Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Passiontide And Holy Week”, Volume 6, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 1-11.
CHƯƠNG I: LỊCH SỬ MÙA THƯƠNG KHÓ VÀ TUẦN THÁNH
Sau khi đã mời gọi các tín hữu suy niệm về 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa suốt bốn tuần đầu của Mùa Chay, Giáo Hội dành hai tuần còn lại trước Lễ Phục Sinh để tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Giáo Hội không muốn con cái mình bước vào ngày đại lễ hiến tế Chiên Thiên Chúa mà không được chuẩn bị bằng một tấm lòng trắc ẩn và hiệp thông với Ngài trong những đau khổ mà Ngài đã chịu thay cho nhân loại chúng ta.
Các Sách Bí Tích và Sách Đáp Ca cổ xưa nhất của nhiều Giáo Hội đều minh chứng rằng, qua các lời nguyện, các bài đọc và toàn bộ Phụng vụ của hai tuần này, Cuộc Thương Khó của Chúa chúng ta trở thành mối bận tâm duy nhất của thế giới Kitô Giáo. Trong Tuần Thương Khó, nếu trúng vào lễ kính một vị thánh nào thì vẫn được cử hành; nhưng Chúa Nhật Thương Khó không nhường chỗ cho bất cứ lễ nào, dù có trọng thể đến đâu. Ngay cả những lễ được cử hành trong những ngày giữa Chúa Nhật Vượt Qua và Chúa Nhật Lễ Lá, thì cũng luôn luôn có phần tưởng niệm về Cuộc Thương Khó và các ảnh tượng thánh vẫn tiếp tục được che phủ.
Chúng ta không thể cung cấp bất kỳ chi tiết lịch sử nào về tuần lễ thứ nhất trong hai tuần này; các nghi lễ và nghi thức của nó luôn giống với bốn tuần lễ trước đó.[1] Vì vậy, chúng tôi xin được giới thiệu cho các độc giả về chương tiếp theo, trong đó chúng tôi sẽ bàn về những mầu nhiệm đặc trưng của Tuần Thương Khó. Ngược lại, tuần thứ hai mang lại cho chúng ta nhiều chi tiết lịch sử phong phú; vì không có thời gian nào trong Năm Phụng Vụ đã thu hút sự quan tâm của thế giới Kitô Giáo nhiều như thế, hay đã tạo ra những biểu hiện của lòng đạo đức sốt sắng như vậy.
Tuần này đã được tôn kính rất trọng thể ngay từ thế kỷ thứ III, như chúng ta biết từ thánh Denis, giám mục thành Alexandria, người đã sống vào thời gian đó.[2] Trong thế kỷ tiếp theo, chúng ta thấy thánh Gioan Kim Khẩu gọi tuần lễ này là tuần đại lễ:[3] Thánh tiến sĩ nói, “không phải vì nó có nhiều ngày hơn các tuần khác, hoặc các ngày trong tuần này dài hơn các ngày khác; nhưng chúng ta gọi đó là đại lễ vì những mầu nhiệm vĩ đại sẽ được cử hành trong thời gian này.” Chúng ta cũng thấy Tuần Thánh được gọi bằng những tên khác: Tuần Khổ Hình (hebdomada Poenosa), vì những đau khổ của Chúa Giêsu Kitô và những khó nhọc mà chúng ta phải chịu trong cử hành các mầu nhiệm đau khổ ấy; Tuần Ân Xá, vì trong tuần này, những tội nhân được tiếp nhận vào bí tích Sám Hối; và cuối cùng là Tuần Thánh, ám chỉ đến sự thánh thiện của các mầu nhiệm được cử hành trong bảy ngày này. Tuần Thánh là tên gọi phổ biến nhất với chúng ta; và trong nhiều thế kỷ, chính những ngày này cũng được gọi là Thứ Hai Tuần Thánh, Thứ Ba Tuần Thánh, Thứ Tư Tuần Thánh, Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh.
Mức độ nhiệm nhặt của việc ăn chay trong Mùa Chay được gia tăng trong những ngày cuối cùng này; toàn bộ năng lực tinh thần của việc ăn năn sám hối nay được thể hiện rõ rệt. Ngay cả với chúng ta, sự miễn trừ cho phép sử dụng trứng cũng kết thúc vào khoảng giữa tuần này. Các Giáo Hội Đông Phương trung thành với các truyền thống cổ xưa đã duy trì một sự ăn chay hãm mình rất nghiêm ngặt kể từ ngày Thứ Hai của tuần Quinquagesima. Trong suốt khoảng thời gian dài này mà họ gọi là Xerophagia, họ chỉ được phép ăn các thức ăn khô. Vào những thời kỳ đầu, việc ăn chay trong Tuần Thánh đã được thực hiện đến mức tối đa mà khả năng con người có thể chịu đựng được.
Thánh Epiphanius[4] cho chúng ta biết rằng có một số Kitô hữu đã giữ chay nghiêm ngặt từ sáng thứ Hai cho đến khi gà gáy vào rạng sáng Chúa Nhật Phục Sinh. Dĩ nhiên, chỉ có rất ít tín hữu có thể thực hành việc chay tịnh nghiêm khắc đến mức này. Nhiều người đã trải qua hai, ba, thậm chí bốn ngày liên tiếp mà không nếm chút thức ăn nào; nhưng thực hành phổ biến là giữ chay từ tối thứ Năm Tuần Thánh cho đến sáng Chúa Nhật Phục Sinh. Nhiều Kitô hữu ở phương Đông và tại Nga vẫn giữ chay theo cách này ngay cả trong thời đại hôm nay. Ước gì những hình thức đền tội khắc khổ như thế luôn đi đôi với một đức tin kiên vững và sự hiệp thông với Giáo Hội, vì nếu không, công phúc của những việc thống hối này sẽ không mang lại ơn cứu độ!
Một trong những thực hành cổ xưa của Tuần Thánh là những giờ cầu nguyện kéo dài suốt đêm trong các nhà thờ. Vào Thứ Năm Tuần Thánh, sau khi cử hành các mầu nhiệm thánh để tưởng niệm Bữa Tiệc Ly, các tín hữu tiếp tục ở lại lâu giờ trong kinh nguyện.[5] Đêm giữa Thứ Sáu và Thứ Bảy được dành riêng để canh thức liên tục nhằm tôn thờ việc mai táng của Chúa chúng ta.[6] Đêm canh thức dài nhất trong tất cả các đêm này chính là Đêm Thứ Bảy, kéo dài cho đến rạng sáng Chúa Nhật Phục Sinh. Toàn thể cộng đoàn cùng tham dự: họ hiện diện trong nghi thức chuẩn bị cuối cùng cho các dự tòng, cũng như chứng kiến việc cử hành Bí Tích Rửa Tội. Họ không rời khỏi thánh đường cho đến khi Thánh Lễ kết thúc, mà thường kéo dài cho đến lúc mặt trời mọc.[7]
Việc ngưng các công việc lao động nặng nhọc đã từng là một nghĩa vụ trong Tuần Thánh suốt một thời gian dài. Luật dân sự đã cùng hiệp nhất với luật của Giáo Hội để thiết lập thời gian nghỉ ngơi quan trọng này khỏi mọi thứ công việc, qua đó diễn tả cách mạnh mẽ tâm tình sầu não của toàn thể thế giới Kitô giáo. Ngẫm suy về những đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu là ý tưởng chi phối mọi suy nghĩ: các buổi Cử Hành Giờ Kinh Phụng Vụ và cầu nguyện là công việc duy nhất của dân chúng: và quả thật, tất cả sức mạnh của thân xác đều cần thiết để hỗ trợ cho các chức năng ăn chay và hãm mình. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu được và có ấn tượng mạnh mẽ về sự ngừng nghỉ hoàn toàn này đã để lại nơi tâm trí con người trong suốt thời gian còn lại của Năm Phụng Vụ. Hơn nữa, khi chúng ta nhớ lại rằng trong suốt năm tuần dài, sự nghiêm khắc của Mùa Chay đã giúp chúng ta chiến đấu với những dục vọng xác thịt, nhờ đó chúng ta có thể tưởng tượng được niềm vui giản dị và chân thành khi đón mừng lễ Phục Sinh, đại lễ mang lại ơn tái sinh cho tâm hồn và sự nghỉ ngơi cho thân xác.
Trong tập sách trước, chúng ta đã đề cập đến các đạo luật trong Bộ Luật Theodosian, cấm mọi công việc pháp lý trong suốt 40 ngày trước lễ Phục Sinh. Đạo luật này của Gratian và Theodosius được công bố vào năm 380, đã được Theodosius mở rộng vào năm 389; sắc lệnh mới này cấm mọi phiên tòa trong bảy ngày trước và bảy ngày sau lễ Phục Sinh. Gần đây chúng ta gặp nhiều sự ám chỉ về đạo luật này trong các bài giảng của thánh Gioan Chrysostom và trong các bài giảng của thánh Augustinô. Theo sắc lệnh này, mỗi ngày trong số 15 ngày này được xem là một ngày Chúa Nhật về mặt pháp lý.
Nhưng các vị hoàng đế Kitô giáo không chỉ hài lòng với việc tạm ngừng công việc nhân loại trong những ngày này, những ngày vô cùng quan trọng của lòng thương xót: hơn thế, họ còn muốn bày tỏ lòng tôn kính qua một hành động bên ngoài đối với lòng nhân từ của Chúa Cha, Đấng đã đoái thương tha thứ cho một thế giới tội lỗi nhờ công nghiệp sự chết của Con Ngài. Giáo Hội sẽ ban ơn hòa giải cho những tội nhân biết thống hối, những người đã phá vỡ xiềng xích tội lỗi đang giam hãm họ; các vị quân vương Kitô giáo cũng mong ước noi gương Mẹ Giáo Hội, nên đã ra lệnh mở cửa nhà tù và trả lại tự do cho những ai đã bị kết án bởi tòa án dân sự. Có một ngoại lệ duy nhất không được áp dụng là đối với những tội phạm mà việc phóng thích họ có thể gây nguy hại lớn cho gia đình hoặc xã hội. Tên tuổi của Hoàng đế Theodosius nổi bật trong những hành động xót thương này. Thánh Gioan Kim Khẩu[8] kể lại rằng vị hoàng đế này đã gửi các chiếu chỉ ân xá đến nhiều thành phố, ra lệnh phóng thích tù nhân và ban sự sống cho những người bị kết án tử, và tất cả những điều này được thực hiện để thánh hóa những ngày trước đại lễ Phục Sinh. Các hoàng đế cuối cùng đã biến tập tục này thành luật như chúng ta tìm thấy trong một bài giảng của thánh Lêô Cả khi ngài nói về sự khoan hồng của họ: “Các hoàng đế Rôma từ lâu đã tuân giữ thực hành thánh này. Để tôn vinh Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa chúng ta, họ khiêm tốn ngưng thi hành quyền công lý tối cao của mình, và gác lại sự nghiêm khắc của luật pháp, họ ban ơn xá tội cho rất nhiều phạm nhân. Ý hướng của họ trong việc này là noi theo lòng nhân hậu của Thiên Chúa bằng chính hành động khoan dung của mình trong những ngày mà toàn thế giới được lãnh nhận ơn cứu độ nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Vậy, dân Kitô Giáo cũng hãy noi gương các bậc quân vương, và ước gì gương sáng của các bậc quân vương thúc giục thần dân biết tha thứ cho nhau những lỗi lầm riêng tư; bởi lẽ, thật là nghịch lý nếu luật lệ giữa cá nhân lại khắt khe hơn cả luật pháp công cộng. Hãy tha thứ lỗi lầm, hãy tháo gỡ xiềng xích, hãy quên đi những xúc phạm, hãy dập tắt lòng báo oán; để nhờ ân sủng của Thiên Chúa và ân huệ của nhân loại, đại lễ thánh thiêng này có thể đem lại cho tất cả chúng ta niềm hạnh phúc và sự trong sạch.”[9]
Việc ân xá Kitô giáo này không chỉ giới hạn trong Bộ Luật Theodosian mà chúng ta còn tìm thấy dấu vết của nó trong luật pháp của nhiều quốc gia phương Tây. Chúng ta có thể lấy nước Pháp làm ví dụ. Dưới triều đại đầu tiên của các vị vua Pháp, thánh Eligius, giám mục Noyon, trong một bài giảng vào Thứ Năm Tuần Thánh đã diễn tả như sau: “Trong ngày này, khi Giáo Hội ban ơn xá giải cho những hối nhân và tha thứ cho các tội nhân, các thẩm phán cũng giảm bớt sự nghiêm khắc của mình và khoan hồng cho những người phạm tội. Trên khắp thế giới, các nhà tù được mở cửa; các bậc quân vương tỏ lòng nhân từ với phạm nhân; các chủ nhân tha thứ cho đầy tớ của mình.”[10] Dưới triều đại thứ hai, chúng ta biết được từ Capitularia của Charlemagne rằng các giám mục có quyền yêu cầu các thẩm phán vì tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô phải trả tự do cho các tù nhân trong những ngày trước lễ Phục Sinh;[11] và nếu các thẩm phán từ chối không vâng theo, thì các Giám mục có thể từ chối không cho họ vào nhà thờ.[12] Và cuối cùng, dưới triều đại thứ ba, chúng ta thấy vua Charles VI, sau khi dẹp loạn tại Rouen đã ra lệnh trả tự do cho các tù nhân, bởi vì đó là Tuần Thương Khó và cũng rất gần đại lễ Phục Sinh.[13]
Những dấu vết cuối cùng của bộ luật đầy lòng thương xót này là một tập tục được nghị viện Paris duy trì. Thực hành Kitô giáo cổ xưa về việc đình chỉ các phiên họp trong suốt Mùa Chay đã bị bãi bỏ từ lâu: phải đến Thứ Tư Tuần Thánh, nghị viện mới đóng cửa và tiếp tục như vậy từ ngày đó cho đến Chúa Nhật Sau Phục Sinh. Vào Thứ Ba Tuần Thánh, ngày cuối cùng dành cho các phiên xét xử, nghị viện đã đến các nhà tù của hoàng cung, và tại đó, một trong những đại chủ tịch, thường là vị được bổ nhiệm gần nhất sẽ chủ trì một phiên họp của nghị viện. Các tù nhân được thẩm vấn; nhưng không cần một phán quyết chính thức, tất cả những ai có hoàn cảnh thuận lợi hoặc không phạm trọng tội đều được trả tự do.
Những cuộc cách mạng trong 80 năm qua đã dẫn đến sự thế tục hóa xã hội ở mọi quốc gia Châu Âu, nghĩa là xóa bỏ khỏi phong tục và luật pháp quốc gia mọi dấu vết của yếu tố siêu nhiên của Kitô Giáo. Học thuyết được ưa chuộng trong hơn nửa thế kỷ qua là mọi người đều bình đẳng. Nhưng dân chúng trong các thời đại đức tin có một điều còn thuyết phục hơn học thuyết: đó là ý thức sâu sắc về sự thánh thiêng của các quyền lợi chính đáng của họ. Khi những ngày lễ trọng đại đến gần, những ngày mà nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ về sự công minh và lòng thương xót của Thiên Chúa, người ta chứng kiến các bậc quân vương như thể từ bỏ vương trượng của mình, trao phó việc trừng phạt các tội nhân cho Thiên Chúa và cùng hiệp dâng Bàn Tiệc Thánh Thể Phục Sinh với chính những người mà chỉ vài ngày trước đó họ còn bị giam cầm trong ngục vì lợi ích của xã hội. Có một tâm tình được khắc ghi sâu đậm trong tâm hồn muôn dân trong những ngày này: đó là tâm tình hướng về Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự và trước mặt Ngài, hết thảy nhân loại đều là tội nhân; còn Thiên Chúa, Đấng duy nhất ban phát công lý và ơn tha thứ. Chính nhờ cảm thức Kitô Giáo sâu đậm này mà chúng ta thấy trong biết bao văn bản và chiếu chỉ của các thời đại đức tin đã nhắc đến những ngày Tuần Thánh như là thời điểm vương quyền của Đức Kitô hiển trị: Người ta thường nói đến một sự kiện như thế đã xảy ra vào một ngày như vậy, “dưới vương quyền của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (regnante Domino nostro Jesu Christo).
Khi những ngày thánh thiêng và bình đẳng Kitô Giáo này qua đi, liệu thần dân có từ chối phục tùng quân vương của họ không? Liệu họ có lạm dụng sự khiêm nhường của các bậc quân vương và lấy đó làm cơ hội để soạn ra điều mà thời hiện đại gọi là quyền con người không? Không, chính ý nghĩ đã soi sáng cho công lý nhân loại hạ mình trước thập giá Chúa Giêsu và dạy cho dân chúng bổn phận của họ là vâng phục các quyền bính được Thiên Chúa thiết lập. Việc thi hành quyền bính và sự vâng phục quyền bính ấy đều lấy Thiên Chúa làm động lực. Những người nắm giữ vương quyền có thể thuộc các triều đại khác nhau, nhưng lòng tôn kính đối với uy quyền vẫn luôn không thay đổi. Ngày nay, Phụng Vụ không còn ảnh hưởng sâu rộng trên xã hội như xưa; tôn giáo đã bị đẩy ra khỏi đời sống công cộng và nay chỉ còn hoạt động trong lương tâm của từng cá nhân; còn các thể chế chính trị thì chỉ là biểu hiện của sự kiêu ngạo của con người – hoặc là muốn thống trị hoặc là khước từ vâng phục.
Thế nhưng, thế kỷ IV là thời đại đã khai sinh những luật lệ thấm nhuần tinh thần Kitô Giáo mà chúng ta vừa đề cập, nhưng vẫn còn mang nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa ngoại giáo. Là những người sống trong ánh sáng viên mãn của Kitô giáo, làm sao chúng ta lại có thể gọi một hệ thống xã hội có xu hướng tách biệt khỏi mọi thứ siêu nhiên là tiến bộ được? Con người có thể nói theo ý họ muốn, nhưng chỉ có một con đường duy nhất để bảo đảm trật tự, hòa bình, luân lý và bình an cho thế giới – đó là con đường của Thiên Chúa, con đường của đức tin, của đời sống phù hợp với giáo huấn và tinh thần đức tin. Mọi hệ thống khác, dù có tốt đẹp đến đâu, cũng chỉ có thể chiều theo những đam mê của con người – những đam mê luôn đối nghịch với các mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô mà chúng ta đang cử hành trong những ngày này.
Chúng ta cũng cần nhắc đến một luật lệ khác do các hoàng đế Kitô Giáo ban hành liên quan đến Tuần Thánh. Nếu tinh thần bác ái và ước muốn noi gương lòng thương xót của Thiên Chúa đã thúc đẩy họ ban hành sắc lệnh phóng thích tù nhân, thì cũng chính vì những nguyên tắc ấy mà trong những ngày Chúa Cứu Thế đổ Máu đào để giải phóng nhân loại, họ đã quan tâm đến số phận của các nô lệ. Nô lệ là hậu quả của tội lỗi và là một thể chế căn bản của thế giới ngoại giáo, đã nhận lãnh án tử bởi việc rao giảng Tin Mừng, nhưng việc xóa bỏ dần dần chế độ này được giao cho từng cá nhân và việc thực hiện cụ thể nguyên tắc tình huynh đệ Kitô Giáo. Như Thiên Chúa chúng ta và các Tông Đồ của Ngài đã không đòi hỏi việc bãi bỏ tức khắc chế độ nô lệ, tương tự như vậy, các hoàng đế Kitô Giáo tự hạn chế việc ban hành các luật lệ nhằm khuyến khích việc bãi bỏ dần chế độ này. Chúng ta có một ví dụ về điều này trong Bộ Luật Justinianô, trong đó vị hoàng đế này, sau khi đã cấm mọi thủ tục tố tụng trong Tuần Thánh và tuần kế tiếp, đã đặt ra ngoại lệ sau đây: “Tuy nhiên, vẫn được phép ban tự do cho nô lệ nhưng sao cho các hành vi pháp lý cần thiết cho việc giải phóng họ sẽ không bị xem là vi phạm sắc lệnh hiện hành này.”[14] Luật nhân đạo này của Justinianô chỉ là sự áp dụng sắc lệnh đã được Constantinô ban hành trong mười lăm ngày của lễ Phục Sinh, và theo đó cấm mọi thủ tục tố tụng vào các ngày Chúa Nhật trong suốt năm, ngoại trừ những hành vi nhắm đến việc giải phóng nô lệ.
Nhưng từ rất lâu trước khi Giáo Hội được hoàng đế Constantinô ban cho thời kỳ hòa bình, Giáo Hội đã đưa ra những quy định nhằm bảo đảm quyền lợi cho các nô lệ trong những ngày mà các mầu nhiệm cứu chuộc thế gian được hoàn tất. Các ông chủ Kitô hữu buộc phải cho các nô lệ của họ được hoàn toàn nghỉ ngơi khỏi công việc lao động trong suốt hai tuần thánh này, để họ có thể tham dự cách trọn vẹn hơn vào niềm vui và ân sủng của mầu nhiệm Vượt Qua. Đó chính là luật được quy định trong Hiến Chế Tông Đồ được biên soạn trước thế kỷ IV: “Trong tuần trọng đại trước ngày lễ Phục Sinh, cũng như trong tuần kế tiếp, các nô lệ phải được nghỉ ngơi khỏi công việc lao động, bởi vì tuần thứ nhất là tuần Thương Khó của Chúa chúng ta và tuần thứ hai là tuần Phục Sinh của Ngài; và các nô lệ cần được hướng dẫn về các mầu nhiệm này.”[15]
Một đặc điểm khác của hai tuần lễ mà chúng ta sắp bước vào là việc gia tăng bố thí cách quảng đại hơn và sốt sắng hơn trong việc thực hành các công việc bác ái. Thánh Gioan Kim Khẩu bảo đảm với chúng ta rằng đây chính là thói quen trong thời đại của ngài. Thánh nhân ca ngợi các tín hữu, trong đó nhiều người đã gia tăng gấp đôi lòng quảng đại đối với người nghèo trong giai đoạn này và họ làm như thế vì động lực sau đây: ở một mức độ nào đó, họ muốn noi theo lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa, Đấng đang tuôn đổ ân sủng dồi dào xuống trên các tội nhân trong thời gian này.
CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM MÙA THƯƠNG KHÓ VÀ TUẦN THÁNH>>>
CHƯƠNG III: THỰC HÀNH TRONG MÙA THƯƠNG KHÓ VÀ TUẦN THÁNH>>>
Chú thích:
[1] Sẽ không thích hợp nếu chúng ta đề cập đến cuộc thảo luận về tên gọi Mediana, dưới danh xưng này mà chúng ta tìm thấy Chúa Nhật Lễ Thương Khó được nhắc đến trong các phụng vụ cổ xưa cũng như trong Bộ Giáo Luật. “Mediana” là một tên gọi lịch sử được sử dụng để chỉ Chúa Nhật Lễ Thương Khó (Passion Sunday), thường được nhắc đến trong các phụng vụ cổ xưa và một số tài liệu về Bộ Giáo Luật. Tên gọi này xuất hiện trong một số nghi lễ trước đây để chỉ ngày Chúa Nhật bắt đầu mùa Tuần Thương Khó, khi các tín hữu tưởng niệm những khổ đau của Chúa Giêsu.
[2] Thư gửi Basilides, Điều luật I.
[3] Bài giảng 30 về Sách Sáng Thế.
[4] Expositio fidei, ix Haeres. xxii (Giải thích Đức tin 9, Lạc giáo xxii).
[5] St. John Chrysostom, Hom. Xxx in Genes. (Thánh Gioan Thánh Giá, Bài giảng 30 về Sách Sáng Thế).
[6] St. Cyril of Jerusalme, Catech. Xviii. (Thánh Cyrillô thành Giêrusalem, Bài Giáo Lý 18).
[7] Const. Apost. Lib. i. cap. xviii (Tông Hiến Tông Đồ, Cuốn 1, Chương 19).
[8] Homil. In magn. Hebdom. Homil. Xxx. in Genes. Homil. vi ad popul. Antioch. (Bài giảng trong Tuần Thánh. Bài giảng XXX về Sách Sáng Thế. Bài giảng VI gửi dân thành Antiôkia).
[9] Sermon xl. De Quadragesima, ii. (Bài giảng số 40. Về Mùa Chay, bài 2).
[10] Sermon x. (Bài giảng số 10).
[11] We learn from the same capitularia, that this privilege was also extended to Christmas and Pentecost. (Từ Capitularia, chúng ta cũng biết đặc ân này cũng được mở rộng cho các dịp lễ Giáng Sinh và lễ Hiện Xuống).
[12] Capitular. Lib. vi. (Capitularia, Cuốn 6).
[13] Jean Juvénal des Ursins, year 1382.
[14] Cod. lib. iii. tit. xii. De feriis. Leg. 8. (Bộ Luật Justinianô, cuốn 3, tiêu đề 12, về ngày lễ, điều luật số 8).
[15] Const. Apost. Lib. viii. Cap. xxxiii. (Hiến Chế Tông Đồ, cuốn 8, chương 33),
Vui lòng ghi: “Nguồn: Truyền Thông Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam – ngoiloivn.net” khi đăng tải lại các bài viết từ trang này.