Thường Niên – Tuần XXVIII – Năm C

0
328

Chúa Nhật – Ngày 13 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

Bài đọc 1 : 2V 5,14-17

Bài đọc 2 : 2Tm 2,8-13

Tin Mừng : Lc 17,11-19

Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người mắc bệnh phong đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

TÂM TÌNH TẠ ƠN

Bài Tin Mừng hôm nay để lại trong tôi một lời nhắc nhở về tâm tình tạ ơn. “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu” (Lc 17,17)?

Trong cuộc sống hằng ngày, tôi đã đón nhận biết bao ơn lành từ Thiên Chúa. Thế nhưng có mấy khi tôi hồi tâm để dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và chúc tụng Ngài. Tôi giống như chín người còn lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi nhận được ơn chữa lành, họ mau chóng quên đi Đấng đã cứu giúp mình. Nếu tôi không có tâm tình tri ân đến những người đã làm ơn cho tôi thì tôi chẳng đáng nhận được những ơn huệ từ họ. Rồi mỗi lần cầu nguyện, tôi thường xin Chúa ban cho tôi điều này, điều nọ. Tôi quên rằng, tất cả những gì tôi đang có, những gì tôi đang hưởng dùng hằng ngày đều do Chúa ban, đều do bàn tay quan phòng của Ngài.

Hình ảnh người ngoại quay trở lại để tạ ơn Đức Giêsu một lần nữa khiến tôi phải suy nghĩ về bản thân. Tôi có đáng nhận được sự yêu thương và chăm sóc của Thiên Chúa khi tôi cứ mãi quên đi những hồng ân mà tôi đã lãnh nhận từ nơi Người! Việc tôi tạ ơn và chúc tụng cũng chẳng làm cho Thiên Chúa thêm phần vinh quang, nhưng sẽ cho tôi có thêm cơ hội được sống trong ân sủng và tình yêu. Khi tôi biết nói lời tạ ơn Thiên Chúa chính là lúc tôi nhận ra sự yếu đuối và bất toàn của bản thân. Nhận ra điều đó để rồi tôi có thể hạ mình xuống trước một Thiên Chúa đầy quyền năng và yêu thương, một Thiên Chúa hằng ban phát mọi ơn lành cần thiết cho con cái Người.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự thấp hèn của con để con luôn biết sống trong tâm tình tạ ơn và chúc tụng vì những ơn lành mà Ngài đã ban xuống cho con.

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

Thứ Hai – Ngày 14 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

Thánh Callistô I, giáo hoàng, tử đạo.

Bài đọc : Rm 1,1-7

Tin Mừng : Lc 11,29-32

Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.

DẤU LẠ

Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu vẫn thường tỏ ra cho dân chúng những dấu lạ để họ nhận biết và tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa mà ăn năn sám hối. Tin Mừng hôm nay cho thấy chính Đức Giêsu mới là dấu lạ vĩ đại nhất trong các dấu lạ; Người chính là ân sủng của tất cả mọi ân sủng được ban cho loài người.

Chính Đức Giêsu đã đến để kêu gọi con người ăn năn sám hối. Dân chúng đã xin Đức Giêsu tỏ cho họ một dấu lạ nhưng Người đã từ chối bởi chính Người mới là dấu lạ tuyệt hảo. Người đã liên hệ chính mình với dấu lạ của ông Giôna để làm nổi bật sự tuyệt hảo nơi Người và để so sánh thái độ thiếu lòng tin của họ thời nay với thái độ tin tưởng của dân ngoại thời xưa đã nghe và tin lời ngôn sứ Giona và vua Salômôn. Ông Giôna được coi là một dấu lạ bởi vì ông đã loan báo cuộc phán xét và kêu gọi dân sám hối (x.Gn 3,2-5). Vai trò của Chúa Giêsu cũng cần được hiểu theo nghĩa này, và ở đây Đức Giêsu thì còn hơn cả Giôna nữa.

Bản thân Chúa Giêsu và những lời rao giảng của Người chính là dấu lạ, là lời kêu gọi con người ăn năn sám hối thiết thực nhất. Thật vậy, Người là dấu lạ nhưng không phải để khoe khoang uy quyền hay để gây sự kinh ngạc, nhưng là dấu là của tình thương để mời gọi con người trở về với Người trong tâm tình sám hối.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra Ngài chính là nguồn mạch của sự sống đời đời để từ đó chúng con biết đáp trả lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

Thứ Ba – Ngày 15 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

Thánh Têrêsa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Rm 1,16-25

Tin Mừng : Lc 11,37-41

Khi ấy, Đức Giêsu đang nói, thì có một ông Pharisêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. Thấy vậy, ông Pharisêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn. Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”

TRÁNH NHỮNG HÌNH THỨC BÊN NGOÀI

“Ðấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?” Lời Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay làm cho chúng ta phải suy nghĩ.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy chính cõi lòng người mới là cội rễ của việc lành hay sự dữ. Thật thế, ai cũng thấy rằng, người ta luôn luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh ngoại tại, của không gian và thời gian, nhưng cái đến từ thâm sâu lòng mình mới là cái quyết định hình mẫu và hoạt động của một con người.

Lời Đức Giêsu nói với những người Pharisêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Giữa đời thường, bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, với chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam, độc ác và “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Không ít người trong xã hội thích vận dụng mọi cơ hội để đánh bóng cho tên tuổi của mình ngay cả trong những việc làm đầy tốt đẹp như việc cứu trợ, bố thí hay cứu giúp người khác. Và rồi họ lấy đó làm đủ, làm hài lòng, để rồi quên đi mất việc làm sao để tô diểm tâm hồn mình cho nên cao đẹp.

Khi đang sống trong một thế giới tự cho mình là văn minh tiến bộ, liệu người tín hữu có can đảm sống tình yêu vị tha, không tính toán mà Tin mừng đòi hỏi? Có dám dấn thân cách thầm lặng vì lợi ích người khác? Có dám chống lại những gì vốn dĩ dễ chịu, thoải mái nhưng có nguy cơ đưa tâm hồn đến vực thẳm của sự tha hóa và sa đọa? Rốt cuộc thì hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết, nhưng điều quan trọng là, hãy làm điều cần thiết bên ngoài với con tim ngay chính bên trong.

Lạy Chúa là Đấng dựng nên cả xác hồn con, xin dạy con biết không ngừng chú trọng đến con người bên trong và đẩy lui những hình thức giả trá bên ngoài.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Trung Tuyến, SVD

Thứ Tư – Ngày 16 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

Thánh Hedviges, nữ tu (Tr).

Bài đọc : Rm 2,1-11

Tin Mừng : Lc 11,42-46

Khi ấy, Đức Giêsu nói: “Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ. Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng. Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!” Đức Giêsu nói: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.

KHỐN CHO CÁC NGƯỜI

“Khốn cho các người” (Lc 11,42), đó là lời quở trách của Đức Giêsu đối với những người Pharisêu và các nhà thông luật khi xưa. Hôm nay, lời quở trách đó cũng là lời nhắc nhở tôi cần nhìn lại thái độ của bản thân trong cuộc sống hằng ngày.

Đức Giêsu đã dùng từ rất nặng để chỉ trích những người Pharisêu và các nhà thông luật. Người tố cáo họ vì thái độ bám vào lề luật một cách khắt khe, máy móc nhưng lại không có tinh thần sống lề luật đó. Họ tỏ vẻ bên ngoài rất đạo đức để thiên hạ thấy và ca tụng mà thôi. Hơn nữa, họ là những người biết luật, nhưng lại không sống với lề luật. Trái lại, họ dùng những lề luật đó để áp đặt người khác và bắt người khác phải thực thi những luật lệ mà họ đề ra.

Biết bao lần tôi chỉ chú trọng hình thức bên ngoài mà xao lãng đời sống nội tâm. Biết bao lần tôi chỉ làm những việc cốt để được lời khen ngợi chứ không vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân. Biết bao lần tôi chỉ chu toàn bổn phận cách miễn cưỡng mà thiếu lòng nhiệt thành, chê bai người khác mà không thật tình xây dựng tình huynh đệ. Còn bao nhiêu điều “biết bao lần” nữa … mà tôi phải trả lẽ trước mặt Chúa?

Lời Chúa hôm nay mời gọi tôi phải biết sống thật với con người của mình. Đặc biệt, biết quan tâm và chăm lo cho đời sống nội tâm hơn là những hình thức bên ngoài, biết sống tình liên đới với anh em trong cộng đoàn, với tất cả mọi người mà tôi gặp gỡ bằng sự đơn sơ và bằng tình yêu thương thật sự.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn ý thức được rằng Chúa cần lòng nhân hơn là của lễ, cũng như Chúa cần những gì thật sự là của con hơn là hình thức.

Antôn A Bảo, SVD

Thứ Năm – Ngày 17 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

Thánh Ignatiô Antiôchia, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ (Đ)

Bài đọc : Rm 3,21-30

Tin Mừng : Lc 11,47-54

Khi ấy, Đức Giêsu nối với mấy nhà thông luật rằng: “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng. “Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Aben đến máu ông Dacaria, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu. “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” Khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.

 LỐI SỐNG GIẢ HÌNH

Nhắc đến sự dối gian, mọi người đều lên án, nhưng có mấy ai chưa một lần sống giả dối. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay chỉ trích những người Pharisêu và các nhà thông luật về lối sống giả hình.

Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ những người Pharisêu và các nhà thông luật. Điều gì khiến Chúa Giêsu trách mắng họ như thế? Chính là lối sống giả tạo, nói mà không làm hoặc thích làm những những gì bên ngoài để được người ta khen ngợi, tung hô, không những từ chối Nước Trời mà còn cản ngăn người khác vào … Chúa Giêsu là Sự Thật đã đến thế gian và Ngài đã bị thế gian ghét bỏ. Chỉ những ai đứng về phía Sự Thật thì mới theo Ngài. Tôi có thật sự đang theo Chúa đúng nghĩa không?

Quả thật, tôi cảm thấy tôi đang bị cuốn vào lối sống của những người Pharisêu và các nhà thông luật. Tôi thích được người khác coi trọng, thích được ăn ngon, được mặc đẹp, được chào hỏi, được kính trọng… Thực sự, tôi rất ghét lối sống giả hình đó, kiểu suy nghĩ hưởng thụ đó nhưng tôi đã bị cuốn vào lối sống đó lúc nào không hay. Trong tôi có sự giằng co gay gắt giữa các mặt đối lập, nhất là sự giằng co giữa suy nghĩ và hành động. Tôi muốn mình trở nên một tu sĩ tốt nhưng không bao giờ muốn cố gắng để mỗi ngày nên đạo đức thánh thiện hơn.

Lạy Chúa, xin thêm sức giúp con can đảm sống trung thực, ngay chính để không bị Chúa xem là “quân đạo đức giả”.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD

Thứ Sáu – Ngày 18 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

Thánh Luca, Tác giả sách Tin Mừng. Lễ kính (Đ).

Bài đọc : 2 Tm 4,10-17

Tin Mừng : Lc 10,1-9

Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

TÌNH YÊU VÀ BÌNH AN

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ thị bảy mươi hai môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, đem bình an của Chúa đến cho nhân loại.

Chúa Giêsu ví các môn đệ “như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Họ được sai đi nhưng phải đối diện với muôn vàn khó khăn, hiểm nguy luôn rình sẵn. Đứng trước những nguy hiểm ấy, Chúa Giêsu còn bảo các môn đệ từ bỏ tất cả mọi sự: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”. Đi vào nguy hiểm mà không chuẩn bị thứ gì, điều này có ổn không? Chúa Giêsu muốn các môn đệ bỏ lại tất cả đằng sau để chỉ mang trong mình tình yêu và sự bình an của Chúa, mang lấy chính Chúa đến cho mọi người. Có như thế người môn đệ mới toàn tâm toàn ý trong việc bổn phận của mình.

Hôm nay Chúa cũng dành lời mời gọi loan báo Tin Mừng cho tất cả những ai theo Chúa. Để đáp lại lời mời gọi đó ta cần có thái độ mau mắn thi hành sứ vụ, trở nên men nồng, muối mặn cho thế gian. Để làm được như vậy, hành trang cho cuộc hành trình theo Chúa là mặc lấy tình yêu và sự bình an của Chúa, mặc lấy chính Chúa để ra đi mang Chúa đến cho nhân loại; đó chính là sứ mạng mang ơn cứu rỗi đến cho muôn người, một sứ mạng cấp bách vì “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 9,9).

Lạy Chúa Giêsu, Ngài sai con đi rao giảng Tin Mừng để đem tình yêu và bình an của Chúa đến với tha nhân, nhưng quả thật con còn nhiều thiếu sót và yếu đuối, xin trợ giúp con để con chu toàn sứ vụ.

Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD

Thứ Bảy – Ngày 19 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

Thánh Phaolô Thánh Giá, linh mục.

Bài đọc : Rm 4,13.16-18

Tin Mừng : Lc 12,8-12

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha. “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN

Lời Tin Mừng hôm nay ghi lại huấn dụ của Chúa Giêsu cho các môn đệ phải can đảm làm chứng, tuyên xưng Chúa, cũng như để Thánh Thần Chúa tác thánh trong ơn tha thứ. Ai tuyên xưng thì sẽ được tuyên xưng, ai từ chối thì sẽ bị từ chối.

“Tội phạm đến Thánh Thần thì không được tha.” Không phải vì Chúa không tha thứ mà vì hối nhân cố chấp không ăn năn hối lỗi, không để cho Chúa Thánh Thần thánh hóa mà tha thứ. Không được tha vì hối nhân cứ ngoan cố ở lì trong tình trạng tội lỗi của mình, chối từ ơn tha thứ và mọi ân huệ của Chúa Thánh Thần.

Trong đời sống đức tin, hiếm khi chúng ta phạm đến Chúa Thánh Thần cách công khai. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta không cộng tác với Ngài, không quý trọng ân sủng của Ngài, không để cho sự bén nhạy lương tâm của ta tức là tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn ta lên tiếng khi ngăn ngừa cám dỗ và sự dữ. Thực tế trong đời sống hằng ngày, chúng ta có những suy nghĩ, việc làm và thái độ đối nghịch với giáo huấn của Chúa và phẩm giá con người. Như vậy, một cách nào đó chúng ta cũng xúc phạm đến Chúa Thánh Thần.

Thiên Chúa đầy lòng thương xót sẵn sàng tha thứ cho con cái khi có lòng ăn năm thống hối trở về. Ngài đã ban Thánh Thần đề tác thánh và hướng dẫn con cái qua sự khôn ngoan và các ân sủng. Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và giúp đỡ trong những lúc nguy nan thử thách, đặc biệt trong những lúc bị cám dỗ chối từ ơn tha thứ của Thánh Thần.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi dẫn cho từng suy nghĩ và hành động của chúng con. Xin đừng chấp tội chúng con và tiếp tục hướng dẫn chúng con, giúp chúng con nhận ra sự yếu đuối và giới hạn của mình để biết nương tựa và phó thác vào Chúa.

Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD

 

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật tuần 28 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoBiên bản Đại hội XIV Hội đồng Giám mục Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.