Mùa Chay – Tuần V – Năm A

0
778

Chúa Nhật – Ngày 29 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc 1 : Ed 37, 12-14
Bài đọc 2 : Rm 8, 8-11
Tin Mừng : Ga 11, 1-45

Có một người bị đau nặng, tên là Ladarô, quê ở Bêtania, làng của hai chị em cô Mácta và Maria. Cô Maria là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh Ladarô, người bị đau nặng, là em của cô. Hai cô cho người đến nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.” Nghe vậy, Đức Giêsu bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” […]

CẢM THƯƠNG

Khi tai ương ập xuống cuộc đời, đau khổ dường như là điều không thể tránh khỏi. Nhiều người sẽ chất vấn liệu rằng có Thiên Chúa hay không. Nếu có, tại sao Người để con cái mình phải chịu đau khổ? Phải chăng Thiên Chúa vô cảm trước nỗi đau của con người?
Chắc chắn Thiên Chúa không vô cảm trước nỗi khổ đau của chúng ta. Thật thế, Thiên Chúa chúng ta thờ không chỉ là một vị Thiên Chúa quyền uy, ngự ở trên cao, dửng dưng trước những đau khổ của con người, nhưng người còn là Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu và xót thương. Người rung động trước những nỗi khổ của chúng ta.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã rơi nước mắt trước cái chết của anh Ladarô. Đó là giọt nước mắt của sự cảm thông, của lòng trắc ẩn. Hơn thế nữa, Chúa không chỉ dừng lại ở sự cảm thương, nhưng còn làm phép lạ cho anh Ladarô sống lại; Người đã mang lại niềm vui bị mất cho hai chị em cô Mácta và Maria. Thế đó, Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa của lòng xót thương.
Kinh nghiệm những khi đau khổ cho thấy, Thiên Chúa cách này hay cách khác tìm cách an ủi và chữa lành cho chúng ta. Người ban ân sủng để chúng ta vượt qua những thời khắc khó khăn; Người gửi sứ giả của Người là anh chị em xung quanh tới để chữa lành chúng ta. Ý thức về những ơn lành Chúa ban trong mọi giây phút của cuộc sống, chúng ta cảm tạ Chúa và nguyện trở nên những khí cụ bình an của Người; chúng ta nhạy bén, có lòng cảm thương để an ủi những anh chị em đang khổ đau bên cạnh chúng ta.
Lạy Chúa, xung quanh chúng con còn quá nhiều cảnh đời bất hạnh; có những nỗi đau thầm kín, có những nỗi khổ bên ngoài. Xin ban cho chúng con một trái tim biết cảm thương của Chúa, để chúng con đồng cảm với những đau khổ của anh chị em chúng con và xoa dịu những nỗi đau của họ.
Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Thứ Hai – Ngày 30 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Ðn 13, 41c-62
Tin Mừng : Ga 8, 1-11

Còn Đức Giêsu thì đến núi Ôliu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao ?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”

NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH

Con người hôm nay dễ xét đoán, kết án và ném đá người khác mà quên đi việc nhìn lại chính bản thân mình. Qua “phiên tòa” trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn lại mình.
Nhìn lại chính mình là hạ mình xuống, nhìn sâu vào trong tâm hồn mình để xét lại những suy nghĩ, lời nói, hành vi của mình trong các mối tương quan, trách nhiệm và bổn phận. Chúng ta cần nhìn lại chính mình, vì chúng ta luôn thích phán xét người khác mà không muốn mình bị phán xét, luôn quên “cái đà” trong mắt mình, mà lại thích tìm kiếm, bêu xấu những “cái rác” của tha nhân.
Hãy nhìn lại bản thân mình, vì không ai trong chúng ta là người vô tội, là công chính trước mặt Chúa cả. Những khi yếu đuối, lầm lỡ, chúng ta đều cần đến sự thông cảm, đều muốn được người khác cho cơ hội, cho con đường để trở về. Vì thế, đừng lên án, buộc tội và làm khổ nhau, mà hãy sống yêu thương và tha thứ. Nhìn lại bản thân mình để giúp chúng ta quay về với Chúa. Từ đó, chúng ta có cơ hội biến đổi chính mình trong Mùa Chay thánh. Nhìn lại bản thân mình để chúng ta biết đồng cảm với mọi người, yêu thương và tha thứ cho những yếu đuối, bất toàn của tha nhân.
Đáp lại sự đòi kết án người phụ nữ ngoại tình cách ồn ào và náo động, Chúa đã im lặng. Chúa đã làm cho mọi người im lặng để nhận ra những yếu đuối và lầm lỗi của bản thân mình mà rút lui. Vậy, để có thể nhìn lại chính mình, chúng ta cần sự thinh lặng thực sự để nghe tiếng Chúa mời gọi sống yêu thương, tha thứ, không kết án và phán xét người khác.
Lạy Chúa, xin cho con ý thức sự yếu đuối của mình, để sẵn sàng chấp nhận sự yếu đuối của anh em. Xin cho con biết yêu người khác như Chúa đã yêu con.
Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Mạnh, SVD

Thứ Ba – Ngày 31 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Ds 21,4-9
Tin Mừng : Ga 8,21-30

Đức Giêsu lại nói với họ: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.” Người Do-thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’?” Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” Họ liền hỏi Người: “Ông là ai?” Đức Giêsu đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” Họ không hiểu là Đức Giêsu nói với họ về Chúa Cha. […]

NƠI ẤY CON TÌM VỀ

Đức Giêsu đã nhiều lần nói về xuất thân của Ngài. Mặc dầu Ngài không nói cách tỏ tường nhưng qua lời Ngài, chúng ta xác tín được Ngài từ trời mà đến: “Các ông thuộc về thế gian này, còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này”. Quả thật, Đức Giêsu luôn ý thức rằng trong mọi sự, Ngài luôn hướng lòng về Chúa Cha để làm sáng tỏ Mầu Nhiệm Nước Trời.
Chúng ta mang trong mình thân phận con người nhưng sâu thẳm trong tâm can, Thiên Chúa đã đặt để nơi mỗi người lòng khao khát được trở về với quê thật là “thượng giới”. Bởi chúng ta được dựng nên từ ý định yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Niềm khao khát ấy luôn thúc giục chúng ta ý thức nơi mình thuộc về và ra sức để thực sự được thuộc về nơi ấy. Thế nhưng, trong một thế giới đầy những sắc màu, sức hấp dẫn của tiền-tài-tình đang tạo nên một lực hút khủng khiếp để giữ chặt con người ở “thế gian này”, nơi mà thực chất chỉ là chốn tạm bợ. Con người đang bị cuốn theo và dần quên đi nơi mình thuộc về.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhớ nơi mình thực sự thuộc về, đó là “thượng giới”. Lời mời gọi ấy thôi thúc chúng ta quyết liệt đứng lên, kéo mình ra khỏi hấp lực của các thú vui trần thế, để thực sự được trở về. Chúng ta đã sa ngã, đã “đi xa” nhưng Chúa luôn mời gọi và luôn sẵn sàng giúp sức để chúng ta trở về. Vậy chúng ta hãy can đảm ký thác đường đời cho Chúa và xin Ngài trợ lực chúng ta trong ơn thánh của Người.
Lạy Chúa, chúng con thuộc về Chúa và sâu thẳm trong tâm hồn, chúng con hằng khao khát Chúa, là hạnh phúc đích thực của chúng con. Xin Chúa tiếp tục ban ơn trợ lực chúng con trên hành trình dương thế để luôn biết hướng về “thượng giới”, là nơi Chúa hằng hiển trị muôn đời.
Tu sĩ Antôn Hà Thừa Lực, SVD

Thứ Tư – Ngày 01 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Ðn 3, 14-20. 24-25.28
Tin Mừng : Ga 8,31-42

Khi ấy, Đức Giêsu nói với những người Do Thái đã tin Người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Đức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. Tôi biết các ông là dòng dõi ông Ápraham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.” Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Ápraham.” Đức Giêsu nói: “Giả như các ông là con cái ông Ápraham, hẳn các ông phải làm những việc ông Ápraham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Ápraham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.” […]

Ở LẠI TRONG LỜI ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO

Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái đã tin Người. Người mời gọi họ: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ của tôi; các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31).
Chúa Giêsu đã khởi đi từ lòng tin của họ để mời gọi họ bước thêm một bước nữa trong đức tin; đó là ở lại trong Lời của Người, là trở nên môn đệ của Người. Bởi một khi được trở thành môn đệ của Đức Giêsu họ sẽ được biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng họ. Chúa Giêsu muốn nói đến việc giải phóng khỏi sự nô lệ cho tội lỗi, nhưng người Do Thái không hiểu. Họ tự mãn khi cho rằng họ là con cháu Ápraham; họ không phải là nô lệ nên chẳng cần đến sự giải phóng. Khi từ chối lời mời gọi của Chúa Giêsu, họ cố chấp trong tình trạng tội lỗi của mình.
Phụng vụ Lời Chúa trong những ngày cuối của Mùa Chay muốn dẫn chúng ta đến sự giải thoát khỏi sự nô lệ của tội. Bởi hễ ai phạm tội thì làm nô lê cho tội. Chỉ có sự thật mới giải phóng được chúng ta khỏi tội. Mà sự thật được Đức Giêsu nói đến ở đây chính là Người: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,1-6). Và muốn được sự thật giải phóng thì mỗi người chúng ta phải đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu là hãy ở lại trong Lời của Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn yêu mến lời Chúa và thực hành những gì Chúa dạy, để con được sống trong tự do làm con Chúa.
Tu sĩ Giacôbê Nguyễn Hoàng Long, SVD

Thứ Năm – Ngày 02 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V
Thánh Phanxicô Paula

Bài đọc : St 17,3-9
Tin Mừng : Ga 8,51-59

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Người Do Thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Ápraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.’ Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Ápraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?” Đức Giêsu đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. […]

ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ AI?

Suốt ba mươi ba năm ở dưới thế, đặc biệt là ba năm rao giảng công khai, nhiều người muốn biết Đức Giêsu Kitô là ai. Bởi vì, Người đã làm cho họ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác: “Người mù được thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5). Vậy Đức Giêsu Kitô là ai?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tự mặc khải về bản tính của mình: “Người là Con Thiên Chúa” (x. Ga 8,54) và là “Đấng Hằng Hữu” (Ga 8,58). Người là Thiên Chúa đã hóa thành “xác phàm” (x. Ga 1,14), để trở thành con người thật. Như vậy, Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, là người thật và là một ngôi vị Thiên Chúa, với hai bản tính là thiên tính và nhân tính. Người cũng là “Đấng Hằng Hữu,” nghĩa là Đấng luôn luôn hiện hữu, là Alpha và Omega, là nguyên thủy và là cứu cánh (x. Kh 22,13).
Tại sao người Do Thái không nhận ra được bản tính của Đức Giêsu? Vì họ đã quá kiêu ngạo, quá tin vào sự xét đoán mù quáng của mình. Qua những kinh nghiệm, những điều đã thấy, họ cho rằng mình biết sự thật, nắm chân lý. Thái độ mù quáng đó như bức tường ngăn cản họ mở lòng và đón nhận chân lý.
Đối với người Do Thái, Đức Giêsu chỉ là một người phàm không hơn không kém. Do đó, đối với họ, những mạc khải của Đức Giêsu về Thiên Chúa, về những điều cao siêu trở nên ngớ ngẩn. Họ khẳng định, “chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám” (Ga 8,52).
Đức Giêsu là ai đối với bạn và tôi? Ta có thật sự tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu không?
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin, mở đôi mắt tâm hồn và phá vỡ mọi bức tường ngăn cản con nhận biết Ngài.
Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD

Thứ Sáu – Ngày 03 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Gr 20,10-13
Tin Mừng : Ga 10,31-42

Khi ấy, người Do Thái lại lấy đá để ném Đức Giêsu. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Người Do Thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Đức Giêsu bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó […]

CỨNG LÒNG TIN

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc người Do Thái muốn buộc tội Chúa Giêsu, vì họ cho rằng Người đã nói phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ cũng không tin vào các việc Người làm.
Người Do Thái chẳng cần quan tâm tới những việc tốt lành mà Chúa Giêsu đã làm như: cứu chữa kẻ bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, ban của ăn cho người đói khát… Những việc ấy tiết lộ Người là Con Thiên Chúa. Thay vào đó, họ vẫn cứng lòng tin. Họ chỉ nhìn thấy trước mắt họ: Đức Giêsu chỉ là một người phàm như bao người khác, là con ông Giuse và bà Maria, là người làng Nadarét mà thôi. Họ chỉ thấy Người như thế, còn sự kiện Người từ trời mà đến, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, thì họ “không thấy gì cả”. Với đôi mắt phàm tục, họ không thể nhận ra căn tính thần linh của Người.
Qua các dấu lạ Đức Giêsu từng làm, nhiều người trong dân chúng tin theo Người. Họ nhận thấy những việc làm quyền năng nơi Người là dấu chỉ Người phát xuất từ Thiên Chúa. Đồng thời, cũng có những người Do Thái khác lại sinh lòng ghen ghét, đố kỵ Đức Giêsu và họ đã để những ghen ghét làm lu mờ đôi mắt đức tin của mình. Họ kết luận rằng: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”(x. Ga 10, 33). Cùng một hành động nhưng có người xác tín đó là quyền năng phát xuất từ Thiên Chúa, có người lại cho đó là điều phạm thượng.
Lạy Chúa, xin ban cho con đôi mắt đức tin nhạy bén để nhận ra sự hiện diện của Chúa giữa cuộc đời này. Và xin cho con có tấm lòng bao dung, quảng đại để nhận thấy những điều tốt đẹp nơi tha nhân.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Bảo Lộc, SVD

Thứ Bảy – Ngày 04 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V
Thánh Isiđôrô, GM. TSHT.

Bài đọc : Ed 37,21-28
Tin Mừng : Ga 11,45-57

Khi ấy, sau khi ông Ladarô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”[…]

TÍNH TOÁN KIỂU THẾ GIAN

Lời Chúa hôm nay được xếp vào trước ngày Chúa Nhật Lễ Lá, cho ta biết những toan tính của các Thượng Tế và những người Pharisêu đối với Chúa Giêsu:
“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Như thế, ta cũng biết trước những gì đang chờ đợi Chúa Giêsu ở Giêrusalem.
Giới lãnh đạo Do Thái đã biết được quyền năng của Đức Giêsu khi chính miệng họ thừa nhận rằng: “Người này làm nhiều dấu lạ”. Như vậy, từ trong lòng mình, những kẻ chống đối Đức Giêsu vẫn phải thừa nhận những dấu lạ mà Đức Giêsu đã thực hiện. Chỉ có điều, trước mặt toàn dân, họ ra sức phủ nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Không chỉ phủ nhận Người, họ còn viện cớ rằng vì Đức Giêsu mà chính quyền Rôma sẽ đến tiêu diệt dân tộc Do Thái. Thực chất là giới lãnh đạo không phải lo cho dân, nhưng là lo cho quyền lợi và địa vị của chính mình.
Đức Giêsu vẫn trung thành phụng sự Chúa Cha; Người đến thế gian để dẫn đưa dân về với Chúa Cha. Vì quá tham lam, con người ta vẫn thường bám rễ vào thế gian hơn là với Thiên Đàng. Thậm chí, để an ổn địa vị, người ta hạ sát Con Thiên Chúa. Sứ vụ của Chúa Giêsu là dẫn đưa con người đến bình an và tha thứ. Khi không đi theo đường lối của Người, con người không còn có ai để tựa vào như là nguồn bình an cho cuộc đời.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con hiểu rằng, Con Thiên Chúa đã chọn cái chết như một cách thức trọn vẹn nhất để chuộc lại lỗi lầm của chính con người chúng con. Xin cho chúng con cũng biết sống trọn cuộc sống này với niềm tin tưởng và trung thành cho đến cùng trong đường lối yêu thương của Chúa.
Lm. Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

 

Bài trướcTín hữu Công giáo Trung Quốc tặng khẩu trang cho Ý và Vatican
Bài tiếp theoTUYỂN SINH ƠN GỌI NGÔI LỜI 2020

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.