Mùa Vọng – Tuần II – Năm C

0
360

Chúa Nhật – Ngày 09 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Bài đọc 1 : Br 5,1-9

Bài đọc 2 : Pl 1,4-6.8-11

Tin Mừng : Lc 3,1-6

Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa: Trong sách ngôn sứ Isaia có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng.  Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”

SỨ MẠNG NGÔN SỨ

Thành ngữ có câu “Sự thật mất lòng.” Và để tránh mất lòng người khác, nhiều người đã chọn cho bản thân phương châm sống “im lặng là vàng”. Tuy nhiên, liệu có phải mọi thứ im lặng cũng là vàng?

Ông Gioan tẩy giả được sinh vào trần gian. Ông biết rõ vai trò của mình là một ngôn sứ, người có bổn phận nói lời của Thiên Chúa. Ông kêu gọi người ta sám hối để được ơn tha tội. Lời kêu gọi này có thể tăng dần theo cường độ. Ban đầu có thể chỉ là khuyên răn, mời gọi, nhưng sẽ là những lời cảnh cáo nếu như người ta vẫn làm ngơ trước những điều buộc phải làm. Có một thực tế là rất ít người muốn nghe về những lầm lỗi của mình. Vị ngôn sứ biết điều đó. Nhưng vì thánh ý của Thiên Chúa và ơn cứu độ của con người, ông không ngần ngại nói sự thật, dù cái giá phải trả cho điều này không hề rẻ.

Tôi tự thấy mình còn nhiều lầm lỗi nên nhủ lòng mình hãy bình thản trước những lời khuyên răn, thậm trí quở trách của người khác để không “bóp nghẹt” các vị “ngôn sứ” mà Chúa muốn gởi tới cho cuộc đời tôi. Tôi xác tín rằng bất cứ lời ngôn sứ nào cũng đều là ý muốn của Thiên Chúa để tôi tốt hơn lên trong ơn nghĩa với Ngài.

Hơn nữa, khi được chịu Bí tích Rửa tội, tôi cũng được Chúa trao cho trách nhiệm làm ngôn sứ cho Ngài. Làm ngôn sứ cho Chúa không chỉ để nói thật mà còn nói sự thật với ý hướng xây dựng và với tình thương mến. Làm ngôn sứ cho Chúa không phải chỉ để nói điều phải nói mà còn nói sao để ý Chúa được thể hiện trong thế giới này. Lời ngôn sứ hiệu quả nhất chính là gương sống như Gioan Tẩy Giả xưa.

Lạy Chúa, xin cho con biết đón nhận lời ngôn sứ của Chúa qua những anh chị em đang sống quanh con. Và xin cho con cũng biết nói lời ngôn sứ bằng chính đời  sống yêu thương của con.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng,SVD

Thứ Hai – Ngày 10 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Bài đọc : Is 35,1-10

Tin Mừng : Lc 5,17-26

Khi ấy, Đức Giêsu giảng dạy, có mấy người Pharisêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Galilê, Giuđê và từ Giêrusalem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi.”

LÒNG TIN LIÊN ĐỚI

Bài Tin mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu chữa người bị bại liệt. Tin Mừng thuật lại rằng người bại liệt được  mấy người khiêng đưa tới nhưng không sao đến gần Chúa Giêsu. Họ đã nghĩ ra một cách là dỡ mái nhà ra và thả người bại liệt xuống trước mặt Người. Chúng ta hãy xét đến một điều đặc biệt ở đây, đó chính là niềm tin.

Trong thời gian hoạt động công khai Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh tật cho nhiều người; tất cả những ai tin vào người đều được chữa lành. Tuy nhiên, câu chuyện chữa lành hôm nay không nhấn mạnh đức tin của người được chữa lành mà đề cao đức tin của những người đi cùng, một đức tin có tính liên đới. Chúa Giêsu đánh giá cao lòng tin mạnh mẽ của họ nên Ngài đã ra tay cứu chữa cho người bị bại liệt.

Trong cuộc sống thường ngày, có lúc chúng ta gặp khó khăn thử thách; và khi gặp ốm đau bệnh tật, liệu chúng ta có một niềm phó thác và tin tưởng mãnh liệt vào Chúa, hay chúng ta lại kêu la trách móc? Liệu đức tin chúng ta có giúp chúng ta bước đi hiên ngang và vững tâm đón nhận thử thách cuộc đời trong cung cách của một Kitô hữu, cung cách của người giới thiệu dung mạo của Chúa cho người khác hay không?

Lòng tin của chúng ta có tính liên đới. Nếu chúng lòng tin chúng ta đủ mạnh thì có thể lôi kéo, thúc đẩy và nâng đỡ lòng tin của người khác. Trái lại, nếu lòng tin của chúng ta yếu, thì chúng ta có nguy cơ làm lung lay lòng tin của người khác.

Lạy Chúa, xin cho con có một lòng tin vững mạnh, một lòng mến sắt son, một con tim chân thành để Chúa bước vào cuộc đời con và chữa lành những bệnh tật trên thân xác cũng như tâm hồn con. Và xin cho lòng tin con đủ mạnh để nâng đỡ những người yếu đuối. Amen.

Tu sĩ Phêrô Trần Nhật Trường,SVD

Thứ Ba – Ngày 11 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Bài đọc : Is 40,1-11

Tin Mừng : Mt 18,12-14

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?  Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

TÌM CHIÊN LẠC

Tin Mừng hôm nay phác họa một hình ảnh đẹp của người chủ chăn đầy tình thương và trách nhiệm khi ông để chín mươi chín con chiên lại trên núi, và quyết tâm tìm bằng được con chiên bị lạc.

Trong mắt người chủ chiên, mỗi con chiên đều có giá trị như nhau vì mỗi một cá thể đều là độc nhất vô nhị không thể thay thế được, dù rằng quanh ông còn có rất nhiều chiên khác. Có lẽ người chủ chiên này ý thức rằng chiên bị thất lạc không hoàn toàn là lỗi của nó, nhưng một phần trách nhiệm thuộc về ông. Chính vì thế, ông phải ra sức kiếm tìm, dù rằng việc tìm kiếm không dễ chút nào. Một khi mục tử ý thức rằng chiên thuộc về mình, mất chiên cũng có phần lỗi của mình thì chắc chắn ông sẽ ra công tìm kiếm cho đến cùng.

Lời Đức Giêsu hỏi các môn đệ “anh em nghĩ sao?” cũng là lời chất vấn mỗi người trong chúng ta. Trong vai trò mục tử, tôi đã làm hết trách nhiệm với chiên của mình hay chưa? Tôi đã cố gắng đưa về đàn những chiên lạc hay mặc kệ nó? Nếu mục tử còn lơ là trong trách nhiệm thì hãy nhớ lại lời Chúa phán qua miệng ngôn sứ Êdêkien: “Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm” (Ed 34,2-4).

Là chiên trong đàn, tôi có theo sự hướng dẫn của mục tử, hay còn muốn bỏ đàn mà đi? Tôi có sống niềm vui thuộc về đàn chiên của Hội Thánh và cảm thông, giúp đỡ cho những chiên lạc để nó không tự ti mặc cảm khi trở về?

Lạy chúa, xin cho chúng con luôn biết sống niềm vui thuộc về Hội Thánh của Chúa và cùng nhau tìm cách đưa những người lầm lạc trở về.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh,SVD

Thứ Tư – Ngày 12 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Bài đọc : Is 40,25-31

Tin Mừng : Mt 11,28-30

Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

 “GÁNH” VÀ “ÁCH” CỦA CHÚA

Tin Mừng hôm nay như một lời an ủi, đỡ nâng kẻ khốn cùng; và cũng là sự khích lệ, đảm bảo cho những ai đang sống trong nẻo chính đường ngay, chưa phải vương vấn đau thương của cuộc đời. Bởi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa thì luôn dạt dào; và cũng bởi vì gánh của của Ngài thì nhẹ, mà ách của Ngài lại êm (x. Mt 11,30).

Phận người vốn mỏng manh mà thập giá cuộc đời lắm lúc thật nặng nề. Những người đang chịu cảnh khốn cùng có lúc muốn chất vấn về lời hứa của Đức Giêsu. Ách êm ái và gánh nhẹ nhàng ở đâu khi đời sống gặp toàn chuyện tai ương, hiểm nguy, mất mát? Tôi vẫn sống tốt, vẫn giữ Đạo tốt, chẳng làm hại ai… thế mà bản thân thì bệnh tật, gia đình thì ly tán, công việc luôn bấp bệnh, gian nan luôn cận kề!

Đã đành, vốn mang kiếp người vào thân, thì chẳng nên trách trời gần trời xa, như thi hào Nguyễn Du từng cất lên trong thảng thốt, nghẹn ngào; nhưng sao, nỗi gian nan của kiếp người nhiều lúc sao lại bi đát thế!

Đức Giêsu mời gọi con người hãy đến với Ngài (x. Mt 11,28) vì nơi Ngài luôn là nơi nghỉ ngơi tốt nhất (x. Mt 11,30), nhưng điều đó không có nghĩa là đời người sẽ không còn thập giá. Chính Đức Giêsu dù là Con Thiên Chúa và cũng là chính Thiên Chúa, và Ngài chẳng có tội gì để phải đau khổ, phải chết, vậy mà Ngài vẫn phải mang lấy nỗi tang thương ấy. Tất cả vì tình yêu dành cho nhân loại.

Đến lượt mình, những môn đệ theo Đức Giêsu cũng phải đi trên con đường  thập giá để có thể trở nên hoàn thiện. Cảm nghiệm tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa; cảm nghiệm sự êm ái, nhẹ nhàng khi mang lấy “gánh” và “ách” của Chúa là điều người Kitô hữu cần học. Học với Chúa (x. Mt 11,29).

Lạy Chúa, xin hãy giúp con vui tươi khi vác thập giá đời con và xin cho con biết trao gánh nặng vào tay Chúa và mang lấy ách của Ngài để con được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Amen.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai,SVD

Thứ Năm – Ngày 13 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo

Lễ nhớ (Đ)

Bài đọc : Is 41,13-20

Tin Mừng : Mt 11,11-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông răng: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến. Ai có tai thì nghe.

NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã nói về ông Gioan, vị ngôn sứ vĩ đại, người mà dân Ítraen vẫn mong đợi trở lại. Đó là người đến để dọn đường cho Đấng cứu thế.

Ông Gioan, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, là người có vinh dự dọn đường cho Đức Giêsu. Ông được sinh ra một cách đặc biệt và cũng được lãnh nhận một sứ vụ đặc biệt. Ông là người đã được ngôn sứ Isaia nói đến: “Có tiếng người hô trong hoang địa, hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Ông đã đến, đã sống và đã làm chứng cho Đức Kitô bằng cả cuộc đời mình.

Ngày hôm nay, trong một thế giới đầy dẫy những tội lỗi, những bất công, chúng ta cần lắm một Gioan mới để dọn đường cho Chúa đến với thế giới. Đó là ai? Người đó không ai khác, đó chính là tôi, là chính các bạn, những Kitô hữu ngày hôm nay. Chính chúng ta phải trở thành những Gioan mới. Chúng ta phải sống, phải làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Gioan đã dùng cả cuộc đời và chính mạng sống để làm chứng cho Chúa. Chúng ta không cần phải hy sinh mạng sống mình nhưng đôi khi chỉ cần những hành vi đơn giản cũng đủ để làm chứng: một ánh mắt trìu mến yêu thương, một sự hy sinh âm thầm, một hành vi giúp đỡ nho nhỏ… Tất cả đều có thể đem Chúa đến với mọi người. Và như thế, chúng ta đang là những vị “tiền hô” cho Chúa như ông Gioan.

Lạy Chúa xin cho chúng con biết noi gương thánh Gioan, biết dùng đời sống mình mà làm chứng cho Chúa. Amen.

Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Tùng,SVD

Thứ Sáu – Ngày 14 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục

tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : Is 48,17-19

Tin Mừng : Mt 11,16-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng; “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.’ Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”

ĐỨC KHÔN NGOAN

ĐƯỢC CHỨNG MINH BẰNG HÀNH ĐỘNG

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Người như lũ trẻ chơi ngoài chợ. Lũ trẻ không chịu chơi, thụ động, không biết thích nghi với trò chơi, không hưởng ứng với cuộc chơi.

Những người thời Chúa Giêsu cũng tương tự như lũ trẻ ở khía cạnh tham gia, hưởng ứng. Đối với Gioan Tẩy Giả thì họ chê, còn đối với Chúa Giêsu họ lại bác. Họ không ủng hộ ai, không đón nhận ai. Cả Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu đều bị họ viện lý do để chê trách. Họ cố chấp hết chỗ nói.

Khi không muốn nghe, người ta có cả trăm lý do để biện minh. Khi sợ sự thật, con người ta trở nên kẻ ngụy biện. Sự thật thì mất lòng, sự thật bao giờ cũng có gai; nó làm người ta đau và có xu hướng chạy trốn sự thật. Lời Chúa là sự thật, là chân lý, nhưng một khi chân lý không được công nhận thì sẽ bị người ta loại trừ. Cả Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đều chết để làm chứng cho sự thật. Chúng ta, những kẻ tin vào Thiên Chúa có dám làm chứng cho lời Người không? Hay chúng ta không khác thế hệ thời Chúa Giêsu?

Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động. Nhưng để nhận ra Đức Khôn Ngoan, vốn là chính Đức Kitô, chúng ta phải là con cái của Đức Khôn Ngoan, phải thuộc về Đức Khôn Ngoan và hướng về Đức Khôn Ngoan, ước ao Đức Khôn Ngoan.

Lạy Chúa, xin ban Đức Khôn Ngoan của Người cho chúng con để chúng con hiểu được lời Chúa, được biến đổi và sống theo sự hướng dẫn của Đức Khôn Ngoan và hành động theo Đức Khôn Ngoan.

Lm. Antôn Nguyễn Tất Bính,SVD

Thứ Bảy – Ngày 15 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Bài đọc : Hc 48,1-4.9-11

Tin Mừng : Mt 17,10-13

Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?” Người đáp: “Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả.

CHỈNH ĐỐN MỌI SỰ

Người Do Thái vào thời Chúa Giêsu vẫn đang ở trong tâm trạng mong chờ Đấng Cứu Thế đến. Một trong những dấu hiệu báo trước thời của Đấng Cứu Thế chính là sự xuất hiện của ngôn sứ Êlia, vì họ cho rằng ngôn sứ Êlia là vị tiền hô dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Điều này dựa trên lời của ngôn sứ Malakhi: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt” (Ml 3,23-24).

Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu quả quyết ngôn sứ Êlia đã xuất hiện qua con người và sứ mạng của Gioan Tẩy Giả, thì Ngài muốn ám chỉ Ngài chính là Đấng Cứu Thế mà dân Do Thái mong đợi. Quả thật, Gioan Tẩy Giả đã dùng lời nói và cuộc sống của mình để thực thi nhiệm vụ chỉnh đốn mọi sự như đã nói trong sách ngôn sứ Malakhi. Thánh nhân đã có một đời sống thanh thoát với của cải vật chất, chỉ mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ông rừng làm thức ăn (x. Mt 3,4). Bên cạnh đời sống mẫu mực, ngài còn dùng lời nói để dọn tâm hồn của người Do Thái: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Hơn nữa, ngài còn thẳng thắn khiển trách những người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc (x. Mt 3,7) với hy vọng họ tỏ lòng sám hối (x. Mt 3,8). Đặc biệt, ngài mạnh dạn chỉnh đốn luôn cả đời sống bê bối của vua Hêrôđê, cho dù phải hy sinh cả mạng sống (x. Mt 14,3-12).

Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng có nhiệm vụ chỉnh đốn mọi sự bằng chính lời nói và cuộc sống của mình như Gioan Tẩy Giả, để Chúa đến trong lòng mọi người mà chúng ta gặp gỡ. Cụ thể, trước tiên chúng ta cần có đời sống kết hợp mật thiết với Chúa qua cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ hàng ngày. Tiếp đến, chúng ta cần có đời sống bác ái cụ thể trong lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động…

Lạy Chúa, trong Mùa Vọng này, xin cho chúng con biết chỉnh đốn tâm hồn và đời sống của mình để chờ đón Chúa đến. Qua đó, chúng con cũng sẽ trở thành những ngôn sứ chỉnh đốn mọi sự để Chúa đến trong tâm hồn của mọi người xung quanh chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà,SVD

Bài trướcBầu khí chào đón Giáng sinh tại Bethlehem
Bài tiếp theoSứ Điệp Đức Thánh Cha gửi Hội Nghị về chuyển nhượng các nơi thờ phượng và quản lý tài sản văn hóa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.