Chúa Nhật – Ngày 15 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Bài đọc 1 : Xh 32,7-11.13-14
Bài đọc 2 : 1Tm 1,12-17
Tin Mừng : Lc 15,1-32
[…] Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta a và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng. […]
TRỞ VỀ
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu dùng ba dụ ngôn để nói với người Pharisêu. Tất cả đều muốn làm nổi bật lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Hai dụ ngôn đầu nhấn mạnh đến thái độ Thiên Chúa tìm kiếm người tội lỗi và dụ ngôn thứ ba là thái độ của Người đối với người tội lỗi biết thống hối ăn năn.
Dụ ngôn thứ ba làm cho tôi có nhiều cảm xúc nhất. Cảm xúc vì thấy được cái tình của người cha và cảm xúc vì thấy được ý chí của người con biết thống hối sau khi đã phụ tình cha. Có những lúc ngẫu hứng, tôi đã tự đặt cho nó cái tên: bản tình ca hồng phúc cho người tội lỗi.
Theo lẽ thường các tội nhân không những bị nhiều người trong cộng đoàn coi khinh và không muốn có mối liên hệ thân thiết gì với họ, mà còn vì mặc cảm mà tự tách biệt ra khỏi cộng đoàn. Họ không dám đối diện với người xung quanh. Họ luôn cảm thấy như mọi ánh mắt đang hướng về mình. Vì thế, giải pháp tốt nhất cho họ là lánh mặt mọi người. Cứ như thế, họ rơi vào tình cảnh cô độc giữa muôn người, sống mà như không hiện hữu với mọi người. Trong tình cảnh đó Thiên Chúa là nơi duy nhất mà họ có thể nương tựa.
Bài Tin Mừng hôm nay một đàng đề cao tình thương tha thứ của Thiên Chúa, đàng khác khen ngợi lòng thống hối trở về của người tội nhân. Bất cứ ai trong chúng ta cũng cần cảm nghiệm sâu xa lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa để biết trở về mỗi khi lầm lạc và biết nhìn anh chị em mình với lòng bao dung.
Lạy Chúa, xin cho con biết thống hối và trở về với Ngài khi con lầm lỗi; đồng thời xin cho con biết noi gương Chúa mà sống bao dung với các tội nhân.
Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân, SVD
Thứ Hai – Ngày 16 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Thánh Cornêliô, giáo hoàng tử đạo và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo (Đ)
Bài đọc : 1 Tm 2,1-8
Tin Mừng : Lc 7,1-10
[…] Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ítraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
HAI CHIỀU KÍCH CỦA ĐỨC TIN
Đức tin của người Công Giáo chúng ta có một nét đặc biệt. Nó bao gồm hai chiều kích: cá nhân và cộng đoàn. Nếu thiếu một trong hai, đức tin trở nên què quặt, khiếm khuyết.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khen viên đại đội trưởng có đức tin mạnh mẽ là vì ông đã hội tụ được hai chiều kích này. Ở chiều kích cá nhân, ông tin rằng chỉ cần một lời nói của Chúa cũng có sức chữa lành người nô lệ của mình. Ở chiều kích cộng đoàn, đức tin của ông được thể hiện qua việc ông nhờ đến đức tin của những người khác: chính họ đã xin và tin rằng Chúa sẽ chữa lành cho người nô lệ của ông.
Đời sống của mỗi Kitô hữu chúng ta cũng được nuôi dưỡng bằng một đức tin hai chiều như thế. Đức tin đó, một mặt là sự xác tín của chính bản thân ta; nhưng mặt khác, đó cũng chính là sự hiệp thông và nâng đỡ của đức tin của kẻ khác. Chính họ sẽ cầu thay nguyện giúp và làm cho đức tin của ta được củng cố và lớn mạnh hơn.
Trong việc cầu xin Thiên Chúa, chúng ta thường rơi vào một trong hai thái cực: hoặc tự chúng ta cầu xin mà không cần đến người khác; hoặc ỷ vào sự cầu thay nguyện giúp của kẻ khác mà ta lại dửng dưng thờ ơ. Noi gương viên đại đội trưởng, chúng ta hãy nuôi dưỡng đức tin của mình ngày một lớn lên, không chỉ bằng nỗ lực của bản thân nhưng còn cậy nhờ vào đức tin của cộng đoàn.
Lạy Chúa! Những lúc gặp khó khăn thử thách, xin cho chúng con biết chạy đến với Chúa, không chỉ bằng sự xác tín của mình, nhưng còn nhờ vào lời cầu thay nguyện giúp của người khác, để đức tin của chúng con được củng cố vững vàng hơn.
Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD
Thứ Ba – Ngày 17 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Thánh Robertô Bellarminô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh (Tr).
Bài đọc : 1 Tm 3,1-13
Tin Mừng : Lc 7,11-17
Khi ấy, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Đức Giêsu đến gần cửa thành đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.
XÓT THƯƠNG VÀ HÀNH ĐỘNG
Tin Mừng hôm nay tường thuật câu chuyện cảm động về việc Chúa Giêsu cho con trai duy nhất của bà goá sống lại. Những chi tiết trong bài Tin Mừng cho thấy tình thương luôn đi bước trước của Chúa Giêsu: Người “trông thấy”, “chạnh lòng thương” và “hành động”.
Trước hết, giữa đám đông đang đưa một người chết đi chôn, Chúa Giêsu “trông thấy” hoàn cảnh của bà goá. Chúa thấy nỗi đau to lớn của bà khi mất đi đứa con trai độc nhất, vì anh là chỗ dựa duy nhất còn lại của bà. Chúa hiểu rằng bà goá không chỉ đau nỗi đau mất con, mà còn đau hơn khi phải sống cô đơn, lạc lõng, thua thiệt và không chỗ nương tựa.
Hơn nữa, khi “trông thấy” hoàn cảnh của bà goá, Chúa Giêsu đã “chạnh lòng thương”. Chúa thương và xót xa cho cảnh đời cay nghiệt của bà. Chúa đau với nỗi đau cùng cực của bà; Chúa cảm thông sâu xa với nỗi mất mát to lớn của bà. Lòng Chúa xót thương cho cảnh chia lìa đớn đau của mẹ khi mất đứa con duy nhất.
Sau cùng, Chúa ra tay “hành động”: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”. Khi cho người thanh niên sống lại, Chúa biến lòng thương cảm thành hành động cụ thể và thiết thực. Hành động của Chúa xoa dịu nỗi đau mất mát và mang lại niềm vui đoàn tụ cho hai mẹ con bà goá.
Biết bao lần ta đã “nhìn” mà như “không thấy” cảnh khốn cùng của biết bao người trong xã hội hôm nay. Biết bao lần ta đã tỏ ra thương cảm suông với nỗi đau của khác mà không đưa tay ra với họ. Có lắm lúc ta nói lời thật hay mà chỉ toàn là lý thuyết suông.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy nỗi thống khổ của bao người, biết chạnh lòng thương và đưa tay giúp đỡ.
Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD
Thứ Tư – Ngày 18 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Bài đọc : 1 Tm 3,14-16
Tin Mừng : Lc 7,31-35
Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông về ông Gioan rằng: “Tôi phải ví người thế hệ này với ai ? Họ giống ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.’ “Thật vậy, ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho.”
TỪ CHỐI SÁM HỐI
Người đời thường có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo – môi không vành môi méo tứ tung” nhằm nói về những người lắm lời, hay chỉ trích, chê bai, xuyên tạc ý người khác.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng lên án hạng người này. Họ cứng lòng, tự đắc mình là người khôn ngoan mà không tin theo Chúa Giêsu. Họ không những không tin vào Chúa Giêsu mà còn tìm cách chống chế để bào chữa cho sự ngoan cố của mình. Ông Gioan với lối sống khắc khổ của một ngôn sứ để mời gọi họ sám hối thì họ cho là bị quỷ ám; trái lại, Chúa Giêsu với một lối sống giản dị, hòa đồng, gần gũi với mọi người, nhất là những người bị xem là hạng tội lỗi, để mời gọi họ hoán cải mà trở về với Chúa, thì họ cho Người là kẻ sống bê tha, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. Họ từ chối hoán cải, từ chối tin vào Đức Giêsu bằng những lời biện minh thiếu thuyết phục.
Trước lời mời gọi hoán cải, nhiều người trong chúng ta cũng dễ tỏ ra ương bướng, tự cho mình là khôn ngoan và dành lấy quyền phán xét người khác, thay vì phán xét chính mình. Chúng ta không hài lòng với ai cả, thế nào cũng có cớ để biện minh cho mình và chỉ trích người khác được. Chúng ta từ chối cơ hội để mình được thay đổi, nhưng lại đòi hỏi người khác phải đổi thay.
Lời Chúa hôm nay là một sự nhắc nhở cho mỗi người chúng ta hãy luôn cảnh giác với những tật xấu này. Điều Chúa muốn chúng ta là sự hoán cải chân thành hơn là tìm lý lẽ để biện mình cho mình và chê bai người khác.
Lạy Chúa, xin cho con biết sám hối chân thành, biết làm chủ miệng lưỡi để chỉ nói lời hay ý đẹp hơn là chỉ trích, phê bình người khác.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD
Thứ Năm – Ngày 19 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Thánh Januariô, giám mục, tử đạo (Đ).
Bài đọc : 1Tm 4,12-16
Tin Mừng : Lc 7,36-50
[…] Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simôn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.” […]
TIN VÀ YÊU
Bối cảnh của bài Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu đang dự tiệc tại nhà một người Pharisêu. Trong bữa tiệc đó một người phụ nữ đột ngột xuất hiện, bày tỏ những hành động thể hiện lòng sám hối và sự quý mến dành cho Chúa Giêsu.
Điều này gây nên sự khó chịu cho gia chủ.
Tuy nhiên, thay vì đáp lại thái độ khó chịu của người Pharisêu, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn về một chủ nợ và những con nợ để nói lên lòng biết ơn của người được tha nhiều. Cũng vậy, người phụ nữ được tha nhiều vì chị đã yêu mến nhiều và đã tin tuyệt đối vào tình thương của Chúa dành cho hạng người bị xem là tội lỗi như chị. Chính lòng tin đó đã cứu chị; chị được tha thứ và ban bình an.
Nhiều khi tội lỗi làm chúng ta ngã quỵ vì những yếu đuối của mình. Những lúc như vậy, tâm hồn chúng ta luôn bất an và cần đến tòa giải tội để được tha thứ. Tuy chúng ta không xức dầu thơm và lau chân Chúa (x. Lc 7,38) nhưng chúng ta cần có tâm tình sám hối và canh tân. Bí Tích Hòa Giải là nơi để chúng ta trở về với Chúa và Chúa luôn chờ đợi chúng ta ở nơi ấy. Chúng ta được thứ tha nhiều hay ít tùy thuộc ở việc chúng ta hoán cải chân thanh hay không. Nếu chúng ta đặt trọn niềm tin nơi lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa bằng thái độ sám hối chân thành, Ngài sẽ ban cho chúng ta bình an đích thực. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi thể hiện lòng biết ơn Thiên Chúa bằng cách quảng đại tha thứ cho anh chị em mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tín thác vào tình thương của Chúa qua Bí Tích Hòa Giải, vì chính nơi ấy Chúa luôn chờ đợi và mời gọi chúng con trở về sau những lần vấp ngã bằng một tình yêu nhưng không.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD
Thứ Sáu – Ngày 20 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chong Hasang và các bạn tử đạo. Lễ nhớ (Đ).
Bài đọc : 1 Tm 6,2c-12
Tin Mừng : Lc 8,1-3
Khi ấy, Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ.
SỨ MẠNG CHUNG
Công Đồng Vatican II xác tín: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo” (GS, số 2). Sứ mạng truyền giáo làm nên Giáo Hội, không truyền giáo Giáo Hội không còn là Giáo Hội. Vì thế, mọi thành viên của Giáo Hội, không miễn trừ một ai, đều có bổn phận loan báo Tin Mừng.
Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật việc Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng. Cùng đi với Người có Nhóm Mười Hai và cả mấy người phụ nữ nữa. Như thế, việc loan báo Tin Mừng không chỉ dành riêng cho giáo sĩ, cả các phụ nữ cũng liên đới trong cùng một sứ mạng. Cũng cần lưu ý rằng: phụ nữ không được coi trọng trong thời của Đức Giêsu. Nhưng với Đức Giêsu thì khác, Người tôn trọng phẩm giá của người phụ nữ và tôn trọng những đóng góp của các bà trong sứ mệnh chung.
Khi Đức Giêsu tôn trọng và đặt để các phụ nữ đúng vị trí, các bà đã phát huy hết vai trò và khả năng của mình. Thánh Luca không nói rõ điều này nhưng độc giả có thể nhận ra điều ngài muốn nói qua cách nói khéo léo: “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh.” Các “tông đồ nữ” làm chứng cho Đức Giêsu trong vai trò là những chứng nhân sống động qua việc họ được Đức Giêsu trừ quỷ và chữa bệnh. Nói cách khác, các “tông đồ nữ” nói với thế giới bằng chính con người của mình về điều họ đã nghe, điều họ đã thấy tận mắt, điều họ đã chiêm ngưỡng, và tay họ đã chạm đến, đó là Lời sự sống (x.1Ga 1,1).
Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội, là bản chất của mọi Kitô hữu. Mọi người dù là giáo sĩ hay giáo dân, dù là nam hay nữ đều mang trong mình khao khát loan báo Tin Vui. Hãy cổ vũ và trao cho họ cơ hội được thực hiện sứ mạng gắn liền với bản chất của họ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết hăng say tham gia vào sứ mạng chung và kêu gọi người khác cùng đóng góp phần của mình trong việc thực thi lệnh truyền của Chúa..
Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Tuấn Thể, SVD
Thứ Bảy – Ngày 21 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Thánh Mátthêu, Tông đồ, Tác giả sách Tin Mừng. Lễ kính (Đ).
Bài đọc : Ep 4,1-7.11-13
Tin Mừng : Mt 9,9-13
Khi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
TIẾNG GỌI TÌNH YÊU
Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Mátthêu, tác giả sách Tin Mừng. Đọc lịch sử về ông Lêvi chúng ta thấy câu chuyện Chúa gọi ông Lêvi làm tông đồ là một cuộc phiêu lưu hiếm thấy. Từ Lêvi trở thành Máttheu, đồng nghĩa từ con người tội lỗi trở thành con người thánh thiện của Thiên Chúa.
Với Chúa Giêsu: Ngài không biết rõ về lý lịch ông Lêvi nhưng chắc chắn một điều rằng khi Đức Giêsu gọi, ông làm nghề thu thuế. “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người” (Mc 2,14, x. Mt 9,9). Đây là tiếng gọi tình yêu để ông có thể quyết định trên địa vị đang có và tiếng gọi quyết định hạnh phúc cho chính mình mai sau.
Với ông Mátthêu: Kiếm được một nghề trong xã hội lúc bấy giờ là điều không phải dễ. Ông Mátthêu đang có một nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao, quyền hành và thế giá. Nhìn vào địa vị của ông nhiều người thèm được cái chỗ thu thuế này. Thế mà, Chúa Giêsu gọi: “Anh hãy theo tôi!”. Ngài không nói một lời hứa hẹn nào, cũng chẳng có kế hoạch hay dự phóng nào cho tương lai. Nhưng ông đã đứng dậy đi theo Chúa Giêsu.
Với chúng ta: Dường như trong cuộc sống chúng ta cũng nhận được lời thách đố của Chúa: đi theo Ngài sẽ nghèo hơn, sẽ phải bỏ những tham vọng, ước muốn về “cái ghế”, về “cái túi”, “cái hào nhoáng”… Chúng ta có sẵn sàng từ bỏ để đi theo Ngài không?
Lạy Chúa, hôm nay Chúa đang gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa và đặt Chúa lên trên mọi sự. Xin cho chúng con một chút liều lĩnh như thánh Mátthêu là dám đánh đổi tất cả để được Chúa làm gia nghiệp đời.
Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD