Tâm Tình Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

0
513

Thứ Tư ngày 28/05/2020

Gửi tất cả các Thành Viên Dòng Ngôi Lời

V/v:  Tâm Tình Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Anh em thân mến,

Chúng ta đang ở những ngày cuối cùng của Tuần Cửu Nhật kính Chúa Thánh Thần để chuẩn bị cho Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúng ta biết ơn những nhắc nhở của Thần Khí thể hiện nơi quyền năng của Thiên Chúa, ngay cả trong những lúc thử thách và đau khổ. Tôi muốn chia sẻ với anh em một vài suy nghĩ.

Trước hết, Chúa Thánh Thần là Thần Khí của sự Hiệp Thông. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, dân chúng ở Giêrusalem cảm thấy hiệp nhất, hiểu cùng một thông điệp bất chấp sự đa dạng ngôn ngữ. Và với điều này, Giáo hội trở nên hiện hữu.

Nhiều người trong chúng ta hẳn còn nhớ những điều Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói trong đêm mưa ngày 27/03 vừa qua, khi ngài bày tỏ với các Kitô hữu toàn thế giới từ quảng trường Thánh Phêrô trống vắng. Một trong những cụm từ ý nghĩa mà Ngài nói là: “Chúng ta ở trong biến cố này cùng với nhau.” (We are in this together). Đức Giáo hoàng nói rõ rằng chúng ta là một cộng đoàn và một gia đình. Chúng ta đồng hành cùng nhau khi chúng ta đối diện với những thử thách và khó khăn của Đại dịch này. Sự phong tỏa, giãn cách xã hội, cách ly, thiệt hại kinh tế, và quan trọng nhất là mất đi người mình yêu, đã không cản chúng ta đang ở cùng nhau và giúp nhau như những thành viên của một gia đình.

Phương châm nhắc nhở chúng ta: chúng ta trung thành với Lời Chúa, là một với dân Ngài. Thời gian khó khăn này đòi hỏi chúng ta hãy cam kết đổi mới để cắm rễ sâu vào Lời Chúa và trong sự hiệp thông với mọi người. Kinh nghiệm học được của chúng ta về những khó khăn dẫn chúng ta đến những cơ hội mới để trưởng thành, canh tân, và biến đổi. Cách cá nhân, và như là một cộng đoàn, chúng ta đã nhận được những hoàn cảnh và trải nghiệm mới giữa Đại dịch này; từ đó, chúng ta có thể diễn tả đúng như bình minh của một Lễ Hiện Xuống mới—một phong trào của Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta ý thức kiên quyết rằng “chúng ta tất cả đang cùng chèo chống với nhau trên cùng một con thuyền,” rằng chúng ta là một với mọi người.

Thứ hai, Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Can Đảm. Với nỗi sợ hãi, các môn đệ đang ẩn nấp, đang hoài nghi người khác như kẻ thù, những người đang toan tính tiêu diệt họ. Sợ hãi dẫn đến nghi ngờ, và nghi ngờ dẫn đến chia rẽ.

Chúng ta có thường xoa dịu nỗi sợ hãi và sự bất lực của người khác khi họ đến với chúng ta, đang đến tìm câu trả lời không? Chúng ta cũng cần ý thức rằng nhiều khi chúng ta thấy chính chúng ta bị nhấn chìm vào sợ hãi, làm tê liệt hết phản ứng sáng tạo trong tình cảnh của Đại dịch này. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta vượt qua sợ hãi, như người ta nói rằng “Sợ hãi không phải là cố vấn tốt.” Đúng, chúng ta cần phải cẩn trọng khi bảo vệ người khác và chính chúng ta, nhưng chúng ta sẽ không bị sợ hãi làm tê liệt.

Ở nhiều nơi, được truyền cảm hứng bởi những giáo dân và các anh em, chúng ta có thể vượt qua sợ hãi. Nhiều người chúng ta đối diện với người nghèo, những người đang vật lộn để sống. Chúng ta hãy thử tìm cách với những người cộng tác, những người đang làm việc nhà và tại các cơ sở của chúng ta, đừng làm cho họ mất việc. Chúng ta đã cảm nghiệm Thần Khí của Dũng Mãnh được thể hiện trong sự kiên cường để cùng đứng vững với họ cho dù có điều gì xảy ra đi nữa.

Thứ ba, Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Phân Định. Chúa Thánh Thần đồng hành với cộng đoàn Kitô hữu trẻ trong việc phản ứng trước các thử thách của thời đại.

Thời đại chúng ta là thời khủng hoảng, thời mà khó đưa ra quyết định: biện pháp nào phải được áp dụng, kế hoạch nào phải hủy bỏ, hoạt động nào nên tiếp tục, v.v… Mặc dù tương lai là một câu hỏi lớn, chúng ta có thể sẵn sàng hình dung những quyết định căn bản: làm thế nào tổ chức cuộc sống chúng ta và thi hành sứ vụ đòi hỏi chúng ta. Vì tất cả điều này, chúng ta hãy nài xin Chúa Thánh Thần tiếp tục hướng dẫn chúng ta trong tiến trình phân định. Vâng, tất cả chúng ta cần một Lễ Ngũ Tuần mới để chúng ta có thể thực sự phân định ý nghĩa của những dấu chỉ thời đại, và nơi nào Thần Khí đang hướng dẫn chúng ta trong thế giới hôm nay. Chúng ta cần một Lễ Ngũ Tuần mới khuấy động giác quan dửng dưng của chúng ta để chúng ta có thể thấy Đức Giêsu rõ hơn nơi anh chị em của mình, những người đang nài xin trợ giúp. Tài liệu của Tổng Tu Nghị viết: “Trong bất cứ sự phân định và tiến trình canh tân nào, chúng ta có thể cần để ý rằng đời sống tâm linh và cầu nguyện của chúng ta cần luôn bị thách đố bởi thế giới và cuộc sống ở ngoài những bức tường và các nơi biên giới. Đây là tiếng gọi lớn lên, đến gần hơn với Thiên Chúa Ba Ngôi và đồng thời đến gần hơn với con người và thế giới.”

Anh em thân mến, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho nhau. Chúng ta đặc biệt nhớ đến 2 anh em của chúng ta đã qua đời vì Covid-19. Chúng ta cầu nguyện cho sức khỏe và phục hồi nhanh của 5 anh em khác vẫn còn đang hồi sức trong các bệnh viện. Những quan tâm của chúng ta hãy dành cho các cộng đoàn và gia đình của họ.

Chúng ta biết Đấng Sáng Lập của chúng ta, Cha Thánh Arnold sùng kính Chúa Thánh Thần cách đặc biệt. Cùng với ngài, chúng ta hãy cầu nguyện những ngày này, xin các ơn Chúa Thánh Thần cho chúng ta, cách đặc biệt là cầu nguyện cho các Chị Em hai Hội Dòng: Nữ tỳ Thánh Linh Truyền Giáo (SSpS) và Nữ tỳ Thánh Linh Chiêm Niệm (SSpSAP). Hãy cầu nguyện để Chúa Thánh Thần gìn giữ, hướng dẫn, và linh hứng cho họ, đặc biệt là trong lúc đại dịch này, cầu nguyện để họ tiếp tục là những người gieo hạt giống hy vọng.

Và chúng ta cầu chúc cho tất cả anh em, những người đang ở tuyến đầu phục vụ bệnh nhân và người nghèo, cho họ có được hoa quả của Thần Khí, vì chỉ có Ngài mới ban phát sự bình an và thanh thản cho linh hồn con người.

Chúc mừng ngày Lễ Hiện Xuống!

(Đã ký)

Lm. Paulus Budi Kleden, SVD, Bề Trên Tổng Quyền

và Ban Lãnh Đạo

______________________________________

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD (chuyển ngữ)

Ban Truyền Thông

 

 

Bài trướcCộng Đoàn Nhà Chính Và Hạt Cao Nguyên Tĩnh Tâm Năm
Bài tiếp theoCha Paulo Daisuke NARUI, SVD: Tân Giám mục Giáo phận Niigata, Nhật Bản

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.