Mùa Vọng – Tuần III – Năm C

0
468

Chúa Nhật – Ngày 16 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc 1 : Xp 3,14-18a

Bài đọc 2 : Pl 4,4-7

Tin Mừng : Lc 3,10-18

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

SÁM HỐI BẰNG HÀNH ĐỘNG

Trong bài Tin Mừng hôm nay ông Gioan Tẩy Giả kêu mời và chỉ dạy cho mọi người cách ăn năn sám hối bằng những việc làm cụ thể và thiết thực. Mọi người đều đến với ông, trong đó có cả người thu thuế, binh lính, và tất nhiên là có dân chúng nữa. Ông Gioan Tẩy Giả đã có cách thức kêu mời sám hối cách mới mẻ và thiết thực. Ông không mời gọi họ thực hành việc đạo đức hình thức hay một nghi lễ thống hối nào, mà ông yêu cầu họ sống trong tương quan công bằng và bác ái. Những việc hối cải ông đề nghị đều liên quan đến cách xử sự với người đồng loại, những người thân cận với mình.

Trong Mùa Vọng này, chính tôi cũng được kêu mời sống tinh thần hối cải qua những việc làm cụ thể. Trong đời sống cộng đoàn nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung, thái độ của tôi đối với những người mà tôi có thể gặp gỡ trong ngày như thế nào? Dù ông Gioan trả kều mời “ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”, nhưng tôi thấy mình vẫn chưa thực hành lời khấn khó nghèo cách triệt để;  nhiều lần tôi gặp những người kém may mắn hơn mình giữa phố, tôi chạnh lòng thương, nhưng tôi vẫn rồ ga chạy qua họ. Tôi vẫn chưa sám hối bằng hành động.

Lạy Chúa, xin cho Mùa Vọng này trở thành mùa sám hối và đổi mới tâm hồn. Xin cho con biết thể hiện lòng sám hối bằng những hành động yêu thương và bác ái đối với những anh chị em đang sống xung quanh con. Amen.

Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD

Thứ Hai – Ngày 17 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : St 49,2.8-10

Tin Mừng : Mt 1,1-17

Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Ápraham: Ông Ápraham sinh Ixaác; Ixaác sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em ông này; […] Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Ápraham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Baylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.

SỐNG CĂN TÍNH KITÔ HỮU

Cuộc sống luôn có ý nghĩa và tràn đầy sức sống khi ta nhận ra vai trò và vị trí của mình trong đời sống. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại tương quan của mình với Chúa qua bản tường thuật của Thánh Mátthêu về gia phả của Đức Giêsu.

Qua bản gia phả, thánh Mátthêu cho chúng ta thấy Đức Giêsu là trung tâm của lịch sử, là Đấng Mêsia mà Cựu Ước đã loan báo. Để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Ngài nơi trần gian, Thiên Chúa đã có một chương trình cụ thể qua những con người cụ thể khởi đi từ tổ phụ Ápraham. Bản gia phả như một minh chứng hùng hồn rằng Đức Giêsu là một người thật, sống trên trái đất này. Ngài đã thực sự đến và đã sống giữa loài người, có gốc tích rõ ràng.

Cảm nếm được tình yêu nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, tôi được mời gọi sống xứng đáng hơn với tình yêu đã lãnh nhận. Lời Chúa mời gọi tôi nhìn lại nguồn gốc của mình. Tôi là Kitô hữu, nghĩa là tôi đã được sinh ra bởi phép Thánh Tẩy. Tôi là một phần của dân thánh, là bạn hữu với Đức Giêsu Kitô. Nguồn gốc và cùng đích của đời tôi ở nơi Thiên Chúa là Cha. Là Kitô hữu, tôi có anh chị em là những người xung quanh tôi. Tôi là chi thể của một thân thể. Là Kitô hữu, tôi được mời gọi trở nên giống Chúa mỗi ngày.

Nhận thức được vị trí của mình trong cuộc sống, trong lòng Giáo Hội, tôi ý thức hơn về sứ mạng của mình. Lời Chúa hôm nay mời gọi tôi xác tín hơn vào tình thương vô điều kiện của Chúa và tái khám phá lại căn tính của mình để sống đời chứng tá cách hữu hiệu hơn. Tôi phải luôn nỗ lực hết mình để khám phá tình yêu mà Thiên Chúa đã trao ban cho tôi để tôi được kết hợp mật thiết với Chúa trong đời sống và luôn trở nên là người bạn, là anh em trung tín với Đức Giêsu Kitô Con một Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương đã hiến thân để trở nên đồng hình đồng dạng với nhân loại.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, vì yêu nhân loại Ngài đã dọn sẵn một dân tộc riêng để Con của Ngài xuống thế làm Người. Xin cho con luôn sống xứng đáng với hồng ân tình yêu mà Ngài trao ban để con biết sống tốt và kết hợp mật thiết với Con của Ngài mỗi ngày một tốt hơn. Xin cho con luôn biết sống xứng đáng với hồng ân là con của Chúa. Amen.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Huy Xuân, SVD

Thứ Ba – Ngày 18 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Gr 23,5-8

Tin Mừng : Mt 1,18-24

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của Bà là người công chính, không muốn tố cáo Bà, định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần: Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

CÓ CHÚA Ở CÙNG

Tin Mừng Mátthêu trình thuật lại việc sứ thần báo mộng cho thánh Giuse rằng Hài Nhi Giêsu sắp được sinh ra là do quyền năng Chúa Thánh Thần, và chính người sẽ cứu chuộc mọi người thoát khỏi ách tội lỗi. Tất cả những điều này xảy ra để ứng nghiệm lời hứa của Thiên Chúa qua lời ngôn sứ Isaia về Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu lời hứa này có ảnh hưởng hay liên hệ gì đến mình hay không? Hay chỉ nghe thoáng qua giống như một câu chuyện của quá khứ? Hoặc đây chỉ như một câu chuyện cổ tích mà thôi? Cuộc sống hàng ngày luôn bon chen, chạy đua với cơm áo gạo tiền, có lẽ hiếm khi có thời gian để người ta có dịp ngồi lại suy nghĩ, nhìn lại lịch sử đời mình? Biết bao nhiêu biến cố vui, buồn, sướng, khổ xảy đến trong cuộc đời, có ai đó sẽ tự hỏi mình điều này là do định mệnh, do số phận hay chỉ xảy đến với mình cách ngẫu nhiên?

Nhìn lại đời mình, tôi thấy có những lúc vì trách nhiệm, vì công việc, vì học tập mà tôi quên mất Chúa đang đồng hành bên tôi. Lời Chúa hôm nay như một lời cảnh tỉnh, giúp tôi lắng đọng lại, cân bằng giữa đời sống hoạt động và đời sống cầu nguyện, để con mắt đức tin của tôi đủ bén nhạy để nhận ra sự hiện diện âm thầm và đầy yêu thương của Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng tôi.

Lạy Chúa, trước những bộn bề cuộc sống, xin cho mỗi người chúng con biết về bên Chúa nghỉ ngơi, và kín múc lấy tình thương tuyệt vời mà Ngài ban tặng đặc biệt cho mỗi người chúng con, để con luôn cảm nghiệm có Chúa ở cùng trong đời mình.

Phó tế Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Thứ Tư – Ngày 19 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Tl 13,2-7.24-25a

Tin Mừng : Lc 1,5-25

Bấy giờ Thiên Thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án. Dacaria thấy vậy hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông. Nhưng Thiên Thần nói với ông rằng: “Dacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Êlisabét  vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc trẻ sinh ra. Vì trẻ nầy sẽ nên cao trọng trước mắt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Ítraen trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ nầy sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Elia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngổ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị. […]

TRUYỀN TIN

Lời Chúa hôm nay thuật lại việc sứ thần Gáprien truyền tin cho ông Dacaria trong khi ông đang dâng hương tôn kính Đức Chúa trong Đền Thờ. Sứ thần đem đến cho ông bà một tin vui, làm cho ông bà ngỡ ngàng và ngạc nhiên quá đỗi.

Có lẽ nỗi buồn và đau khổ lớn nhất đối với những người hiếm muộn là khi biết mình không thể sinh con. Ông Dacaria và bà Êlisabét là những người đang sống trong tình cảnh đáng thương của những người được cho là son sẻ. Kinh Thánh cho biết ông bà đang sống trong tình trạng son sẻ nhưng đã cao niên. Tình cảnh này làm cho ông bà cảm thấy xấu hổ và đau khổ vì đối với người Do Thái, hiếm muộn là một nỗi bất hạnh và là nỗi ô nhục cho cả gia đình và gia tộc.

Do đó, lời “truyền tin” của sứ thần là một tin vui lớn lao cho ông Dacaria và bà Êlisabét. Tin vui vì đó là lời sứ thần Thiên Chúa nói với ông bà chứ không phải lời của loài người; tin vui vì Thiên Chúa đã nhận lời ông bà cầu xin; tin vui vì hai ông bà nhận ra Thiên Chúa không bỏ rơi những con người biết kính sợ Thiên Chúa và sống công chính, thánh thiện; tin vui vì Thiên Chúa đã cất khỏi ông bà nỗi đau khổ và tủi nhục mà ông bà phải gánh chịu bấy lâu trước mặt người đời; tin vui vì ông bà biết rằng Thiên Chúa vẫn đoái thương và nhìn đến phận hèn của gia đình ông bà và trao ban cho ông bà một người con; hơn nữa, người con đó lại là một ngôn sứ lớn của Chúa, là tiền hô cho Đấng Cứu Độ, là người dọn đường cho Đấng sẽ đến;  tin vui vì người con của ông bà sẽ là người dẫn dắt và thúc đẩy con cái Ítraen từ bỏ con đường sai trái và quay trở về với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra quyền năng vô biên của Chúa để chúng con hoàn toàn sống tín thác vào sự quan phòng của Ngài, ngay cả khi chúng con sống trong những hoàn cảnh đau thương, bi đát, chán nản và thất vọng nhất.

Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD

Thứ Năm – Ngày 20 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Is 7,10-14

Tin Mừng : Lc 1, 26-38

[…] Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với Thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên thần cáo biệt Bà.

XIN VÂNG

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự khởi đầu của mầu nhiệm Ngôi Lời Nhâp Thể. Qua hai tiếng “Xin Vâng” của Mẹ Maria, công trình cứu chuộc đã thực sự được bắt đầu. Nhưng tại sao Thiên Chúa không áp đặt cho Mẹ một chương trình sẵn có mà lại hỏi ý kiến Mẹ? Tại sao cả một công trình vĩ đại, được tính toán từ ngàn đời bởi Thiên Chúa, Đấng vĩ đại và quyền năng, lại cần chờ tiếng “Xin Vâng” của một tỳ nữ thấp hèn? Thánh Tôma Aquinô có câu: “Ân sủng không phá đổ thiên nhiên”. Thiên Chúa hết sức tôn trọng sự tự do đáp trả của con người; Ngài ban ân sủng nhưng cần có sự cộng tác của con người.

Về phía Mẹ Maria, Mẹ hoàn toàn ý thức được những rủi ro khi Mẹ đồng ý để Ngôi Lời nhập thể. Thứ nhất, theo phong tục người Do Thái, phụ nữ có thai trước khi cưới sẽ bị ném đá đến chết. Thứ hai, dẫu cho thánh Giuse có chấp nhận cưới Mẹ về thì tình cảm mà vị hôn phu ấy có được như cũ hay không? Thánh Giuse có chịu chấp nhận và nuôi dưỡng “đứa con không phải của mình” hay không? Thứ ba, gia đình của Mẹ và dòng tộc của thánh Giuse sẽ phải mang tai tiếng thật nhiều, và còn thật nhiều nhiều rủi ro nữa Mẹ sẽ phải đương đầu trong tương lai. Quả thế, thánh Bernard thành Clairvaux đã khẳng định rằng cả vũ trụ cũng phải nín thở trông chờ sự chấp thuận của Mẹ.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, chỉ còn ít ngày nữa thôi là chúng con kỷ niệm biến cố Chúa Nhập Thể, xin cho con biết cộng tác với Chúa bằng cách “xin vâng” để chương trình cứu độ của Chúa được thể hiện trong trần gian này. Amen.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đồng, SVD

Thứ Sáu – Ngày 21 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Dc 2,8-14 hoặc Xp 3,14-18;

Tin Mừng : Lc 1,39-45

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.  Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

THĂM VIẾNG

Đoạn Tin Mừng thuật lại rằng, khi biết tin bà Êlisabét, người chị họ của mình đã mang thai được sáu tháng, Mẹ Maria đã vội vã lên đường đi thăm.

Đọc đoạn Tin Mừng ta có thể thấy được rằng con đường mà Đức Mẹ đi đến nhà bà Êlisabét chắc chắn không phải dễ đi, nếu không nói là đường xá xa xôi vất vả qua miền đồi núi. Thế nhưng Đức Maria vẫn lên đường đi thăm vì tình yêu thương. Chính tình thương dành cho người chị họ đang mang thai lúc tuổi già đã thúc đẩy bước chân Mẹ lên đường. Yêu thương phải được biểu lộ qua sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, hy sinh cho nhau.

Hình ảnh Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabét thật đẹp và sống động; nó gợi ý và thôi thúc chúng ta hãy biết lên đường, bước ra khỏi chính mình để đến với nhau, để thăm viếng nhau. Những nỗi lo toan, vất vả, nặng nhọc trong cuộc sống sẽ vơi đi và nhẹ nhàng hơn biết chừng nào khi con người biết chia sẻ và nâng đỡ nhau bằng những cuộc thăm viếng. Hơn nữa, đến thăm nhau không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để ta đem Chúa đến cho người khác.

Sống trong một xã hội đề cao lối sống hưởng thụ và tự do cá nhân, con người dường như ngày càng vô cảm với nhau hơn. Có khi ngồi cạnh bên nhau mà lại như xa nhau vạn dặm. Khi con người càng ngày càng tự cô lập mình, thế giới sẽ mất bớt đi niềm vui chia sẻ. Cuộc thăm viếng của Mẹ Maria vẫn là nên là nguồn cảm hứng và động lực cho tương quan giữa con người với nhau trong xã hội hiện đại này.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Mẹ lòng yêu thương. Xin cho chúng con dám sẵn sàng bước ra và đi đến với người khác, qua sự quan tâm, săn sóc yêu thương. Để qua đó người khác nhận ra được rằng chính Chúa đang sống trong chúng con.

Tu sĩ Giacôbê Nguyễn Hoàng Long, SVD

Thứ Bảy – Ngày 22 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : 1 Sm 1,24-28

Tin Mừng : Lc 1,46-56

Khi ấy, Maria nói rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Ítraen tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!”. Maria ở lại với bà Isave độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

NIỀM VUI

Không có niềm vui nào trọng đại hơn niềm vui được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới. Đức Maria đã không thể kìm nén được niềm vui ấy nên đã cất lời ca tụng Thiên Chúa bằng bài ca Magnificat.

Bài ca không phải là lời khởi phát nơi đầu môi chót lưỡi mà xuất phát từ trong cõi sâu thẳm của tâm hồn của một thiếu nữ làng quê Nadarét: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” Ngay từ lúc cất lên lời “xin vâng”, Mẹ đã được Chúa ngự vào cung lòng. Mẹ ý thức mình chỉ là thân phận phàm nhân nhưng đang cưu mang Đấng Cứu Độ nhân loại. Ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng làm Mẹ vui. Mẹ vui vì một mầm sống mới đã khởi sự, sinh linh ấy chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Mẹ vui vì ơn cứu độ đã đến với nhân loại. Mẹ không giữ niềm vui ấy cho riêng mình nhưng Mẹ đã chia sẻ cho tha nhân qua hành động thăm người chị họ là bà Êlisabét, người cũng đang vui vì cưu mang một sinh linh bé bỏng nhờ Chúa đoái thương trong lúc tuổi già. Hai người phụ nữ gặp nhau – hai niềm vui gặp nhau: Hòa điệu! Dâng trào! Và lời tạ ơn được cất lên từ đó, để dâng lên Đấng đã ban tặng cho họ niềm vui.

Trên thế giới này, nhiều người phụ nữ mang thai có thể cảm nhận được niềm vui trong thiên chức làm mẹ như Đức Maria. Họ vui mừng vì được Thiên Chúa ban cho được có khả năng mang thai, vui mừng vì mình đang mang trong mình một sinh linh mang hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng số ít phụ nữ khác chưa cảm nhận được niềm vui khi mang thai, chưa nhận biết đó là ơn trên ban xuống và các thai nhi tội nghiệp đã ra đi khi còn chưa thấy ánh mặt trời… Đó là điều đáng tiếc và đáng bị lên án.

Lạy Mẹ Maria, xin cho các bà mẹ luôn biết sống với niềm vui và tạ ơn trong thiên chức làm mẹ của mình.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Mùa Vọng – Năm C
Bài tiếp theoĐức TGM Marek Zalewski – vị Đại Diện Tòa Thánh Không Thường Trú tại Việt Nam viếng thăm Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.