LỜI SỐNG (Thứ Hai Tuần 26 TN)

0
352

Bài đọc: Dcr 8,1-8

Tin Mừng: Lc 9,46-50

46Khi ấy, một câu hỏi chợt đến với các môn đệ : Trong các ông, ai là người lớn nhất? 47 Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình 48 và nói với các ông : “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”

49 Ông Gio-an lên tiếng nói : “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.” 50 Đức Giê-su bảo ông : “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”

—– o0o —–

Suy niệm

KHIÊM NHƯỜNG (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Huân, SVD)

 

Trong Kinh Thánh, khiêm nhường và hiền lành là một trong tám mối phúc “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4). Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ của Ngài: “Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Lời giảng dạy và hành động của Chúa luôn chứng minh điều đó.

Khiêm nhường không phải là nhu nhược mà là chấp nhận đứng thấp, ở dưới như Gioan Tẩy Giả “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”. Khiêm nhường thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành động cách chân thành và luôn biết lắng nghe, tìm thấy cái tốt nơi người khác, hướng nhìn tích cực không vụ lợi hay so đo tính toán hơn thiệt. Người sống khiêm nhường luôn vui tươi như trẻ nhỏ nên có thể dễ thu hút người xung quanh; dám quên cái tôi của mình để đến với người khác và phục vụ người khác.

Lời Chúa hôm nay ca tụng và xác định kẻ nhỏ bé khiêm nhường, nhất là người biết ơn, biết cho đi và luôn thấy mình thiếu thốn thấp bé cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa và tha nhân. Đây là một nghịch lý của cuộc sống con người thời đại hôm nay, bởi trong xã hội, không ai thích chỗ thấp kém, nhỏ bé mà luôn tìm tư lợi, danh vọng, địa vị cao sang, chỗ ngồi cao trọng, chỗ nhất cho bản thân trước hết. Vậy mà Thiên Chúa lại dạy ta con đường bé nhỏ là con đường hạnh phúc dẫn tới sự sống đời đời.

Lạy Chúa xin dạy cho chúng con biết yêu mến Chúa và nhờ yêu mến, chúng con mới có thể trở nên nhỏ bé, sống khiêm nhường, nhờ đó chúng con mới xứng đáng được ở gần bên Chúa và được Chúa yêu thương. Amen.


 

ĐÒI ĐỘC QUYỀN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

KHIÊM HẠ (Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD)

Tâm lý chung của con người chẳng ai chịu thua thiệt kẻ khác. Điều đó thôi thúc chúng ta không ngừng vươn lên, cạnh tranh để đạt cái cao nhất. Muốn khẳng định mình ở vị trí cao nhất là lý tưởng sống của mỗi cá nhân, thời nào cũng thế.

Môn đệ Đức Giêsu khi xưa cũng vậy. Họ tranh cãi với nhau, xem ai là người lớn nhất. Không những thế, các ông còn ra sức ngăn người khác làm việc tốt vì họ không cùng nhóm với các ông. Rõ ràng là từ việc tự cao, muốn hơn người, các ông sinh lòng đố kỵ, phân bì phe nhóm. Thấy học trò như vậy, Đức Giêsu không vui lòng. Người bế một em bé đặt cạnh mình và nói: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón Thầy”. Tại sao là em bé chứ không phải nhà tu đức? Bởi vì, em bé ngoại hình tuy nhỏ nhắn nhưng tâm hồn đơn sơ, trong sạch không hơn thua, đố kỵ. Nó dễ thương bề ngoài, đẹp bề trong. Người còn nói thêm: “Ai là người nhỏ nhất trong anh em, kẻ ấy là người lớn nhất’. Chắc hẳn Đức Giêsu không đề cập ‘kẻ nhỏ’ về thân hình. Nhưng Người ngụ ý những người có lối sống giản dị, tinh thần khiêm hạ. Người thật thâm thúy, tinh tế khi đưa em bé ra làm gương, lấy hình ảnh người bé mọn làm mẫu cho các môn đệ.

Có lẽ, Người kỳ vọng nơi học trò và cả chúng ta nữa, biểu hiện của người có tu dưỡng, một người khiêm cung. Thế mà chúng ta không lưu tâm điều đó. Ta tìm mọi cách dù phải dẫm lên vai người khác, để được cao hơn. Ta quên rằng với Chúa, người lớn nhất, cao nhất là người biết hạ mình phục vụ. Thành tâm hạ mình như Thầy quỳ xuống rửa và lau sạch vết dơ nơi chân các trò. Chúng ta cầu xin Chúa giúp ta biết sống khiêm cung. Để mai này nếu ta có giỏi có hay đến mấy cũng không vênh vang, tự đắc. Để một ngày, ta được như bông lúa kia, càng chắc hạt càng cúi sâu.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luyện tập nhân đức khiêm tốn, loại trừ thói xấu tự cao. Amen.


ĐỪNG NGĂN CẢN NGƯỜI TA (Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD)

Bài trướcSống hiệp nhất trong Chúa Ba Ngôi
Bài tiếp theoNgày 29/9: Các Tổng Lãnh Thiên Thần trong Dòng Ngôi Lời