Thường Niên – Tuần XVII – Năm C

0
375

Chúa Nhật – Ngày 28 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Bài đọc 1 : St 18,20-32

Bài đọc 2 : Cl 2,12-14

Tin Mừng : Lc 11,1-13

[…] Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ chung giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’ Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ đứng lì ra đó. “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ gặp, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” […]

 ANH EM CỨ XIN

Chúa Giêsu hứa với những người đi theo Ngài trong Tin Mừng hôm nay: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” Tuy nhiên, liệu rằng có phải tất cả mọi thứ chúng ta cầu xin đều được đáp ứng?

Nên biết rằng, lời hứa ấy cần phải được đặt vào trong khung cảnh của Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện mà chính Chúa đã dạy các môn đệ. Cốt lõi của lời kinh ấy là: “Danh Thánh Cha vinh hiển”. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, bất cứ điều gì chúng ta cầu xin sẽ được Thiên Chúa ban cho, nếu điều được ban cho đó sẽ làm cho danh Chúa Cha được vinh hiển. Thoạt nghe qua có vẻ như Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là một Thiên Chúa ích kỷ. Nhưng không, Điều làm cho danh Cha được vinh hiển cũng chính là điều con người hằng khao khát là được sống viên mãn, như lời thánh Irênê: Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống.

Trong đời sống, nhiều khi tôi cầu xin Chúa nhiều điều, trong nhiều năm mà vẫn chưa được đáp lời. Chẳng hạn như tôi cầu xin Chúa cất bỏ đi những nỗi bất toàn nơi con người tôi. Có những lỗi phạm tôi đã mắc hết lần này tới lần khác, tôi khẩn thiết cầu xin Chúa cho tôi thoát khỏi tình trạng đó. Thế nhưng, năm tháng qua đi, lầm lỗi tôi vẫn còn đó. Dường như Chúa đã chẳng nghe lời tôi? Phải chăng vì tôi đã cầu nguyện sai? Nhưng trong thinh lặng, có Lời Chúa an ủi tôi rằng, Chúa chưa cất tôi khỏi những tội lỗi đó vì Người đang muốn tôi trở nên khiêm nhường, kiên nhẫn hơn, chấp nhận những giới hạn của bản thân, để rồi tôi tha thứ cho mình, và sau đó tôi cũng tha lỗi cho những lầm lỗi của tha nhân và sau cùng tôi được chính Chúa tha thứ cho tôi. Khi chúng ta biết tha thứ cho nhau thì danh Thánh Chúa sẽ được vinh hiển.

Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã dạy con Kinh Lạy Cha, xin cho con ý thức từng lời kinh con đọc.  Xin cho con biết sống với lời kinh mà Chúa đã dạy cho con. 

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Thứ Hai – Ngày 29 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Thánh Martha. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : 1Ga 4,7-16

Tin Mừng : Lc 10,38-42

Khi ấy, Đức Giêsu vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

CHỌN LỰA

Cuộc sống luôn đòi hỏi con người phải có những quyết định, những lựa chọn. Có những lựa chọn đơn giản vì nó không mấy quan trọng và mang tính tạm thời, nhưng cũng có những lựa chọn ảnh hưởng đến cả cuộc đời chúng ta. Người xưa có câu: “Sai một ly, đi một dặm” là vì thế.

Đối với người Kitô hữu, trong hành trình thực hành đời sống đức tin của mình thì việc lựa chọn còn mang một ý nghĩa hết sức quan trọng, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến sự sống đời này mà còn ảnh hưởng đến sự sống đời đời. Vậy làm thế nào để có thể đưa ra những quyết định, những lựa chọn đúng đắn? Khi chúng ta đối diện với những tình huống tốt hoặc xấu thì việc lựa chọn xem ra không mấy khó khăn, vì tất nhiên chúng ta sẽ làm điều lành và lánh điều dữ. Trên thực tế, nhiều lúc chúng ta gặp bối rối khi buộc phải chọn một trong hai, nhưng hai sự việc xem ra đều cần thiết.

Tình huống mà cô Mácta và cô Maria đang đối diện trong bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ điển hình cho vấn đề trên: Chọn lựa ngồi lắng nghe lời Chúa hay chọn việc phục vụ? Xem ra hai sự việc này đều tốt và đều cần thiết, nhưng phải lựa chọn một trong hai thì chính Chúa

Giêsu đã cho ta câu trả lời: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Bởi vì cô Maria đã chọn Chúa chứ không phải chọn công việc của Chúa. Đây cũng là kinh nghiệm mà đức cố hồng y

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã có khi ngài còn ngồi tù. Và từ sâu thẳm của tâm hồn ngài đã nghe tiếng Chúa nói: “Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa… Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn công việc của Ngài.”

Lạy Chúa, trong cuộc lữ hành đức tin, xin Ngài soi sáng để chúng con biết chọn lựa điều tốt, điều đẹp ý Chúa, ngõ hầu mưu ích cho phần rỗi linh hồn chúng con và mọi người.

Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD

Thứ Ba – Ngày 30 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh (Tr).

Bài đọc : Xh 33,7-11.34,5b-9.28

Tin Mừng : Mt 13,36-43

Khi ấy, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”

NÊN NHƯ LÚA TỐT

Bài Tin mừng theo Thánh Mátthêu hôm nay là một trong những đoạn hiếm hoi diễn giải dụ ngôn mà Đức Giêsu kể. Dụ ngôn nói về sự kiên nhẫn của ông chủ khi để cỏ lùng cùng tồn tại với lúa trong thửa đất của ông. Ông không mướn những người làm công nhổ cỏ nhưng để cỏ cùng lớn lên cùng với lúa. Đức Giêsu nhấn mạnh sự kiên nhẫn của ông chủ cho tới ngày thu hoạch, lúc đó người ta sẽ nhặt cỏ lùng ra khỏi lúa rồi lấy lửa đốt cỏ lùng đi.

Cỏ lùng là hình ảnh của tội lỗi, của sự dữ. Thực tế thì sự dữ vẫn luôn hiện diện cách lạ lùng trong thế giới và chính trong mỗi người chúng ta. Ngay cả Giáo Hội thánh hiện cũng bao gồm cả thánh nhân lẫn tội nhân. Chính vì vậy, chúng ta có thể là lúa mà cũng có thể là cỏ lùng vào ngày tận thế; đó là một thách thức cho mỗi người chúng ta vì chúng ta dễ có khuynh hướng nghiêng về sự dữ. Chúng ta biết rằng không có ân sủng của Thiên Chúa thì không ai trong chúng ta là lúa tốt vào ngày tận thế.

Sự thật là Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành những bông lúa trĩu hạt vào cuối mùa vụ vì Ngài đã ban ơn cứu độ chúng ta bằng việc trao Con Một của Ngài cho chúng ta. Đồng thời, Ngài cũng ban cho chúng ta có đủ các phương thế để chúng ta sống mà trở nên lúa tốt để được thu vào kho lẫm của Ngài. Đức Giêsu, Con Một của Ngài là người gieo giống và cũng chính là hạt giống tốt được gieo qua cái chết để trổ sinh hoa trái nơi sự phục sinh của Người. Cũng nhờ Người chúng ta có một sự sống mới, sự sống nuôi dưỡng chúng ta thành lúa đích thực cho tới mùa thu hoạch.

Lạy Chúa, xin giữ gìn chúng con để chúng con trở nên những loại lúa tốt được thu vào kho trong Nước của Ngài.

Lm. Gioan Trần Nam Phong, SVD

Thứ Tư – Ngày 31 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Thánh Ignatiô Loyôla, linh mục.

Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Xh 34,29-35

Tin Mừng : Mt 13,44-46

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho dân chúng nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”

NƯỚC TRỜI

Trong thế giới cổ xưa, kho báu thường được chôn giấu dưới đất để tránh bị mất cắp. Khi người ta khám phá ra kho báu đang được chôn giấu trong ruộng hay tìm được viên ngọc quý thì tìm cách mua bằng được với bất cứ giá nào. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh kho báu và ngọc quý đó để nói về Nước Trời.

Cũng như viên ngọc là thứ đáng quý nhất trong mọi của cải, mà người ta sẽ sẵn sàng mua với bất cứ giá nào, Nước Trời chính là thứ quý nhất trên trần gian, quý đến nỗi người ta chấp nhận đánh đổi mọi sự để có được. Vậy làm sao để tìm được Nước Trời? Chúa Giêsu đã từng mời gọi người thanh niên giàu có “hãy bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo, và ông sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Chính Chúa Giêsu là hiện thân của Nước Trời, và muốn tìm được Nước Trời thì người môn đệ phải chấp nhận đánh đổi mọi thứ mình có mà theo Ngài, dù có phải chấp nhận cả gian khổ, vì “ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24).

Trong một xã hội với nhiều điều cám dỗ, việc can đảm chấp nhận từ bỏ những gì thiết thân để theo Chúa Giêsu như là hiện thân của Nước Trời, không phải là một điều dễ dàng nhưng đòi hỏi sự quyết tâm và ơn Chúa. Trong xã hội ngày nay nhiều người vẫn cho rằng tiền bạc, kiến thức, địa vị, thú vui mới là những điều quan trọng nhất mà họ ra sức kiếm tìm. Dù những thứ đó thật sự quan trọng thì đều sẽ mau qua nên không thể sánh với Nước Trời là giá trị vĩnh cửu. Nói thế không phải để hạ thấp những giá trị tốt đẹp mà con người đang xây dựng cho cuộc sống trên trần gian này, nhưng giúp chúng ta khám phá ra đâu mới là viên ngọc quý giá nhất đáng để chúng ta đánh đổi tất cả.

Lạy Chúa, giữa một thế giới với nhiều điều cám dỗ, xin cho chúng con biết quyết tâm một lòng hướng về Nước Trời, chốn quê hương đích thực, là nơi mà chúng con sẽ được hạnh phúc trọn vẹn.

Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD

Thứ Năm – Ngày 1 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Thánh Alphongsô M. Liguori, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Xh 40,16-21.34-38

Tin Mừng : Mt 13,47-53

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho dân chúng nghe dụ ngôn này “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không ?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” Khi Đức Giêsu kể các dụ ngôn ấy xong, Người đi khỏi nơi đó.

NGÀY CÁNH CHUNG

Đoạn Tin Mừng hôm nay dùng hình ảnh chiếc lưới để nói về ngày cánh chung: “Nước Trời giống như lưới thả xuống biển gom được đủ thứ cá” (Mt 13,47). Qua hình ảnh chiếc lưới, thánh Mátthêu nói rõ về ngày cánh chung, ngày mà Thiên Chúa sẽ ngự đến để tách bạch người tốt và kẻ xấu. Người tốt thì được ân thưởng, kẻ xấu thì bị trừng phạt.

Hội Thánh trần gian là một tập thể gồm đủ mọi loại người: tốt có, xấu có, hữu ích có, vô dụng có … Sẽ đến lúc tất cả đều chịu sự phân xử của Thiên Chúa. Chúng ta sống như thế nào, lúc đó Thiên Chúa là người ra phán quyết và xét xử, vì chỉ có mình Ngài là vị thẩm phán tối cao. Thiên Chúa sẽ căn cứ vào đời sống trần thế của chúng ta hiện nay để xét xử. Nếu chúng ta sống tốt theo đường lối Tin Mừng, Thiên Chúa sẽ cho vào hưởng nhan thánh Người. Còn nếu chúng ta sống trái với những giá trị Tin Mừng,  chúng ta sẽ chung số phận như cá xấu bị vứt ra ngoài.

 Nói như thế, Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa độc ác, đến để tiêu diệt nhưng Người là một Thiên Chúa tình yêu, giàu lòng thương xót và trắc ẩn. Người đến trần gian để làm phong phú đời sống con người, nâng địa vị con người lên và giúp con người sống trong bình an và hạnh phúc. Tuy vậy, Người cũng là Thiên Chúa “công minh khi xét xử” và “thấu suốt tâm can từng gang tấc” (x, Gr 11,20). Mọi sự gian dối, bất chính, hận thù, gian ác … đều bị phơi bày trong ngày cánh chung.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tỉnh thức và hoàn thiện mình mỗi ngày để đón đợi ngày Chúa đến.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD

Thứ Sáu – Ngày 2 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Thánh Êusêbiô Vercellêsi (Tr).

Bài đọc : Lv 23,1.4-11.15-16.27.34b-37

Tin Mừng : Mt 13,54-58

Khi ấy, Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà

Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

PHẬN BẠC ĐỜI NGÔN SỨ

Các ngôn sứ, người nói lời của Thiên Chúa cho dân, mấy ai có được cuộc sống an nhàn thư thái? Giêrêmia bị dân mỉa mai, bị coi khinh như “lão tứ phía kinh hoàng”, Gioan Tẩy Giả bị chém đầu vì nói sự thật… Còn Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đến để nói lời của Thiên Chúa, cũng chịu số phận nghiệt ngã. Người đã thốt lên những lời đầy chua xót: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương và trong gia đình mình” (Mt 13,57). Phận ngôn sứ, phận bạc!

Ngôn sứ là người phát xuất từ dân, được Thiên Chúa kêu gọi và thánh hiến để thi hành phận vụ loan báo Lời. Vì phát xuất từ dân nên dân biết gốc gác, dân nhìn vào lý lịch mà không nhìn vào lời nói và việc làm của ngôn sứ, và dân coi thường ngôn sứ. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, trở nên người phàm, trở thành bà con lối xóm với những người làng quê Nadarét. Lời quyền năng và phép lạ mà Đức Giêsu làm khiến họ sửng sốt: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” (Mt 13,54). Sự ngạc nhiên này đáng ra sẽ dẫn họ đến đức tin nếu họ chân thành tìm kiếm nguồn gốc sâu xa của quyền năng nơi Đức Giêsu mà một người phàm không thể có. Nhưng điều đó đã không xảy ra với người dân quê hương của Đức Giêsu. Họ “soi” vào xuất thân nghèo khó với cái nhìn định kiến, ghen tị và “họ vấp ngã vì Người” (Mt 13,57).

Thời nay cũng vậy, tiếng nói ngôn sứ bị coi là khó nghe; người lên tiếng cho sự thật, lẽ ngay thì bị chế nhạo, trù dập, bắt bớ, tù đày, giết chết. Phận ngôn sứ vẫn “bạc như vôi”. Nhưng chúng ta không được phép ngã lòng. Lời chân lý vẫn phải được loan báo. Và vòng hoa chiến thắng chỉ dành cho những ai bền đỗ đến cùng. Vì Đức Giêsu đã chiến thắng vinh quang khi trao Thần khí trên thập giá để rồi Người lại phục sinh vinh hiển.

Lạy Chúa, xin cho chúng con cam chịu phận bạc của đời ngôn sứ để thánh ý Chúa được thể hiện.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Tuấn Thể, SVD

Thứ Bảy – Ngày 3 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Bài đọc : Lv 25,1.8-17

Tin Mừng : Mt 14,1-12

Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, vợ ông Philípphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan […]

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

Napoléon nói: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”. Hàng ngày chúng ta thấy cái ác đang hoành hành khắp nơi. Xã hội chúng ta sẽ ra sao nếu cái xấu, cái ác không bị lên án? Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta thắp lên ngọn nến của chính mình trong một xã hội đầy bóng tối.

Thật vậy, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm chân dung một chứng nhân của sự thật, đó là ông Gioan Tẩy Giả. Ông thà chấp nhận chết trong ngục tối để làm chứng về ánh sáng. Dù bao nhiêu thách đố, dù phải mất mạng sống, ông vẫn không thỏa hiệp với thế lực của sự ác. Tinh thần của Gioan Tẩy Giả được thể hiện qua Tin Mừng chúng ta vừa nghe, gợi nhớ tôi về mấy câu thơ của nhà thơ Phùng Quán:

Yêu ai cứ bảo rằng yêu,

Ghét ai cứ bảo rằng ghét.

Dù ai ngon ngọt nuông chiều,

Cũng không nói yêu thành ghét.

Dù ai cầm dao dọa giết,

Cũng không nói ghét thành yêu.

Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi tất cả chúng ta noi gương thánh Gioan Tẩy Giả để chúng ta sống trong sự thật và can đảm làm chứng cho sự thật. Vì chính Chúa Giêsu đã hứa: “sự thật sẽ giải phóng các con” (Ga 8,32).

Lạy Chúa Giêsu, Ngài là đường, là sự thật dẫn đưa chúng con đến sự sống. Xin cho chúng con can đảm sống trong sự thật dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Chúa.

Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD

Bài trướcLời Chúa – Bài giảng Chúa Nhật 17 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoTàu bệnh viện “ĐGH Phanxicô” đến vùng Amazzonia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây