LỜI SỐNG (21/12, Trước Chúa GS, MV)

0
512

Tin Mừng: Lc 1,39-45

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

—– o0o —–

SUY NIỆM

VIẾNG THĂM! (Tu sĩ Martinô Nguyễn Hoàng Vũ, SVD)

Tin Mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại cuộc viếng thăm kỳ điệu giữa Thiên Chúa với dân của Người qua cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Êlisabét. Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng và để chuẩn bị bước vào đại lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa đến với cuộc đời của mỗi người.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại là muôn thuở và Người luôn đồng hành với con cái của Người. Nếu xưa kia, mặc dù Thiên Chúa vẫn hiện diện với con người, thế nhưng Người vẫn là một Đấng trên cao mà không ai có thể gặp gỡ được cách trực tiếp. Nhưng nay, chính nỗi đau khổ của con người đã chạm đến trái tim đầy trắc ẩn của Thiên Chúa. Người đã không thể thinh lặng làm ngơ trước nỗi khổ đau và lầm lạc của con người. Chính vì thế, Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô đã đến để cứu con người ra khỏi bóng tối tội lỗi, dẫn con người bước vào nẻo đường bình an, và đặt con người vào trong tình yêu của Người. Sự viếng thăm của Đức Giêsu Kitô mang đến cho nhân loại ơn chữa lành, chữa lành con người với Thiên Chúa và chữa lành con người với nhau.

Ngôi Lời đã đến, Ánh Sáng thật đã đến, vì thế chúng ta được mời gọi hãy hân hoan mở cửa tâm hồn của mình để chào đón Chúa đến với chúng ta. Vầng Đông đã đến nhưng không thể vào nhà chúng ta nếu ta còn mãi ẩn náu trong căn phòng tăm tối tội lỗi của mình. Thiên Chúa đã đi bước trước, đã đến gõ cửa ngôi nhà của chúng ta. Bây giờ đến lượt mình, chúng ta có dám mở cửa để đón rước Người hay không? Chỉ khi chúng ta mở cửa đón tiếp Chúa, ơn cứu độ của Người mới có thể đến với chúng ta.

Lạy chúa, trong Tâm tình mùa Giáng Sinh sắp đến, xin giúp chúng con luôn sẵn sàng cho cuộc viếng thăm của Ngài đến với cuộc đời của chúng con. Xin giúp cho chúng con luôn biết sẵn sàng chuẩn bị cách xứng đáng ngôi nhà tâm hồn của mình để đón Chúa ngự vào và ở với chúng con. Amen.


CHÚC PHÚC (Tu sĩ Giuse Phạm Công Minh, SVD)

Trong sách Giáo Lý Công Giáo của Hội Thánh số 1078, hạn từ “chúc phúc” hay là “chúc lành” được hiểu là hành động thần linh ban sự sống, và nguồn gốc của hành động này là Chúa Cha. Việc chúc phúc của Ngài vừa là một lời nói vừa là một hồng ân. Khi áp dụng cho con người, từ này có nghĩa “chúc tụng”, nghĩa là tôn thờ và tạ ơn Đấng Tạo Hoá.

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca nhấn mạnh hai lần hạn từ “chúc phúc”, điều này cho ta thấy tầm quan trọng của nó. Cụ thể, thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã chúc phúc cho ai thì Ngài cũng chúc phúc cho tất cả những gì thuộc về người ấy“Phúc cho người trong thành, phúc cho người ngoài đồng, phúc cho hoa quả lòng dạ ngươi, hoa quả đất đai, hoa quả thú vật…”. Vào thời Tân Ước, lời chúc phúc của Thiên Chúa một lần nữa được diễn tả nơi biến cố nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa trong cung lòng Đức Maria. Lời chúc phúc ấy được Thiên Chúa đặt trên môi miệng của bà Êlisabét “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”. Như vậy, trải qua tiến trình dài của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn “chúc phúc” cho những người Ngài tuyển chọn. Nơi những con người ấy, Thiên Chúa tỏ lộ dung mạo yêu thương của Ngài trên nhân loại, hầu dẫn đưa muôn người đến với lời chúc phúc mai hậu là Thiên Đàng Vĩnh Cửu.

Là môn đệ của Đức Giêsu, mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên lời “chúc phúc” dành cho hết thảy mọi người. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua chúng ta nghiệm ra rằng: Để nói lời chúc phúc cho những người mình yêu thương thật dễ dàng nhưng để nói chúc phúc cho những ai mình ghen ghét thật không dễ chút nào. Bên cạnh đó, lời chúc phúc của chúng ta đôi khi là hành vi giả tạo, làm cho qua chuyện chứ không phát xuất từ tình yêu thật sự.

Lạy Chúa, sự hiện hữu của chúng con trên cõi đời này là một lời chúc phúc của Ngài dành cho chúng con. Xin Chúa cho chúng con luôn trở thành lời “chúc phúc” của Thiên Chúa đối với những ai chúng con gặp gỡ. Amen.


 

VIẾNG THĂM YÊU THƯƠNG (Tu sĩ Phaolô A Hoá, SVD)

Khi biết và ý thức rõ sự khó khăn, bối rối, cảnh neo đơn của người thân hay tha nhân, chúng ta có sẵn sàng quảng đại, mở lòng yêu thương đến giúp đỡ, sẻ chia cảnh cơ cực nơi họ như Mẹ Maria đã làm trong Tin Mừng hôm nay? Vậy bởi đâu Mẹ Maria có thể phá vỡ những trở ngại, và sẵn sàng lên đường viếng thăm khi biết bà Elisabét đang mang thai?

Ngang qua trình thuật Lời Chúa, thánh sử Luca trình bày khi bà Elisabét đang mang thai được sáu tháng thì Đức Maria đã vội vã lên đường viếng thăm (x. Lc 1,35-40). Hành động lên đường ngay tức khắc của Mẹ là hành động của tình yêu và đức tin. Chỉ có tình yêu và lòng tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa, Mẹ Maria mới dám hy sinh, tạm gác lại mọi sự để bắt đầu hành trình viếng thăm, bởi Mẹ thấu hiểu được người chị họ mình cần được sự đồng hành, trợ đỡ bởi vì bà đã già.

Trong hành trình đời sống đức tin, chúng ta cũng cần được sự nâng đỡ, bổ sức, hướng dẫn của Thiên Chúa. Cuộc viếng thăm của Mẹ là dấu chỉ tương quan yêu thương. Nghĩa là, Mẹ sẵn sàng ra đi, bất chấp khó khăn đường xá xa xôi, chấp nhận mọi hiểm nguy chỉ mong sao có thể mang niềm vui yêu thương đến cho người khác. Hành động vội vã lên đường của Mẹ luôn là lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy mau mắn lên đường, sống lan toả hương thơm yêu thương của Chúa cho người khác bằng một đời sống chứng nhân cụ thể qua hành động bác ái, yêu thương và chia sẻ với người khác.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con biết sống mở lòng ra với hết thảy mọi người để hầu chúng con có thể khám phá ra tình yêu của Chúa đang hiện diện nơi mỗi người chúng con, và xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con biết mau mắn đến chia sẻ niềm vui yêu thương với người khác. Amen.


 

SAO PHẢI VỘI VÃ? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


LÊN ĐƯỜNG ( Tu sĩ Giuse Trần Minh Kiểm, SVD)

Sau khi được sứ thần truyền tin, Mẹ Maria đã cất bước lên đường với biết bao hoài vọng và lo lắng. Thánh sử Luca cho biết: “Đức Maria đã vội vã lên đường, đến thăm người chị họ của mình là Êlisabét”.

Với tư cách là Mẹ của Đấng Cứu Thế, thì đáng lẽ ra người khác phải đến thăm, phục vụ và ngợi khen Mẹ. Thế nhưng vì khiêm nhường, không quản ngại nguy hiểm và đường xá xa xôi, Mẹ đã chủ động đi thăm người chị họ của mình. Sự viếng thăm này là để loan báo cho mọi người biết Chúa sẽ làm những điều kỳ diệu cho dân tộc Ítraen và cho thế giới.

Hình ảnh Đức Mẹ lên đường là mẫu mực cho các nhà truyền giáo. Lên đường là chấp nhận rời bỏ những tiện nghi để đón nhận mọi thiếu thốn, phiền toái. Lên đường là đến với người khác để sẻ chia với họ niềm vui, nỗi buồn. Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha và “lên đường” để đến trong thế gian. Người đến để thực thi thánh ý của Cha là canh tân vũ trụ và thiết lập mối tương quan mới giữa Thiên Chúa và con người. Người là Thiên Chúa cao sang đã mặc lấy thân phận loài người, sống như mọi người trần thế, ngoại trừ tội lỗi.

Với chúng ta, mỗi ngày sống là một cuộc lên đường đầy hứng khởi. Lên đường để theo Chúa và để đến với tha nhân. Chúng ta hãy noi gương Mẹ, hãy lên đường đem Chúa đến giới thiệu cho tha nhân. Nhưng trước hết hãy học nơi Mẹ nhân đức khiêm nhường và yêu thương. Bởi chỉ có khiêm tốn thực sự và yêu thương chân thành chúng ta mới có thể đem Tin Mừng cứu độ cho tha nhân được.

Lạy Chúa, còn biết bao người chưa nhận biết Chúa. Xin Chúa hãy thức tỉnh tâm hồn họ và cũng xin ban cho mỗi người chúng con ý thức bổn phận mình là Kitô hữu, thì phải đem Chúa đến cho mọi người và đem mọi người về với Chúa, bằng đời sống yêu thương, bác ái và phục vụ của chúng con. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (20/12, Trước Chúa GS, MV)
Bài tiếp theo[Video] Lời chúc MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2024 & NĂM MỚI 2025