Cảm nghiệm lòng thương xót

0
615

Tu sĩ G.B. Trần Vui, SVD

Người Hy Lạp nói đến tình yêu bằng ba từ khác nhau: philia, eros và agape. Philia là tình yêu thường có giữa hai người cùng phái như tình yêu của Jonathan và David; cũng được gọi là tình đồng chí hay tình bằng hữu. Eros là tình yêu khát khao, thèm muốn chỉ có thể thỏa mãn bằng cách chiếm hữu đối tượng được yêu. Đó cũng là dấu hiệu tình yêu nhục dục giữa người nam và người nữ. Agape là loại tình yêu tôn giáo, vừa giữa Thiên Chúa với con người, vừa giữa con người với con người. Nó nhấn mạnh đến sự quên mình, hiến dâng và phục vụ hơn là đạt được sự thỏa mãn nào đó.[1] Như vậy tình yêu của Thiên Chúa chính là agape. Đó là một tình yêu nhưng không, tất cả chỉ vì tình yêu chứ không vì cái gì khác. Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu vô điều kiện.

Tình yêu của cha mẹ đối với con cái tham dự vào agape của Thiên Chúa; hay nói cách khác là tình yêu cha mẹ cũng thuộc agape. Mỗi khi nghĩ đến tình yêu của cha mẹ dành cho mình, người ta thường rơi nước mắt. Bởi vì không ai yêu con cái bằng cha mẹ và chỉ có cha mẹ mới cho con cái mình tất cả những gì mình có, về tinh thần cũng như vật chất. Chính người con, chứ không phải ai khác, mới thực sự thấy và cảm nhận được những gì mà cha mẹ dành cho mình.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người còn lớn hơn gấp bội so với tình yêu của cha mẹ. Tuy nhiên, người ta thường xúc động trước tình yêu của cha mẹ, chứ ít khi xúc động trước tình yêu của Thiên Chúa. Có lẽ vì người ta chỉ mới biết được tình yêu của Thiên Chúa chứ chưa cảm nghiệm được tình yêu của Người. Một tình yêu được nhận biết bằng lý trí thì khác với nhận biết bằng sự cảm nếm con tim. Chẳng hạn dụ ngôn người mắc nợ trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 18,23-35): Tên mắc nợ đã được chủ tha hơn những gì anh mong mỏi. Anh chỉ mong là được chủ cho hoãn lại một thời gian, nhưng tình yêu của ông chủ vượt trên sự mong đợi đó. Ông đã tha bổng cho anh ta. Nhưng khi ra ngoài anh đã túm cổ người đồng bạn mắc nợ và tống vào ngục. Anh đã nhận được lòng xót thương của ông chủ, nhưng anh chưa cảm nghiệm được tình thương xót đó. Do vậy, anh chưa thể hiện tình thương được đối với đồng loại.

Mọi người đều được Chúa yêu thương, đều nhận được tình xót thương của Chúa, nhưng có mấy người cảm nghiệm được tình yêu đó. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện: Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Thường thì người ta muốn nhận lãnh hơn là cho đi, muốn được thứ tha hơn là tha thứ cho người khác. Sự tha thứ cho người khác là một điều khó đối với con người, nó đòi hỏi con người một sự hy sinh với lòng khiêm nhường và không thể không cậy nhờ vào ơn Chúa. Ngoài ra, nó còn đòi hỏi con người phải cảm nhận được sự tha thứ (lòng thương xót) của Thiên Chúa cho mình. Một khi cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa thì người ta sẽ đi tới việc tỏ lòng thương xót đối với tha nhân.

Đức thánh cha Phanxicô[2] cũng mời gọi chúng ta cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa nơi những người bé nhỏ, đặc biệt là những người nghèo khó, đau khổ, cô đơn. Một cách cụ thể, ngài mời gọi chúng ta hãy thực thi lòng thương xót ấy qua công việc: Thương người có mười bốn mối. Chúng ta phải thể hiện được lòng thương xót qua việc cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, viếng kẻ tù đày…; lấy lời lành mà khuyên người, dạy dỗ kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta… phải làm sao để họ cảm nghiệm được hơi ấm từ sự hiện diện, từ tình bằng hữu, từ tình huynh đệ của chúng ta.

Một người con luôn được cha mẹ thương yêu, nhưng nếu không cảm nghiệm được tình thương đó, người con luôn sống trong tình trạng hư hỏng. Trái lại, nếu cảm nghiệm được tình thương của cha mẹ, người con ấy luôn nỗ lực trong cuộc sống để không phụ tình thương của cha mẹ cũng như không muốn làm cho cha mẹ phải đau khổ. Cũng vậy, khi một người con cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, người ấy sẽ cố gắng sống sao cho xứng với tình yêu đó. Điều này cũng bao hàm sự thể hiện lòng thương xót của mình đối với đồng loại; điều này cũng bao hàm một sự tha thứ bởi vì lòng thương xót thì vượt trên sự tha thứ. Một khi đã có lòng thương xót thì việc tha thứ, giúp đỡ, phục vụ… là điều dễ dàng.

Năm thánh Lòng Chúa Thương Xót mời gọi mỗi người hãy nhận biết Thiên Chúa không chỉ bằng lý trí, nhưng nhất là bằng sự cảm nếm của con tim. Về phía Thiên Chúa, Ngài luôn yêu thương mọi người, nhưng về phía con người, làm sao chúng ta cảm nghiệm được tình yêu đó. Kinh Năm Thánh lòng Chúa thương xót đã nói lên điều này khi trích lời của Đức Giê-su nói với người phụ nữ Samaria: Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban (Ga 4,10). Đó cũng là điều mà Đức giáo hoàng Phanxicô mong muốn khi mở Năm Thánh này: Tôi mong ước mỗi một người sẽ thấy ân xá Năm Toàn Xá như một cảm nghiệm đích thực về lòng thương xót Thiên Chúa đến với từng người trong dung nhan của Cha, Đấng chào đón và tha thứ, quên hết mọi tội lỗi chúng ta đã phạm.[3]

[1] Dr. Mortimer J.Adler, Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại, Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch, Hà Nội, NXB Văn hóa Thông tin, 2003, tr.301.

[2] ĐGH Phanxicô, Tông sắc công bố năm thánh về lòng thương xót, số 15.

[3]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thư ngỏ Năm Thánh Lòng Thương xót.

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Truyền Giáo – Năm A
Bài tiếp theoMừng Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo 2017

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.