Ăn chắc mặc bền

0
256

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Nếu được, ít ai trong chúng ta lại không muốn có những đồ dùng thật tốt: từ sách vở, áo quần, bàn ghế, đến truyền hình, tủ lạnh xe hơi… Chúng ta gọi một vật dụng là tốt, khi nó dù đã được sử dụng lâu ngày mà vẫn giữ tương đối tình trạng cũng như sắc thái ban đầu.

Dựa vào kinh nghiệm này, khi có khả năng và điều kiện, người ta luôn tìm mua sản phẩm (hàng hiệu) của những hãng xưởng có tên có tuổi để có được đồ dùng chắc bền vừa ý. Vậy, ngoài kỹ thuật chế biến và nguyên liệu, thời gian là một yếu tố đóng vai trò quan trọng để xác định phẩm chất.

Thời gian cũng là một yếu tố quan trọng và cần thiết giúp chúng ta nhận ra ít nhiều bản chất “thật” của một con người. Khi nói đến thời gian, ta nghĩ đến những giờ phút vui sướng và buồn khổ, lúc đói và khi no; nghĩ đến những giai đoạn khủng hoảng và giây phút vinh quang, những khi đời đầy chán nản, nghi ngờ và những suy tư mơ mộng.

Nói tóm lại, hết tất cả những gì liên quan đến một đời người – ngay cả thái độ khi đối diện với sự chết và niềm hy vọng đều có thời gian và được diễn ra trong thời gian. Chỉ khi đi qua một đoạn đường như thế, con người (may chi) mới có thể học hỏi, phát triển và bộc lộ được hết bản chất thật hư của mình.

Nếu đạo và đời không bị tách rời như hai thái cực không thể gần nhau, hay nếu không bị xem như hai lĩnh vực không liên quan với nhau, thì “đạo trong đời” được ví như là “men trong bột” (x. Lc 13,20). Được như vậy, thời gian sẽ là một cơ hội tốt để niềm tin tỏ hiện vai trò và sức mạnh của nó trong đời sống hằng ngày của con người.

Vì vậy, khi muốn tìm Thiên Chúa, trước hết chưa cần phải kiếm sách vở dạy về những hiểu biết đức tin, tìm đọc điều răn phải tin và luật lệ phải giữ. Cách dạy làm bánh trong các sách vở không làm cho bột dậy men được, mà chỉ khi men được người làm bánh đem trộn nhồi chung đều với bột!

Quan trọng hơn tất cả mọi lý thuyết về Thiên Chúa, về niềm tin là sự gặp gỡ với một con người mang tên Giêsu, hôm nay và ngay giữa cuộc đời của mình.

Nhưng làm sao gặp được Đức Giêsu?

Trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới cách đây không lâu, một nhóm bạn trẻ suy nghĩ và bàn cãi với nhau về cách thức rao giảng Tin Mừng mang lại hiệu quả tốt nhất. Một số người trong nhóm đề nghị phải đưa lên truyền hình, làm Talkshow, quay phim và phổ nhạc. Một số khác lại cho rằng cần phải viết trên các báo bán chạy nhất, cho lên internet hay làm các “actions” (hành vi) liều mạng, để gây sự chú ý, đánh động dư luận và mau nổi tiếng – nghĩa là bằng tất cả những phương tiện hợp thời nhất.

Sau khi mọi người đã phát biểu ý kiến xong, một cô gái đến từ Châu Phi giơ tay và lên tiếng: “Ở quê hương tôi, mỗi khi muốn rao giảng Tin Mừng cho một làng mới, chúng tôi không gửi báo hay lên truyền hình, mà gửi một gia đình có đạo đến đó, để những người trong làng thấy được sống đạo là như thế nào.”

Đời sống của những người Kitô hữu phải như là những vệ tinh, phản ảnh lại ít nhiều một cách sống động ánh sáng của Thiên Chúa cho thế giới. Lời nói thì lung lay, nhưng gương lành thì sẽ lôi kéo![1] Và những điều hệ trọng như vậy luôn cần chút thời gian để có thể thực hiện, tỏ bày, tác động, cũng như cho thấy độ bền chắc của niềm tin.

[1] Từ: Nguyễn Đức Vinh, Ca dao tình Chúa, Dressden 2002.

Bài trướcGx. PHƯỚC ĐỒNG: Chúa cùng con vui trung thu
Bài tiếp theoCẢM NGHIỆM TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH TÊRÊSA, BỔN MẠNG TẬP VIỆN