Mùa Thường Niên – Tuần II – Năm A

0
341

CHÚA NHẬT – NGÀY 15 THÁNG 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc 1 : Is 49,3.5-6

Bài đọc 2 : 1 Cr 1,1-3

Tin Mừng : Ga 1,29-34

Khi ấy, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ítraen, tôi đến làm phép rửa trong nước.” Ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

CHIÊN THIÊN CHÚA

Tu sĩ Antôn P. Cao Xuân Thành, SVD

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Gioan giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, đấng xoá tội trần gian”. Chiên Thiên Chúa là Đức Giêsu sẽ khử trừ tội lỗi thế gian. Ngài là Đấng xoá tội thế gian và là ánh sáng muôn dân. Nhờ Ngài, muôn dân được đón nhận ơn cứu độ.

Trong Thánh Lễ, trước khi cho rước Mình Thánh Chúa, linh mục nâng cao Mình Thánh Chúa và mời gọi: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”. Rước Lễ, lãnh nhận Thịt Chiên Thiên Chúa là hành động cụ thể diễn tả sự tin nhận Đức Giêsu và đón lấy ơn cứu độ Ngài ban. Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, tôi luôn ao ước được rước Mình Thánh Chúa. Và lúc đó, tôi thật sự được đón nhận Đức Giêsu để múc lấy sức mạnh từ Ngài. Để rồi, tôi cũng phải luôn ý thức cách sống của mình, phó thác vào Chúa và góp phần giới thiệu Chúa cho mọi người.

Lạy Chúa, xin cho con luôn có ý thức khi rước Mình Thánh Chúa và củng cố con trong đức tin mà con đã lãnh nhận, đã tuyên xưng và đã cam kết. Xin Chúa ban cho con ơn trung thành với đức tin mà con đã tuyên xưng trước mặt Chúa và cộng đoàn.

THỨ HAI – NGÀY 16 THÁNG 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc : Hr 5,1-10

Tin Mừng : Mc 2,18-22

Khi ấy, các môn đệ ông Gioan và các người Pharisêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”

HIỆN DIỆN CỦA TÌNH YÊU

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Khi yêu người ta luôn nghĩ về người mình yêu. Vì thế, trong tận sâu thẳm tâm hồn họ sẽ luôn cảm nghiệm được một sự hiện diện ắp đầy niềm vui sướng, hạnh phúc. Hôm nay, các môn đệ của ông Gioan và những người Pharisêu thắc mắc với Đức Giêsu về việc tại sao các môn đệ của Ngài lại không ăn chay và Ngài đã trả lời họ bằng một câu hỏi: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ?” (Mc 2,19).

Chay tịnh là một phương thế để hướng lòng ta lên cùng Thiên Chúa. Khi trong ta có Thiên Chúa ở cùng thì mọi rào cản và lề luật sẽ chẳng là gì. Vì sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa sẽ biến mọi lề luật trở thành tình yêu của Ngài. Kitô hữu cần vượt ra xa khỏi những ràng buộc của lề luật để sống trong niềm hạnh phúc vô biên vì chỉ có ai thật sự sống trong tình yêu mới có thể cảm nghiệm được điều này. Nếu chúng ta không cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình thì cho dù chúng ta có ăn chay, hy sinh, hãm mình đến đâu cũng chẳng sinh ích gì. Vì nó cũng tựa như khi ai đó đang ngồi bên cạnh người yêu mà lại ước mơ gặp được người mình yêu.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, một sự hiện diện đầy ắp tình yêu thương mà Chúa đã dành cho con. Xin cho con luôn  cảm nghiệm và sống trong sự hiện diện của Chúa để mọi việc con làm, mọi lời con nói, mọi suy nghĩ và hành động của con là những cử chỉ của lòng yêu mến.

THỨ BA – NGÀY 17 THÁNG 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Antôn, viện phụ. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Hr 6,10-20

Tin Mừng : Mc 2,23-28

Vào một ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisêu liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi, ngày sabát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế Abiatha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Người nói tiếp: “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”

LUẬT VÌ CON NGƯỜI

Lm. Giuse Lâm Văn Việt, SVD

Chúng ta có thể nói được rằng: con người sống không thể thiếu luật lệ vì luật giúp con người sống có tổ chức, có trật tự, và an tâm để thăng tiến bản thân. Trong mọi thể chế của xã hội cũng như Giáo Hội đều cần có lề luật, nhưng lề luật cũng tùy từng con người, từng xã hội quan niệm; nó tốt hay xấu, lợi hay hại tùy vào con người.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy điều đó qua việc giữ luật ngày sabát. Dân Do Thái đã hình thành một bộ luật khá chi tiết chi phối tất cả mọi sinh hoạt của người dân: như rửa tay trước khi ăn, ngày sabát không những phải nghỉ việc mà còn không được đi quá một quãng đường đã được qui định, đến nỗi người dân bị bao vây bởi một mạng lưới luật pháp. Chúa Giêsu đến giảng dạy với một tinh thần phóng khoáng, người nghe như được tháo cởi xiềng xích. Điều luật mà Chúa nhấn mạnh đó là điều răn mới: lòng khoan dung và tình yêu thương. Tinh thần mới này tỏ ra rất hấp dẫn đối với những người đang bị luật lệ trói buộc. Cái nhìn khoan dung của Chúa, nhất là đối với người nghèo, người tội lỗi, đã làm cho những người biệt phái khó chịu, và khi thấy mọi người chạy theo Chúa thì họ đâm ra ghen tức. Lòng khoan dung của Chúa làm cho người này thì vui mừng, người kia thì bực tức khó chịu, còn chúng ta thì thế nào? Nhiều người trong chúng ta thích kết án người khác nhưng chẳng bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu họ hơn. Thế nên, lời kết án của chúng ta thiếu chữ tình. Chúng ta dựa vào lề luật, vào truyền thống để lên án nhau hơn là để bảo vệ và thông cảm cho nhau.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cảm thông và tôn trọng lẫn nhau, để cuộc sống bớt đi những lời kết án lẫn nhau,  bớt đi những nghi kỵ, dèm pha. Xin cho chúng con luôn có trái tim nhân hậu của Chúa để nhìn đời, nhìn người bằng ánh mắt cảm thông thay cho những dị nghị hiềm khích.

THỨ TƯ – NGÀY 18 THÁNG 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc : Hr 7,1-3.15-17

Tin Mừng : Mc 3,1-6

Bắt đầu tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất

Khi ấy, Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi ?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu.

HÃY LÀM LÀNH LÁNH DỮ

Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD

Bài Tin Mừng hôm nay là cuộc tranh luận cuối cùng trong năm cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các kinh sư và người Pharisiêu về việc Chúa Giêsu chữa bệnh trong hội đường vào ngày Sabát. Ở đây, tôi xin chia sẻ hai hành động “rình xem và tố cáo” trong bài Tin Mừng này.

Thật vậy, hai hành động này thể hiện thái độ, lối sống và cái nhìn của những kẻ luôn ẩn mình để chờ cơ hội hãm hại người khác. Những người này luôn sống giả tạo, bên ngoài thì ngon ngọt nhưng bên trong đầy dã tâm, độc ác. Họ thường đi xem xét, bới móc việc làm của những người không cùng quan điểm, không cùng lối sống với mình để bêu xấu danh dự, và loại trừ họ. Trong cuộc tranh luận này, chúng ta thấy rõ hai thái độ mâu thuẫn, đối lập nhau: Những người Pharisêu thì rình xem mọi thái độ và cử chỉ của Chúa Giêsu để có cớ tố cáo Ngài, còn Chúa Giêsu thì làm sáng tỏ mọi sự để thể hiện tình thương và căn tính cốt lõi của mình, đồng thời, Ngài muốn đưa âm mưu của họ ra ánh sáng. Ngài muốn công khai hóa và chính thức hóa việc làm của mình. Hành vi chữa bệnh của Ngài bị gán vào tội vi phạm luật Môsê, luật của cha ông truyền lại. Họ không biết rằng sự tinh tuyền, bản chất của luật đã bị biến chất do sự ích kỷ và ghen ghét của họ. Họ luôn khăng khăng giữ luật theo mặt chữ, sống cứng nhắc, vô trách nhiệm, và thờ ơ trước mọi nỗi thống khổ của con người miễn sao luật lệ được thi hành. Luật được tạo ra để giúp ích cho con người và làm chủ nó, chứ không phải con người sống vì luật.

Lạy Chúa, trong cuộc sống ngày nay, tình thương con người đang dần bị che khuất, lối sống rình mò và tố cáo ngày càng tăng. Con người hay dựa vào nhiều thứ luật lệ để sống mà quên đi tình người. Xin Chúa giúp chúng con can đảm sống chứng tá cho tình thương Tin Mừng.

Thứ Năm – Ngày 19 Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc : Hr 7,1-3.15-17

Tin Mừng : Mc 3,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu cùng với các môn đệ lui về phía Biển Hồ. Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền

Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

LÀM VIỆC NHƯ CHÚA GIÊSU

Tu sĩ Phaolô Đặng Văn Lãng, SVD

Những trình thuật trước đó và đặc biệt là bài Tin Mừng hôm nay của thánh Máccô, cho chúng ta thấy sức hút mãnh liệt từ Đức Giêsu. Dân cư khắp mọi nơi đổ về Biển Hồ để mong được gặp Ngài. Vậy, Đức Giêsu đã làm gì cho dân chúng khi họ đến với Ngài?

Dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay khi đến với Đức Giêsu đều mong được khỏi bệnh, cả về tâm hồn cũng như thể xác. Và họ đã không thất vọng khi tất cả đều được Đức Giêsu quan tâm chữa lành. Dù là với mục đích gì nhưng đối với những con người khốn khổ có lòng tin, Đức Giêsu không bao giờ bỏ rơi họ. Có thể nói, đoạn Tin Mừng trên đã  tóm tắt một ngày làm việc, truyền giáo của Đức Giêsu: Giảng dạy – chữa lành bệnh tật – trục xuất và răn đe ma quỷ. Vì niềm vui và sự cứu độ của những con người khốn khổ có lòng tin, Ngài làm việc một cách hăng say mà quên đi những mệt nhọc cũng như sự nguy hiểm của bản thân mình.

Bản thân tôi cũng đang cố gắng học tập, tu trì để thực hiện ước mơ trở thành một nhà truyền giáo bước theo sứ vụ mà Chúa đã trao phó cho các Tông đồ và Hội Thánh. Hình ảnh Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay chính là một hình mẫu để tôi noi gương bắt chước trên con đường sứ vụ mà mình đang theo đuổi.

Lạy Chúa, là một người theo Chúa, xin cho con cũng biết hy sinh những niềm vui cá nhân mà mang niềm vui Tin Mừng Cứu Độ của Chúa đến với mọi người.

Thứ Sáu – Ngày 20 Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Fabianô, giáo hoàng tử đạo (Đ)

Thánh Sêbastianô, tử đạo (Đ)

Bài đọc : Hr 8,6-13

Tin Mừng : Mc 3,13-19

Khi ấy, Đức Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simôn là Phêrô, rồi có ông Giacôbê con ông Dêbêđê, và ông Gioan em ông Giacôbê – Người đặt tên cho hai ông là Bôanêghê, nghĩa là con của thiên lôi – rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa Ítcariốt là chính kẻ nộp Người.

ĐỨC TIN QUA HÀNH ĐỘNG

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD

“Để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” là hai điều mà Chúa Giêsu mong muốn khi Người lập Nhóm Mười Hai. Hai điều này có thể được hiểu là đời sống cầu nguyện và đời sống mục vụ truyền giáo.

Nhìn vào mẫu gương Giêsu, chúng ta có thể thấy được Người luôn luôn cầu nguyện nhưng cũng luôn luôn hăng say với công việc rao giảng Lời Chúa. Người môn đệ của Chúa là người được Chúa chọn để tiếp tục sứ vụ của Người ở trần gian. Người đó nhất thiết phải giống như Đức Giêsu ít là ở hai điểm nói trên. Chúng ta cần phải cầu nguyện không ngừng để nhận ra sự yếu đuối và kém cỏi nơi mình. Chúng ta không thể thắng được các chước cám dỗ của ma quỷ cũng như không đủ năng lực để có thể làm được việc gì đó cho Chúa. Cầu nguyện cũng nhắc ta nhớ rằng Thiên Chúa chính là nhà truyền giáo duy nhất chứ không phải ai khác. Song song với việc cầu nguyện, người môn đệ Chúa cũng cần phải hăng say với sứ vụ. Dẫu biết rằng truyền giáo là công việc của Chúa và chỉ có Chúa mới là tác nhân đích thực. Nhưng, Thiên Chúa muốn con người cộng tác để cùng Người thi hành công cuộc cứu độ. Thiên Chúa sẽ dùng quyền năng của Người mà biến chúng ta thành những nhà truyền giáo hữu hiệu. Điều duy nhất mà Chúa muốn nơi chúng ta là hãy trao dâng trọn vẹn con người mình không chút lo toan để Người toàn quyền sử dụng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết cầu nguyện để nhận được sức mạnh nơi Chúa, và cũng xin giúp chúng con biết vứt bỏ những ràng buộc không cần thiết để sẵn sàng ra đi mang Chúa đến cho người khác.

Thứ Bảy – Ngày 21 Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo – Lễ nhớ (Đ)

Bài đọc : Hr 9,2-3.11-14

Tin Mừng : Mc 3,20-21

Khi ấy, Đức Giêsu cùng với các môn đệ trở về nhà và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

THỨC TỈNH

Tu sĩ Gioan B. Đinh Dương Minh Quân, SVD

Bài Tin Mừng hôm nay tuy chỉ vỏn vẹn trong hai câu ngắn, thế nhưng giá trị chuyển tải thì thật lớn lao. Điều khiến tôi suy nghĩ là thái độ của mình khi đánh giá về người khác, như chính thân nhân của Đức Giêsu đánh giá về Ngài: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3,21).

Mất trí là gì? Nếu đó không phải là tình trạng không tỉnh táo, rối loạn phán đoán, hoang tưởng, mơ hồ, … Có thể chính chúng ta mới là người đang mất trí khi chúng ta cứ tưởng mình hiểu hết về người nào đó. Thế nhưng, chúng ta thật chẳng biết gì, vì chỉ dựa vào một vài hành vi, một vài cử chỉ, lời nói, chúng ta đã vội vàng phán đoán và kết luận về một con người. Thật sai lầm! Ngay khi chúng ta chưa hiểu hết mình, mà có thể “gán nhãn” cho một người nào đó.

Hãy tỉnh thức, vì thật sự rằng chúng ta đã hiểu biết hết về mình chưa?… Câu hỏi này đã, đang, và sẽ tiếp tục tra vấn chúng ta cho đến cuối của cuộc đời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có cái nhìn yêu thương và tha thứ. Xin cho chúng con biết nhìn lại chính mình, để chúng con biết yêu thương nhiều hơn, biết trao ban nhiều hơn.

Bài trướcHội chợ SVD Mùa Giáng Sinh 2016 & Năm Mới 2017 dành cho Thiếu Nhi có hoàn cảnh đặc biệt
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 2 Thường Niên – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.