Mùa Thường Niên – Tuần V – Năm A

0
333

Chúa Nhật – Ngày 05 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Không cử hành lễ thánh Agatha, trinh nữ, tử đạo.

Bài đọc 1 : Is 58,7-10

Bài đọc 2 : 1 Cr 2,1-5

Tin Mừng : Mt 5,13-16

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.

SỨ VỤ THEO CHÚA

Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ sứ vụ truyền giáo của mỗi người là trở nên muối và ánh sáng cho trần gian. Muối và ánh sáng là hai thứ rất cần thiết cho cuộc sống của con người. Muối là một gia vị không thể thiếu trong các món ăn; nó làm cho các món ăn trở nên đậm đà và không bị hư thối. Muối cũng là biểu tượng thanh sạch trong các nghi lễ tôn giáo. Còn ánh sáng sẽ giúp cho chúng ta nhìn thấy mọi thứ, vì chúng ta không thể sống trong bóng tối.

Chính vì thế, để trở thành môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta phải trở nên muối và ánh sáng cho trần gian giữa đời thường. Nghĩa là ta phải nêu gương sáng, sống đạo đức nhằm góp phần giúp cho xã hội khỏi những ảnh hưởng của sự tha hóa; đồng thời, ta cũng là tác nhân để soi đường dẫn lối, xóa tan bóng đêm u ám và mang niềm vui đến cho mọi người. Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta trở thành người Kitô hữu và được tham dự vào ba chức vụ: vương đế, tư tế và ngôn sứ của Chúa Kitô. Chúng ta được mời  gọi làm chứng nhân cho Tin Mừng của Ngài trong mỗi bậc sống của chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta phải truyền giáo, phải làm cho môi trường của mình đang sống được thấm nhuần Tin Mừng của Đức Giêsu.

Lạy Chúa, xin nâng đỡ và giúp sức cho chúng con để chúng con nên gương sáng cho mọi người. Xin ướp lòng chúng con cho mặn lại; xin hướng dẫn đời chúng con, bởi vì chúng con luôn cần sự hiện diện và đồng hành của Chúa trong cuộc sống và trọng sứ vụ truyền giáo. Xin giúp chúng con trở nên muối và ánh sáng trần gian hầu lan tỏa và ướp mặn cho con người hôm nay.

Thứ Hai – Ngày 06 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Thánh Phaolô Miki và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ (Đ)

Bài đọc : St 1,1-19

Tin Mừng : Mc 6,53-56

[…] Đức Giêsu đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

CHẤP NHẬN BỊ QUẤY RẦY

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Trong các bệnh viện, người ta thường đưa ra giờ giấc và những nội quy áp dụng cho các bệnh nhân. Ví dụ: mấy giờ uống thuốc, ở phòng nào, khi nào đi tái khám… và tất cả các bệnh nhân nếu muốn được chữa bệnh đều phải tuân thủ những giờ giấc và những nội quy này.

Đối với Chúa Giêsu thì khác. Ngài không đưa ra bất kì một yêu cầu nào để người khác được chữa lành, ngoại trừ đức tin. Ngài cũng không đưa ra những giờ giấc cụ thể nào đó để người bệnh đến với Ngài. Người ta có thể đến với Ngài bất kì giờ nào. Họ có thể đụng chạm đến Ngài, sờ vào tua áo của Ngài, gặp Ngài trên các nẻo đường… Nhìn vào các công việc của Chúa Giêsu, ta có cảm tưởng Ngài làm việc không có giờ giấc, không khoa học. Nhưng đó là sứ vụ của Ngài: sứ vụ phục vụ và loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Ngài ưu tiên cho sứ vụ đó, đến nỗi Ngài quên cả giờ giấc, chấp nhận bị quấy rầy, bị làm phiền. Sống với người nghèo và cho người nghèo, đó là sứ vụ ưu tiên và cấp thiết của Chúa Giêsu trong công cuộc loan báo Tin Mừng của Ngài.

Sứ vụ của Chúa Giêsu cũng chính là sứ vụ của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu chúng ta hôm nay. Nhưng đứng trước sứ vụ đó, chúng ta có thái độ nào? Chúng ta có dám đón nhận họ với sự vui tươi và hăng say hay không? Có dám hy sinh giấc ngủ trưa để mở cửa mà cho người nghèo một ly nước, hay hy sinh một ly cà phê để giúp cho một người ăn xin vài ba đồng bạc? Chúng ta có dám đón nhận họ một cách không tính toán, không sợ bị làm phiền, bị quấy rầy như Chúa Giêsu hay không? Hay chỉ vì muốn được yên thân, không bị quấy nhiễu mà nhiều lúc chúng ta đã phớt lờ trước những tiếng kêu gào thảm thiết, trước những yêu cầu cấp bách của những người nghèo sống chung quanh chúng ta.

 Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cũng biết học hỏi và bắt chước Chúa khi xưa: đón nhận và yêu thương tất cả những ai cần đến chúng con, đặc biệt là những người đói khổ, nghèo hèn. Xin cho chúng con biết dấn thân để yêu thương và phục vụ, chấp nhận những sự làm phiền, quấy rầy của những người khác, để công cuộc loan báo Tin Mừng cho người nghèo ngày một phát triển và lan rộng trên khắp thế giới.

Thứ Ba – Ngày 07 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Bài đọc : St 1,20-2,4a

Tin Mừng : Mc 7,1-13

[…] Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” […]

SỐNG TINH THẦN LUẬT

Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD

Tin Mừng hôm nay mô tả việc Đức Giêsu đã phản ứng lại người Pharisêu và các kinh sư cách mạnh mẽ vì họ chỉ quan tâm giữ những luật lệ của con người mà quên đi luật của Thiên Chúa. Chúa Giêsu lấy lời của ngôn sứ Isaia mà khiển trách họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7,6-7; x. Is 29,13). Và Chúa Giêsu kết luận: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8).

Toàn bộ lề luật Do Thái đều được rút ra và diễn nghĩa từ Cựu Ước, gồm 613 điều luật, trong đó điều cấm là 365, còn điều phải làm là 248, không tính những điều luật phụ. Hôm nay, Đức

Giêsu đã dạy cho người Pharisêu và các kinh sư một bài học: phải biết thực hiện điều gì là cốt yếu, nghĩa là tuân giữ và thực thi luật Thiên Chúa hơn là luật của phàm nhân.

Trong cuộc sống thường ngày, tôi đã không ít lần mắc phải lỗi này: tôi nói thì hay nhưng lại thực hiện không được; dạy dỗ người ta nhưng chính mình lại không giữ, thậm chí còn tệ hơn – ngôn hành bất nhất. Lại nữa, chỉ thấy người khác phạm luật và trách mắng họ, còn chính mình thì bê bối hơn cả những gì mình trách người.

 Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp con biết nhận ra bài học mà Chúa đã dạy cho người Pharisêu và các kinh sư để con biết sống khiêm tốn, biết quan tâm và thực thi điều cốt lõi hơn là quan tâm và thực thi những điều phụ. Xin cho con biết dùng chính hành động làm cho lời nói có giá trị, nghĩa là khi muốn ai giữ luật, thì mình phải biết làm gương trước.

Thứ Tư – Ngày 08 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Bài đọc : St 2,4b-9.15-17

Tin Mừng : Mc 7,14-23

… Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

LỜI KÊU GỌI HOÁN CẢI

Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Trung Tuyến, SVD

“Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,21).

Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi đi ra khỏi tình trạng tồi tệ của mình, không phải nhờ những nỗ lực trí tuệ, mà là bằng một sự hoán cải tận căn; nghĩa là tôi phải có ý thức về trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa và tha nhân.

Hôm nay, tôi cũng có thể bị Đức Giêsu

trách vì đặt ra cho mình những luật lệ loài người, những luật lệ được tính ích kỷ tạo ra hoặc những luật lệ áp đặt cho mình từ bên ngoài. Nhiều khi tôi thường để mình đi theo những gì được coi là đáng chuộng, là cần thiết, là tân thời, là hiện đại  đến nỗi có thể khiến tôi lạc xa đường lối của Thiên Chúa, là đường lối đúng đắn duy nhất.

Nẻo đường duy nhất có thể giúp tôi đạt tới, đó là sống theo ý muốn của Thiên Chúa chứ không phải theo những quy tắc của loài người. Nghĩa là, nếu giữ điều răn bên ngoài mà thôi thì không đủ. Chính trái tim tôi phải quy hướng về thánh ý của Thiên Chúa. Thật vậy, khi suy niệm đoạn Tin Mừng này tôi tự hỏi, khi tôi nghe Đức Giêsu nhắc lại các điều răn của Thiên Chúa, khi tôi đọc các điều răn ấy ra trên môi miệng, nhưng tôi có đưa các điều ấy đi vào trái tim chưa?

Ngày hôm nay, lời Đức Giêsu kêu gọi hoán cải vẫn còn rất hợp thời. Trái tim con người cần được thanh thoát với mọi sự, để có thể đầy tràn cảm thức về Thiên Chúa, và nhìn nhận với lòng biết ơn sự lệ thuộc của mình vào Ngài. Cần phải tức khắc, ngay hôm nay, ngay tại vị trí này, lắng nghe lại các lề luật của Thiên Chúa và đưa ra thực hành.

Lạy Chúa, xin cho mọi việc chúng con làm, mọi sự chúng con nghĩ hôm nay đều xuất phát bởi Chúa, để chúng con có thể làm sáng danh Chúa trong mỗi ngày sống của chúng con. Xin Chúa ban thêm cho chúng con sự can đảm để chúng con biết sống cho sự thật.

Thứ Năm – Ngày 09 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Bài đọc : St 2,18-25

Tin Mừng : Mc 7,24-30

Khi ấy, Đức Giêsu đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy Lạp, gốc Phênixi thuộc xứ Xyri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất khỏi.

MỘT LÒNG TIN MẠNH MẼ

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

Thiên Chúa luôn yêu thương và chăm sóc ta một cách chu đáo hơn bất cứ người cha, người mẹ nào trên thế gian này. Nhưng nhiều khi Ngài muốn ta ở trong tư thế chờ đợi, luôn khát khao vào tình yêu và sự quan phòng của Ngài. Vì thế, ta phải tin tưởng và kiên trì trong lời cầu nguyện, không ngã lòng, hay thất vọng nhưng hãy có lòng tin vững mạnh như bà mẹ trong bài Tin Mừng hôm nay.

Có thể nói, dù là dân ngoại nhưng với niềm tin tưởng vào uy quyền của Đức Giêsu, người phụ nữ gốc Phênixi đã van xin Đức Giêsu cứu chữa con gái bà. Cảm kích trước sự khiêm nhường và lòng tin của bà, Đức Giêsu đã làm phép lạ như lòng bà ao ước. Đây là thái độ của người cầu xin thành khẩn và tin tưởng hết lòng. Chúa Giêsu thử nghiệm thái độ thành khẩn ấy bằng câu có thể nói gây tổn thương cho bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”.  Người đàn bà không chút mảy may giận hờn, nhưng bà lại bày tỏ sự khiêm tốn và lòng thành trong khi cầu xin. Bà đã đáp lại câu nói có phần hơi “nặng” bằng lập luận của người có lòng tin: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”.

Nhờ được thử thách trong đức tin, lời cầu xin của bà đã được Chúa nhậm lời. Bà là một tấm gương về sự khiêm tốn, tin tưởng, mạnh dạn và kiên trì trong cầu nguyện.

Lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin kiên trung và một đức cậy vững vàng, để con không tách rời khỏi tình yêu của Chúa dù gặp khó khăn, thử thách nhưng biết phó thác đời mình trong bàn tay quan phòng của Ngài.

Thứ Sáu – Ngày 10 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Thánh Scholastica, trinh nữ. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : St 3,1-8

Tin Mừng : Mc 7,31-37

Khi ấy, Đức Giêsu bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Épphatha, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

ÉPPHATHA, “HÃY MỞ RA”

Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD

Cha ông ta thường nói: “đau mắt mới biết thương người mù”. Trong cuộc sống mỗi người chúng ta, thường thì chỉ khi gặp người mù chúng ta mới thấy mình diễm phúc vì có đôi mắt sáng. Chỉ khi gặp người què chúng ta mới thấy quý trọng đôi chân.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hiểu được nỗi bất hạnh của người câm điếc và đồng thời rung cảm bởi lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại. Chúa bảo người câm điếc rằng: Épphatha, “hãy mở ra”. Hãy mở ra có nghĩa là Chúa đã mở miệng và tai cho người câm nói và nghe được, đồng thời Ngài cũng giải thoát cho người ấy thoát khỏi tình trạng bị trói buộc bởi tội lỗi.

Như Chúa ngày xưa đã chạm vào tai của người điếc, chạm vào lưỡi của người câm, hôm nay Chúa cũng nói, cũng chạm vào tôi, vào tất cả chúng ta. Chúa bảo chúng ta hãy mở con tim ra để rung cảm trước tình yêu bao la của Chúa, để thổn thức trước những đau khổ của anh chị em. Chúa bảo chúng ta mở đôi tay đang nắm chặt của chúng ta để biết sẻ chia với những người thiếu thốn.

Lạy Chúa, xin chữa lành sự câm, điếc tâm hồn chúng con, để chúng con nghe và thấu cảm lời Chúa. Xin Chúa mở miệng lưỡi con để con thức tỉnh thế giới vô cảm trong con để con biết rung động trước Lời của Chúa.

Thứ Bảy – Ngày 11 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Đức Mẹ Lộ Đức (Tr).

Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân

Bài đọc : St 3,9-24

Tin Mừng : Mc 8,1-10

Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông dân chúng, và họ không có gì ăn, nên Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.” Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?” Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc.” Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn luôn cá nữa. Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. Lập tức, Đức Giêsu xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đanmanutha.

XÓT LÒNG

Lm. Gioan B. Nguyễn Hữu Duy, SVD

Bất cứ ai cũng có thể “mủi lòng” khi gặp những người “đáng thương”. Nhưng “mủi lòng” vẫn chỉ là cảm xúc nhất thời, mau qua, nếu không dẫn đến những hành động cụ thể. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta mẫu gương về “chạnh lòng xót thương” của Chúa Giêsu.

Trước hết, Chúa Giêsu “xót lòng” vì biết rằng đám đông dân chúng theo Người “đã ba ngày mà không có gì ăn”. Người biết họ từ xa đến và không muốn họ trở về với cái bụng đói vì sợ họ sẽ xỉu dọc đường (x. 8,2-3). Nhờ biết “chạnh lòng thương”, Chúa Giêsu nhận ra những nhu cầu cấp bách của họ.

Sau nữa, vì “xót lòng” dân chúng, Người sẵn sàng làm bất cứ việc gì để đáp ứng nhu cầu của họ. Nhờ biết “xót lòng” Chúa Giêsu dám bắt đầu từ những gì nhỏ nhặt là bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ. Sự trao ban vì tình thương thì dù nhỏ nhặt cũng mang giá trị thật lớn lao.

Biết bao lần trong đời, tôi đã gặp những người “đáng thương”, tôi đã “mủi lòng” nhưng vẫn chưa “chạnh lòng xót thương” đủ để dám làm điều gì đó, dù nhỏ nhặt, cho họ. “Chạnh lòng” chưa đủ mà còn cần “xót thương” thật sự để dám can đảm hành động vì người khác, nhất là những người đang cần tình thương sưởi ấm.

Lạy Chúa, xin cho con biết “chạnh lòng xót thương” để nhận ra những nhu cầu cấp thiết của anh chị em con; và xin cho con dám làm những gì trong tầm tay con để đáp ứng nhu cầu của họ.

Bài trướcVideo Hành hương đầu năm Đinh Dậu 2017 tại La Vang
Bài tiếp theoVideo Thư gửi các Gia đình Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.