Bài đọc: Gr 17,5-10
Tin Mừng: Lc 16,19-31
19 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình.
20 Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, 21 ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy.
22 Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. 23 Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, 24 liền cất tiếng kêu la rằng:
“Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. 25 Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ.
Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. 26 Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được”.
27 Người đó lại nói: “Đã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, 28 vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”.
29 Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. 30 Người đó thưa: “Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải”.
31 Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu”.
—– SUY NIỆM —–
LIÊN ĐỚI (Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD)
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay cho chúng ta thấy hai hình ảnh trái ngược nhau: một người sung túc đời này nhưng lại chịu khổ sở đời sau; còn một người sống đói khát ở đời này nhưng lại được hạnh phúc đời sau. Vậy phải chăng, giàu có là tội lỗi còn nghèo khó là phúc?
Các nhà chú giải về bản văn này cho ta biết đây là dụ ngôn duy nhất mà một nhân vật có tên cụ thể là Ladarô với nghĩa là “Thiên Chúa giúp”, còn ông nhà giàu thì không có tên. Từ điểm này, ta đoán được lý do khiến ông nhà giàu bị chê trách, đó là ông đã đặt niềm tin nơi sự giàu có của ông; còn anh Ladarô nghèo khó chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Đức Giêsu không lên án sự giàu có bởi của cải tự bản chất chẳng có gì xấu khi nó giúp cho cuộc sống con người được phát triển và văn minh hơn. Vì thế, chắc chắn Người không lên án ông nhà giàu vì sự giàu có của ông, cũng như không cổ võ sự nghèo nàn như Ladarô. Đối với Đức Giêsu, sự giàu có đi kèm hai nguy cơ: bằng lòng với thú vui thế gian mà khép lòng mình với Thiên Chúa, và với tha nhân.
Giáo lý cho ta biết rằng, hỏa ngục không phải nơi nào xa xôi nhưng là tình trạng những người lựa chọn từ chối tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Ông nhà giàu khi sống không thiếu thứ gì, nay chết phải chịu khổ đau không phải vì ông sống bóc lột người khác, hay buôn gian bán lận nhưng có lẽ vì ông đã không quan tâm tới “một trong những anh em bé nhỏ nhất” (x. Mt 25,40). Như thế, tình trạng ông chịu khi chết chỉ như là kéo dài của cuộc sống trần thế mà ông đã lựa chọn. Ông đã đánh mất sự liên đới với Thiên Chúa và tha nhân vì sự lựa chọn này. Vậy, tôi đã quan tâm đủ tới tha nhân và tín thác đủ vào Thiên Chúa là Cha hay thương xót chưa?
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mỗi ngày sống luôn biết quan tâm tới nhu cầu của tha nhân và tín thác vào Người. Amen.
TẤM LÒNG SẺ CHIA (Tu sĩ Micae Trần Văn Cường, SVD)
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài “Để Gió Cuốn Đi” đã diễn đạt rằng: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Quả thật, con người không ai sống một mình nhưng là liên đới với nhau. Vì thế, để sống hạnh phúc, con người cần sống với nhau bằng tấm lòng sẻ chia.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau: Một bên là ông nhà giàu mặc toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình và bên kia là anh Ladarô, một người nghèo đói, thân mang đầy ghẻ lở. Sau khi chết, Ladarô được thiên thần đưa vào lòng ông Ápraham, nhưng ông nhà giàu lại sa vào hỏa ngục. Khi còn sống, Ladarô ước mong được ăn đồ ăn từ bàn ông rơi xuống. Giờ đây, ở âm phủ, ông nhà giàu lại ước mong những giọt nước rơi xuống từ bàn tay của Ladarô. Ông nhà giàu phải chịu cực hình không phải vì ông giàu có, nhưng vì ông quá coi trọng của cải, để cho của cải che mờ con tim thương cảm để rồi lãng quên người khác. Nói cách khác, ông sống ích kỷ và thiếu sự nhạy cảm với những bất hạnh của người khác. Kết quả là ông phải chịu trách nhiệm cho lối sống dửng dưng và vô cảm của mình.
Ngày hôm nay, trái đất đang nóng dần lên nhưng tình người lại đang nguội lạnh đi, lối sống thực dụng và hưởng thụ đang len lỏi vào con tim của mỗi người, chủ nghĩa cá nhân được đề cao. Bởi vậy, nhiều người giàu vẫn mải mê hưởng thụ cuộc sống và phớt lờ đi những người nghèo. Phẩm giá của người nghèo bị chà đạp và bị coi như gánh nặng của xã hội. Con người không còn đối xử với nhau bằng tình thương nhưng bằng vật chất, lợi ích. Con người đang xây lên những bức tường nhằm ngăn cách nhau. Và như vậy, con người đang xây dựng một nền văn minh sự chết, là lối sống tư lợi, thiếu sự quan tâm và sẻ chia với anh chị em mình.
Lạy Chúa, xin lấy khỏi chúng con trái tim chai đá và ban tặng chúng con quả tim biết yêu thương, để chúng con biết quan tâm, sẻ chia với tất cả mọi người. Amen.
SỰ VÔ CẢM (Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường, SVD)
Cuộc sống sung túc vẫn luôn là một ước muốn rất hiện sinh và chính đáng. Nó có thể mang đến cho con người niềm vui và những điều tốt đẹp. Nhưng nếu vì quá mải mê hưởng thụ sự sung túc mà con người trở nên vô cảm trước những thiếu thốn của tha nhân, đó lại là điều mà Đức Giêsu muốn nhắc nhở. Hình ảnh ông nhà giàu trong bài Tin Mừng hôm nay là một minh chứng sống động.
Việc ông nhà giàu mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình (x. Lc 16,19) xem ra cũng là điều bình thường, vì ông là người giàu có. Thật vậy, sự giàu có và sung túc tự bản chất không có gì xấu nhưng điều đáng nói ở đây là sự vô cảm của ông nhà giàu. Vì quá mải mê hưởng thụ sự giàu sang, sung túc mà ông đã chẳng thấy được tình cảnh đáng thương của anh Lazarô và cũng chẳng cảm được nỗi đau khổ mà Lazarô phải chịu, mặc dù mỗi ngày anh đều nằm ở trước cổng nhà ông (x. Lc 16,20). Chính sự vô cảm đã khiến ông làm ngơ trước những ước muốn dẫu nhỏ nhoi của Lazarô, “thèm được những thứ trên bàn ăn rớt xuống mà ăn cho no” (Lc 16,21). Sự vô cảm ấy là điều mà Đức Giêsu mạnh mẽ lên án.
Thật vậy, người môn đệ Đức Giêsu không thể để mình ra vô cảm trước nỗi đau của người anh em hay “bưng tai bịt mắt” trước những tiếng thở than của đồng loại. Đặc biệt, trong một xã hội “được ghi dấu rất nhiều bởi sự đóng kín và bức tường ngăn cách”, người môn đệ càng được mời gọi thực thi lòng thương cảm và sống sẻ chia đối với những người xung quanh, nhất là những người nghèo, cô thế cô thân. Trong ý hướng đó, Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 11.11.2015 đã nhắn nhủ: “Sự chung sống sẻ chia sẽ trở nên một cơ hội mấu chốt”, để khoả lấp hố sâu ngăn cách giữa người với người do lối sống vô cảm gây nên.
Lạy Chúa, Chúa đã luôn mở rộng con tim trước những đau khổ của con người. Xin Chúa giúp chúng con biết luôn để tâm lắng nghe và sẵn sàng thực thi tình yêu thương trước những người đang cần đến chúng con. Amen.
GIÀU NGHÈO & PHẦN PHÚC (Tu sĩ Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho đọc giả và thính giả về dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó. Một câu chuyện rất thực trong đời thường biểu trưng cho hai tầng lớp người trong xã hội: người giàu và kẻ nghèo. Nhưng điều quan trọng là phần phúc của Chúa thuộc về ai?
Mở đầu câu chuyện, tác giả Sách Thánh cho chúng ta thấy một sự đối lập rõ ràng về lối sống giữa người giàu có và kẻ nghèo khó. Hẳn nhiên giàu có không phải là tội và nghèo khó cũng chẳng phải là điều may. Ở đời, giàu có ai cũng mong và nghèo khổ chẳng ai muốn. Trớ trêu thay, phận người giàu – kẻ nghèo vẫn luôn hiển nhiên tồn tại và phần phúc của Thiên Chúa vẫn được hứa ban cho cả hai. Tuy nhiên, để nhận được phần phúc ấy thì tùy thuộc ở lối sống và thái độ của mỗi người. Sự giàu có của người phú hộ trong trình thuật Tin Mừng hôm nay là một dấu chỉ được Chúa chúc phúc ở đời này, nhưng lối sống và thái độ hành xử của ông ta với người đồng loại lại làm cho ông đánh mất phần phúc đời đời. Ông nhìn thấy thảm cảnh của người anh em đồng loại là Ladarô nghèo đói, bệnh tật, đau khổ đang nằm lây lất trước cổng nhà mình vậy mà chẳng một chút động lòng trắc ẩn và xót thương. Một lối sống ích kỷ và một thái độ sống dửng dưng vô cảm đáng sợ, thiếu tình người, thiếu lòng thương xót.
Cái kết của câu chuyện là điểm mấu chốt mà mỗi người Kitô hữu chúng ta cần phải lưu tâm. Cả hai cũng chết, nhưng anh Ladarô được phần phúc trong Nước Trời còn người phú hộ phải chịu cực hình trong hoả ngục. Sự chung cục của câu chuyện cũng cảnh tỉnh lối sống và thái độ của chính mỗi người đối với những người nghèo khổ và bất hạnh. Lối sống của ta có ích kỷ và chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình không? Thái độ của ta có vô tâm, vô tình và vô cảm trước anh chị em đồng loại không?
Lạy Chúa, sống trong một thế giới hưởng thụ và sống cá nhân tính, xin Chúa giúp chúng con có một trái tim nhạy bén và rộng tình để biết quan tâm, yêu thương và sẵn sàng chia sẻ với những người nghèo đói và bất hạnh. Amen.
———————————————
VÔ CẢM (Thầy Phêrô Kỳ Khắc Chí – Học viện Ngôi Lời)
Nhà văn Maksim Gorky người Nga từng nói rằng “nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Thật vậy, tình thương là thứ vô cùng quý giá của con người. Thế nhưng, dường như người ta đang dần đánh mất tình thương và trở nên vô cảm với những người xung quanh mình, giống như ông nhà giàu trong Tin Mừng hôm nay là một điển hình.
Quả thật, sự giàu có đến dư dả của ông phú hộ trong dụ ngôn chẳng phải là điều đáng trách, nhưng chính vì thái độ dửng dưng, vô cảm, sống ích kỉ, không biết sẻ chia những gì ông được ban tặng mới chính là điều đáng tội. Chắc ông biết có người nghèo ở cửa nhà mình, nhưng ông chẳng làm gì cho người nghèo ấy. Như vậy, ông chỉ sống cho mình và sống theo những vui thú của mình. Ông ta vừa thiếu tình người và vừa thiếu trách nhiệm xã hội đối với những người nghèo, và điều đó hoàn toàn trái với thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, ông không thể đạt tới hạnh phúc viên mãn và đích thực của cuộc sống mai sau.
Trong xã hội ngày nay, đâu đó vẫn còn nhiều trái tim lạnh giá, vô cảm trước những sự kiện xảy ra xung quanh ta. Chỉ có tình thương, sẻ chia, đồng cảm với những người xung quanh mới có thể sưởi ấm tâm hồn để mọi người biết yêu thương và làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Là người Kitô hữu, ta càng cần phải thực hành những điều đó để mọi người nhận biết tình yêu Thiên Chúa vẫn đang hiện diện nơi trần thế như lời thánh ca: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”.
Lạy Chúa, xin biến đổi con, sưởi ấm trái tim con để con biết sẻ chia trong yêu thương hầu dẫn đưa và làm cho mọi người nhận ra tình yêu của Chúa và xích lại gần nhau hơn. Amen.
NGHÈO LÀ PHÚC, GIÀU LÀ HỌA? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)