Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXX TN B (Mc 10,46-52)

0
610

KẺ CHỚP THỜI CƠ SIÊU HẠNG

 

Bản văn và dịch sát nghĩa (Mc 10,46-52)

Hy Lạp Việt
46 Καὶ ἔρχονται εἰς Ἰεριχώ. Καὶ ἐκπορευομένου αὐτοῦ ἀπὸ Ἰεριχὼ καὶ τῶν μαθητῶν αὐτοῦ καὶ ὄχλου ἱκανοῦ ὁ υἱὸς Τιμαίου Βαρτιμαῖος, τυφλὸς προσαίτης, ἐκάθητο παρὰ τὴν ὁδόν.

47 καὶ ἀκούσας ὅτι Ἰησοῦς ὁ Ναζαρηνός ἐστιν ἤρξατο κράζειν καὶ λέγειν· υἱὲ Δαυὶδ Ἰησοῦ, ἐλέησόν με.

48 καὶ ἐπετίμων αὐτῷ πολλοὶ ἵνα σιωπήσῃ· ὁ δὲ πολλῷ μᾶλλον ἔκραζεν· υἱὲ Δαυίδ, ἐλέησόν με.

49 καὶ στὰς ὁ Ἰησοῦς εἶπεν· φωνήσατε αὐτόν. καὶ φωνοῦσιν τὸν τυφλὸν λέγοντες αὐτῷ· θάρσει, ἔγειρε, φωνεῖ σε.

50 ὁ δὲ ἀποβαλὼν τὸ ἱμάτιον αὐτοῦ ἀναπηδήσας ἦλθεν πρὸς τὸν Ἰησοῦν.

51 καὶ ἀποκριθεὶς αὐτῷ ὁ Ἰησοῦς εἶπεν· τί σοι θέλεις ποιήσω; ὁ δὲ τυφλὸς εἶπεν αὐτῷ· ραββουνι, ἵνα ἀναβλέψω.

52 καὶ ὁ Ἰησοῦς εἶπεν αὐτῷ· ὕπαγε, ἡ πίστις σου σέσωκέν σε. καὶ εὐθὺς ἀνέβλεψεν καὶ ἠκολούθει αὐτῷ ἐν τῇ ὁδῷ. (Mk. 10:46-52 BGT)

46 và họ đến Giê-ri-khô. Và khi Người và các môn đệ của Người cùng với đám đông lớn đang ra khỏi Giê-ri-khô người con của ông Ti-mai-os, Bar-ti-mai-os, một người mù, người ăn xin, đang ngồi bên vệ đường.

47 Bởi vì anh ta nghe rằng đó là Đức Giê-su Na-gia-rét, anh ta bắt đầu la lên và nói rằng: “Hỡi Giê-su, con vua Đa-vít, xin thương xót tôi”

48 và nhiều người cứ ngăn cấm anh ta để anh ta phải im lặng, nhưng anh ta cứ càng la nhiều hơn nữa: “Con vua Đa-vít ơi, xin thương xót tôi.

49 Sau khi đứng lại, Đức Giê-su nói: “Hãy gọi anh ta và họ gọi người mù, nói rằng: “Can đảm lên, hãy trỗi dậy, Người gọi anh đó”

50 Sau khi quăng áo choàng của mình, nhảy lên, anh ta đi đến cùng Đức Giê-su.

51 Đáp lại anh ta, Đức Giê-su nói: “Anh muốn Tôi làm gì cho anh?”. Anh mù nói: “Thưa Thầy, để mà tôi có thể thấy”

52 Đức Giê-su nói cùng anh ta: “Hãy đi, đức tin của anh đã cứu anh, và ngay lập tức anh đã nhìn thấy và cứ đi theo Người trên đường của Người.

 

Bối Cảnh

Xét về không gian, Mc 10,46-52 là đoạn văn cuối cùng trong loạt bài giảng của Đức Giê-su trên đường lên Giê-ru-sa-lem bắt đầu từ Mc 10,1. Tiếp theo ngay sau đoạn này, sẽ là trình thuật về sự kiện Đức Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Xét về nội dung, câu chuyện này tiếp tục những phép lạ nhằm mạc khải Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và sự chậm chạp của các môn đệ trong việc hiểu và đón nhận một Đức Ki-tô chịu khổ nạn, chịu chết. Địa danh Giê-ri-khô nối kết với nhiều trình thuật trong Cựu Ước, đặc biệt là trình thuật chiếm đất hứa (Gs 6). Trong Tân Ước, Giê-ri-khô cũng xuất hiện trong câu chuyện người Samari nhân hậu (Lc 10); chuyện liên quan đến Gia-kêu (Lc 19). Danh xưng “con vua Đa-vít” được nhắc đến nhiều lần trong cả ba Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 9,27; 15,22; 20,30; 21,15; Lc 18,38). Khuyết tật “mù” cũng là một đề tài khá phổ biến trong truyền thống Tin Mừng (Mc 8; 10; Mt 12; 15; Ga 9). Chủ đề về “đức tin” dẫn đến sự cứu chữa cũng là một trong những chủ đề chính yếu trong các phép lạ chữa lành (Mc 5,34; 10,52; Mt 8,10.13; 9,22.29; Lc 8,48.50; Lc 17,19). Động từ “trỗi dậy” là một động từ đặc biệt. Nó diễn tả sự sống lại của Đức Giê-su (Mc 6,14.16; 14,28; 16,6.14). Hành động “đi theo” là hành động của một người môn đệ (Mt 4,20.25; Mc 1,18.20).

Cấu Trúc

Câu chuyện được đóng khung bằng phần mở đầu và phần kết thúc. Phần mở đầu giới thiệu số phận hẩm hiu của anh mù: Ăn xin, ngồi bên vệ đường // Phần kết nói đến sự đổi đời của anh mù: Đứng dậy, nhìn thấy và bước đi. Phần giữa là câu chuyện giữa anh mù và Đức Giê-su được xây dựng xoay quanh chủ đề niềm tin của anh mù. (a) Tiếng kêu cứu bất chấp sự cản trở của đám đông// (a’) Đức Giê-su đã lắng nghe, dừng lại và cho gọi anh; (b) Khi được gọi anh ta đã bỏ hết mọi sự để đến với Đức Giê-su// (b’) Đức Giê-su lắng nghe khát vọng của anh; (c) Anh mù tỏ bày khát vọng // (c’) Đức Giê-su đáp trả khát vọng và nhìn nhận niềm tin của anh.

Mở đầu: Người mù, ăn xin, ngồi bên vệ đường (10,46)

(a)Tiếng kêu cầu trong niềm tin của người mù bất chấp sự cản trở (47-48)

(a’) Đức Giê-su lắng nghe và yêu cầu gọi anh mù (10,49)

(b) Hành động trong đức tin: Quăng áo choàng, nhảy lên, đi đến (10,50)

(b’) Đức Giê-su lắng nghe khát vọng của anh mù (10,51a)

(c) Bày tỏ đức tin: “Thưa Thầy, để mà tôi có thể thấy” (10,51b)

(c’) Đức Giê-su đáp trả cho đức tin: Đức tin đã cứu anh (10,52a)

Kết thúc: Người mù nhìn thấy, và đi theo Đức Giê-su (10,52b)

Một số điểm chú giải

  1. Giê-ri-khô: Giê-ri-khô cách Giê-ru-sa-lem chừng 24 km (15 miles) về hướng Đông Nam, cách sông Gior-đan chừng 8km (5 miles) theo hướng Tây. Cổ thành Giê-ri-khô được xem là thành phố đầu tiên trong lịch sử nhân loại có tường bao quanh. Cổ thành có lẽ đã có từ khoảng năm 9000 BCE.[1]Giê-ri-khô xuất hiện lần đầu tiên trong trình thuật Thánh Kinh gắn với cuộc chinh phục đất Ca-na-an vào cuối thời đồ đồng (1500-1200). Cuộc bao vây và chiếm thành được kể lại trong sách Giô-suê chương 6. Sau khi bị phá hủy, nó trở thành đất hoang trong khoảng bốn thế kỷ. Không có dân cư sinh sống ở đây, trong suốt thời gian của ngôn sứ Ê-li-ah và Ê-li-sa (2 V 2,4). Giê-ri-khô được Hiel Bethen xây dựng lại trong suốt thời của vua A-kháp (873-851 BCE). Giê-ri-khô có nối kết khá gần với sứ vụ của Đức Giê-su. Người chịu phép rửa tại sông Gio-đan, nơi gần thành phố này (Mt 3,5-17). Cơn cám dỗ của Người có lẽ cũng xảy ra trên vùng núi phía Tây của thành phố (Mt 4,1-11). Người cứu chữa anh mù Bar-ti-mai-os (Mc 10,46-52) ngay bên thành Giê-ri-khô; Cuộc gặp gỡ với người thu thuế giàu có Gia-kêu cũng diễn ra ờ thành này (Lc 19,1-11).[2] Tuy nhiên, trong những trình thuật này, thành Giê-ri-khô chỉ là nơi được nhắc đến như là một thành được Đức Giê-su đi ngang qua. Trên thực tế, không một lời giảng hay hoạt động nào của Đức Giê-su trong thành được ghi lại. Trong câu chuyện này, Đức Giê-su cùng với đám đông và các môn đệ đang đi ra khỏi thành thì gặp anh mù Bar-ti-mai-os. Sự kiện Đức Giê-su băng qua Giê-ri-khô lên Giê-ru-sa-lem, được xem như là một cuộc chinh phạt Giu-đê của Giô-suê mới.[3]
  2. Đi ra khỏi Giê-ri-khô: Cả Mác-cô và Mát-thêu (Mt 20,29) đều cho rằng Đức Giê-su gặp anh mù khi đang đi ra khỏi thành, còn Luca thì nói cuộc gặp gỡ xảy ra lúc Đức Giê-su đến gần thành (Lc 18,35). Chi tiết này có thể cho thấy vị trí của anh mù. Anh đang ngồi ở một nơi ngoài thành phố. Anh không thuộc về thành phố này. Trục đường Giê-ru-sa-lem cũng là trục đường được nói đến trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu: “Một người đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô” (Lc 11,30). Đây là tuyến đường thương mại của những người buôn bán giàu có, cũng như là con đường dành cho những người đạo đức đi lên Giê-ru-sa-lem để thờ phượng.[4]
  3. Bar-ti-mai-os, một người mù, người ăn xin, đang ngồi bên vệ đường.Rất nhiều chi tiết được người thuật chuyện nhắc đến rất đáng chú ý. Chi tiết thứ nhất cần được quan tâm là tên tên của người này. Tên anh ta gồm hai phần: (i) Bar: Người con trai và (ii) Timaios có gốc từ danh từ timios, có nghĩa là danh dự, có giá trị, và động từ là timeo (làm vinh dự). Những cái tên thường gắn với chữ “bar” như là Barrabas, Bar-Jesus, Barjona, Barnabas, Bartholomeo. Những cái tên thường gắn với timaios là Timaeus, Timon, Timothy. Tác giả Luca không nhắc đến tên của người này, chỉ nhắc đến bệnh tật và “nghề” của anh ta (người mù, đang ngồi ăn xin). Mát-thêu cho biết không những một người mà hai người mù, nhưng cũng không nói tên và không nói đến việc họ là những người ăn xin. Tác giả Mát-thêu thường có thói quen gấp đôi hai nhân vật như thế (8,28: Hai người bị quỷ ám; 9,27: Hai người mù; 24,40: Hai người đàn ông đang làm ruộng… hai người phụ nữ đang kéo cối xay). Lý do cho thói quen này vẫn chưa có một lời giải đáp thỏa đáng. Lý giải cho trường hợp Mát-thêu gấp đôi hai người mù ở đây, tác giả D.J. Harrington cho rằng có thể vì Mát-thêu đã không có câu chuyện chữa lành người mù tại Bết-sai-đa như Mác-cô (Mc 8,22-26).[5] Như vậy, chỉ có Mác-cô nói đến tên của người này. Một mặt, tên của anh ta có vẻ rất ngụ ý: Đứa con trai của vinh dự.[6] Danh xưng này có thể ngụ ý cho ân huệ được chữa lành sau đó của anh. Mặt khác, danh xưng này cũng có thể ám chỉ rằng người ta không biết tên anh ta là gì nên chỉ gọi anh ta bằng danh xưng “con trai của ông Ti-mai-os” như tác giả Mác-cô đã giải thích (ὁ υἱὸς Τιμαίου). Kiểu gọi này nhằm nhấn mạnh đến sự vô danh của người đàn ông này. Có thể vì cái tên “con ông Ti-mai-os” không có nghĩa gì nên cả Mát-thêu và Luca đều bỏ đi phần gọi tên người này của Mác-cô. Tuy nhiên, đối với Mác-cô, cách gọi tên như vậy vừa tô đậm thêm sự bần cùng, đau khổ trong cuộc đời anh ta (một người không có tên), vừa báo trước một tương lai xán lạn của anh. Những chi tiết tiếp theo cho thấy thân phận hẩm hiu của nhân vật này: Mù, ăn xin, ngồi bên vệ đường. Anh ta là một người khuyết tật, chỉ sống nhờ vào tình thương của người qua kẻ lại. Hành động ngồi cho thấy rằng anh ta cố định một chỗ, rất khó để di chuyển. Không gian sống của anh bị hạn chế vào một nơi chật hẹp. Trạng ngữ chỉ nơi chốn: “Bên vệ đường”, cùng với địa điểm ngoài thành, càng khắc họa rõ nét thân phận bị bỏ rơi của anh ta. Anh ta không thể bước trên đường như những người khác. Anh chỉ có thể ngồi bên vệ đường ngoài thành. Anh bị đẩy ra ngoài lề xã hội, giữa dòng người qua lại tấp nập.
  4. Nghe: Người khiếm thị thường có đôi tai rất thính, có lẽ vì họ không còn nhìn được nên tập trung hoàn toàn vào khả năng của thính giác. Anh ta nghe rằng đó là Giê-su Na-gia-rét. Đây là một danh xưng bình thường của Đức Giê-su. Người tên là Giê-su và đến từ làng Na-gia-rét (x. Mc 1,9.24). Mác-cô không cho biết bằng cách nào, anh này đã nghe rằng Đức Giê-su Na-gia-rét đang ở đó. Tác giả Luca cho độc giả biết thêm là có ai đó đã báo cho anh này biết là Đức Giê-su Na-gia-rét đang đi ngang qua. Có thể là Luca cảm thấy cần phải làm rõ thêm điểm này nên thêm vào chi tiết là “họ báo cho anh biết rằng Đức Giê-su Na-gia-rét đang đi qua đó” (Lc 18,37). Đây có lẽ không phải là lần đầu tiên anh ta nghe về Đức Giê-su Na-gia-rét. Hình như anh ta đã nghe nhiều thông tin về Người. Ít nhất là thông tin về những phép lạ chữa lành của Đức Giê-su. Có thể anh đã từng nghe về phép lạ làm cho người mù sáng mắt ở Bết-sai-đa (Mc 8,22-26)
  5. Bắt đầu la lên…cứ quát nạt … cứ la nhiều hơn: “Bởi vì anh ta nghe rằng đó là Đức Giê-su Na-gia-rét, nên anh ta bắt đầu la lên”. Tiếng la của anh cốt để cho Đức Giê-su nghe thấy. Nhưng khi anh vừa la lên, nhiều người đã cố tình ngăn cản tiếng la ấy. Họ ngăn cấm anh ta và buộc anh phải im lặng. Động từ “quát nạt” (hay đe dọa) được dùng ở thì “vị hoàn” (diễn tả sự kéo dài). Họ “cứ đe dọa” anh hay là họ “cố đe dọa anh”. Cách dùng này rất giống với cách dùng để diễn tả các môn đệ trong việc “quát nạt” những trẻ nhỏ khi người ta mang trẻ nhỏ đến với Đức Giê-su, để xin Người chúc lành (Mc 10,13; Lc 18,15). Hình ảnh nhiều người bắt nạt anh cho thấy sự coi thường của đám đông dành cho anh. Có lẽ họ nghĩ rằng người mù, người ăn xin thì không được lên tiếng; Hay có thể họ nghĩ rằng Đức Giê-su có nhiều việc quan trọng khác phải làm hơn là lưu tâm đến một người ăn xin mù lòa bên vệ đường.[7]Cũng có lẽ là đây là lần đầu tiên anh lên tiếng, vì lâu nay anh chỉ cúi đầu cám ơn những người qua lại cho anh tiền. Tuy nhiên, lời đe dọa này không thể dập tắt được sự khao khát đang trỗi dậy cách mạnh mẽ trong con người anh. Đối lại với hành động của “nhiều người” “cứ quát nạt” anh là hành động anh tiếp tục gào thét. Động từ “gào thét” cũng được chia ở thì vị hoàn (anh cố gào thét mãi). Hành động “gào thét” lần thứ hai được bổ trợ thêm bởi một tính từ “nhiều” và một trạng từ so sánh “hơn nữa” (gào thét nhiều hơn nữa). Hai yếu tố này làm cho sự “gào thét” của anh trở nên cao trào đến nỗi ai cũng phải nghe thấy.  Hành động này vừa cho thấy sự bất chấp sự đe dọa của đám đông, vừa cho thấy niềm tin tưởng[8], hy vọng tuyệt đối anh đang đặt vào Đức Giê-su.[9] Tiếng kêu này là tiếng kêu của một người đang đánh cược với cuộc đời của mình: “Được ăn cả ngã về không”. Nếu được Đức Giê-su đoái nhìn, thì anh sẽ được đổi đời; Bằng nếu không anh sẽ bị dân chúng tẩy chay và sẽ khổ nhiều hơn.
  6. Giê-su, con vua Đa-vít”: Đây là chi tiết để cho độc giả có thể khẳng định rằng kiến thức của anh mù về Đức Giê-su không đơn giản tý nào. Anh ta có lẽ đã nghe nhiều về Đức Giê-su và đã xác tín rằng Người chính là con vua Đa-vít. Người ta chỉ cho anh ta biết là Đức Giê-su Na-gia-rét đang ở đây. Vậy mà, anh lại gọi Người bằng tước hiệu “con vua Đa-vít”.[10]Đây là một tước hiệu chẳng mấy ai biết. Độc giả chắc còn nhớ cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và các môn đệ xoay quanh câu hỏi: “Người ta bảo Thầy là ai?”. Những câu trả lời mang tính đồn đoán từ dân chúng là: “Thầy là Gioan Tẩy Giả”; “Là ông Ê-li-a”; “Một trong các ngôn sứ”. Chỉ có Phê-rô, đại diện cho các môn đệ trả lời rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Đây là câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, Phê-rô và các môn đệ chưa hiểu rõ khía cạnh tự hủy, khổ nạn, chịu chết trong sứ mạng của Đấng Ki-tô. Cách gọi của anh mù cách nào đó tương đương với lời tuyên xưng của Phê-rô, bởi lẽ, theo truyền thống Cựu Ước, Đấng Ki-tô phải xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít.[11] Trình thuật về Giáng Sinh của Đức Giê-su được Mát-thêu và Luca ghi lại luôn nhấn mạnh điểm này (Mt 1,1.20; Lc 2,4.11; Cf. Ga 7,42). Gọi Đức Giê-su là “con vua Đa-vít”, cách nào đó, người ăn xin đã tin rằng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-ah được Cựu Ước nói đến. Đấng Mê-si-ah (Đấng Ki-tô) chính là niềm hy vọng cho những người như anh, vì anh thừa biết ngôn sứ I-sai-ah đã nói về Đấng Mê-si-ah rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Đấng Ki-tô, con vua Đa-vít chính là niềm hy vọng lớn nhất của đời anh. Tước hiệu “con vua Đa-vít được dùng nhiều lần trong Tân Ước. Mát-thêu giới thiệu Đức Giê-su là “con vua Đa-vít” ngay câu đầu tiên của Tin Mừng (Mt 1,1). Đức Giê-su được rước vào thành Giê-ru-sa-lem với lời chúc tụng: “Hoan hô con vua Đa-vít” (Mt 21,9.15). Như thế, rõ ràng người mù này, dù không nhìn thấy, không di chuyển nhiều nhưng anh ta có tầm hiểu biết rất chuẩn về Đức Giê-su Na-gia-rét.
  7. Xin thương xót tôi”: Đây là lời cầu xin trong cơn nguy khốn rất thường được dùng trong truyền thống Cựu Ước, đặc biệt là trong các Thánh Vịnh: “Xin đoái nhìn con và thương xót con vì con cô đơn, và khốn cùng” (Tv 24,16); “Xin thương xót con, lạy Đức Chúa! Hãy nhìn xem nỗi khốn cùng của con từ những kẻ ghét con” (Tv 9,14; Cf. Tv 30,10). Có nhiều khi lời cầu xin thương xót đi kèm với lời cầu xin cứu chữa: “Xin thương xót con, lạy Đức Chúa, xin cứu chữa con vì con đã phạm tội chống lại Người” (Tv 40,5); “Xin thương xót con lạy Đức Chúa, vì con đau khổ, xin cứu chữa con, lạy Đức Chúa vì xương con rung lên sợ hãi” (Tv 6,2). Trong Tân Ước, ngoài câu chuyện này, lời cầu xin này còn được người phụ nữ Canaan dùng để cầu xin cho đứa con gái bị quỷ ám: “Xin thương xót con, lạy Đức Chúa, con vua Đa-vít; đứa con gái của con bị quỷ ám cách rất khổ sở” (Mt 15,27). Đó cũng là lời cầu xin của người cha cho đứa con trai bị bệnh động kinh: “Lạy Đức Chúa, xin thương xót con trai tôi, vì nó bị bệnh động kinh rất đau khổ” (Mt 17,15). Ông phú hộ trong dụ ngôn “Ông phú hộ và anh La-da-rô đã xin tổ phụ Áp-ra-ham thương xót với lời cầu xin tương tự (Lc 16,24). Mười người phong cùi ở biên giới Sa-ma-ri cũng cầu xin cùng Đức Giê-su: “Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót chúng tôi” (Lc 17,13). Trong câu chuyện này, lời cầu xin này được dùng hai lần với độ lớn khác nhau. Khi nghe biết đó là Đức Giê-su Na-gia-rét, anh mù đã bắt đầu kêu lên: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin thương xót con” (Mc 10,47). Sau khi bị nhiều người quát nạt, anh ta càng kêu lớn tiếng hơn nữa: “Lạy con vua Đa-vít xin thương xót con” (10,48). Đây là tiếng kêu đầy khát vọng, kiên định và tin tưởng hoàn toàn nơi Đức Giê-su. Anh gọi bất chấp sự ngăn cản của nhiều người.
  8. Hãy trỗi dậy: Động từ “trỗi dậy” trong bối cảnh này có thể hiểu đơn giản là “đứng lên, đứng dậy” vì anh ta đang ngồi. Tuy nhiên động từ này có một nghĩa khác rất quan trọng gắn bó với mầu nhiệm tử nạn – phục sinh của Đức Giê-su. Đây chính là động từ được dùng để diễn tả sự sống lại của của Đức Giê-su (Mc 16,4.16; Lc 9,22; 24,6.34; Mt 17,9.23; 20,19; 26,32). Dĩ nhiên, những người gọi anh ta “hãy trỗi dậy” không có ý bảo anh “hãy sống lại”. Tuy nhiên, cách dùng động từ của Mác-cô có thể có ẩn ý rằng, lời mời gọi này không phải của đám đông nhưng là của chính Đức Giê-su. Nó làm cho anh thoát ra khỏi cuộc đời đau khổ khi anh phải yên vị một chỗ, chịu đựng sự quát nạt của người khác. Đó là một hành trình đổi đời, sống cuộc sống mới của anh.[12]Những hành động của anh ta sau đó sẽ chứng minh cho cách hiểu này.
  9. Quăng áo choàng … nhảy lên … đi đến. Ba động từ diễn tả những hành động của anh mù ngay sau khi được mời gọi “hãy trỗi dậy” thật đặc biệt. Thứ nhất, anh “quăng áo choàng”. Áo choàng biểu tượng cho hai điều: (i) Là vật bất ly thân, che nắng, che lạnh, để đắp khi ngủ của một người, đặc biệt là người hành khất; (ii) Áo choàng có thể là chiếc áo anh trải ra để đón nhận những gì người qua kẻ lại bỏ vào. Có thể nói đó là phương tiện mưu sinh của anh. Luật Mô-sê có quy định rất chặt chẽ liên quan đến việc cầm cố “áo choàng”: “Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho người đó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó sẽ kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó vì Ta vốn nhân từ” (Xh 22,25-26; Đnl 24,13). Quăng áo choàng có nghĩa là anh ta đã dám bỏ đi cái quý giá nhất của đời mình.[13]Anh sẵn sàng bỏ lại sau lưng phương tiện để mưu sinh.[14] Thứ hai, anh “nhảy lên”. Hành động “nhảy lên” là một hành động mang tính bức phá và liều lĩnh. Người mù sao thấy đường mà nhảy. Nhảy trong bóng tối mù lòa có thể gây nguy hiểm cho mình.[15] Thế mà, anh vẫn nhảy. “Nhảy lên” là thay đổi tư thế hoàn toàn. Lúc đầu, người thuật chuyện giới thiệu với độc giả rằng “anh ta đang ngồi ăn xin”. Giờ đây, anh đã “nhảy lên”, “vứt áo choàng”, sẵn sàng cho cuộc đổi đời. Anh không còn ngồi bên vệ đường nữa, không ăn xin nữa mà đã nhập vào dòng người qua lại.
  10. Anh muốn (θέλω) Ta làm gì cho anh?”: Câu hỏi của Đức Giê-su có vẻ hơi thừa thãi, bởi có lẽ Đức Giê-su đã biết anh ta cần điều gì và Người có lẽ đã có câu trả lời ngay khi chưa hỏi. Tuy nhiên, câu hỏi của Đức Giê-su cho thấy Người rất xem trọng món quà tự do của con người, ngay cả những người thấp hèn nhất. Người sẵn sàng cho anh một không gian để lên tiếng.[16]Câu hỏi đó mở ra một cuộc đối thoại bình đẳng giữa hai con người. Thái độ này hoàn toàn ngược lại với đám đông lúc đầu đã “quát nạt” và “bịt miệng” anh. Độc giả đã gặp thấy cách đối xử của Đức Giê-su dành cho những đứa trẻ. Trong bối cảnh đó, chính các môn đệ của Người cũng “quát nạt” và “ngăn cản” những trẻ em đến với Người. Có lẽ, lần đầu tiên trong cuộc đời, có ai đó xem anh ta như là một con người. Lần đầu tiên có ai đó quan tâm đến việc anh muốn gì, mà người này lại là “con vua Đa-vít”. Đức Giê-su đã mang lại một khác biệt quá lớn trong cách đối xử với một con người. Đó là sự gặp gỡ giữa hai con người, là hình ảnh của Thiên Chúa. Nó vượt trên những so đo, tính toán về địa vị, giai cấp, giàu nghèo… Đức Giê-su luôn luôn đối xử tử tế với những người đau khổ theo phong cách riêng của Người. Khi người ta trách Người tại sao lại ăn uống với phường tội lỗi và quân thu thuế, Người đáp lại rằng: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần” (Lc 5,31). Khi người ta gây áp lực, buộc Người phải đồng tình với việc ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Người lại nói với chị: “Tôi không lên án chị đâu. Chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Khi người Pha-ri-sêu ái ngại vì một người phụ nữ tội lỗi tiếp cận và khóc ướt chân Người, Người lại dạy rằng: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7,50). Những người cùng khổ về thể xác hay tâm hồn đều gặp được sự ân cần như thế, khi đến với Đức Giê-su.

Câu trả lời của anh mù có cấu trúc khá lạ lùng: “Để mà tôi có thể nhìn thấy được” (ἵνα ἀναβλέψω). Đây là một mệnh đề chỉ mục đích và thiếu đi một mệnh đề chính. Câu hoàn chỉnh có thể diễn giải như thế này: Lạy Thầy! Xin Thầy làm gì đó, hay nói gì đó để mà con có thể nhìn thấy được. Nghĩa là, anh ta biết rằng Đức Giê-su có năng lực chữa lành bệnh mù, nhưng Đức Giê-su chữa lành thế nào thì anh không biết. Đây chính là câu nói biểu lộ đỉnh cao đức tin và niềm tín thác của anh, đức tin đã khởi sự từ lúc đầu qua tiếng kêu của anh.

  1. Hãy đi, đức tin của anh đã cứu anh”: Với câu nói của anh mù: “Lạy Thầy! … để mà tôi có thể nhìn thấy được”, Đức Giê-su không cần làm gì cả, Người chỉ công bố rằng anh đã được khỏi và điều mấu chốt đã mang lại sự chữa lành cho anh chính là đức tin của anh, chứ không phải là chính hành động nào của Đức Giê-su. Cách chữa lành lạ lùng của Đức Giê-su làm cho chúng ta thấy khoảng trống của mệnh đề chính còn thiếu nơi câu trả lời của anh mù: “Xin làm gì đó, nói gì đóđể mà con có thể nhìn thấy được”. Thực ra, Đức Giê-su không làm gì cả để chữa lành anh mù, và hành trình đức tin của anh dường như là phần chính yếu trong tiến trình chữa lành này. Tầm quan trọng của đức tin trong các phép lạ chữa lành, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các sách Tin Mừng. Trong phép lạ chữa lành đầy tớ của viên đại đội trưởng, Đức Giê-su đã công bố: “Ông tin thế nào thì được như vậy” (Mt 8,13) và “ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh”. Đức Giê-su thậm chí không cần gặp người đầy tớ này. Tương tự, phép lạ chữa lành con gái người phụ nữ xứ Phê-ni-xi cũng xảy ra nhờ niềm tin của người mẹ: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì được vậy”. Từ giờ đó, con gái của bà được khỏi” (Mt 15,28). Người bại liệt có bốn người khiêng cũng được khỏi bệnh nhờ lòng tin của những người bạn: “Thấy họ có niềm tin như thế, Đức Giê-su bảo người bại liệt: ‘Này con, tội con đã được tha rồi’” (Mc 2,5). Người đàn bà bị băng huyết suốt mười hai năm cũng được chữa lành nhờ lòng tin của bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,34; Lc 7,50). Luca tường thuật lại phép lạ chữa lành mười người phong hủi ở vùng biên giới giữa Sa-ma-ri và Ga-li-lê và chỉ có một người trong số họ được tuyên bố: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Động từ “cứu” (σῴζω) cũng khá đặc biệt trong truyền thống Tin Mừng. Trong bối cảnh này, nó có thể có nghĩa đơn giản là “cứu chữa” khỏi tật khiếm thị. Tuy nhiên, động từ còn có một ý nghĩa thần học sâu sắc hơn. Đó là “cứu thoát”, hay “cứu độ”. Đức Giê-su được gọi là “Giê-su” vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21). Các thiên thần đã loan báo cho các mục đồng rằng: “Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa” (Lc 2,11). Đức Giê-su cũng tự giới thiệu mục đích của Người là đến để tìm và cứu những gì đã mất (Lc 19,10), sau khi đã công bố ơn cứu độ cho gia đình ông Gia-kêu (Lc 19,9). Có thể nói rằng, sự khỏi bệnh của anh không chỉ dừng lại ở khía cạnh thể lý, nhưng còn vươn xa trên bình diện tâm linh.[17] Anh được cứu nhờ đức tin và thay đổi cả cuộc đời của mình. Đức Giê-su mời gọi anh: “Hãy gieo bước hành trình!” (hãy đi). Từ nay, anh không còn ngồi bên lề đường, bên lề xã hội nữa. Giờ đây, anh đã có thể lên đường như bao người khác.
  2. Nhìn thấy”: “Sự nhìn thấy” theo nghĩa đen là được sáng mắt, được thấy tỏ tường mọi cảnh vật xung quanh. Tuy nhiên, sự nhìn thấy cũng tượng trưng cho việc con mắt đức tin được mở ra. Anh thấy Đức Ki-tô, con vua Đa-vít cách tỏ tường hơn, và thấy con đường khổ-tử nạn Người đang đi. Sự nhìn thấy của anh mù dường như đối nghịch lại với sự mù tối của các môn đệ.[18]Đức Giê-su đang cố dạy cho các ông mầu nhiệm khổ-tử nạn – phục sinh mà Đấng Ki-tô phải trải qua, nhưng tất cả các môn đệ vẫn mơ màng khó hiểu. Sau lần tiền báo về cuộc khổ nạn – phục sinh lần thứ ba, (lần cuối cùng), các ông vẫn chìm đắm trong giấc mộng quyền lực, và không chút bận tâm gì đến những điều quan trọng Đức Giê-su đang dạy. Sự “nhìn thấy” của anh mù là một lời mời gọi cho “sự nhìn thấy” của các môn đệ trước khi Đức Giê-su bước vào cuộc khổ nạn.
  3. Cứ đi theo”: Một khi nhìn thấy con đường Đức Giê-su đang đi là con đường dẫn đến Giê-ru-sa-lem, tử địa, người hành khất đã đi theo Người “trên con đường của Người”.[19]Anh ta được mời gọi “gieo bước hành trình” và hành trình mà anh ta chọn là hành trình đi theo Đức Giê-su. Động từ “đi theo” là động từ được dùng để diễn tả hành vi của các môn đệ.[20] Đức Giê-su đã gọi hai anh em Si-môn và An-rê, “hãy theo Ta”, và lập tức “hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,17-18). Hai anh em Gia-cô-bê và Gioan cũng “bỏ cha mình trên thuyền với người làm công mà đi theo Người” (Mc 1,20). Đến lượt ông Lê-vi được gọi, ông cũng “đứng dậy và đi theo Người”. Cách nào đó, người hành khách này đã trở thành người môn đệ của Đức Giê-su. Người môn đệ này nhìn thấy cả khía cạnh vinh quang (phép lạ) lẫn con đường mà Đức Giê-su đang đi (lên Giê-ru-sa-lem), và anh bước theo Người. Động từ “đi theo” được chia ở thì vị hoàn (ἠκολούθει), cho thấy hành trình theo Chúa của anh đang tiếp diễn, kéo dài.

Bình luận tổng quát

Trên đoạn cuối của hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su gặp một người đang mong chờ Người. Dĩ nhiên, Đức Giê-su không đi qua đó như là một hành trình ngẫu nhiên, bình thường. Người đi qua đó, vì Người biết có một anh chàng đau khổ đang cần được Người đoái nhìn. Anh ta là một người mù lòa, ăn xin, ngồi bên vệ đường. Tất cả các thông số về anh ta cho thấy một thân phận hẩm hiu, cùng khổ, sống bên lề xã hội và cậy nhờ vào sự bố thí của người qua kẻ lại. Anh không có quyền lên tiếng, mà có lên tiếng cũng chẳng ai để ý. Khi anh lên tiếng liền bị người ta quát nạt, bịt miệng. Dù anh không nhìn thấy nhưng đôi tai của anh rất thính.  Dường như từ lâu anh đã nghe biết, để ý về Đức Giê-su và mong chờ Người từ lâu. Anh nghe biết rằng Đức Giê-su đã làm cho người mù sáng mắt (8,22-26) ở Bết-sai-đa. Anh biết rằng Người chính là “con vua Đa-vít”, là Đấng Mê-si-ah, niềm hy vọng của những người cùng khổ như anh. Chính vì lẽ đó, khi vừa nghe đó là Giê-su Na-gia-rét, anh đã lập tức la lên: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít xin thương xót tôi”. Đây là tiếng kêu lớn đầu tiên trong cuộc đời anh. Tiếng kêu ấy lập tức làm cho nhiều người phiền toái và quát nạt để anh im đi. Tuy nhiên, anh bất chấp sự ngăn cản ấy, vì anh biết rằng đây là cơ hội hiếm có và cò thể là duy nhất của cuộc đời anh. Thật sự, anh cũng cảm thấy hồi hộp, bởi vì lâu nay anh vẫn sống nhờ vào người qua kẻ lại, nay anh cãi lời của họ, có thể chén cơm sẽ không còn. Anh đã liều mình đánh đổi chén cơm của mình để gào lên nhiều lần nữa. Cuối cùng, Đức Giê-su đã nghe thấy, và dừng lại. Dĩ nhiên, như đã nói, Đức Giê-su không vô tâm đến vậy, Người đi qua lộ trình này có thể cũng là để gặp anh. Tuy nhiên, hành trình vượt ra khỏi bản thân, đánh đổi cả chén cơm, bộc lộ một niềm hy vọng đáng trân quý. Hơn thế nữa, khi nghe rằng Đức Giê-su gọi mình, anh chàng đã vất chiếc áo choàng lại. Đó là chiếc áo che mưa, che nắng, chống lạnh, là chăn đắp mỗi lúc đêm về, là phương tiện để làm kế sinh nhai. Anh đã bỏ lại tất cả để đến cùng Đức Giê-su. Những hy sinh, kỳ vọng của anh rồi cũng được đền đáp. Đức Giê-su đã mở một cuộc đối thoại với một anh mù ăn xin. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Có lẽ đây là người đâu tiên trong cuộc đời quan tâm đến nhu cầu của anh, mà người này lại là Đức Giê-su, “con vua Đa-vít”. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng đã mở ra một cuộc gặp gỡ giữa con người với con người. Không có một khoảng cách, hay rào cản nào về địa vị, giai cấp, giàu nghèo, bệnh tật nào, có thể hạn chế mối tương quan do Đức Giê-su khởi xướng. Người vẫn thường đến với trẻ em, những người mà các môn đệ “ngăn cản”; đến ăn uống với những người tội lỗi, thu thuế, dù bị những người Pha-ri-sêu chỉ trích; Người dám chạm vào người phong hủi (Mt 8,3) mặc cho luật về thanh sạch ngăn cấm. Đức Giê-su luôn yêu thương và tôn trọng một con người, đặc biệt là những người cùng khổ. Người hành khất mù đã bày tỏ nguyện vọng được nhìn thấy của mình. Tuy nhiên, Đức Giê-su lại cho anh thấy một điều cao quý hơn. Người công bố rằng: “Đức tin của anh đã cứu chữa anh”. Lời công bố này cho thấy ơn chữa lành này đã không xảy ra, nếu không có niềm tin mãnh liệt của anh Bar-ti-mai-os. Nó cũng cho thấy rằng anh không những được chữa lành thể lý, mà còn lành lặn về tâm linh. Con mắt đức tin của anh đã sáng ra, trước khi con mắt thể lý của anh được nhìn thấy. Sự sáng mắt về tâm linh, “đức tin” là đỉnh cao của phép lạ chữa lành này. Giả như con mắt thể lý của anh được sáng mà tâm linh của anh vẫn mù tối, thì sự chữa lành này chẳng mang lại giá trị gì cho cuộc đời của anh cả. Cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su, đã “cứu độ” cuộc đời của anh chứ không chỉ “cứu chữa” đôi mắt mù lòa của anh. Từ thân phận một người mù lòa, ăn xin, ngồi bên vệ đường, giờ đây, Bar-ti-mai-os đã nhìn thấy tỏ tường. Anh đứng lên, hòa vào dòng người trên đường. Cuộc đời anh hoàn toàn thay đổi từ thể xác đến tâm linh. Cái thấy quan trọng nhất là “thấy” Đức Ki-tô trên hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Hành trình đầu tiên và duy nhất sau khi sáng mắt là hành trình bước theo Đức Giê-su trên hành trình vào Giê-ru-sa-lem, hành trình khổ-tử nạn và phục sinh. Đó là hành trình của người môn đệ đích thực.

Câu chuyện Anh Bar-ti-mai-os thật là một câu chuyện tuyệt vời, có giá trị vượt thời gian. Nó vừa mang đậm chất thần học vừa biểu lộ khía cạnh nhân bản sâu sắc. Khía cạnh thần học: Một người khiếm thị lại có thể có một tầm nhìn chân trời mà tất cả những người khác, ngay cả các môn đệ cũng không nhìn thấy được. Con đường theo Chúa là con đường khổ giá, nên thường rất khó thấy và dẫu có thấy người ta cũng rất khó chấp nhận. Chính vì thế mà ba năm rao giảng, lập nhóm 12, nhưng đến cuối cùng Đức Giê-su vẫn là người lữ khách “cô đơn” trên con đường thập tự. có thể nói rằng, anh mù là một ngôi sao sáng tượng trưng cho những con người dám chấp nhận hy sinh để nhìn nhận rõ con đường Đức Giê-su, đường hẹp, đường thập giá, để rồi “bước theo Người trên con đường Người đi”. Khía cạnh nhân bản: Một con người bị tước mất quyền sống, bị đẩy ra bên ngoài xã hội, bị người khác sống dùm, dám chớp lấy thời cơ tìm lại cuộc sống cho chính mình. Đó là biểu hiện của một con người hy vọng, tin tưởng vào Chúa và can đảm dấn thân; Một con người ở địa vị cao, sẵn sàng cúi xuống để ôm lấy những người cùng khổ với một sự tôn trọng và yêu mến hết lòng.

Trong xã hội ngày nay, còn có rất nhiều người, cách này cách khác, đang bị người khác sống dùm; hay chọn lựa sống theo mong muốn của người khác. Đó đều là một hình thức của cuộc đời bị đánh mất. Hơn nữa, có biết bao người luôn so đo, tính toán thiệt hơn trong các mối tương quan để rồi không bao giờ có một sự gặp gỡ đúng nghĩa giữa một người với một con người khác. Đó cũng là những cuộc đời èo uột khuyết tật cách nào đó. Tuy nhiên, xã hội cũng luôn có những người dám làm, dám nghĩ khác đi. Trong buổi tiếp kiến thứ tư hàng tuần dành cho giáo dân tại đại thính đường Phao-lô đệ lục (20/10/2021), có một em nhỏ thiểu năng đã tiến lên chỗ Đức Giáo Hoàng. Vị Giáo Hoàng, mời cậu bé ngồi xuống bên cạnh mình (trên chiếc ghế của đức ông L. Sapienza, nhiếp chính phủ giáo hoàng), trong khi đó bài Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Ga-lát đang được đọc. Một lúc sau cậu bé ngỏ ý muốn có chiếc mũ trắng nhỏ (zucchetto) của Đức Giáo Hoàng. Cậu giằng tay Đức Giáo hoàng hồi lâu, rồi đến với đức ông Leonardo Sapienza để nhờ đức ông xin chiếc mũ dùm cậu ta. Khi đức ông không làm theo ý cậu, cậu còn cầm tay vị linh mục đọc Lời Chúa bằng tiếng Bồ, kéo vị linh mục đến gần Đức Giáo Hoàng ngỏ ý muốn vị linh mục giúp xin chiếc mũ ấy. Cuối cùng, vị Giáo Hoàng tặng cậu bé chiếc mũ và cậu vui vẻ đi về chỗ cũ của mình.[21] Đây không phải là lần đầu một cậu bé lên gần Đức Giáo Hoàng trong một buổi tiếp kiến. Đức Giáo Hoàng cũng có lần ôm hôn một người đàn ông “không có mặt” (năm 2013)[22], rồi ôm hôn “người mặt quỷ” (người bệnh u sợi thần kinh – neurofibromatosis – khiến gương mặt nổi u sần nhiều) (2013).[23] Nơi vị giáo hoàng này, người ta có thể tìm thấy lại rõ nét nhân cách, hình ảnh đích thực của Đức Ki-tô ngày nào.

Nguyện cho tất cả mọi người có thể tận dụng được cơ hội Đức Giê-su đi ngang qua đời mình để rồi cũng nhìn thấy và bước theo Người như Anh Bar-ti-mai-os, qua cách ăn nết ở thường ngày của mình.[24]

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] X. K.M. Kenyon, “Ancient Jericho: The First Walled City in History” [Ancient Jericho: The First Walled City In History (thearchaeologist.org)] (truy cập 18/10/2021).

[2] D.R. Brathcher “Jericho”, The HarperCollins Bible Dictionary (ed. P.J. Achtemeier) (New York 1996) 493-494.

[3] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII A, 758.

[4] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 131.

[5] D.J. Harrington, The Gospel according to Matthew (SP1; Collegeville 1991) 290.

[6] J. Marcus claim that it is ironic that the beggar is the son of a man whose name in Greek means “honored” (J. Marcus, Mark 8–16, 759).

[7] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 132.

[8] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 318.

[9] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 510.

[10] “It may be that the address of Jesus as son of David is not linked primarily to Jesus’ power to heal, but rather manifests Bartimaeus’s prophetic gift. In Greek myths the association of blindness with compensatory supernatural gifts was common [A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 510].

[11] X. thêm về “Đấng Ki-tô” trong J.P.D. Thạch, “Cứu-Phá Hủy, Phá Hủy-Cứu. Chú Giải Tin Mừng CN XXIV TN B (Mc 8,27-35)” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: CỨU-PHÁ HỦY, PHÁ HỦY-CỨU. Chú giải Tin Mừng CN XXIV TN B (Mc 8,27-35) (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 19/10/2021).

[12] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 318.

[13] J. Marcus, Mark 8–16, 760.

[14] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 510-511.

[15] “Nhảy diễn tả hành động dứt khoát. Nhảy về phía trước là bỏ lại phía sau. Càng nhẹ nhảy càng cao. Nhưng điệu nhảy của người mù còn đòi nhiều hơn thế nữa. Nhảy trong mù loà là một thách đố can trường. Mù mà nhảy thì nguy hiểm. Chung quanh đầy bóng tối. Không nhìn thấy hướng mà cứ nhẩy nên điệu nhảy của người mù là nhảy bằng linh hồn. Lắng nghe tiếng của con tim. Ngọn đèn hải đăng trong linh hồn phải sáng lắm cho niềm tin xác quyết mới dám nhảy. Đi tìm hướng nhảy không phải bằng hình ảnh bên ngoài mà là nội tâm. Không nhìn thấy bằng con mắt, nhưng trọn vẹn bằng linh hồn, anh ta đã nhảy chồm về phía Đức Kitô.” [Nguyễn Tầm Thường, “Điệu Nhảy của người mù”, VIẾT TRONG TÂM HỒN – ĐIỆU NHẢY CỦA NGƯỜI MÙ (nguoisamarinhanhau.com)] (truy cập 20/10/2021).

[16] The phrase: “and answering him,” refers to Bartimaeus’s call for attention, not to a specific question, for no question has yet been asked (C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 133).

[17] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 318.

[18] “The placement of the story suggests that, unlike Bartimaeus, the disciples have not yet been healed of their “blindness.” They continue to fail to grasp the ways in which the suffering service of Jesus is to be a model for their own way of life” [A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 506].

[19] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 511.

[20] “The placement of the two healing-of-blindness stories at the beginning and end of a section primarily concerned with instruction of the uncomprehending disciples (8:22–10:52) suggests that these stories are more closely related to discipleship (J. Marcus, Mark 8–16, 671).

[21] Bài học của cậu bé khuyết tật trong buổi tiếp kiến chung của ĐTC – YouTube

[22] Giáo hoàng Francis ôm hôn “người không mặt” – Báo Người lao động (nld.com.vn)

[23] Giáo hoàng ôm, hôn người ‘mặt quỷ’ – Thế giới – ZINGNEWS.VN

[24] X. J.P.D. Thạch “Anh Mù Jericho, Kẻ Chớp Thời Cơ Tuyệt Vời” [ LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: ANH MÙ JERICHO, KẺ CHỚP THỜI CƠ TUYỆT VỜI (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 21/10/2021).

Bài trướcTâm tình linh mục phục vụ bệnh nhân Covid-19: Mẹ Maria, Mẹ của các thiện nguyện viên!
Bài tiếp theoMỘT NĂM CHỜ ĐỢI HÀNH TRÌNH HỒI HƯƠNG