Cha Maheu (Cố Mỹ) và Hội Học Pháp Nam Qui Nhơn

0
472

CHA MAHEU (CỐ MỸ) VÀ HỘI HỌC PHÁP NAM QUI NHƠN

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Người gieo giống “hào phóng”

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”. Ca từ ma mị của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ca khúc “Để gió cuốn đi” khiến ta nhớ đến những tấm lòng nhân ái cứ mở rộng ra và nương theo làn gió để phát tán những điều cao đẹp theo cơ chế sinh tồn của thực vật, mang mầm sống tung gieo khắp muôn nơi. Điều này gợi đến hình ảnh “Người gieo giống” hào phóng trong Tin Mừng (Mt 13,1-9; Mc 4,1-9; Lc 8,5-8), ông không dè sẻn những hạt giống quý giá mà lại vung vãi khắp mọi nơi, bất kể bụi gai, đất tốt hay đất xấu, cứ để chúng cuốn theo chiều gió. Cha Maheu (Cố Mỹ) là một người gieo giống hào phóng như thế!

Xuất thân là một dân “Parisien” chính hiệu, sinh ngày 24 tháng Giêng 1869, cha ngài là người đệm đàn phục vụ nhà thờ giáo xứ. Chính nhờ nền tảng giáo dục tôn giáo của gia đình mà cậu Paul Maheu đã sớm nhận ra ơn gọi của mình. Sau khi học xong lớp Tiểu chủng viện St. Nicolas ở Chardonnet và triết học ở Đại chủng viện Issy-les-Moulineaux, ngài nhập Chủng viện MEP năm 1890 và chịu chức linh mục ngày 30 tháng Sáu 1895. Ngày 31 tháng Bảy 1895, ngài nhận bài sai đi Đông Đàng Trong (Qui Nhơn). Đến Việt Nam năm 1895 và mất năm 1931 tại Paris, 36 năm ở Việt Nam ngài đã không ngừng tung gieo những hạt giống tốt đẹp bao trùm hết mọi lãnh vực, từ văn hóa giáo dục đến xã hội nhân sinh, điều này không khỏi làm ta nhớ đến câu khẩu hiệu của Nhà xuất bản Larousse: “Je sème à tout vent” (tôi gieo theo gió tứ phương). Nhà in Làng Sông, Hội học Pháp Nam Qui Nhơn và Trại phong Qui Hòa là những hạt giống được cha Maheu tung gieo vào đất tốt và đã sinh sôi nảy nở, dù rằng hiện nay chỉ Trại phong Qui Hòa là còn tiếp tục hoạt động để xoa dịu những cảnh đời bất hạnh. Tuy nhiên, “Omnia mutantur; nihil interit” (Ovid) – Mọi sự chỉ thay đổi thôi chứ thật ra không gì mất đi cả! Các ấn phẩm nhà in Làng Sông vẫn sống mãi trong các thư viện, và các tư tưởng tiến bộ của Hội Học Pháp Nam Qui Nhơn đã khai mở và nuôi dưỡng đời sống trí thức của người Việt đang bắt đầu tiếp cận và hòa nhập với đời sống văn minh của giai đoạn lịch sử Việt Nam thời cận đại (1858-1945) mà ngày nay ta đang thừa hưởng.

Hội học Pháp Nam Qui Nhơn (Cercle d’études franco-annamite de Quinhon)

Mens sana in corpore sano” – Tinh thần khỏe mạnh trong thể xác tráng kiện. Có lẽ câu ngạn ngữ Latinh này đã thúc đẩy cha Maheu lo lắng cho “một con người toàn diện” hơn bao gồm cả thể chất lẫn tinh thần: “Lo phần xác thì tốt nhưng chưa đủ, phải lấp đầy tri thức, làm cho nó phát triển”. Trại phong Qui Hòa, nơi mà sự chung tay chung sức của mọi người trở nên chặt chẽ “vì là công trình từ thiện, nơi mà vấn đề chủng tộc và tôn giáo bị gạt sang một bên vì một tình cảm cao quý nhất: tình cảm nhân loại”.[1] Nhưng cha Maheu không dừng lại ở đây:

“Hoạt động xã hội của cha Maheu không chỉ dừng lại ở Trại phong Qui Hòa mà chúng tôi có dịp nói đến gần đây, mà còn một còn có một thiết chế có thể thấm nhập cả đời sống con người và là điều đáng hãnh diện cho người sáng lập ra nó.

Nhưng người mà chúng tôi nói đến ở đây là một người nhiệt tâm và đầy tham vọng trên lãnh vực nhân ái. Chăm sóc cho  những người bị thua thiệt, nạn nhân của chứng bệnh kinh tởm, cho họ chỗ ở, nuôi sống họ, an ủi họ trong cảnh khốn cùng, điều đó vẫn chưa đủ đối với sự tận tâm của con người tông đồ này, người phục vụ xứng đáng của Đức Kitô.

Ngài có lý khi nghĩ rằng: “Lo phần xác thì tốt nhưng chưa đủ, phải lấp đầy tri thức, làm cho nó phát triển”
Và thế là ngài bắt đầu công việc. Ngài sáng lập Hội học Pháp Nam Qui Nhơn như đã sáng lập Trại phong Qui Hòa, hai thiết chế đều cần thiết và cấp thiết trên các phương diện khác nhau. Ở lãnh vực này, ta chữa trị, làm giảm nhẹ các căn bệnh. Ở lãnh vực kia, ta duy trì sức khỏe tinh thần nơi những người khỏe mạnh phần xác. Làm sao diễn đạt và thực hiện được dự định cao cả này chứa đựng trong câu ngạn ngữ lừng danh “tinh thần khỏe mạnh trong một thân xác tráng kiện”?

Điều lạ lùng nhất là vị linh mục lỗi lạc này, được đức tin vững mạnh nâng đỡ, đã thành công trọn vẹn trong hai sáng kiến này, dù cho có những câu tục ngữ bi quan biện hộ cho tính lười biếng và làm nản lòng những thiện ý nhưng chẳng mấy ảnh hưởng đến bản tính mạnh mẽ và quyết đoán: “Qui trop embrasse mal étreint” (Ôm đồm cho lắm chẳng xong việc nào); “Il faut se garder de courir deux lièvres à la fois” (Đừng chạy theo hai con thỏ cùng lúc; Đừng bắt cá hai tay) etc…

… Nên lưu ý là một chút là cha Maheu đã loại bỏ  những vấn đề chính trị và tôn giáo khỏi hai cơ sở này của ngài, đây là điều đáng khâm phục nơi một vị tu sĩ. Mục đích duy nhất của ngài chỉ là sự xích lại gần nhau giữa người Pháp và Việt, giúp những con người ưu tú của hai dân tộc này hiểu nhau ….
Chúng tôi xin  nhắc lại lời chúc mừng và cầu chúc thành công cho người Pháp tốt bụng này, người đã yêu mến đất nước Việt Nam và con người Việt Nam, quê hương thứ hai và là những người ngài nhận là đồng bào.”[2]

Trong số những công trình của cha Maheu thực hiện tại Qui Nhơn, Hội học Pháp Nam ít được biết đến hơn cả và ngày nay cũng chưa xác định được chính xác địa điểm trụ sở vì những biến động của thời cuộc đã xóa đi tất cả dấu vết. Tuy nhiên, đã có những hướng dẫn mà ta có thể căn cứ vào đó để nhận biết được địa điểm, nhân sự, tên gọi chính thức của hội và những cuộc họp để chuẩn bị thành lập từ nhiều tháng trước:

“Buổi họp đầu tiên của Hội học Qui Nhơn diễn ra vào ngày 2 tháng Chín dưới sự điều khiển của cha Maheu và ông Thạnh; 17 người Việt tham dự. Họ đã bầu ông Tờn là Hội trưởng và quyết định hội sẽ mở cửa cho người tây lẫn ta. Như vậy, tên của hội mới này là: Cercle d’études franco-annamite de Quinhon (Hội học Pháp Nam Qui Nhơn). Địa điểm của hội do Đức cha Grangeon nhường cho sử dụng: ngôi nhà thứ ba từ sở Quản lý Nhà Chung đến chợ cũ”.[3]

Và một bản tin ngắn gọn hơn: “Cha Maheu và ông Thạnh vừa mới đặt những nền móng đầu tiên cho Học hội Pháp Nam ở Qui Nhơn”.[4]

Que sera, sera” – Điều gì phải đến sẽ đến! Và không phải chờ đợi lâu dài sau nhiều ngày thai nghén, điều phải đến đã đến trong niềm hân hoan chào đón của mọi người trí thức ở “châu thành Qui Nhơn”. Ra đời trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, Hội học Pháp Nam Qui Nhơn là một biến cố văn hóa lớn của Đông Dương nói chung và của Địa phận Qui Nhơn nói riêng. Chính vì thế mà ngày khai trương đã được đồng loạt loan tin rộng rãi trên các báo chí khắp nơi, ở Pháp cũng như tại Đông Dương. Nhật báo văn hóa “Comaedia[5] của Pháp, số thứ Hai ngày 3 tháng Mười Hai 1928, đã đưa tin: “Từ Qui Nhơn, người ta viết cho Hãng tin Fides, rằng Cha Maheu và một người Việt tên là Thạnh vừa khai trương ở Qui Nhơn (Đông Dương) một trung tâm học hỏi đầu tiên dành cho thanh niên Việt. Có khoảng hai mươi người tham gia”.

Báo Lời Thăm của Địa phận Qui Nhơn đã không bỏ qua cơ hội tường thuật chi tiết về sự kiện trọng đại này của mình với bài “Mầng khánh thành nhà Hội học (Cercle d’Études) Pháp Nam tại Qui Nhơn”:

“Ngày thứ Bảy mồng 10 Novembre (1928), hồi 6 giờ chiều có bài thuyết một cuộc lễ; lễ ấy sẽ để vào trí hết mọi người ở thành Qui Nhơn một cái cảm tưởng ghi nhớ êm ái dịu dàng, là cuộc khánh thành nhà Hội học Pháp Nam ở Qui Nhơn. Nhà nầy lập trong một khoảnh đất nhà chung, mà Đức giám mục địa phận Qui Nhơn đã vui lòng nhượng cho, ngay đàng cái chính.

Cuộc lễ nầy đã được mỹ mãn lắm, gần hết các người Pháp trong châu thành và những bậc thức giả tại Qui Nhơn, là các viên quan chức sắc, các ông giáo sư trường học, những nhà thương mãi lớn và mấy ông bang trưởng người Tàu đều đến dự.

Hàng ghế trước có quan chánh công sứ Volny Dupuy và quí phu nhơn, ba quan lớn tỉnh, cha bề trên Labiausse thay mặt Đức cha, đang yếu mệt, không đến chủ tọa cuộc vui nầy, ngài rất lấy làm tiếc; lại có ông Gravelle, quản lý nhà ngân hàng Đông Pháp ở Tourane ghé ngang, cũng đến dự hội.

Cha Maheu, là đấng sản lập và làm đầu hội học nầy đứng đậy đọc ít lời chào mầng quí quan và quới chức; cả ý bài tóm lại một câu nầy là như đề mục hội, rằng: “Biết nhau để hiểu rõ nhau hơn, mà hiểu rõ nhau, cho đặng mến và giúp đỡ lấy nhau”. Cha dứt lời, kế ông Nguyễn Văn Tờn, chánh Hội trưởng, người tuổi tác, làm thông ngôn tòa sứ đứng dậy diễn thuyết một bài, ý nghĩa thâm trầm, trước cảm ơn hết thảy đã có lòng huệ cố đến hợp mặt đông đảo vui vầy và tỏ tấm lòng nhiệt thành cùng hội, rồi nói qua mục đích của hội và những phương thế phải làm sao cho người Pháp Nam, đầu đội trời chân đạp đất sống chung nhau, được hiệp một lòng thân ái đồng tâm với nhau bền chặt, ấy là điều của người Nam Pháp đã hoài vọng bấy lâu nay. Ông cũng để lời kêu xin đến cái lòng đại độ hết mọi đẳng bậc, cúng kẻ đa người thiểu hầu cho được xây lập nhà thêm như ý đã toan định.

Kế quan công sứ đứng dậy đáp lời cảm ơn ông Hội trưởng và hết thảy những người đã hiệp tâm lực bài trí gây dựng nhà Hội học, và ngài giải nghĩa lập hội thể ấy là quan trọng, làm ích chung hết mọi người, mà nhứt là ích cho những người ở châu thành Qui Nhơn, là một thành càng ngày càng khuếch trương ra.
Đoạn ai nấy dùng chút bánh ngọt với một chén nước trà, mà lấy làm vui, rồi xây qua coi chiếu hình, nhiều hình nhắc tích xưa cũng đẹp mắt hưng tâm.

Sau hết, ông Gravelle, nhơn danh mọi người có mặt và nhiều đấng trí thức, tỏ lời cám ơn  những kẻ đã bày ra nên cuộc lễ khánh thành và ông có để mấy lời vàng ngọc ông thông thạo mà khuyến khích những thuộc viên hậu nhựt của Hội học, là hội bây giờ còn thiếu niên mà sau sẽ nên lớn vậy.

Bữa tối ấy có nhạc Tây đánh hay lắm, ai nấy cũng khen mầng. Người làm đầu, là con ông Phán Đức thông ngôn tòa sứ Qui Nhơn; khá khen thay tài ông bầu nhạc ấy. Ở Qui Nhơn mới thấy có nhạc Tây trong cuộc lễ chung lần thứ nhứt vậy.

Sáng ngày Chúa Nhựt 11 Novembre, cũng có đánh nhạc lúc diễn binh và trong nhà thờ khi làm lễ. Lễ đoạn làm phép lành và hát kinh Te Deum tạ ơn Đức Chúa Trời.

Chúc cho Hội học ngày càng thạnh, chúc cho ông quản lý sức khỏe sống lâu, hầu làm ích cho hết mọi người và cao rao danh Chúa đời nầy mà đời sau được lãnh phần thưởng bội hậu trên nơi cõi thọ”.[6]

Và ngay từ tháng đầu tiên sau ngày khai trương, hội đã có ngay những hoạt động văn hóa theo tôn chỉ của hội: “Hội học của cha Maheu đã khai trương hôm ngày 10 tháng Mười Một. Tờ Bulletin Catholique indochinois đã xuất bản bản tường trình về ngày khai trương này (số tháng Mười Một). Từ đó đến nay, đã có 3 tham luận của ông Bác Sĩ, ông Gravelle và một người Việt”.[7]

Sau một năm thành lập, Hội đã có những bước tiến triển khá thuận lợi: 117 hội viên, mà trong đó là 31 người Pháp, một con số đáng kể so với cư dân Pháp ở Qui Nhơn lúc bấy giờ, một thư viện hơn 1.200 cuốn sách với 6 tạp chí và 8 nhật báo được đặt mua để cập nhật tin tức của đất nước và thế giới, một lớp dạy tiếng Việt cho người Pháp, tổ chức các buổi diễn thuyết và nói chuyện vào các ngày thứ Năm. Nhà ở sạch và giá rẻ, vấn đề bệnh truyền nhiễm, những vấn đề xã hội đã được nghiên cứu và trình bày tại trụ sở của hội, “nơi mà tất cả mọi quan tâm chính trị hay tôn giáo phải bị loại bỏ, tất cả những phấn đấu tư lợi đều không được biết đến. Đây phải là mảnh đất thuận lợi cho việc phát triển mối tương quan trung thành và thân tình giữa hai dân tộc qua con đường thênh thang và đẹp đẽ của trí thức, vì lợi ích cho đất nước chúng ta” theo như lời tổng kết của ông Nguyễn Vỹ, thư ký hội, vào ngày 26 tháng Hai 1930:

“Tôi xin được lợi dụng cuộc họp chung này để thuật lại sinh hoạt của Hội chúng tôi trong năm sắp kết thúc và báo cáo chính xác hết sức có thể về công việc của hội.

Hội chúng tôi ra đời đúng lúc: bằng chứng là nó đã được hồ hỡi đón nhận trong giới người Việt cũng như Tây. Từ khi được sáng lập, chúng tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ và nhiều hội viên gia nhập: các thương gia, các nhà kỹ nghệ, chủ xí nghiệp và công chức các ngành nghề đã đăng ký hội viên; đàng khác, có nhiều lòng quảng đại đã giúp đỡ, hoặc bằng lời khuyên hoặc với các tặng vật bằng hiện kim hay sách vỡ; hiện tại hội chúng tôi có 14 thành viên ân nhân, 39 hội viên vĩnh viễn và 54 hội viên hoạt động.

Khép kín trong vòng là một hội gia đình, chúng tôi mơ tưởng đến một hoạt động xã hội rộng lớn hơn: chúng tôi vui mừng đón nhận các hiệp hội khác, những nơi có mối tương giao thâm tình, nơi các nghi lễ và nghi thức rờm rà nhường chỗ cho lòng tin tưởng lẫn nhau.

Chính quyền cũng đã chuẩn nhận Hội của chúng tôi và đã quan tâm muốn nhìn thấy nó phát triển nên đã chu cấp số tiền 500 đồng trong tài khóa 1929.

Phủ thống sứ Trung kỳ cũng đã hứa hỗ trợ. Chúng tôi cũng đã vinh dự đón tiếp ông Toàn quyền khi ông ghé qua Qui Nhơn.

Trong số 61 hội viên hoạt động, chúng tôi ghi nhận 17 trường hợp từ chức cho đến nay: lý do thì khác nhau nhưng chính yếu vẫn là vì thay đổi nhiệm vụ: chẳng hạn như ông Phạm Khắc Hòe, một trong hai ủy viên của Ủy Ban, đã nhận nhiệm vụ hành chánh tại Huế, và được ông Ngô Soa thay thế ; trường hợp ông Ngô Lê To (Tỏ? Tô?), Phụ tá thư viện, đã đi Tam Quan và được ông Trần Cảnh Hào thay thế. Cũng phải nói đến các đồng sự khác đã xin rút lui, hoặc vì công việc nghề nghiệp không cho phép họ có đủ thời gian rảnh rỗi để lui tới Hội của chúng tôi, hoặc vì họ không cảm thấy không hoàn toàn đồng ý với chúng tôi; chẳng hạn như các ông Kinh (Kính ?) và Huyen (Huyền ? Huyện ?). Hai người này đã từ chức sau thư luân lưu của ông Hội trưởng về vấn đề tạm ngưng các buổi đàm luận trong thời gian các trường nghỉ học. Vả lại, tôi có thể nói được rằng, một trong hai người là ông Huyen đã xin gia nhập trở lại.

Trong số 117 hội viên, có 31 người Pháp. Đây là con số đáng kể nếu nghĩ đến số cư dân Pháp tại Qui Nhơn. Tóm lại, cho đến hiện nay, Hội chúng tôi có  những nhân vật cao cấp nhất tại địa phương và có mối tương giao rất thân tình. Chúng tôi cũng không thể không mở một ngoặc nhỏ để tỏ lòng biết ơn đối với Nhà Chung đã sẵn lòng nhường cho chúng tôi sử dụng địa điểm này, đến cha giám đốc Maheu, người sáng lập Hội, đã giúp đỡ chúng tôi quản trị Hội, đến các tâm hồn đầy thiện chí đã bỏ chút thời gian quý báu và đến sát cánh làm việc cùng chúng tôi tại nơi đây; chúng tôi muốn nói đến ông Gravelle đã qua đời, người vừa mới mất tại Cambodge sau thời gian làm việc và hy sinh dưới khí hậu khắc nghiệt tại thuộc địa; chúng tôi muốn nói đến Bác sĩ Le Moine, ngoài những cuộc hội thảo mà ông đã bắt đầu từ đầu năm nay và chưa chấm dứt, ông đã giúp chúng tôi  những lời khuyên quý giá trong việc điều hành Hội; chúng tôi cũng muốn nói đến tất cả các hội viên người Tây khác mà chỉ sự hiện diện của họ cũng đã là sự khích lệ lớn lao cho chúng tôi.

Chúng tôi xin phép được khẳng định rằng sự gần gũi Pháp Nam là điều có thể và đáng mong ước, và nếu hiện giờ sự xích lại gần nhau này chưa được thực hiện trọn vẹn chính là vì chúng ta chưa đủ cố gắng và cộng tác cách này cách khác. Tóm lại, chúng ta hiểu sai nhau. Về phía người Việt, chúng ta luôn ẩn náu trong sự dè dặt nhát đảm, cứ nghĩ rằng đó là thành trì duy nhất để bảo vệ phẩm cách; về phía người Pháp, người ta thường hài lòng vì đã hoàn thành những bổn phận nghề nghiệp, với sự trung thực và lương tâm, nhưng không tìm hiểu tâm thức người Việt, điều đưa đến sự tin tưởng lẫn nhau, sự cộng tác trung thành và hiệu quả. Đó chính là điều làm cho mối tương giao Pháp Việt không có tính thẳng thắn và thân tình phải có giữa hai dân tộc được kêu gọi để sống và cùng nhau làm việc lâu dài. Thưa quý vị, hội của chúng ta là nơi mà tất cả mọi quan tâm chính trị hay tôn giáo phải bị loại bỏ, tất cả  những phấn đấu tư lợi đều không được biết đến. Đây phải là mảnh đất thuận lợi cho việc phát triển mối tương quan trung thành và thân tình giữa hai dân tộc qua con đường thênh thang và đẹp đẽ của trí thức, vì lợi ích cho đất nước chúng ta.

Hội chúng ta là học hội, chính vì thế mà nỗ lực chính yếu của chúng ta là khía cạnh trí thức. 11 cuộc hội thảo khác nhau đã được triển khai do những người có thẩm quyền và cử tọa tham dự rất đông. Đồng thời, để cho mọi thành viên tự luyện phát biểu và tham gia thảo luận, chúng tôi cũng đã tổ chức hơn 10 buổi nói chuyện vào các ngày thứ Năm trong tuần. Một thư viện với hơn một ngàn hai trăm cuốn sách đã được cha giám đốc Maheu của chúng ta trao tặng, và ông Jadet, sở Quan thuế và Công quản, đã trao tặng hơn mười cuốn. Để làm cho thư viện này thêm phong phú, vào tháng Mười, chúng tôi đã đặt mua hơn một trăm đầu sách, và để cho các thành viên nắm bắt được tin tức của đất nước chúng ta và thế giới, chúng tôi cũng đã đặt mua 6 tạp chí và 8 nhật báo.

Những vấn đề xã hội đã được nghiên cứu và đưa đến vấn đề thú vị là nhà ở sạch và giá rẻ.

Cuộc hội thảo của bác sĩ Le Moine về nhà ở cho ta thấy rằng phần lớn nhà cửa chúng ta không đáp ứng các điều kiện vệ sinh; nếu ta nhìn nhận rằng ở Đông Dương hiện nay có sự gia tăng các căn bệnh truyền nhiễm và nhất là lao phổi, lý do là vì phần lớn nhà cửa của chúng ta chật chội, người chen chúc, không khí chỉ vào được qua các cánh cửa nhỏ và vị bác sĩ tốt nhất là ánh sáng thì lại hầu như không bao giờ được vào nhà.

Để dập tắt sự tàn phá của tai họa nguy hiểm là bệnh lao phổi, chúng tôi đã nghĩ đến việc xây dựng những căn nhà thoáng khí và giá rẻ, và trong công việc vì lợi ích chung này, chúng tôi tin rằng có thể nhờ cậy đến sự giúp đỡ của chính phủ. Trong lúc này, chúng tôi vừa mới thảo đơn xin phép tổ chức cuộc xổ số có giải thưởng 100.000 đồng trong nội tỉnh Bình Định và cả Trung Kỳ tùy theo tình hình. Nếu công việc này thành công, thưa quý vị, hội chúng ta đã chứng minh được rằng ngay từ lúc chập chững hình thành, hội chúng ta có thể nghiên cứu và giải quyết  những vấn đề xã hội nghiêm trọng.

Cuối cùng, theo đề nghị của ông Công sứ, các lớp học tiếng Việt dành cho các thành viên người Tây đã được tổ chức tại trụ sở của hội. Giáo viên đầu tiên là ông Ung Lang đã toàn tâm toàn ý cho công việc của mình và có thể làm cho các học viên quan tâm học hỏi ngôn ngữ khó khăn của chúng ta.

Để kết thúc, tôi xin nhắc lại rằng hội của chúng ta hoàn toàn chỉ ở bước khởi đầu, mới chỉ có một năm hiện diện. Và như vậy hiển nhiên là điều đã làm thì rất ít so với điều còn phải làm, và chúng ta còn cả một đoạn đường dài để vượt qua. Nhưng nói thật tình thì tương lai tùy vào hiện tại, và chúng ta có thể cao giọng nói rằng sinh hoạt của hội sẽ đặc biệt phong phú, đầy hứa hẹn và hy vọng.[8]

Việc truyền bá chữ Quốc ngữ cũng được cổ vũ ở đây vì là nơi thu hút những thành phần trí thức quan tâm đến tương lai của đất nước. Với vài cơ sở văn hóa ít oi ở Qui Nhơn thời bấy giờ, “Nơi thu hút số đông trí thức, học sinh, giáo chức, viên chức các công sở là Nhà Xẹc Qui Nhơn (Câu lạc bộ Pháp Việt). Đây là nơi tập trung để đọc sách báo, chơi cờ tướng, nghe diễn thuyết … Trong hai năm 1938-1939 ở đây tổ chức liên tiếp các cuộc diễn thuyết của Nguyễn Xuân Lữ nói về tự do dân chủ, Phan Thanh nói về cải cách dân chủ và truyền bá chữ Quốc ngữ”[9]. Sự nghiệp giáo dục cũng được nhấn mạnh vì rằng “Nước nhà mà được mở mang tiến bộ, một phần rất lớn do tại sự đào tạo bạn thanh niên”, sự hợp tác giữa gia đình và học đường trong việc giáo dục trí dục và thể dục cho học sinh cũng là đề tài được diễn thuyết tại Hội học này là một tín hiệu vui mừng “vì người mình đã biết hâm mộ những nẻo đường người Âu Mỹ đã tiến lên con đường văn minh”:

“Đêm 21 tháng 5 (1941) tại nhà Cercle Qui Nhơn đã tổ chức một buổi diễn thuyết do ông Trần Văn Hích, giáo sư ở Phan Thiết nói về sự hợp tác giữa gia đình và học đường. Lúc 20 giờ thính giả lần lượt kéo tới, phần đông hơn là viên quan, quý thầy làm việc, các giáo sư và những vị tai mắt trong châu thành. Xem qua mà lòng bắt mừng thầm, vì người mình đã biết hâm mộ những nẻo đường người Âu Mỹ đã tiến lên con đường văn minh. Đúng 20 giờ 30 sau mấy lời giới thiệu vui vẻ của ông Hội trưởng Trần Xuân Nam, diễn giả mở đề bài, đại ý: Nước nhà mà được mở mang tiến bộ, một phần rất lớn do tại sự đào tạo bạn thanh niên. Vấn đề quan trọng này chỉ một phụ huynh cũng không kham, mà một mình thầy cũng chả nổi; phụ huynh và thầy dạy phải hợp tác thì mới hoàn toàn. Về vấn đề thể dục, diễn giả chú trọng vào những cuộc vận động không mất tiền như tập chạy, lội bơi … và hăng hái đánh đổ những cách tưng tiu của cha mẹ như cho ngồi xe kéo đến trường, cho mặc đồ Lê Phổ[10] làm ngăn trở sự vận động của bé. Qua vấn đề trí dục, diễn giả nói phụ huynh phải năng hội diện với thầy để biết tính tình và cùng nhau mưu ích cho đưa bé. Về vấn đề này chủ trọng hơn hết là phụ huynh và thầy phải cùng nhau xem xét trí tuệ đứa bé để chọn lựa nghề nghiệp phù hợp với nó. Văn chương phú lục chẳng hay, trở về làng cũ học cày cho xong. Nhưng tiếc thay diễn giả lược quan có hơi chóng nên xem chừng thính giả ít người để tâm đến… Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, mỗi người được một nghề hoàn toàn thì làm sao dân không giàu nước không mạnh”[11]

Một tấm lòng để gió cuốn đi theo con chữ

Nếu bạn nói với một người bằng ngôn ngữ mà anh ta hiểu được, điều đó sẽ đi vào đầu anh ta. Còn nếu bạn nói bạn nói với một người bằng chính ngôn ngữ của anh ta thì điều bạn nói sẽ đi vào thẳng vào trái tim anh ấy” (Nelson Mandela). Ngôn ngữ là cánh cửa sổ để đi vào văn hóa của một dân tộc. Là người rao giảng, cha Maheu biết mình phải làm gì để “dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1,18). Chân lý của Tin Mừng phải được rao giảng chứ không phải một tấm lòng để “Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông … Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian.

Nhận thức được tầm quan trọng của sách vở, văn hóa phẩm trong việc truyền bá Kitô giáo cho người bản xứ, cha Maheu đã để gió cuốn mình đi theo những con chữ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: trước hết là xây dựng lại nhà in chữ quốc ngữ với sự đóng góp tài chánh của các linh mục Việt Nam và các thừa sai Pháp trong miền truyền giáo và sau đó là viết sách để dạy tiếng Việt cho người Pháp và dạy tiếng Pháp cho người Việt, giúp những con người thiện chí của hai dân tộc vượt qua chiếc cầu ngôn ngữ, đi vào tận “trái tim” nhau.

Và “Imprimerie de Lang-Song”[12] được hình thành vào năm 1904, tiếp nối truyền thống của miền truyền giáo. “Thiếu nguồn tài chánh và nhân lực hỗ trợ khiến lúc này chúng tôi làm được rất ít công việc giáo huấn ngoại trừ việc lập một nhà in nhỏ in kiểu mẫu tự Âu châu. Được thành lập từ hai năm nay, nhờ vào sự đóng góp của các thừa sai và các linh mục bản xứ, nó đã lớn mạnh dưới sự điều hành khéo léo của cha Maheu. Ngoài những bức thư luân lưu của giám mục và tờ thông báo (bulletin) hàng tháng, một vạch nối giữa các thành viên sống rải rác trong gia đình giáo phận, nhà in bắt đầu in vài cuốn sách kinh, những tác phẩm về giáo lý. Dần dần nó có thể đáp ứng được nhu cầu rất khẩn thiết của chúng tôi và trong khả năng khiêm tốn của mình cũng đã thực hiện được một trong những ước ao của Thánh Phaolô: Omni modo Christus annuntietur[13]”.[14] Và hạt giống gặp nơi đất tốt đã sinh hạt năm mươi, một trăm. Lớn mạnh theo thời gian, “Nhà in Làng Sông, dưới sự điều hành của cha Maheu, đã nổi tiếng, và tạp chí “Lời Thăm” in được 1.500 bản mỗi số, dần dần đi khắp toàn cõi Đông Dương. Trong năm nay, nhà in Làng Sông đã xuất bản hơn 18.000 bản tạp chí, hơn 1.000 ấn bản các tác phẩm khác nhau, và hơn 32.000 bản in ấn các loại, vị chi là 63.185 ấn bản với 3.407.000 trang”.[15]  Chỉ với mục đích truyền giáo, phổ biến chữ quốc ngữ chứ không đặt mục tiêu lợi nhuận, nhà in đã duy trì hoạt động nhờ sự đồng lòng và chung sức của các cha Việt Nam và các thừa sai Pháp. Đức cha Grangeon đã ghi nhận điều đó : “Từ khi lập nhà in tại Làng Sông đến nay, ta thấy các Cố cùng các Cha bổn quốc đều sẵn lòng thương giúp, hoặc cúng thí bạc tiền, hoặc đặt ra sách vở in, ta hết lòng cám ơn”[16]

Năm 1927, cha Émile Laborier (Cố Hảo) thay thế cha Maheu điều hành nhà in Làng Sông[17]; năm 1928, vì cha Maheu đang dốc toàn tâm toàn lực để xây dựng những tòa nhà đầu tiên của Trại phong Qui Hòa nên “Cha Maheu đã phải bỏ lại nhà in và tạp chí rất nổi tiếng là Lời Thăm, tuy nhiên chúng được trao quyền điều hành vào đôi tay tài hoa đó là cha Dorgeville (Cố Sĩ)”[18]; và “năm 1929, Đức cha Grangeon giao nhà in Làng Sông cho cha Perreaux (cố Qui) điều hành cho đến khi nó được chuyển về Qui Nhơn vào tháng 7 năm 1935”.[19] Ngày 1 tháng 1 năm 1936, Đức cha Tardieu khánh thành Tòa giám mục mới ở Qui Nhơn, “ngôi tòa giám mục cũ nhường lại cho các thầy Dòng Thánh Giuse được giao phụ trách nhà in của miền truyền giáo”.[20]

Chính cha Maheu cũng đã viết và cho in một cuốn từ vựng bỏ túi Pháp Việt “Petit lexique de poche français-annamite”, 326 trang, in tại “Librairie Imprimerie Quinhon (Annam)” vào năm 1910 mà cha đã viết rõ mục đích với những lời lẽ rất khiêm tốn trong Lời Tựa:

“Đây không phải là tự điển (dictionnaire) mà chỉ là cuốn từ vựng bỏ túi đơn giản (simple lexique de poche), không nhằm mục đích khoa học cũng chẳng là một cuốn sách đã hoàn tất … dù những thiếu sót và bất toàn không tránh khỏi, chúng tôi hy vọng cuốn sách nhỏ này với khoảng năm ngàn từ Pháp và nhiều đặc ngữ, có thể giúp ích cho những đồng bào của tôi, những người mà chúng tôi cầu chúc may mắn trong việc học tập ngôn ngữ Annam rất hữu ích cho họ, trong khi chờ đợi một cuốn sách khác tốt hơn (chữ in nghiêng trong nguyên bản tiếng Pháp)”[21]

Vào tháng Năm 1913, cha Maheu về Pháp, phục vụ tại Tiểu chủng viện Conflans và rồi năm 1914 thi hành nghĩa vụ quân dịch ở Bordeaux tại sở giám sát thư tín người bản xứ vùng Viễn Đông. Theo Dictionnaire de bio-Bibliographe générale, ancienne et moderne de l’Indochine Francaise, thì “Cha Maheu (Paul-André), địa phận Paris, Thừa sai Đông Đàng Trong. Động viên quân dịch năm 1914, làm trung sĩ thông ngôn cho một nhóm thợ ở Bassens (Gironde)”.[22] Tại đất Pháp, tấm lòng nhân ái của cha cũng vẫn luôn dành cho những người Việt đang bơ vơ nơi đất khách quê người trong bối cảnh của cuộc thế chiến thứ nhất. “Ở Bordeaux, cha Maheu và cha Perreaux chăm lo cho các bệnh nhân nội trú trong các bệnh viện thành phố, tụ họp những người Công giáo lại từ các trại lính và xưởng thuốc súng. Nhân danh Alliance Francaise (Trung tâm Pháp ngữ), họ thành lập một Hội quán (Foyer) dành cho các binh sĩ để dạy các khóa ngôn ngữ, tụ họp lại những người bản xứ thuộc địa lại để học tiếng Pháp. Họ cũng xuất bản nhiều tác phẩm rất được những người bản xứ và người Pháp ưa chuộng vì giúp họ có được một vài ý niệm về tiếng Pháp hay tiếng Việt”.[23] Và những tác phẩm dạy ngôn ngữ của cha Maheu lần lượt ra đời: cuốn La langue Annamite – Grammaire, Dialogue, Vocabulaire, 76 trang, xuất bản năm 1917, và cuốn Cours abrégé de Langue Francaise, 127 trang, năm 1918, để cho người Việt biết Quốc ngữ học tiếng Pháp và người Âu châu học tiếng Việt để giao tiếp hằng ngày với người Việt sống ở Pháp. Hai cuốn này đều được nhà xuất bản G. Delmas ở Bordeaux in ấn và phát hành.

Một người yêu thương người Việt – Un Annamitophile[24]

Si vis amari, ama” – Muốn được yêu mến thì hãy yêu trước đã, và thật sự cha Maheu yêu mến nhiều, yêu mến con người Việt. Đến Việt Nam năm 26 tuổi và ở tại nơi đây đến 36 năm, thật sự ngài đã trở thành một phần của đất nước này mất rồi! Linh mục Paul Maheu của những chiếc bánh mì “baguette” đã được thay thế hoàn toàn bằng Cố Mỹ của bát cơm đôi đũa hay chiếc bánh tráng bẻ kêu rôm rốp của Qui Nhơn, Bình Định! Nhưng sau những hoạt động đầy nhiệt huyết, đích thân hiện diện tại các công trường, những chuyến đi quyên góp và diễn thuyết đã vắt kiệt sức lực buộc cha Maheu phải trở về Pháp chữa bệnh vào cuối năm 1930 sau khi quyến luyến từ giả bạn bè thân hữu ở Qui Nhơn. “Cha Maheu, Giám đốc Hội học Pháp Nam Qui Nhơn và Trại phong Qui Hòa, vừa lên đường đi Pháp để phục hồi sức khỏe đã khá suy yếu do nhiều năm làm việc không mệt mỏi. Trước khi lên đường, các thân hữu Hội học đã tổ chức bữa tiệc trà khoản đãi ngài. Sau diễn từ ngắn gọn của ông Hội trưởng chúc ngài lên đường bình an và mau trở lại, ông Công sứ Pháp tại Qui Nhơn lên tiếng và tỏ bày lòng quý mến của các cư dân Tây tại thành Qui Nhơn đối với cha Maheu”[25] Nào ngờ đây là hành trình cuối cùng của cuộc đời, bệnh tình không thuyên giảm sau vài lần nhập viện, vào 7 giờ sáng thứ Sáu ngày 27 tháng Hai 1931, ngài đã qua đời tại nhà người chị ở Rue de Sèvres, một con đường giao cắt với Rue du Bac, nơi có trụ sở của Hội truyền giáo hải ngoại Paris mà ngài là thành viên.

Sự ra đi của ngài để lại nhiều tiếc nuối cho tất cả mọi người. Thân xác ngài nằm lại nghĩa trang Montparnasse – Paris thay vì Trại phong Qui Hòa – Qui Nhơn như ý nguyện. Tốt bụng, nhiệt tâm, bác ái, vị tha, quên mình, … những đức tính cao đẹp cứ nối tiếp nhau theo chiều dài của sự tiếc nuối mà chẳng bao giờ nói hết về con người của ngài, thôi thì cứ hãy giữ lại cho ngài chỉ một từ, một từ viết hoa thôi: Un Annamitophile – Một người hết lòng yêu thương người Việt!

“Trong miền thuộc địa này, ai mà không biết đến con người tốt bụng này chứ, một con người hiện thân cho những phẩm chất cao đẹp nhất: sự nhân lành, nhiệt tâm, vị tha, bác ái. Ngài sống chỉ để làm điều tốt, hoàn toàn quên mình khi thi hành sứ mệnh tông đồ của mình. Ngài chỉ tìm thấy hạnh phúc của mình nơi hạnh phúc tha nhân, Công giáo hay lương dân, người Pháp, người Việt hay người ngoại quốc. Nhất là tận tâm với tầng lớp nghèo khó, không được biết đến, bị bỏ rơi.

Cật lực rao giảng sự hòa hợp các dân tộc giữa giới trí thức người Việt khi sáng lập nên Học hội Pháp Nam (Cercle franco-annamite) ở Qui Nhơn, ghi khắc vào tâm trí những ý tưởng cao đẹp và lành mạnh, nhờ vào tạp chí Lời Thăm và nhà in của mình, cả hai đều lội ngược dòng bằng những phương tiện yếu kém, cha Maheu, cảm thương cho những người bị thua thiệt trên thế gian này là những người bị bệnh phong cùi, ngài đã thành lập trại phong Qui Hòa cách đây một năm. Ngài đã vắt kiệt sức mình, thiếu sức và thiếu tiền… Ngài thức dậy vào lúc ba giờ sáng và đi ngủ vào lúc mười giờ đêm, Người viết những dòng này đã biết ngài rất rõ… Trại phong Qui Hòa chính là nơi ngài muốn yên nghỉ vì ngài nhiều lần nói với tôi khi tôi khuyên ngài dừng lại và đi nghỉ dưỡng: “Tôi sẽ làm việc đến phút cuối cho người thân cận của tôi, cho những người Việt mà tôi gắn bó từ nhiều thập niên nay. Tôi sẽ chết vì công việc, tôi biết điều đó”… Bạn bè người Việt khóc thương cho người bạn Pháp này… cho vị linh mục có lòng nhân lành của Thiên Chúa, cho một người hết lòng yêu thương người Việt (Annamitophile) là cha Maheu”.[26]

[1] “Un appel de M. Jacques Duc” (Lời kêu gọi của Ông Jacques Lê Văn Đức), trong L’Écho annamite, 17 Mars 1930. L‘Écho annamite (Tiếng vọng Annam) là tờ báo do ông Võ Văn Thơm sáng lập (sau này bán lại cho ông Lê Thành Tường), phát hành các ngày thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần tại Sàigòn vào những năm 1920-1944.

[2] Bài báo “L’oeuvre du R. P. Maheu dans la Sud-Annam, Le Cercle franco-annamite de Qui-nhon, Le corps et l’esprit – Les lépreux et les intellectuels” (Công trình của cha Maheu tại miền Trung, Hội học Pháp Nam Qui Nhơn, Thể xác và tinh thần – Người phong và người trí thức), trong L‘Écho annamite, 18 Mars 1930.

[3] Mémorial de Quinhon, số tháng Chín 1928, tr. 142.

[4] Bulletin MEP, ngày 12 tháng Mười, 1928, tr. 695.

[5] Comaedia, một tờ báo văn hóa danh tiếng tại Pháp có sự cộng tác của các nhà văn, thơ, biên kịch Pháp như: Henry de Montherlant, Jean Giono, Jean Paulhan, Jacques Audiberti, Jean Cocteau, Colette, Paul Valéry, Paul Claudel, Marcel Jouhandeau, Pierre du Colombier, Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir…

[6] Lời Thăm, số 142, 15 Novembre 1928, tr. 638-639.

[7] Mémorial de Quinhon, số tháng Mười Hai 1928, tr. 183.

[8] L‘Écho annamite, 18 Mars 1930.

[9] Đỗ Bang – Nguyễn Tấn Hiểu, Lịch sử Thành phố Quy Nhơn, Nxb Thuận Hóa, 1998, tr. 295

[10] Họa sĩ Lê Phổ (1907-2001), một trong những cây đại thụ của làng hội họa Việt Nam. Ông cải tiến áo dài “Le Mur” với các đặc điểm: vạt áo được may dài, tay không phồng, cổ kín, nút bên phải áo, may ôm sát cơ thể.

[11] Lời Thăm, số 21, 4 Juin 1941, tr. 1116

[12] Ở đây chỉ nói đến nhà in (với kỹ thuật in typo sắp chữ) từ giai đoạn được giáo quyền Đông Đàng Trong tái lập và cha Maheu điều hành, có thể nói là nhà in chính thức mang tên “Imprimerie de Lang-Song”, “Libraire-Imprimerie de Lang-Song” hay “Imprimerie de Quinhon” được dùng thay đổi nhau, với chức năng in ấn và phát hành như một nhà xuất bản. Tuy nhiên, trước giai đoạn này vẫn có cơ sở in của nhà chung trong miền truyền giáo, chẳng hạn cuốn “Sách thiên” bằng chữ nôm in khắc gỗ (xylographié) tại Gia Hựu vào năm 1864 (Mémorial, Mission de Quinhon, số 145, ngày 4 tháng 11 năm 1918, tr. 161). Trong báo cáo năm 1872, Đức cha Charbonnier  liệt kê cơ sở nhà chung gồm “3 nhà thuốc và 1 nhà in” (Compte-rendu des travaux MEP, 1874, tr. 20) hay trong báo cáo thiệt hại năm 1885 gồm “17 cô nhi viện, 10 tu viện, 4 trang trại, 2 chủng viện, 2 nhà thuốc, 1 nhà in, 1 tòa giám mục, 225 nhà thờ” (Compte-rendu des travaux MEP, 1885, tr. 84). Nhà in trước đây của miền truyền giáo tại Làng Sông đã bị phong trào Văn Thân phá hủy năm 1885.

[13] Rút gọn từ thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Philipphê 1,18: “Quid enim? Dum omni modo sive per occasionem, sive per veritatem, Christus annuntietur: et in hoc gaudeo, sed et gaudebo.” (Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Kitô được rao giảng là tôi mừng. Và tôi sẽ còn mừng nữa). Và đây là câu khẩu hiệu của các tu sĩ Dòng Thánh Vincent de Paul.

[14] Compte-rendu des travaux MEP, 1906, tr. 170

[15] Compte-rendu des travaux MEP, 1922, tr. 109

[16] Mémorial, Mission de Quinhon, số 109, Juillet 1914, tr. 46-48

[17] Gérard Moussay, Brigitte Appavou, Répertoire des membres de la Société des missions étrangères, 1659-2004, MEP, 2004, tr. 439

[18] Bulletin MEP, 1929, tr. 565 và Gérard Moussay, Brigitte Appavou, Répertoire des membres de la Société des missions étrangères, 1659-2004, MEP, 2004, tr. 397.

[19] Compte-rendu des travaux MEP, 1940, tr. 289

[20] Annales MEP, 1936, tr. 137

[21] Paul Maheu, Petit lexique de poche français-annamite, Quinhon: Librairie Imprimerie, 1910.

[22] Antoine Cabaton, Dictionnaire de bio-Bibliographe générale, ancienne et moderne de l’Indochine Francaise, Académie des sciences coloniales, Paris, 1935.

[23] Annales MEP, 1921, tr. 128.

[24] “Annamitophiles” là từ ghép của “Annamite” (người Annam) và tiếp vĩ ngữ “phile” (yêu thích), nguyên nghĩa là “người có thiện ý đối với người Annam ở Đông Dương thuộc địa” (Qui était favorable aux Annamites dans l’Indochine colonisée), có thể dịch là “phần tử thân Annam” hay “thân Việt”, một từ mang nghĩa tiêu cực đối với người Pháp bởi vì (theo trích dẫn của  fr.wiktionary.org) “một công chức Pháp khi bị gọi “annamitophile” thì trên nguyên tắc đã bị kết án là không “tiến bộ”” (Marguerite Duras, Cahiers de la guerre et autres textes, POL Éditeur, 2006). Và “Nhiều người (Pháp) đã trở nên bạn hữu của người Việt trong cuộc đấu tranh và từ cuối thế kỷ XIX người ta gọi họ là “Annamitophiles” (Nhung Agustoni-Phan, Vietnam, nouveau dragon, ou, vieux tigre de papier: essai sur le Viêt-Nam, Éditions Olizane, 1995, tr. 170). Tuy nhiên, ở đây chúng ta nhìn cha Maheu ở góc độ tích cực, nên tạm dịch trong bài này là “một người yêu thương người Việt”.

[25] Les Annales Coloniales, 27 Decembre, 1930

[26] Jacques Lê Văn Đức, Courrier Saigonnais, 4 Mars 1931, trích trong Bulletin MEP, 1931, tr. 298

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

(nguồn: Giáo phận Qui Nhơn)

Bài trướcBà cố MARIA NGUYỄN THỊ LONG, Thân Mẫu của Linh mục Antôn Nguyễn Thông, SVD
Bài tiếp theoTông huấn hậu Thượng hội đồng: “Chúa Kitô đang sống”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây