Cộng đoàn, nơi thể hiện Lòng Thương Xót của Chúa

0
522

Phaolô Đặng Văn Lãng, SVD

Trong cuộc gặp gỡ với các tu sĩ nhân dịp ghé thăm mục vụ tại Hàn Quốc 2014, ĐTC Phanxicô có nói với các tu sĩ rằng: Theo kinh nghiệm, tôi biết rằng đời sống cộng đoàn không phải luôn dễ dàng, nhưng đó là trường huấn luyện cho tâm hồn. Ước mong không có va chạm là không thực tế; sẽ có những hiểu lầm và chúng ta phải đối mặt với chúng. Nhưng chính trong những thách đố này, cuộc sống cộng đoàn mời gọi chúng ta lớn lên trong lòng thương xót, trong nhẫn nại và đức ái hoàn hảo”[1]. Trong đời tu, dù muốn hay không thì đời sống cộng đoàn cũng sẽ gắn bó với người tu sĩ suốt cả cuộc đời của mình.

Một trong năm chiều kích Linh đạo của Dòng Truyền giáo Ngôi Lời có chiều kích “đời sống cộng đoàn”. Vậy đời sống cộng đoàn khó hay dễ? Đó dường như là đề tài muôn thủa trong đời tu. Người sống hợp thì cho là dễ, người sống không được thì cho là khó. Để diễn tả về đời sống cộng đoàn trong đời tu, cha Antôn Pađôva Nguyễn Văn Tạo đã chia sẻ một cách rất thực tế trong cuốn nội san của Cộng đoàn Học viện Ngôi Lời 2015 rằng: Đời sống cộng đoàn như một cõi nhân sinh, ở đó nó cũng phản ánh như một xã hội thu nhỏ vậy. Và với một cộng đoàn đa văn hóa như Linh đạo của Dòng Ngôi Lời thì điều đó lại càng được diễn tả một cách sống động hơn.

Đời sống cộng đoàn được lấy cảm hứng từ sự hiệp thông huynh đệ mà Đức Kitô đã giới thiệu trong giới răn yêu thương nhau, cũng là giới răn về tình huynh đệ và sự bình đẳng giữa các môn  đệ (x. Ga 13,34; 15,12; Mt 23,9-12). Nhờ đời sống cộng đoàn, anh em sống yêu thương, chia sẻ cho nhau trong cuộc sống hằng ngày, đó là dấu chỉ sự hiệp thông trong giới răn Chúa đã dạy. Sống nhưng còn phải hiệp thông, yêu thương nhau. Nếu chỉ sống thôi thì chưa đủ, nhưng sống hiệp thông huynh đệ mới làm nên đời sống cộng đoàn. Đời sống cộng đoàn là một lý tưởng và là một con đường, phản ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi khuôn mẫu siêu việt của cộng đoàn và phản ảnh sự sống duy nhất mà Đức Kitô muốn hướng tới.Đời sống cộng đoàn cũng là một con đường vô cùng gian nan, khốn khó; đòi hỏi sự chia sẻ huynh đệ, chia sẻ vui buồn trong tình bằng hữu, tình liên đới và lòng quảng đại liên tục trong tình yêu thương nhau[2].. Đời sống cộng đoàn là một cái gì đó rất đẹp, lý tưởng nhưng sống được không phải dễ, nó đòi hỏi những người trong cuộc hi sinh rất nhiều.

Cộng đoàn là nơi nâng đỡ nhau trong tình yêu, khuyến khích và chấp nhận nhau, không hướng dẫn ai theo chuẩn riêng của mình nhưng tôn trong khác biệt của họ2. Mỗi người trong cộng đoàn là một thế giới riêng mà ta cần khám phá và hiểu nhau hơn. Khi hiểu nhau rồi chúng ta mới thông cảm, nâng đỡ và cùng nhau xây dựng một cộng đoàn yêu thương. Tính cách quốc tế là đặc điểm nổi bật của đặc sủng Dòng Ngôi Lời và qua đó làm chứng cho tính cách phổ quát của Giáo Hội và cho sự hiệp nhất của tất cả mọi người. Các thành viên Dòng Ngôi Lời, dù khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc nhưng tự nguyện nối kết nhau để trở nên một dấu chứng sống động về tính cách  hợp nhất trong sự khác biệt. Cộng đoàn Ngôi Lời luôn thể hiện sự nhất tâm trong đa diện. Để làm được điều đó ngoài sự cố gắng của bản thân, mỗi người còn phải có ân sủng và Lòng Thương Xót của Chúa.

Khi bước vào đời sống cộng đoàn tu trì theo Linh đạo của Hội Dòng, chúng ta bắt buộc phải chấp nhận một sự chia sẻ về nhiều thứ như: tài năng, của cải, thời gian, văn hóa và thậm chí là chia sẻ cái tôi của chính mình… Điều đó đã được thể hiện ngay từ thời đầu của cộng đoàn tín hữu của các tông đồ. Tất cả những người tin đều hợp nhất một lòng, một trí, không ai lấy cái gì của mình có làm của riêng, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung (Cv 4,32). Nhiều lúc, việc chia sẻ của chúng ta nơi cộng đoàn có thể bị hiểu lầm, chống đối và bị xúc phạm, nhưng khi có tình yêu thương trong cộng đoàn, tình yêu sẽ trở thành linh dược chữa lành mọi vết thương.

Trong 12 típ tương quan sống cộng đoàn, Charles Serrao có đề cập tới “mối tương quan đối nghịch”: Tương quan giữa các thành  viên trong cộng đoàn luôn có sự mỉa mai, không có tình yêu thương huynh đệ. Không ai trong cộng đoàn muốn học điều gì nơi người anh em mình. Mọi người trong cộng đoàn đều chống lại nhau. Cộng đoàn trở thành một nơi đầy căng thẳng và xung đột[3]. Đây là một điều có thực trong môi trường đời sống tu trì mà các thành viên phải đối diện. Và thực tế nhiều người đã không vượt qua được mối tương quan này trong đời sống cộng đoàn tu trì. Đối diện và chiến thắng được nó không phải là một chuyện đơn giản.

Với một cộng đoàn mang đặc tính đa văn hóa như Linh đạo của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời thì điều đó càng được thể hiện một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mỗi người là một cá tính riêng, hoàn cảnh riêng, văn hóa riêng đến từ nhiều vùng miền khác nhau, cùng sống trong một cộng đoàn thì những xung đột do bất đồng ý kiến, tính cách là điều đương nhiên. Nếu không biết biến những cái riêng ấy của mình thành cái chung trong tình yêu như Chúa Giêsu đã dạy thì sẽ rất khó để thành công trong đời sống của một tu sĩ truyền giáo. Như lời thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galát: Anh em hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô (Gl 6,2). Chỉ có Lòng Thương Xót của Chúa được thể hiện nơi mỗi anh em chúng ta mới biến những xung đột ấy thành sức mạnh để xây dựng một cộng đoàn “nhất tâm đa diện” mà thôi.

Tôi rất  thích bài dạy mà cha Giám tập Phêrô Đỗ Cao Cương thường lấy để răn dạy anh em Tập sinh. Nó giúp tất cả chúng ta có thể thấy được sức mạnh, sự cần thiết của các xung đột trong đời sống cộng đoàn. Qua đó, ta cũng thấy được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được thể hiện nơi các mối tương quan của cộng đoàn: Anh em lúc đầu như những viên đá nhiều góc cạnh, nếu xếp bên cạnh nhau thì chỉ xếp được hai hoặc ba viên trong một cái hộp. Nhưng qua thời gian, với sự cọ xát, anh em đã tự bào mòn những góc cạnh ấy của mình để  biến thành những viên sỏi bóng loáng, nhỏ nhẹ, dễ thương nằm bên cạnh nhau và với một chiếc hộp có thể xếp được rất nhiều viên sỏi ấy vào đó.

Những người bỏ tất cả để bước theo Đức Kitô trên con đường tu trì thì dù là thời đại nào cũng luôn có những cám dỗ và khó khăn nhất định. Sống cộng đoàn trong một thời đại cái tôi luôn được đề cao như ngày hôm nay cũng là một sự thử thách không nhỏ. Nhất là khi anh em Ngôi Lời có thể sống trong một cộng đoàn đa quốc gia với nhiều khó khăn phải đối diện. Nhưng những khó khăn thử thách ấy có là gì nếu mỗi thành viên biết học theo Lòng Thương Xót của Thầy Chí Thánh trong đời sống cộng đoàn. Đó là những lúc biết tha thứ những lỗi lầm của những anh em khác, biết nâng đỡ động viên anh em những khi anh em gặp khó khăn thử thách trong đời sống… Như vậy, mỗi chúng ta mới biến cộng đoàn thành nơi thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

[1]ĐTC Phanxicô nói khi gặp các tu sĩ trong cuộc viếng thăm mục vụ Hàn Quốc ngày 14-18/08/2014.

[2]Đời tận hiến và sứ mạng đời tận hiến trong hội thánh và trên thế giới(Tài liệu của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới, 1994).

[3] Đỗ Văn Thuỵ, Tân Phúc Âm hóa đời sống cộng đoàn, NXB Tôn giáo.

 

Bài trướcTàu bệnh viện “ĐGH Phanxicô” đến vùng Amazzonia
Bài tiếp theoLòng Thương Xót Chúa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.