Phục Sinh – Tuần VI – Năm C

0
345

Chúa Nhật – Ngày 26 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI

Bài đọc 1 : Cv 15,1-2.22-29

Bài đọc 2 : Kh 21,10-14.22-23

Tin Mừng : Ga 14,23-29

Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, […]

TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC

Danh từ “tình yêu” diễn tả nhiều thực tại khác nhau, thuộc nhục thể hay tinh thần, do đam mê hoặc suy xét chín chắn, nghiêm túc hay hời hợt.

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến một thực tại của tình yêu, “ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”. Vậy “yêu” ở đây được hiểu như thế nào?

Yêu Chúa Giêsu có nghĩa là tuân giữ giới răn của Ngài, cũng có nghĩa là tuân giữ trọn vẹn lời của Ngài và theo Ngài bằng cách từ bỏ mọi sự. Tình yêu ấy phải xuất phát từ một chọn lựa tự do, từ đó mới thúc đẩy chúng ta hy sinh chính mình để bước theo Đức Giêsu cách sung mãn. Và khi chúng ta yêu Chúa Giêsu bằng một con tim trọn vẹn, không san sẻ thì Ngài hứa rằng: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

Tuy nhiên, để sống được trọn chữ “yêu” mà Chúa Giêsu đòi hỏi xem ra không đơn giản. Điều này chỉ dành cho những ai yêu Chúa bằng một tình yêu thật sự; vì yêu mà dám chấp nhận hy sinh, chấp nhận đau khổ và thập giá. Chúng ta còn nhớ, khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá, những bạn hữu thân cận nhất đã bỏ Ngài. Bởi tình yêu của họ chưa đủ lớn để vượt qua được thời điểm khắc nghiệt nhất của cuộc tình với Ngài.

Thiết nghĩ chúng ta cũng vậy, vì tình yêu Giêsu, lắm lúc chúng ta phải đối diện với những thực tế nghiệt ngã. Những lúc như vậy, ta phải nại đến sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chỉ có ân sủng của Ngài mới có thể tạo cho chúng ta một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương cách trọn hảo.

Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con, để chúng con có thể yêu Chúa bằng một trái tim không san sẻ.

Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD

Thứ Hai – Ngày 27 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI

Thánh Augustinô Cantuariô (Tr).

Bài đọc : Cv 16,11-15

Tin Mừng : Ga 15,26-16,4a

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT NHỜ THẦN KHÍ

Đức Giêsu nói với chúng ta là Người sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến để làm cho chúng ta biết sự thật là gì. Đồng thời, Người mời gọi các môn đệ, và mỗi người chúng ta làm chứng cho sự thật. Sự thật là gì? Và làm chứng cho sự thật nghĩa là thế nào?

Trong Tin Mừng Gioan, sự thật chính là Thiên Chúa và công trình cứu độ của Ngài được thực hiện nơi Đức Giêsu, qua đời sống, lời nói và việc làm của Người (x. Ga 8,46b; 14,6). Làm chứng cho sự thật là làm chứng về Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân loại đến nỗi sai Con của Ngài là Đức Giêsu đến để ai tin vào Người thì được cứu độ (x. Ga 3,16). Đức Giêsu đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật, và đã chết để minh chứng cho sự thật rằng Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ hết thảy mọi người.

Qua Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mỗi người chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí cách sung mãn để đức tin của chúng ta được kiên cường và can đảm tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ. Thật vậy, sau khi lãnh nhận Thần Khí, chúng ta có trách nhiệm và bổn phận làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu và công trình cứu độ của Ngài thực hiện nơi con người, cái chết cứu độ và sống lại vinh quang của Đức Giêsu.

Được Thần Khí thúc đẩy, chúng ta làm chứng cho sự thật tùy vào cảnh huống của mỗi người giữa trần gian. Có những người làm chứng bằng việc giảng dạy nơi học đường, số khác làm chứng ngay nơi công sở, công ty. Cũng có những người khác làm chứng qua đời sống dâng hiến, hy sinh, cầu nguyện để thánh hóa Giáo Hội và thế giới. Và không ít người không ngại nguy nan tranh đấu cho công lý và hòa bình để đòi lại phẩm vị của con người tại những nơi quyền con người bị tước mất.

Lạy Thần Khí Sự Thật, xin Ngài ban cho chúng con ơn can đảm và khôn ngoan để làm chứng cho sự thật tại nơi chúng con đang sống.

Lm. Gioan Trần Nam Phong, SVD

Thứ Ba – Ngày 28 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI

Bài đọc : Cv 16,22-34

Tin Mừng : Ga 16,5-11

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu?’ Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗ: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”

THÁNH THẦN ĐỒNG HÀNH

Tin Mừng hôm nay là lời căn dặn của Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài trước lúc đi xa. Các môn đệ tràn ngập ưu phiền vì sắp phải xa Thầy. Đức Giêsu trấn an các ông bằng cách cho họ thấy sự cần thiết của việc Ngài ra đi, dọn đường cho Đấng Bảo Trợ đến (x. Ga 16,7). Vậy Đấng Bảo trợ mà Chúa Giêsu hứa ban là ai? Và Đấng ấy sẽ đồng hành với các môn đệ như thế nào?

Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu hứa ban chính là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn đồng hành với các môn đệ và không còn để các ông phải bơ vơ. Có thể nói, Chúa Thánh Thần như là một người đồng hành mà các môn đệ thừa hưởng từ Chúa Giêsu để ở với các môn đệ luôn mãi, như lời Người đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Vì thế, Thánh Thần không chỉ ở cùng để hướng dẫn các môn đệ trong sứ mạng loan báo Tin Mừng mà còn trong việc làm chứng. Khi đứng trước những người cầm quyền, các môn đệ không lo phải nói gì, “vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12,12).

Hơn nữa, Thánh Thần còn là một vị thầy hướng dẫn chúng ta trên hành trình trở về quê trời. Và Thánh Thần không quên ban những ân huệ thiêng liêng để chúng ta có đủ sức mạnh và khả năng chu toàn sứ vụ đã được trao phó. Và hơn bao giờ hết, nhiệm vụ của mỗi người chúng ta là tái khám phá những ân huệ của Chúa Thánh Thần để nhận được sự hướng dẫn của Ngài trong cuộc sống hiện tại.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để chia sẻ thân phận làm người với chúng con, ngõ hầu nâng chúng con lên phận vị con cái của Thiên Chúa. Và Ngài cũng ban Thánh Thần để hướng dẫn chúng con. Xin cho mỗi người chúng con biết khám phá và nhận ra sự hướng dẫn của Ngài trong cuộc đời chúng con.

Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD

Thứ Tư – Ngày 29 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI

Bài đọc : Cv 17,15.22-18,1

Tin Mừng : Ga 16,12-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”

THẦN KHÍ SỰ THẬT

“Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Sự thật toàn vẹn ở đây theo Tin Mừng Thánh Gioan là sự thật gì? Phải chăng bây giờ chưa đến thời đến buổi để Chúa Giêsu mạc khải cho các tông đồ biết hay các ông còn kém lòng tin?

Chúa Giêsu chưa mặc khải cho các môn đệ biết tất cả sự thật vì lẽ các ông còn yếu kém lòng tin và chưa đủ sức lãnh hội “sự thật toàn vẹn”. Thật vậy, sau bao nhiêu năm trời theo Chúa, nghe Người giảng, chứng kiến những phép lạ Người làm, vậy mà người thì chối Chúa, người thì phản bội Chúa, ngay cả khi Chúa chết sống lại hiện ra với các ông mà các ông vẫn còn sợ hãi. Chính lúc này đây, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thần Khí sự thật sẽ đến mặc khải chân lý vẹn toàn về Đức Kitô và tăng thêm sức mạnh cho các môn đệ. Nhờ sức mạnh Thánh Thần, sự hiểu biết và xác tín vào chân lý toàn vẹn mà các môn đệ mới mạnh dạn rao giảng và làm chứng về Chúa Giêsu Phục Sinh.

Trong bối cảnh ngày nay, chúng ta cũng đã nghe rất nhiều lời Chúa dạy, rất nhiều bài giảng, suy niệm cũng không ít nhưng nhiều lúc chúng ta chưa thật sự đón nhận chân lý vẹn toàn như các môn đệ này xưa. Chúng ta cũng phải cậy nhờ đến sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để Ngài tăng thêm sức mạnh và mở mang trí năng để hiểu Lời Chúa. Từ đó, chúng ta áp dụng Lời cho chính mình và rao giảng Lời cho mọi người.

Lạy Chúa Thánh Thần là Thần Khí Sự Thật và là Sự Sống, xin ban thêm sức mạnh và soi sáng tâm hồn khô cứng, cằn cỗi nơi mỗi người chúng con, để chúng con biết lắng nghe, đón nhận Lời Chúa và nhận ra Chúa là chân lý đích thực vẹn toàn trong cuộc sống của chúng con.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD

Thứ Năm – Ngày 30 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI

Bài đọc : Cv 18,1-8

Tin Mừng : Ga 16,16-20

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’?” Vậy các ông nói: “‘Ít lâu nữa’ nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!” Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

KHÔNG HIỂU

Cũng như trong lối nói về “giờ”, khi dùng thật ngữ “ít lâu” tác giả Tin Mừng Gioan không nhắm nói đến thời gian cho bằng ám chỉ sự kiện Đức Giêsu chết và sống lại.

“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” Kiểu nói “vòng vo” của Đức Giêsu đã dẫn các môn đệ vào một ma trận không tìm thấy lối ra, và các ông đã không hiểu mặc khải của Thầy. Chính vì các ông không hiểu nên cuộc thương khó của Đức Giêsu càng trở bi thương, buồn thảm. Các ông sợ hãi, buồn sầu, mất định hướng. Kẻ thất vọng thì bỏ về miền quê (x.Lc 24,13), kẻ còn ở lại thì nhốt nhau trong căn phòng đóng kín (x.Ga 20,19). Nhưng cũng vì không hiểu, nên niềm vui của các môn đệ trong ngày gặp lại Thầy mình trở nên lớn lao hơn. Từ đây, Đức Giêsu đã ban cho các môn đệ Thánh Thần để các ông hiểu Kinh Thánh, hiểu lời Người dạy. Cũng từ đây, các ông sẽ không còn gặp gỡ Đức Giêsu bằng xương bằng thịt nữa, nhưng các ông vẫn có niềm vui trọn vẹn vì, bằng con mắt đức tin, các ông “thấy” sự hiện diện siêu nhiên của Chúa Giêsu Phục Sinh.

Trong cuộc sống, có khi chúng ta phải đối diện với những biến cố đau thương xảy ra mà ta không thể nào hiểu được thánh ý của Thiên Chúa: bệnh tật, bất công, oan trái… Chỉ khi tín thác vào Thiên Chúa chúng ta mới tìm thấy niềm an ủi. Chỉ trong niềm tin vào sự hiện diện của Đấng đã chịu đau khổ và phục sinh, chúng ta mới có thể hiểu được đâu là thánh ý của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn cho chúng con thấu hiểu lời của Chúa để chúng con thấy Chúa hiện diện trong mọi biến cố của cuộc đời.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Tuấn Thể, SVD

Thứ Sáu – Ngày 31 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI

Đức Maria Thăm Viếng Bà Êlisabeth. Lễ kính (Tr).

Bài đọc : Xp 3,14-18a

Tin Mừng : Lc 1, 39-56

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Bấy giờ bà Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi […]

NIỀM VUI THĂM VIẾNG

Nếu nói truyền giáo là đem Chúa đến cho người khác thì Đức Maria là nhà truyền giáo tiên khởi, là kiểu mẫu của tất cả các nhà truyền giáo mọi thời.

Ngay sau biến cố truyền tin, mẹ vội vã lên đường để gặp người chị họ. Chúng ta biết rằng, ngay sau tiếng thưa xin vâng, Con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng Maria. Mẹ lên đường thăm bà Êlisabét và hành trình của mẹ là một hành trình có Chúa đi cùng.

Bà Êlisabét trào tràn niềm vui vì được Chúa thương cho có con nối dòng, mặc dầu ông bà đã cao niên. Hôm nay chính Chúa và thân mẫu Người đến thăm. Cuộc gặp gỡ dâng trào niềm vui đến nỗi bà Êlisabét đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm”. Như vậy, Đức Maria với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đã được bà Êlisabét tuyên xưng ngay từ bấy giờ. Không những bà vui mà ngay cả thai nhi trong lòng bà cũng nhảy mừng vì gặp Chúa.

Câu chuyện Mẹ Maria đi thăm viếng cho chúng ta ý thức được thế nào là niềm vui khi thực sự gặp được Chúa. Chúng ta là những Kitô hữu, là những nhà truyền giáo. Nhưng trong hành trình truyền giáo của chúng ta có thực sự có Chúa đi cùng hay không? Ngang qua sứ vụ của chúng ta, người khác có nhảy mừng vì gặp được Chúa như cuộc thăm viếng của mẹ Maria không?

Lạy Chúa, chúng con là những Kitô hữu, những người in đậm danh Chúa trên cuộc đời của chúng con. Xin cho chúng con cảm nhận được niềm vui có Chúa như thánh Gioan, cũng như niềm vui của bà Êlisabét. Xin Chúa biến đổi chúng con để những người khác nhận ra Chúa khi gặp gỡ chúng con. Xin cho cuộc đời chúng con là bài ca thật đẹp như lời thánh Phaolô: “Đẹp thay bước chân sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm 10,15).

Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD

Thứ Bảy – Ngày 1 – Tháng 6

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI

Thánh Giustinô Tử Đạo. Lễ Nhớ (Đ).

Bài đọc : Cv 18,23-28

Tin Mừng : Ga 16,23b-28

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn. Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”

CẦU XIN NHÂN DANH GIÊSU

Tạ ơn và cầu xin là tâm tình chung của các Kitô hữu khi đến cùng Thiên Chúa. Chúng ta tạ ơn Chúa vì muôn hồng ân Ngài đã thương ban, và cầu xin Ngài tiếp tục phù giúp chúng ta trong cuộc sống.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã định hướng cho chúng ta cách thức cầu xin cùng Chúa Cha, đó là hãy “nhân danh Thầy”. Quả thế, qua Chúa Giêsu, những gì ta cầu xin Chúa Cha thì Ngài sẽ ban cho. Vì Chúa Giêsu không chỉ là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài còn là trung gian duy nhất cho lời cầu xin của chúng ta.

Theo lẽ thường, với bản tính con người, chúng ta thường xin những gì ta cần và ta muốn, để rồi nhiều lúc, những gì chúng ta xin lại không phù hợp và thậm chí còn gây hại đến đời sống của ta. Thử hỏi, có được mấy lần, chúng ta thật sự bình tâm suy xét và để cho tiếng nói của Chúa hướng dẫn lời cầu xin? Hay chúng ta lấy chính cái tôi và ước muốn của bản thân để rồi xin Chúa phải đáp ứng theo ý mình?

Chúa Giêsu thấu hiểu cõi lòng và sự yếu đuối của con người, nên Ngài đã “mách bảo” cho chúng ta khi cầu xin Chúa Cha thì hãy nhân danh Ngài mà xin. Vì qua danh Đức Giêsu, Ngài sẽ chỉ dạy và trợ giúp chúng ta biết suy nghĩ thấu đáo và có sự phân định cần thiết, để có thể cầu xin những điều mang lại hữu ích cho đời sống của ta. Dù lắm lúc điều nhận được lại không như ý mà ta mong muốn, nhưng trong ý định của Thiên Chúa thì Ngài biết điều gì là cần thiết để ta có được hạnh phúc và niềm vui đích thực.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhân danh Giêsu mà cầu xin vì đó là điều đẹp ý Chúa. 

Phó tế Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 6 Phục Sinh – Năm C
Bài tiếp theoÔng Cố Anrê Võ Quốc Việt – Thân Phụ của Linh mục Giuse Võ Lê Thanh Sơn, SVD

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.