Chúa Nhật – Ngày 05 – Tháng 4
CHÚA NHẬT LỄ LÁ. TƯỞNG NỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
Bài đọc 1 : Is 50,4-7
Bài đọc 2 : Pl 2,6-11
Tin Mừng : Mt 26,14 – 27, 66
[…] Lúc đó ông Phêrô đang ngồi ngoài sân. Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giêsu, người Galilê đó chứ gì?” Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!” Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: “Bác này cũng đã ở với ông Giêsu người Nadarét đấy.” Nhưng ông Phêrô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy.” Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phêrô mà nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay.” Bấy giờ ông Phêrô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy.” Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phêrô sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết […]
ĐAU KHỔ VÀ TÌNH YÊU
Phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng tiến vào Giêrusalem với Đức Giêsu trong hành trình thập giá để cảm thấu những đau khổ mà Chúa phải chịu, qua đó, ta nhận ra tình yêu lớn lao mà Ngài đã thực hiện cho nhân loại.
Vinh quang thật ngắn ngủi, đau khổ lại triền miên: tiếng tung hô “vạn tuế con vua Đavít” chỉ vang lên trong chốc lát để rồi sau đó Đức Giêsu phải trải qua những chuỗi dài đau khổ, cô đơn, nhục nhã. Chúa phải đau khổ vì sự thay lòng đổi dạ của con người: một Giuđa được tin tưởng lại trở thành một “gián điệp” bán đứng Thầy, một Phêrô thề thốt quyết sống chết với Thầy lại chối Thầy đến ba lần; các môn đệ khác cũng bỏ Thầy để chạy trốn; còn dân chúng ngày trước còn tung hô ngày sau lại vu khống đủ điều và đòi phải đóng đinh. Đường lên núi sọ, Đức Giêsu vừa đau khổ thể xác vì vai vác thập giá nặng, bị đánh đòn, vừa cô đơn trong tâm hồn vì các môn đệ bỏ rơi. Trên thập giá, Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chịu phỉ báng nhạo cười, chết nhục nhã với tấm thân trần truồng. Có thể nói, tất cả những gì là đau đớn tủi nhục, xấu hổ nhất của một con người thì chính Đức Giêsu đã mang lấy. Đức Giêsu biết trước những gì sẽ xảy đến cho mình, nhưng Ngài không trốn tránh, mà đón nhận tất cả với một tình yêu mãnh liệt: Người không nỡ đuổi môn đệ phản bội để trừ một mối họa; Người chấp nhận những đòn roi để dừng lại an ủi những phụ nữ đang than khóc mình; Người nhìn về Phêrô với ánh mắt yêu thương để ông biết ăn năn; trên thập giá, Người xin Cha tha cho những kẻ làm hại mình… Tất cả những điều này đều phát xuất từ tình yêu. Ngài đã chấp nhận mọi đau khổ và cả cái chết để minh chứng cho tình yêu.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đón nhận thập giá đời mình với một tình yêu mãnh liệt.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD
Thứ Hai – Ngày 06 – Tháng 4
THỨ HAI TUẦN THÁNH
Bài đọc : Is 42,1-7
Tin Mừng : Ga 12,1-11
Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Iscariốt, kẻ sẽ nộp Người liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người
nghèo?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”. […]
HÃY HÀNH ĐỘNG THEO LẼ PHẢI
Chúng ta biết rằng, Tin Mừng Gioan được bố cục làm hai phần, phần đầu nói về các dấu lạ, phần hai nói về sự tôn vinh, mà Tin Mừng hôm nay nằm trong đoạn mở đầu cho sự tôn vinh này.
Thánh Gioan đã nêu lên hai hình ảnh để mở màn cho những khúc dạo đầu về sự tôn vinh: hình ảnh thứ nhất là bữa tiệc tại nhà anh Ladarô, và trong bữa tiệc này, cô Maria đã dùng dầu thơm hảo hạng mà xức chân cho Người; hình ảnh thứ hai là nhiều người Do Thái đến nhà anh Ladarô để gặp Đức Giêsu, và cũng là để một lần nữa chiêm ngưỡng việc anh Ladarô đã được Đức Giêsu cho sống lại.
Thế nhưng, thói thường, trước một hành động tốt bao giờ cũng có những điểm nhìn trái chiều. Người yêu thích, mến mộ hành động tốt thì đồng tình, tán dương; kẻ ghét những hành động tốt thì chê bai, phỉ báng và tìm cách loại trừ. Việc cô Maria lấy dầu thơm xức chân cho Chúa Giêsu rồi lấy tóc mình mà lau là việc làm thể hiện tình yêu và sự biết ơn của mình. Thế mà, việc làm này đã bị ông Giuđa Ítcariốt chê trách bằng những lập luận mang tính rất nhân văn (x. Ga 12,6). Trong khi đó, có nhiều người đến nhà anh Ladarô để gặp Đức Giêsu và chứng kiến phép lạ kỳ diệu Ngài đã làm thì các thượng tế lại đùng đùng nổi giận. Lẽ ra, họ nên vui mừng vì đã được chứng kiến một phép lại vĩ đại, thì lại rắp tâm hãm hại vì lòng ganh tị và thù ghét.
Nhận ra và dám hành động vì lẽ phải là thách đố cho con người mọi thời. Dù có nhiều khó khăn, nhưng người môn đệ Chúa Giêsu không thể không sống theo lẽ phải.
Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa hôm nay, cũng như trong suốt Tuần Thánh này, kêu mời và biến đổi chúng con, để chúng con cảm nghiệm tình yêu mà Chúa đã dành cho mình, và biết can đảm sống theo lẽ phải.
Lm. Giuse Nguyễn Công Lai, SVD
Thứ Ba – Ngày 07 – Tháng 4
THỨ BA TUẦN THÁNH
Bài đọc : Is 49,1-6
Tin Mừng : Ga 13,21-33.36-38
[…] Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y. Đức Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!” Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. Vì Giuđa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giêsu nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. 30 Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối. Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy […]
KIẾM TÌM
Con người luôn khao khát kiếm tìm lẽ sống cho cuộc đời mình. Bao lâu chưa tìm được lẽ sống đích thực, con người vẫn khắc khoải khôn nguôi.
Tin Mừng hôm nay nhắc đến cuộc tìm kiếm của các môn đệ: “Anh em sẽ tìm kiếm Thầy” (Ga 13,33). Đây không phải là cuộc tìm kiếm danh vọng, tiền tài hay bất cứ điều gì thuộc về trần gian, mà là tìm kiếm một bình an đích thực, một hạnh phúc tuyệt đối và một đời sống trường cửu. Đó chính là Chúa Giêsu.
Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã đặt để trong tâm trí con người một nỗi khao khát tìm về với Ngài. Thánh Augustinô trong cuốn “Tự Thuật” cho thấy con người mang trong mình nỗi bất an và sự khắc khoải kiếm tìm lẽ sống cho cuộc đời. Và tất cả những băn khoăn, lo lắng, khắc khoải chỉ được thoả mãn khi nào con người được an nghỉ trong Chúa. Chính Chúa Giêsu mới đem lại cho con người sự thoả mãn và bình an đích thật.
Đối với tôi, là người tu sĩ, nhiều khi bản thân gạt bỏ Chúa để tìm kiếm danh vọng, tài năng, hay chạy đến những thú vui của xã hội. Nhưng tôi đâu biết rằng, càng tìm kiếm những điều đó, tôi lại càng cảm thấy thiếu hụt hơn và không bao giờ đủ. Vì thế, đối với tôi, việc tìm Chúa để gặp gỡ và kết hiệp với Ngài là điều ưu tiên hàng đầu. Chúa Giêsu mới là mục tiêu trước hết và sau cùng cho cuộc kiếm tìm lẽ sống của cuộc đời tôi.
Lạy Chúa, con luôn loay hoay chọn lựa nhiều thứ cho riêng mình. Con không biết đâu là điều cần thiết nhất cho bản thân. Xin Chúa giúp con nhận ra rằng “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ ban thêm cho” (Mt 6, 33).
Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD
Thứ Tư – Ngày 08 – Tháng 4
THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Bài đọc : Is 50,4-9a
Tin Mừng : Mt 26,14-25
… Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ buồn rầu quá sức, bắt đầu lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?”. Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người: thà người đó đừng sinh ra thì hơn!” Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp bi, chằng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”
BA MƯƠI ĐỒNG BẠC
Đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay thuộc phần Thương Khó trong đó Thầy Giêsu và các môn đệ đang phải đối diện với những giây phút đen tối mà bi kịch đen tối nhất là việc bán Thầy với giá ba mươi đồng bạc. Sự bi thảm nằm ở chỗ việc bán Thầy không đến từ những kẻ căm ghét, thù hằn nhưng lại xuất phát từ cõi lòng xấu xa, tội lỗi của người học trò, người bạn thân tín.
Cái giá “ba mươi đồng bạc” mà những người lãnh đạo Do Thái trả cho Giuđa là cái giá của một tên nô lệ theo luật thời đó: “Nếu bò húc tôi tớ nam nữ, thì người ta sẽ đưa cho chủ của nạn nhân ba mươi đồng bạc, còn bò thì sẽ bị ném đá cho chết.” (Xh 21,32). Thiên Chúa bị bán rẻ và bi thảm hơn khi bị chính dân của Người ruồng bỏ và phản bội. Lừa bán Chúa và phản bạn là một việc làm có mục đích, có chuẩn bị và có rắp tâm thực hiện của “kẻ phản bội”, nên mới cố tìm một dịp thuận tiện để lừa bán Thầy và phản bạn. Lợi lộc vật chất đã chiếm hết chỗ trong tâm hồn, nên Giuđa không còn xem Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa và là tất cả đối với cuộc đời ông nữa. Giờ đây, Chúa Giêsu chỉ là một món hàng để ông đem bán cho những kẻ muốn giết Người.
Tuy nhiên, nằm sâu dưới những tính toán đó, phải chăng là việc ông không chấp nhận chương trình của Chúa Giêsu? Có phải ông muốn Chúa đi theo sự tính toán của ông? Vì thế, lời nhắc nhở của Chúa Giêsu về sự phản bội của Giuđa đã không làm cho ông thay đổi. Trái lại, ông muốn Chúa Giêsu phải làm theo ý mình. Và khi không thể lay động Thầy Giêsu, ông quyết định gạt Thầy ra khỏi cuộc đời, khỏi tương lai của ông.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa thấy hết tội lỗi trong chúng con. Chúa biết ngày nay rất nhiều Giuđa đang rắp tâm bán Chúa, phản bội Chúa và có lúc, Giuđa ấy chính là con. Xin cho con biết nhận ra tâm hồn phản bội của mình để mau mắn trở về, tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng, nhân từ và bao dung của Chúa.
Tu sĩ Antôn Nguyễn Ngọc Khánh, SVD
Thứ Năm – Ngày 09 – Tháng 4
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Lễ sáng: THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU
(Is 61,1-3a.6a.8b-9; Kh 1,5-8; Lc 4,16-21)
Lễ chiều: THÁNH LỄ TIỆC LY
Bài đọc 1 : Xh 12,1-8.11-14
Bài đọc 2 : 1 Cr 11,23-26
Tin Mừng : Ga 13,1-15
[…] Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Simôn Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” […]
YÊU NHƯ THẦY YÊU
Chúa Giêsu là mẫu gương về tinh thần phục vụ trong yêu thương. Người chính là “Chúa và là Thầy” nhưng vì “Người yêu thương họ đến cùng” nên đã thể hiện tình yêu đó bằng hành động của một người tôi tớ: rửa chân cho các môn đệ. Sau đó, Người dạy các môn đệ cũng hãy biết rửa chân cho nhau theo gương Thầy.
Một ai đó đã nói rằng: Con người chỉ thực sự thể hiện đúng sứ mạng làm người của mình khi và chỉ khi họ thực sự phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, nơi Chúa Giêsu, chúng ta được thấy một hình ảnh còn vượt xa hơn thế nữa. Ngài đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20, 28). Người vừa thực thi sứ mạng làm người của mình khi cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly, vừa thể hiện uy quyền của Thiên Chúa là tình yêu khi hiến thân mình để chuộc tội cho trần gian. Hôm nay, Người cũng muốn chúng ta thực thi sứ mạng đó: Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Trong xã hội hiện nay, dường như người ta đang chạy theo vật chất, thích sống hưởng thụ và ít ai thật sự muốn phục vụ; thường có xu hướng chiếm giữ hơn là cho đi; đòi hỏi hơn là trao ban; điều gì thoải mái thì dễ dàng đón nhận, còn điều gì khó khăn nặng nề thì tìm cách tránh né hoặc dồn hết cho người khác…
Mẫu gương của Thầy Chí Thánh vẫn thôi thúc chúng ta. Ta tự hỏi mình xem ta có đủ yêu thương và khiêm nhường để cúi xuống phục vụ những người thấp kém? Ta có thật tình muốn phục vụ tha nhân? Hay ta sẽ làm gì để sống tinh thần phục vụ giữa xã hội này?
Lạy Chúa Giêsu, xin đến và ở cùng chúng con để chúng con có đủ khiêm tốn, đủ tình yêu mà sống tinh thần phục vụ như Chúa đã nêu gương.
Tu sĩ Phêrô Đặng Hữu Khanh, SVD
Thứ Sáu – Ngày 10 – Tháng 4
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
Bài đọc 1 : Is 52,13-53,12
Bài đọc 1 : Hr 4,14-16; 5,7-9
Tin Mừng : Ga 18,1-19,42
[…] Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói : “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. […]
CƠN KHÁT TỪ THẬP GIÁ
Tin Mừng thuật lại rằng sau khi biết mọi sự đã hoàn tất, và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Đức Giêsu nói: “Tôi khát!” (x. Ga 19,28). Đây không chỉ là cơn khát thể lý mà còn là “cơn khát siêu việt” từ Thập Giá.
Chiều Thứ Sáu, trên đỉnh đồi Canvê, Chúa Con bị treo trên thập giá. Chúa khát! Chúa cần ai đó đưa cho Người chút nước. Một chút nước thôi cũng làm Chúa thanh mát cổ họng lúc này. Lúc này đây, trong sâu thẳm lòng mình, Chúa còn khát sự đáp trả tình yêu của con người. Chỉ cần con người đáp trả tình yêu siêu việt của Ngài, thì cổ họng Ngài sẽ thanh mát dường bao!
Và trên tất cả, cơn khát của Chúa thể hiện ước muốn thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. Từ khi Nhập Thể đến lúc bị treo chết trên Thập Giá, là cả quá trình mà Chúa Cha muốn con người nhận ra ơn cứu độ dành cho con người đã được thực thi.
Nhìn lên Chúa trên Thập Giá giờ này, chúng ta nhận ra những yếu đuối của bản thân. Thật vậy, những tự phụ, kiêu căng, ích kỷ, nói hành, xét đoán thiếu công bằng… của chúng ta đang làm tăng thêm cơn khát của Chúa. Những lần cố tình phạm tội, xúc phạm Chúa, là chúng ta đang loại bản thân ra khỏi sự cộng tác vào công trình cứu chuộc của Chúa. Qua những lần như thế, chúng ta đang từ chối đưa nước làm dịu cơn khát của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, nhìn Chúa chết trên Thập Giá giờ này, tâm hồn con không khỏi xao động. Con thấy Chúa chết tủi nhục chỉ vì yêu thương con. Xin Chúa giúp con nhận ra ơn cứu độ vô giá và tình yêu cao quý Chúa dành cho mỗi người chúng con.
Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD
Thứ Bảy – Ngày 11 – Tháng 4
THỨ BẢY TUẦN THÁNH
CANH THỨC VƯỢT QUA
Bài đọc :
(St 1,1-2,2; St 22,1-18; Xh 14,15-15,1a; Is 54,5-14; Is 55,1-11; Br 3,9-15.32-4,4; Ed 36,16-17a.18-28; Rm 6,3-11)
Tin Mừng : Mt 28, 1-10
Sau ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.” Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay. Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
TIN YÊU CHÚA
Trong bài Tin mừng hôm nay, hình ảnh hai bà đi viếng mộ Chúa vào lúc tảng sáng khiến cho tôi ngưỡng mộ đức tin và lòng mến của hai bà. Nỗi buồn mất Chúa vẫn còn chưa nguôi, nhưng hai bà đã đi viếng mộ Chúa từ sớm. Tuy là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, là những người không có tiếng nói trong xã hội, nhưng hai bà vẫn can đảm đến viếng mộ Chúa vào lúc sáng sớm, nơi chôn cất một người vừa bị đóng đinh, và là nơi có những lính canh gác cẩn thận.
Tại sao hai bà can đảm như thế? Có lẽ vì tình yêu dành cho Chúa quá lớn nên các bà đã không quản ngại những khó khăn để đi viếng mộ Chúa. Chính tâm tình tin yêu đã thôi thúc các bà vượt lên trên đau khổ và thất vọng, khó khăn và nguy hại cho bản thân để đến viếng Chúa.
Đến với Chúa để tạ ơn khi được lợi lộc và mọi sự lành thì thật là dễ dàng. Đến để xin ơn lúc gặp khó khăn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng khi gặp khó khăn và nguy hại đến bản thân mà vẫn đến với Chúa vì lòng trung thành mới là sự thể hiện tâm tình tin yêu. Để trở thành một tu sĩ truyền giáo đích thực, tôi cần biết đặt tâm tình tin yêu Chúa lên trên những mối lợi và an toàn bản thân. Bởi lẽ, chỉ khi tin yêu Chúa, tôi mới trung thành với Ngài bất chấp khó khăn và hiểm nguy.
Lạy Chúa, xin cho con biết sống tinh thần đức tin sắt son nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, để khi vui cũng như lúc đau khổ, khó khăn và nguy hại đến bản thân, con vẫn luôn trông cậy và tin yêu Chúa.
Tu sĩ Giuse Phạm Minh Hoàng, SVD