Lời chúc lành đầu năm

0
519

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Lời chúc lành tư tế trong sách Dân số 6,24-26 thuộc về những lời chúc lành có nội dung chặt chẽ và với ngôn ngữ đẹp nhất trong Kinh Thánh. Được trao cho Aaron, người anh em của Môsê, nên được gọi là Lời chúc lành Aaron. Ông và các con trai của ông là những người đầu tiên được Thiên Chúa chỉ định làm tư tế sau cuộc xuất ành ra khỏi Ai-cập. Nói vậy, lời chúc lành này có trước Kitô giáo và còn đóng một vai trò quan trọng trong các nghi lễ của người Do-thái.

Mỗi lời chúc có hai ước muốn cụ thể và hướng đến Thiên Chúa, Đấng ban phát mọi ơn lành, mà Danh Người mỗi một lần được nhắc đến. Chính Thiên Chúa tỏ lộ khuôn mặt và cho rạng sáng Nhan Thánh trên con người. Các tư tế thuộc dòng Aaron (chỉ) có nhiệm vụ „đặt Danh Chúa trên con cái Israel“ và chính Thiên Chúa chúc lành cho họ (Ds 6,27).

Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em!

Ngẩng mặt ngước nhìn lên Chúa là một tư thế cầu nguyện giúp trải nghiệm cách thật mạnh mẽ niềm hi vọng được đoái nhìn, được nhận diện[1]. Một người có kinh nghiệm được mẹ cha hay một người chăm sóc đoái nhìn đến thời thơ bé, thì nghe lời chúc lành này như một sự nhắc nhớ lại. Thiên Chúa cũng nhìn tôi với khuôn mặt rạng sáng vui tươi, như khi xưa tôi từng đã được nhìn.

Khuôn mặt niềm nở của mẹ cha hay một người thân mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao cho sự phát triển của một trẻ thơ. Đứa bé kinh nghiệm giá trị của mình qua đó. Được âu yếm nhìn đứa trẻ ghi nhận sâu trong tâm điều mà nó chưa thể nắm bắt bằng lời, rằng nó được yêu thương. Nó cảm thấy mình quý giá. Cảm nhận được rằng nó có một chỗ chắc chắn trong thế giới này, và không còn phải tranh dành để chiếm lấy. Một sự tin tưởng cơ bản vào trong thế giới được hình thành (E. Erickson). Thiếu vắng kinh nghiệm trên, đứa bé sẽ luôn nuôi những nghi ngờ lớn, gặp khó khăn với sự tự quý, với con người và thế giới. Một tư thế sống chắc chắn và đầy tin tưởng khó hình thành.

Lời chúc lành của Aaron muốn và có thể giúp lấp đầy lỗ hổng đó. Như vậy, truyền thống niềm tin do-thái thỏa đáp một nhu cầu thiết yếu cho sự phát triển con người. Nhìn từ góc độ tâm lí thì con người trải nghiệm giá trị nguyên thủy của mình, khi được đoái nhìn cách niềm nở vui tươi. Suy tư thần học về lời chúc phúc của tư tế có thể nói vậy: Con người kinh nghiệm giá trị bất biến của mình mỗi khi được Thiên Chúa tươi nét mặt đoái nhìn. Đây không chỉ là một khẩu hiệu đạo đức, vì chính Thiên Chúa chúc lành nên một thực tế mới được tạo thành – là shalom.

Khuôn mặt là phần cơ thể mà chúng ta nhìn đến trước tiên, khi muốn biết con người đối diện. Nói đến khuôn mặt thì nhiều hơn là mắt tai mũi miệng má cằm trán tóc. Diện mạo bộc lộ không lời nhiều điều cơ bản của con người: nói về cuộc đời, cách sống và những biến cố nơi những dấu vết trên mặt. Thông thường, trạng thái tinh thần của một người được phản ánh trên khuôn mặt: một con tim vui vẻ và sự tin tưởng khi cầu nguyện làm cho khuôn mặt rạng rỡ (Tv 34, 6; Cn 15,13), mặt khác, sự thất vọng và sợ hãi làm cho khuôn mặt tái nhợt (St 40,7; Gr 30,6). Có những khuôn mặt tươi tắn, đầy lo âu, lạnh lùng, vênh váo hay phúc hậu, dễ thương, thánh thiện… Sự lôi cuốn hay nói ngược lại: sự rạng rỡ, tỏa sáng của một con người được tỏ hiện nơi khuôn mặt. Có một lời khôn ngoan của Salômô nói vậy: như khuôn mặt của một người được phản chiếu trong nước, thì lòng của con người được phản chiếu trong lòng người khác (Cn 27,19).

Văn hóa sĩ coi trọng diện mạo và những biến chuyển của nó. Những người sống cảm tính dựa vào cách tỏ hiện của khuôn mặt người đối diện mà nhận định, đánh giá và phản ứng. Đọc tư tưởng người khác qua nét mặt là khả năng được phát triển mạnh, nơi nào truyền thông bình đẳng và cởi mở kém phát triển. Diện mạo còn là nền tảng cho việc chẩn đoán và điều trị bịnh tật.

Trong bối cảnh phải sống trong sợ hãi lâu dài, nơi con người không ai tin ai và phải nói dối nhau mà sống, thì khuôn mặt không luôn luôn phản ảnh sự thật của tâm hồn. Thêm vào đó, văn hóa tập thể coi trọng sĩ diện dạy tránh “mất mặt” bằng mọi giá. Giữ thể diện của mình và tránh không làm mất mặt ai động viên lối sống bằng mặt không bằng lòng. Nói thẳng mặt là điều hiếm hoi và không được cổ xúy, nên để bụng, nuôi thù hận, nói sau lưng và ngoảnh mặt hay lánh mặt là những cách phản ứng được phát triển mạnh trong văn hóa chúng ta. Trên nền tảng này tâm hồn khó tìm thấy bình an.

Một điều đáng để ý là trong thực tế không ai thấy khuôn mặt nguyên thủy (thật) của mình, mà chỉ nhìn thấy mình trong hình ảnh phản chiếu lại: thấy mình trong gương mà thôi. Chỉ trong cuộc sống chung, làm việc và gặp gỡ người khác chúng ta mới nhìn thấy mình trong bản gốc. Chính vì thế, chúng ta cần đến nhau, cần đến người khác để có thể thấy khuôn mặt thật của mình. Chỉ khi một người nhìn người khác đúng đắn, và đọc được nơi khuôn mặt tình trạng thật của người đó, và phản ứng vào các lời nói và hành vi cử chỉ mình ghi nhận, thì lúc đó mới có sự gặp gỡ đúng nghĩa. Tôi nhận ra tôi nơi người khác. Vậy cũng có nghĩa là: Nếu tôi không bao giờ chỉ cho người khác thấy mặt thật của mình, nếu tôi chỉ (phải) diễn, thì mọi nhận định của người đối diện về tôi chỉ là ảo ảnh.

Trong thời đại dịch, khi không thể nhìn thấy khuôn mặt người thân yêu trong một thời gian dài, làm cho nhiều người cảm thấy bứt rứt khó chịu hay chán nản buồn rầu. Người ta có cảm giác như một người ngồi tù biệt giam. Không nhìn thấy ai cũng có nghĩa là không ai nhìn tôi, và như vậy sự tồn tại của tôi không được ghi nhận và thừa nhận. Cho nên thỉnh thoảng có những “sao” vì sợ bị công chúng quên lãng, đã tạo những scandals để hình hài tên tuổi được xuất hiện trên báo chí. Vô diện đồng nghĩa với sự không-tồn tại, trở nên kẻ vô danh với thời gian, vì xa mặt thì cách lòng. Những người già ở nhà hưu hay các tù nhân quen kinh nghiệm này, khi họ phải sống biệt lập – nơi ít khi có người tìm đến thăm viếng, nghĩa là được nhìn thấy.

Ở thời đại smartphone sĩ diện ngày càng trở nên mờ ảo, khi các khuôn mặt không còn quay nhìn nhau mà được dán chặt vào các màn hình. Ngồi bên nhau mà gửi tin nhắn, thay vì nhìn vào mặt nhau để trao đổi. Chưa bao giờ chúng ta biết đến nhiều khuôn mặt của các sao/siêu sao, các cầu thủ và hình ảnh đời tư của họ và của nhau, nhưng ít khi chúng ta thực sự biết ai!

„Nhìn khuôn mặt“ của Đức Chúa là hình ảnh cho một kinh nghiệm với Người. Khuôn mặt của Chúa vẫn bị che khuất khỏi cái nhìn „bình thường“ của con người, nhưng khuôn mặt vô hình đó lại tỏ hiện cho kẻ sống ngay lành trong chiêm nghiệm (Tv 11,7). Tìm Nhan Chúa nói đến lòng khao khát được trải nghiệm sự chăm sóc yêu thương của Người (Tv 27,8); Vua Đavít “tìm kiếm” khuôn mặt của Đức Chúa sau một nạn đói kéo dài để hỏi lý do. Nói rằng Đức Chúa để cho khuôn mặt của mình chiếu sáng trên ai đó hoặc điều gì đó ám chỉ ơn cứu rỗi toàn diện, sự sinh sôi nảy nở của gia súc và màu mỡ của đất đai. Đó là những dấu hiệu cho thấy sự hiện diện, sự ân cần quan tâm và tận tụy của Đức Chúa. Vì vậy, lời cầu xin khuôn mặt của Đức Chúa chiếu sáng trên cộng đồng Israel là phần trọng tâm trong lời chúc phúc của tư tế.

Chữ mặt/khuôn mặt xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh. Cựu ước dùng cùng một chữ cho khuôn mặt Chúa và của con người – Panim – để chỉ cho thấy sự liên hệ với nhau. Khuôn mặt Chúa chứa đầy quyền năng và đầy ý nghĩa; là sức mạnh hữu hiệu xuất phát từ Thiên Chúa, từ bản tính Người. Sự tỏa rạng đó vượt xa mọi loài, và con người không thể nhìn thẳng vào mặt Thiên Chúa. Môsê là người có kinh nghiệm gần gũi lâu dài với             Thiên Chúa; nhưng ông đã bị khước từ khi tỏ bày ước muốn nhìn thẳng mặt Người. Trước Nhan Chúa con người nhận ra mặt thật nguyên thủy của mình:  mặt mộc, không phấn son, không mặt nạ. Vậy nên có ai lại không sợ khi phải mặt đối mặt với Thiên Chúa – như Adam sau khi sa ngã?

Dù trong Cựu ước Nhan Chúa được ẩn giấu, thì Thiên Chúa vẫn không ngừng quan tâm đến các nhu cầu của con người. Chúa biết con người cần được nhìn, được Chúa nhìn, và qua đó cảm thấy được nhìn nhận, công nhận. Chúa quay mặt lại nhìn là một ơn, một sự giải thoát. Cả khi Nhan Chúa có thể làm lộ diện các vực thẳm trong chúng ta, đưa chúng ra ánh sáng, thì chúng ta cũng liên tưởng với Nhan Chúa sự đoái thương, sự ngây ngất vì vẻ đẹp huy hoàng và vĩ đại, và một sự bao bọc ấm cúng đặc biệt. Như vậy, khao khát được nhìn thấy Chúa “là Chúa Trời hằng sống” phải là câu hỏi của cả năm mới: “Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42,3).

(Còn tiếp)

[1] Erik H. Erikson: Der junge Mann Luther, Reinbek bei Hamburg 1970, 130.

Bài trướcCỘNG ĐOÀN TRIẾT: LỄ CHÚA GIÁNG SINH và MẦU NHIỆM SỰ SỐNG
Bài tiếp theoĐỪNG BIẾN ĐẠI LỄ GIÁNG SINH THÀNH LỄ HỘI