Tháng Mân Côi: Chiếc Áo Màu Thiên Thanh

0
1333

Thỉnh sinh Gioakim Võ Huỳnh Quốc Vương

Trong văn hóa Việt Nam xưa, màu áo có thể thể hiện được vị trí và tầm vóc của người mặc nó trong xã hội. Các vị vua thường mặc long bào màu vàng, dân quê thường mặc áo vải trắng to, còn các sĩ tử nếu có công việc thì mặc áo màu xanh lam[1]. Tuy rằng áo quần, hay màu sắc chẳng thể nói lên được điều gì về bản chất thật sự của người mặc nó, nhưng người mặc những chiếc áo đó vẫn mong muốn gửi gắm một điều gì đó về bản thân mình cho người khác.

Đức Maria, đấng được gọi là kiệt tác vĩ đại nhất mà Thiên Chúa tạo dựng, người Phụ Nữ được sách Khải Huyền ví là “mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12, 1) lại thường được diễn tả qua tấm áo choàng màu xanh da trời bình dị. Có thể màu xanh da trời, hay còn được gọi là màu thiên thanh không có gì đặc biệt và cũng chỉ được chọn trong sự ngẫu hứng của tác giả, nhưng sự lựa chọn một cách ngẫu nhiên ấy cũng có thể mang trong mình những điều đặc biệt.

Màu thiên thanh là màu sắc rất dễ dàng để được nhìn thấy. Một màu sắc bình thường và giản dị. Nó không sặc sỡ như màu đỏ, sang trọng như màu vàng, kiêu sa như màu tím. Và màu xanh da trời cũng chẳng mấy khi được sử dụng trong phụng vụ. Nhưng nó lại là biểu hiện của sự bao la của bầu trời, cho sự sâu thẳm của đại dương. Nó là màu sắc của sự to lớn hiện diện trong cái tầm thường. Mẹ Maria đã được Thiên Chúa tặng ban muôn vàn tước hiệu. Nhưng trước đó, Mẹ cũng từng là một con người bình thường, một cô gái Israel như bao cô gái khác sống cùng thời với Mẹ. Một cô gái bình thường nhưng đã sống và phó thác hết cuộc đời của mình cho Thiên Chúa. Mẹ đã đi hết cuộc hành trình, cuộc hành trình mà Chúa Giêsu đã nói đó là “anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là đấng hoàn thiện”(Mt 5, 48). Mẹ đã không để phận người mỏng manh kéo Mẹ xuống khỏi sự hoàn thiện mà Thiên Chúa luôn kêu gọi con người vươn tới.

Con người vốn yếu đuối và mỏng giòn, nhưng bên trong thân phận yếu đuối ấy là một công trình vĩ đại được Thiên Chúa tạo dựng. Thiên Chúa đặt vào bên trong con người một tâm thức luôn biết đối thoại và hướng về sự trọn hảo là Thiên Chúa. Nhưng ngày nay, biết bao nhiêu chủ thuyết biến con người trở nên thấp kém. Đối với nhiều người, con người giờ không còn là công trình của Thiên Chúa nữa, mà là một homo sapien [người tinh khôn] từ một loài vật như bao loài vật khác. Giờ đây, con người luôn cho mọi thứ đều tương đối, và không còn quy chiếu vào sự tuyệt đối của Thiên Chúa nữa. Con người thích quy chiếu vào bản thân để rồi nhiều người đặt cho mình những giới hạn và nghĩ rằng sẽ không thể nào vượt qua. “Con người mà!”, một câu nói thể hiện sự yếu đuối và an phận của con người. Lối suy nghĩ đó làm cho con người chỉ mãi giậm chân tại chỗ trong cuộc hành trình hướng tới sự thiện. Đức Maria đã vượt qua sự bất toàn của thân phận con người và đã chạm tới vạch đích trên con đường trọn hảo. Mẹ là một dấu chứng để tôi biết rằng tôi tuy là một con người nhỏ bé nhưng cũng cao cả. Tôi cũng có thể nên trọn hảo như Mẹ đã trọn hảo.

Dân ca Việt Nam có câu hát “thương nhau cởi áo ới à cho nhau”. Với tất cả tình yêu thương của người mẹ, Đức Maria sẵn sàng trao cho tôi tấm áo choàng của mẹ. Nhưng liệu tôi có dám cởi đi những tấm áo mà tôi đang luôn mặc không, đó là những tấm áo màu đỏ của sự mong mỏi quyền lực, màu vàng của danh vọng, và màu tím của sự ích kỷ, ghen tuông, hay tôi vẫn cố níu giữ những thứ đó lại. Màu Thiên thanh, tự trong từ ấy đã có chữ thanh của sự thanh thoát, thanh khiết, thanh bần. Chấp nhận mặc lấy tấm áo Mẹ trao tặng, học đòi theo gương Mẹ là để cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thoát hơn. Để cuộc sống của tôi dễ dàng cho gió cuốn đi như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết. Cuộc sống của tôi phải là cuộc sống của sự lan tỏa niềm vui, chia sẻ nỗi buồn, của sự liên đới với anh em. Và để làm được điều đó tôi không thể níu kéo con người cũ của mình, tôi phải chấp nhận vứt bỏ những chiếc áo đã đeo bám tôi suốt bao năm để mặc lấy tấm áo mà Mẹ trao tặng.

Lạy Mẹ maria, Mẹ tinh tuyền thánh thiện. Mẹ cũng muốn con bước đi trên con đường hoàn thiện ấy. Dẫu biết rằng khoác lên trên mình tấm áo màu thiên thanh và bước theo chân Mẹ là chấp nhận trở nên nhỏ bé bình thường. Xin cho con đủ sức can đảm để bước cho tới cùng con đường hoàn thiện như Thiên Chúa luôn là Đấng hoàn thiện.

[1] Phạm Đình Hổ và Vũ Trung, Tùy Bút trang 86, phần “Mặc”

Bài trướcLời mời gọi của Cha Tổng Quyền Dòng Ngôi Lời (SVD) nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành thông điệp “Fratelli Tutti – Tất Cả Anh Chị Em”
Bài tiếp theoDÒNG NGÔI LỜI – THƯỜNG HUẤN 2020