“Đừng tìm cách làm nảy sinh ơn gọi linh mục, nhưng làm nảy sinh ơn gọi nên thánh”

0
402

Nhân dịp 55 năm ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi, báo Aleteia gặp linh mục Stéphane Duteurtre, linh mục lo cho chủng viện Paris.

Aleteia: Chúng ta nói rất nhiều về khủng hoảng ơn gọi… Cha nghĩ gì về chuyện này?

Linh mục Stéphane Duteurtre: “Khủng hoảng ơn gọi” là tội chống Thần Khí. Phải thay chữ này bằng thực tế, đó là con số linh mục bị giảm. Hiện nay ở Pháp có 850 chủng sinh đang chuẩn bị làm linh mục. Khi chúng ta biết, để đáp lại tiếng gọi của Chúa, phải sống độc thân, phải hiến đời mình để phục vụ Chúa, phục vụ người khác, thì đúng, đây là một chuyện kỳ diệu. Khi dùng chữ “khủng hoảng ơn gọi”, thay vì vui thì chúng ta lại lo, đôi khi chúng ta không cân nhắc đúng giá trị của những người đã chọn con đường này. Không phải vì họ không có gì để làm nên họ mới chọn con đường làm linh mục. Không, họ là những người đầy sức sống, họ nhận được ơn, họ sốt sắng, họ đầy tình yêu cho mọi người, đời của họ không phải là một cuộc đời bên lề. Họ là những người đứng đầu, và Chúa đã gọi họ.

Cha mong chờ gì ở ngày cầu nguyện cho ơn gọi này?

Là linh mục, tôi thấy ngày này là dịp tốt đẹp để nhắc, dân Chúa cần tất cả các ơn gọi… nhưng đặc biệt cần linh mục, cầu nguyện để họ sống mỗi ngày ơn gọi linh mục, ơn ngôn sứ và vương giả! Hàng ngày, trước hết là các linh mục địa phận mà dân Chúa cần. Các linh mục không cần thiết cho chính bản thân họ nhưng họ cần thiết cho dân Chúa: để dân Chúa là dân thánh giữa thế giới, các linh mục phải tháp tùng, giúp đỡ, tăng sức mạnh cho giáo dân qua lời giảng dạy, qua bí tích. Không phải tình cờ mà ngày cầu nguyện cho ơn gọi lại rơi vào ngày chúa nhật Chúa Chiên Lành!

“Đừng tìm cách làm nảy sinh ơn gọi linh mục, nhưng làm nảy sinh ơn gọi nên thánh”

Linh mục Stéphane Duteurtre

Làm thế nào cha nhận định được ơn gọi linh mục của ứng sinh?

Đây là cả một chương trình dự bị, năm đầu tiên khi vào chủng viện là năm suy nghĩ. Chung chung, trước hết chúng tôi nhận định xem ứng sinh có vui vẻ khi loan báo Tin Mừng không, chính trong các việc tông đồ nhỏ như sinh hoạt trong ban tuyên úy, tháp tùng các lớp giáo lý mà chúng tôi có thể nhận định được… Và cũng xem đến khả năng ứng sinh có theo đuổi việc học dưới huyền nhiệm của Thiên Chúa không. Tôi xin giải thích: việc học của các chủng sinh không có mục đích là phải đậu bằng này bằng kia, nhưng mục đích là làm sao đưa sự hiểu biết của họ thấm nhập vào huyền nhiệm để họ có thể thấy tầm quan trọng của huyền nhiệm này và từ đó để cho lý lẽ của họ được đào tạo. Một khía cạnh khác và đây có thể là điều quan trọng nhất, nhận định một ơn gọi linh mục qua khả năng của ứng sinh chăm sóc người khác, quan tâm đến người khác và đặt người khác lên trên mình. Khi một chủng sinh rời chủng viện, thường là có một thỏa thuận chung giữa ứng sinh và các giáo sư giảng dạy. Trong đa số trường hợp, ứng sinh cảm thấy mình sẽ không hạnh phúc, không triển nở trong đời sống linh mục, nhưng đôi khi cũng phức tạp để làm cho ứng sinh hiểu được chuyện này. Trong các trường hợp đó, thường là do vấn đề sử dụng tự do. Khi cho họ hoàn toàn tự do thì có một cái gì sẽ bộc phát trong lòng họ và điều này mang lại hoa trái.

Có một chân dung mẫu cho chủng sinh Paris không?

Đây cũng là chân chung cho thanh niên công giáo Paris! Một số lớn các chủng sinh Paris nhận được giáo dục tốt của gia đình và của phong trào hướng đạo. Số còn lại thuộc đủ mọi thành phần: những người trở lại lúc 40 tuổi, những người ở trong các môi trường xa lạ với đạo công giáo… Chung chung, các chủng sinh là hình ảnh của người công giáo ở Pháp!

Trong bối cảnh nào thì có nhiều ơn gọi nhất?

Nếu một thanh niên 22-23 tuổi vào chủng viện thì thường các thanh niên này ở trong phong trào hướng đạo, đã từng tham dự các Ngày Thế giới Trẻ và chắc chắn họ có theo các khóa đào tạo Even. Song song vào đó cũng có các thanh niên từng đi tĩnh tâm, đi nhận định ơn gọi, chẳng hạn đi các khóa tĩnh tâm của các linh mục Dòng Tên. Và cũng thường khi họ có một linh mục linh hướng trước khi vào chủng viện… Nếu họ ở trong ba chiếc “rỗ” Hướng đạo, JMJ và Even (Even, Trường của Lời vĩnh cửu và mới) thì chắc chắn chúng ta sẽ có các ứng sinh Paris! Còn đối với những người vào chủng viện trễ hơn thì những người này có một đời sống đạo sâu đậm, họ lên đường trễ hoặc trước đó họ có một cái gì đó ngăn chận họ lại.

Làm thế nào để nảy sinh ơn gọi?

Đừng tìm cách làm nảy sinh ơn gọi linh mục, nhưng làm nảy sinh ơn gọi nên thánh! Chúa Giêsu không bao giờ nói với chúng ta phải có một tỷ số, phải có bao nhiêu linh mục cho tỉnh này, cho xứ nọ. Chung chung, tôi sẽ nói có ba trục: đời sống cầu nguyện cá nhân, phục vụ và đào tạo hiểu biết (nếu vẫn còn ở giai đoạn giáo lý thêm sức, thì sẽ không thể có được đời sống kitô người lớn). Nếu chúng ta quan tâm đến cầu nguyện, đến đào tạo đời sống thiêng liêng cho người trẻ, đến phục vụ thì Chúa sẽ làm phần công việc của Ngài! Chúng ta phải đi tới mà không sợ và phải tháp tùng các ơn gọi, không bị tuyệt đối hóa và hệ thống hóa, không dụng công để cho có ơn gọi. Cuối cùng phải cho các bạn trẻ có dịp gặp các cặp hạnh phúc, phải cho họ có cơ hội gặp các nữ tu, các linh mục hạnh phúc, triển nở trong sứ vụ của họ!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn

Bài trướcVideo về Bổ nhiệm Giám mục tiên khởi và thành lập Giáo phận mới tại Thái Lan
Bài tiếp theoNữ ẩn tu không nói một lời trong 16 năm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.