng 1 có một con đường xuyên từ tai nọ đến tai kia, ít giá trị nhất. Bức tượng 2 có con đường đi từ lỗ tai xuống miệng, cũng kém giá. Bức tượng 3 có đường đi từ tai chạy xuống bụng, nên đáng giá nhất. Mọi người đều thán phục. Câu chuyện trên đề cập đến những cách nghe Lời Chúa làm nên giá trị của mỗi người chúng ta. Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu đã cho biết chỉ những tâm hồn biết ghi nhớ, suy nghĩ… mới sinh hoa trái.

Đây là một khuyến cáo chúng ta về thói quen đọc hay nghe Kinh Thánh hời hợt, vội vàng vì bản văn quá quen – không có thời gian “dừng lại” vì “lăng xăng” đủ thứ việc – không nghe bằng tai lòng, không ghi nhớ và suy niệm… Lời Chúa đầy thách đố làm ta phải suy nghĩ, nghĩ lại; nhưng đối với một số người, suy nghĩ là một việc khó khăn, gây khó chịu. Vì thế, con đường từ tai xuống bụng dài nhất, cần thời gian lâu nhất (15 phút). Quả là không sai khi bảo rằng phá vỡ một thói quen còn khó hơn làm nổ tung một nguyên tử.

          3. Tội lỗi (gốc rễ)

Nhà thần học lớn thời cổ Ôrigiênê (185 – 245) nói: “Có một thứ nặng tai gây hại cho tâm trí… theo Kinh Thánh, tội lỗi là thứ nặng tai đó.” Một thứ “điếc lác” tinh thần!

Kinh Thánh cho biết Thiên Chúa “nói” không ngừng… và cũng cho thấy một thực trạng là con người thường hay chối từ nghe lời Thiên Chúa. Gốc rễ của tội lỗi là từ chối đón nhận Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Tội lỗi ẩn náu trong trái tim, xuất phát từ sự tự do, tự phụ, không mở lòng ra với Thiên Chúa, từ chối cuộc đối thoại, bẻ gãy tương giao… Nơi thập giá, chính Chúa Giêsu đã vạch trần bộ mặt tội lỗi ấy qua sự “vâng lời đến chết”.

Có một thứ chai cứng, vô cảm khiến ta không còn nhận ra sự dối trá của mình. Chúng ta đều yếu đuối, đều sa ngã, có tội. Nhưng nguy hại hơn là biện hộ, che đậy, không thành thật. Tự dối mình làm suy thoái và tê liệt tinh thần chúng ta. Nhà thần học Martin Luther có một châm ngôn nổi tiếng: “Hãy dũng cảm với tội lỗi.” Đây không phải là lời kêu gọi bạo gan gây tội lỗi, nhưng là lời kêu gọi phải có “sự cản đảm của lòng chân thật” để không nói dối hay biện hộ cho tội lỗi mắc phải. Một thái độ “khiêm tốn dũng cảm”.

Chúng ta (SVD) được khuyến khích đọc Kinh Thánh hàng ngày và thực hành suy niệm chung (HL 407. 1 và 2). Tổng Tu nghị XV xác nhận Tông đồ Thánh Kinh là một chiều kích đặc thù của đời sống và sứ vụ SVD. Điều này hàm chứa một xác tín: Lắng nghe Lời Chúa và loan báo Lời Người là tâm điểm đặc sủng truyền giáo của chúng ta, làm cho chúng ta trở nên những tu sĩ truyền giáo trung thành và hữu hiệu hơn. “Chỉ người nào đặt mình trong tư thế lắng nghe Lời mới có thể trở thành kẻ loan báo” (Đức Bênêđitô XVI, Verbum Domini, số 51b). Tuy nhiên, “đọc Kinh Thánh và chia sẻ Lời Chúa vẫn chưa là một phần thường xuyên trong cuộc sống chúng ta” (?) (Tổng TN XVI, 2006, số 17)

KẾT: Lời tự thuật của một con bướm

Tôi là một con bướm ngũ sắc rực rỡ
Mọi người đều nói tôi đẹp
Nhưng từ nơi thâm sâu trong ký ức của tôi
Tôi từng là một con sâu chậm chạp [xấu xí]
Bị mọi người nguyền rủa [lánh xa]
Cho đến khi tôi làm một chiếc lều con
Kiên trì nấp trong đó
Sau khi phản tỉnh và tự sửa mình
Tôi mới có được ngày hôm nay
Mỗi khi tôi nhớ lại quá khứ
Tôi trở nên khiêm nhường
Tôi trở nên đồng cảm với những con sâu chậm chạp [xấu xí] hơn tôi
Mỗi khi tôi nhớ lại cử chỉ nhai gặm lá
Tôi liền cảm thấy xấu hổ
Và [tôi] truyền rải phấn hoa để bù đáp những lầm lẫn xưa kia.

(Lưu Dung, Sống đẹp, 2000, trang cuối)

Để trở thành con bướm rực rỡ như hôm nay, con sâu xấu xí phải ẩn mình trong tổ lâu ngày để phản tỉnh và tu sửa mình. Con bướm xinh đẹp không quên những ngày trước đó, để khiêm nhường và đồng cảm hơn… Trong tiến trình trở thành những tu sĩ truyền giáo Ngôi Lời như những cánh bướm muôn sắc tung bay khắp bốn phương trời, chúng ta được mời gọi nhớ lại bộ dạng “xấu xí” của những yếu đuối, bất toàn, tội lỗi trước kia khi Chúa thương xót và tuyển chọn chỉ vì Chúa tốt lành. Đồng thời, chúng ta cần nhận ra những “xấu xí” trong đời sống và sứ vụ hôm nay… để tìm đến ẩn mình, ở lại trong Lời Chúa, để được thanh tẩy, tái tạo, biến đổi. Ước gì Lời Chúa tìm thấy lòng ta, cộng đoàn ta như “nhà mình”. “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy…” (Kh 3, 20). “Hãy nhớ lại: ngươi đã lãnh nhận và nghe Lời Chúa thế nào” (Kh 3, 3). Và đừng quên rằng, vẻ đẹp của ơn gọi truyền giáo do bởi ân sủng và cho sứ mạng ra đi truyền rải phấn hoa ân sủng dư tràn đem lại hoa trái Tình yêu Thương xót cho thế giới.

Lm.Inhaxiô Hồ Kim Thanh,SVD

(Nguồn: Bài giảng Tĩnh Tâm Tháng cho Quý Thầy Kinh viện SVD, Niên khóa 2015 – 2016)

Bài trướcTản mạn về Ách và Gánh
Bài tiếp theoBảng Phân Chia Mục Vụ Hè 2016

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.