Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Thường Niên, Năm A (Mt 22,15-22)

0
187

ĐÁNH BẪY BẰNG LỜI

Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Thường Niên, Năm A (Mt 22,15-22)

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

 

Bản Văn và dịch sát nghĩa

Việt Hy Lạp
15 Khi ấy, những người Pharisêu ra đi tham vấn để họ có thể đánh bẫy Người bằng lời.

16 Họ sai các môn đệ của họ đến với Người, cùng với những người của Hêrôđê, nói rằng: “Thưa Thầy! Chúng tôi biết rằng Thầy là chân thật và dạy con đường của Thiên Chúa trong sự thật, không lo lắng về bất cứ ai vì Thầy không nhìn vào mặt người ta.

17 Vậy, hãy nói cho chúng tôi Thầy nghĩ gì, có hợp pháp để nộp thuế cho Kaisar hay không?

18 Vì biết sự xấu xa của họ, Đức Giêsu nói rằng: “Tại sao các ngươi lại thử tôi, hỡi những người đạo đức giả?

19 Hãy cho tôi xem đồng bạc thuế”. Những người này mang cho Người một đồng đênarion.

20 Người nói cùng họ rằng: “Hình ảnh và ấn ảnh này là của ai?”

21 Họ nói cùng Người: “Của Kaisar.” Rồi Người nói cùng họ: “Hãy trả cho Kaisar những điều của Kaisar, và cho Thiên Chúa, những điều của Thiên Chúa”

22 Sau khi nghe, họ ngạc nhiên, và rời bỏ Người, họ ra đi.

15 Τότε πορευθέντες οἱ Φαρισαῖοι συμβούλιον ἔλαβον ὅπως αὐτὸν παγιδεύσωσιν ἐν λόγῳ.

16 καὶ ἀποστέλλουσιν αὐτῷ τοὺς μαθητὰς αὐτῶν μετὰ τῶν Ἡρῳδιανῶν λέγοντες· διδάσκαλε, οἴδαμεν ὅτι ἀληθὴς εἶ καὶ τὴν ὁδὸν τοῦ θεοῦ ἐν ἀληθείᾳ διδάσκεις καὶ οὐ μέλει σοι περὶ οὐδενός· οὐ γὰρ βλέπεις εἰς πρόσωπον ἀνθρώπων,

17 εἰπὲ οὖν ἡμῖν τί σοι δοκεῖ· ἔξεστιν δοῦναι κῆνσον Καίσαρι ἢ οὔ;

18 γνοὺς δὲ ὁ Ἰησοῦς τὴν πονηρίαν αὐτῶν εἶπεν· τί με πειράζετε, ὑποκριταί;

19 ἐπιδείξατέ μοι τὸ νόμισμα τοῦ κήνσου. οἱ δὲ προσήνεγκαν αὐτῷ δηνάριον.

20 καὶ λέγει αὐτοῖς· τίνος ἡ εἰκὼν αὕτη καὶ ἡ ἐπιγραφή;

21 λέγουσιν αὐτῷ· Καίσαρος. τότε λέγει αὐτοῖς· ἀπόδοτε οὖν τὰ Καίσαρος Καίσαρι καὶ τὰ τοῦ θεοῦ τῷ θεῷ.

22  καὶ ἀκούσαντες ἐθαύμασαν, καὶ ἀφέντες αὐτὸν ἀπῆλθαν (Matt. 22:15-21 BGT)

 

Bối cảnh

Máccô và Luca đặt câu chuyện này (Mc 12,13-17; Lc 20,20-25) ngay sau dụ ngôn “những người thuê vườn xấu xa tệ hại” (Mc 12,1-11; Lc 20,9-19), được kết thúc bằng phản ứng của những Thượng Tế và Kinh Sư: “Họ tìm cách giết Đức Giêsu nhưng lại sợ dân chúng” (Mc 12,12). Điều này có tính mạch lạc khi câu chuyện trong Máccô tiếp nối ý tưởng “họ cử mấy người Pharisêu và mấy người thuộc Hêrôđê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mc 12,13). Khác với Máccô và Luca, Mátthêu có thêm câu chuyện “dụ ngôn tiệc cưới” (Mt 22,1-14) trước khi trình bày câu chuyện “nộp thuế cho Kaisar” (Mt 22,15-22). Chủ đề “chối từ” vẫn được tiếp nối cách mạch lạc, vì câu chuyện về tiệc cưới có nhóm người từ chối lời mời của nhà vua, còn câu chuyện này những người Pharisêu tìm cách gài bẫy để gây bất lợi cho Đức Giêsu. Chủ đề “thử thách” với động từ “πειράζω” nhắc nhớ đến những cuộc thử thách Đức Giêsu đã chịu và đã vượt qua trong Mt 4,1-11. Ngoài ra, nhiều lần Đức Giêsu cũng bị các lãnh đạo Do Thái thử thách (Mt 16,1; 19,3). Ngay sau đoạn văn này là thử thách của nhóm Xađốc dành cho Đức Giêsu liên quan đến “sự sống lại” (Mt 22,23-33); và người thông luật Pharisêu thử thách Người về điều răn trọng nhất (Mt 22,34-40).

 

Cấu trúc

Mở đầu (15): Âm mưu đánh bẫy.

Bản chất Đức Giêsu: Người chân thật, dạy con đường trong sự thật (16)

Thử thách: Có hợp pháp nộp thuế cho Kaisar hay không (17)

Bản chất kẻ thử thách: Xấu xa, đạo đức giả, thử thách người khác (18)

Hóa giải thử thách (19-21): “Hãy trả cho Kaisar những điều của Kaisar,

cho Thiên Chúa, những điều của Thiên Chúa”

Kết thúc (22): Âm mưu thất bại, ngạc nhiên rời đi

 

Một số điểm chú giải

  1. Những người Pharisêu: Là nhóm nhân vật đã xuất hiện gần câu chuyện này nhất đi kèm với nhóm các thượng tế. Họ tìm cách bắt Đức Giêsu (Mt 21,45). Trong câu chuyện này họ tham vấn nhau để đánh bẫy Đức Giêsu bằng lời. Trong chương 23, họ xuất hiện cùng với các Kinh Sư với đặc tính “giả hình” (23,13.14.15.23.25.29); Họ mù quáng (Mt 23,26). Cùng nhóm “những người Xađốc” họ đến chịu Phép Rửa và bị ông Gioan gọi là “rắn độc” (Mt 3,7). Nhóm Pharisêu tranh luận với Đức Giêsu về nhiều đề tài: Ăn uống với người thu thuế và những người tội lỗi (Mt 9,10-13); Ăn chay (9,14-17); Về giữ ngày Sabát (Mt 12,1-14); Thanh sạch (Mt 15,1-9). Sự xung đột trở nên gay gắt sau khi Đức Giêsu chữa bệnh cho người bại tay trong ngày Sabát. Những người Pharisêu tham vấn tìm cách giết Đức Giêsu (Mt 12,14). Danh xưng Pharisêu không xuất hiện trong vụ xử án Đức Giêsu. Họ chỉ xuất hiện với đề xuất cho lính canh đến gác ở mộ Đức Giêsu (Mt 27,62-66). Phải chăng họ thật sự không hiện diện trong các phiên xử án, trong cuộc thương khó? Hoặc là họ vẫn hiện diện như là các thành viên Hội Đồng Do Thái nhưng không được nêu danh? Dù thế nào đi nữa, sự xung đột giữa nhóm này với Đức Giêsu là điều quá rõ ràng.
  2. Những người của Hêrôđê: Cụm từ Hy Lạp “τῶν Ἡρῳδιανῶν” có thể mang nghĩa là những người đang phục vụ Hêrôđê, có thể hơn, nó mang nghĩa là những người ủng hộ gia đình ông Hêrôđê. Danh xưng Hêrôđê xuất hiện dày đặc trong trình thuật Giáng Sinh của Mátthêu, đặc biệt Hêrôđê Cả là người truy đuổi Hài Nhi Giêsu (Mt 2,13-18). Tương tự, Hêrôđê Antipa chính là người đã bỏ tù và ra lệnh hành quyết ông Gioan Tẩy Giả cách oan ức (Mt 14,1-12). Theo B. Newman – P.Stine, những người thuộc Hêrôđê là những người ủng hộ con cháu của Hêrôđê với tư cách là đảng cầm quyền, và như thế ủng hộ sự cai trị của Rôma. Đối lại, những người Pharisêu là nhóm tôn giáo bảo thủ, họ chủ trương không nộp thuế cho chính quyền Rôma. Chính là một người Pharisêu tên là Xađốc đã bạn đồng hành với Juđa trong cuộc nổi dậy chống nộp thuế.[1] Có thể nói đây là hai nhóm có quan điểm đối nghịch.[2] Tác giả Máccô ghi nhận rằng sau khi chứng kiến Đức Giêsu chữa người bại tay ngay trong hội đường vào ngày sabát “nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với nhóm Hêrôđê để tìm cách giết Đức Giêsu” (Mc 3,6). Trong Matthêu, đây là lần duy nhất những người Pharisêu đi chung với “những người của Hêrôđê”. Sự xuất hiện chung của hai nhóm đối nghịch này nhằm bao vây Đức Giêsu cả hai phía: Phía luật thuế của Rôma, và phía những người không ủng hộ nộp thuế. Như thế, đó thật sự là một vụ thử thách gay go.
  3. Chân thật, rao giảng đường lối Thiên Chúa trong sự thật, không lo lắng về ai, không nhìn vào mặt người ta[3]: Qua mô tả của nhóm môn đệ của những người Pharisêu và nhóm “thuộc Hêrôđê”, độc giả biết được Đức Giêsu là người chân thật. Cụm từ “không lo lắng về ai” (οὐ μέλει σοι περὶ οὐδενός) có lẽ diễn tả sự thẳng thắn, không lo sợ ai chi phối khi sống thật và nói thật. Thành ngữ Sêmít “không nhìn vào mặt người ta” (οὐ γὰρ βλέπεις εἰς πρόσωπον ἀνθρώπων), có thể là “không xem xét đến địa vị của người ta”, hoặc có thể là “không thiên vị ai”, dù cho địa vị của họ là gì đi nữa[4]. Mệnh để chỉ lý do được bắt đầu bằng liên từ “vì”, “vì thầy không nhìn vào mặt người ta”, có thể bổ nghĩa cho mệnh đề “thầy không bị ai chi phối” (nghĩ đen: không lo lắng về bất cứ ai). Nghĩa là, Đức Giêsu không lo sợ người ta gây bất lợi gì, cho dù người đó là ai, và ở địa vị nào. Bản tính Đức Giêsu là thật và Người thể hiện bằng cách “dạy con đường của Thiên Chúa trong sự thật” (καὶ τὴν ὁδὸν τοῦ θεοῦ ἐν ἀληθείᾳ). Động từ “dạy” ở thì hiện tại (διδάσκεις) diễn tả một sự thật hiển nhiên. Đức Giêsu luôn dạy nội dung ấy như thế, với tâm thế như vậy, dù kẻ ở trước mặt Người có là ai và ở vị thế nào. Thực tế, Người đang đối diện với hai thế lực đối lập (Pharisêu và Hêrôđê). Trong Tin Mừng Gioan Đức Giêsu tự giới thiệu mình là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6) và Người nói nhiều về sự thật. Khi mô tả Đức Giêsu như thế, nhóm người được sai đến không có mục đích tâng bốc Đức Giêsu, cho bằng tạo nên một tiền đề vững chắc buộc Đức Giêsu phải nói thật quan điểm trước câu hỏi mang tính gài bẫy của họ.
  4. Thử thách … đánh bẫy: Âm mưu ban đầu là của riêng nhóm những người Pharisêu, những người “thuộc Hêrôđê” chỉ là phương tiện, có thể nói như vậy. Những người Pharisêu đã “đi bàn tính với nhau” (nghĩa đen, đi lấy lời tư vấn). Mục đích là “để đánh bẫy Người trong lời nói” (ὅπως αὐτὸν παγιδεύσωσιν ἐν λόγῳ). Cụm giới từ “trong lời nói” (ἐν λόγῳ) có chức năng như phương tiện. Họ dùng lời của họ để “đánh bẫy” Đức Giêsu, hoặc họ đánh bẫy Đức Giêsu qua câu trả lời của Người. Phương thức đánh bẫy bằng lời là câu hỏi: “Có hợp pháp nộp thuế cho Kaisar không?” Hành động “đánh bẫy” được Đức Giêsu diễn tả là “thử thách”: Tại sao lại thử thách tôi (τί με πειράζετε). Đây chính là hành động của “kẻ cám dỗ”/ “quỷ” (ὁ πειράζων/ ὁ διάβολος) trong trình thuật “Đức Giêsu chịu cám dỗ” (Mt 4,1-11), nơi mà “kẻ cám dỗ” đã giăng ba cái bẫy để thử thách Đức Giêsu nhưng Người chiến thắng hoàn toàn. Nhóm lãnh đạo Do Thái nhiều lần thử thách (cám dỗ) Đức Giêsu: Nhóm Pharisêu và Xađốc thử Người, bằng cách đòi Người một dấu từ trời (Mt 16,1); Nhóm Pharisêu thử Đức Giêsu về luật li dị (Mt 19,13); nhóm những người thông luật thử Người về điều răn trọng nhất (Mt 22,35). Có thể, đây là những hình thức thử thách khác nhau nhằm nối dài cơn thử thách của quỷ lúc Đức Giêsu khai mạc sứ vụ.
  5. Xấu xa, đạo đức giả: Đức Giêsu bộc lộ tri thức siêu nhiên khi Người biết rõ, nhìn rõ những âm mưu bên trong của nhóm Pharisêu và những môn đệ của họ.[5] Đối lại với bản tính “chân thật” của Đức Giêsu, luôn dạy đường lối Chúa với sự thật là bản tính xấu xa của những người Pharisêu. Đức Giêsu nói câu này trực tiếp với các môn đệ của những người Pharisêu, và gián tiếp với những người Pharisêu. Những người “thuộc Hêrôđê” có lẽ không phải là đối tượng mà Đức Giêsu nhắm đến, vì dường như họ chỉ là phương tiện của nhóm Pharisêu. Danh xưng “kẻ đạo đức giả” (ὑποκριταί), theo nghĩa chặt là một diễn viên trên sân khấu ngày xưa, được Tân Ước dùng để mô tả những người “giả hình”, “giả bộ” (không thật). Người này giống như các diễn viên trên sân khấu đóng nhiều vai, mang nhiều mặt nạ khác nhau (ngày xưa chủ yếu là hóa trang bằng mặt nạ). Người ta chỉ thấy họ qua các vai diễn, qua các khuôn mặt mà không biết, không rõ, gương mặt thật của họ là như thế nào. Đặc tính “xấu xa” mô tả bản tính “kẻ đạo đức giả”. Thực chất, những lời của họ nói từ đầu đến cuối là không thật, vì mục đích của họ ngay từ đầu đã xấu xa và không thật. “Kẻ đạo đức giả” là danh xưng Đức Giêsu của Mátthêu dùng thường xuyên cho những người Pharisêu. Đặc biệt trong chương 23, Không chỉ là những người Pharisêu mà các Kinh Sư cũng bị gọi là “kẻ giả hình”. Đây cũng là danh xưng đặc nét của Tin Mừng Mátthêu. Có đến mười một lần Mátthêu dùng danh xưng này ở hô cách (Mt 6,2.5.16; 15,7; 22,18; 23.13.15.23.25.27.29; Luca: 2 lần 12,56; 13,15, và các tác giả khác: không dùng).
  6. Nộp thuế cho Kaisar: Sau khi Rôma áp đặt quyền cai trị trên Juđêa vào năm 6 CE, họ áp đặt một loại thuế gọi là thuế thân. Những người Do Thái yêu nước đã có nhiều phản ứng dữ dội đến nỗi dẫn đến một cuộc nổi dậy do Juđa lãnh đạo. Cuộc nổi dậy đó là cảm hứng và tiền thân cho phong trào “nhiệt thành” sau này.[6] Việc nộp thuế như thế là điều kiện để được sống bình an như là một chủ thể của đế quốc Rôma, và thực hiện các quyền liên quan đến thân phận đó. Thuế thân được áp dụng cho đàn ông, phụ nữ và nô lệ từ 12, 14 tuổi đến 65 tuổi. Thuế được đóng bằng tiền Rôma. Mt 22,19 cho thấy rằng, tiền thuế là một đồng denari = tiền công một ngày (Mt 20,2).[7] Vào thời của Đức Giêsu, đồng denari mang hình ảnh của hoàng đế Tibêriô và ấn ảnh tiếng Latinh “Tiberius Caesar Divi Augusti Filius Augustus Pontifex Maximus” (Tiberius Kaisar, con trai của thần Augusttô, thượng tế Augustô”). Cả hai tước hiệu “Con trai thần Augustô” và “thượng tế Augustô” đều xúc phạm đến lòng đạo đức của người Do Thái.[8] Tibêriô cai trị với vị thế là hoàng đế giữa năm 14 – 37 CE.
  7. Của Kaisar … của Thiên Chúa: Đức Giêsu bị đặt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Người không thể ủng hộ việc đóng thuế thân, vì những người Do Thái không thích chuyện ấy, đại diện là nhóm Pharisêu, đặc biệt là nhóm nhiệt thành và Người cũng không thể nói ngược lại, vì nếu thế Người sẽ cổ võ phong trào chống lại chính sách của đế quốc Rôma mà nhóm “thuộc về Hêrôđê” đang ủng hộ. Đức Giêsu chọn lựa giải pháp trung dung. Về mặt chính trị, phải trả cho Kaisar những gì thuộc về Kaisar, nhưng về mặt tôn giáo, việc nộp thuế cho đế quốc chẳng ảnh hưởng gì đến bổn phận đối với Thiên Chúa. Có thể vừa là một công dân tròn trách nhiệm vừa là tôi tớ trung thành với Thiên Chúa.[9] Câu trả lời của Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở mức độ được phép hay không được phép nộp thuế, nhưng còn đi xa hơn khi Người nhấn mạnh bổn phận đối với Thiên Chúa. Đức Giêsu vừa nối kết vừa phân biệt giữa con người xã hội và con người tôn giáo.[10] Người không phủ nhận bổn phận xã hội, nhưng nhấn mạnh thêm bổn phận với Thiên Chúa. Cụm động từ “trả lại cho Thiên Chúa” (“ἀποδίδωμι”) gợi nhớ đến cụm động từ “trả lại hoa trái” trong dụ ngôn “những người thuê vườn xấu xa tệ hại” (Mt 21,33-43). Những người thuê vườn xấu xa tệ hại không nộp hoa trái cho ông chủ, nên sẽ bị tiêu diệt và vườn nho lại được trao cho những người khác biết nộp hoa trái đúng mùa. Tin Mừng Luca ghi lại lời tố cáo của Hội Đồng Do Thái dành cho Đức Giêsu trước mặt quan Philatô: “Người này xách động dân chúng tôi và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Kaisar” (Lc 23,2). Lời tố cáo này xem ra chỉ là lời vu khống vì theo câu chuyện này, Đức Giêsu không hề ngăn cản dân chúng nộp thuế.

Bình luận tổng quát

Trong Mt 22,15-22, Đức Giêsu tiếp tục bị giáo quyền Do Thái tấn công trong những ngày giảng dạy ở Jêrusalem. Nhóm người tấn công cụ thể ở đây là những người Pharisêu. Họ đã tham vấn nhau và bày mưu tính kế trước khi gửi các môn đệ đến với Đức Giêsu. Sự xuất hiện của nhóm “những người của Hêrôđê” cho thấy sự sắp xếp chu đáo của họ trong vụ gài bẫy Đức Giêsu. Cả hai nhóm đều có mặt, một nhóm đại diện cho những người Do Thái bảo thủ, rất khó chấp nhận nộp thuế thân cho người Rôma; Nhóm kia đại diện cho những người tùng phục ủng hộ chính sách Rôma hoàn toàn. Dù có trả lời thế nào trước câu hỏi: “Có hợp luật để nộp thuế thân cho Kaisar không?” Đức Giêsu cũng sẽ dính bẫy. Đối diện với mưu đồ bất chính của những kẻ xấu xa, được gọi là “những kẻ đạo đức giả”, Đức Giêsu không lảng tránh. Thay vì trả lời câu hỏi “có hoặc không”, Người cho họ thấy một thực tế rằng họ đang bị Rôma đô hộ và đồng tiền họ đang xài rõ ràng mang hình ảnh và ấn ảnh Rôma. Đức Giêsu không có đồng tiền ấy trong khi họ luôn có trong mình. Thế thì, cho đến khi nào họ thoát khỏi tình trạng này, họ vẫn phải “trả chao Kaisar” những gì thuộc về “Kaisar”.[11] Điều quan trọng là vượt ra khỏi mọi cơ cấu thống trị về mặt chính trị xã hội, họ phải nhận biết Đấng thống trị tối cao là Thiên Chúa, và họ phải phụng sự Người. Trong bối cảnh của sự xung đột giữa hai nhóm người: Những người được xem là ưu tuyển và nhóm những người vốn bị xem là kém hơn, câu chuyện này càng cho thấy sự thúc đẩy những người yếu thế hơn để họ biết nắm lấy vận mệnh đời mình mà vươn lên Thiên Chúa, là vua tối cao của toàn cõi vũ hoàn.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích

[1] R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 831.

[2] “The Herodians were supporters of the descendants of Herod as the ruling party, and as such would have been in favor of Roman rule. On the other hand, the Pharisees were the conservative religious element, and they would have found it distasteful to be compelled to support the Roman government by their contributions. This then depicts the dilemma in which the Pharisees hope to snare Jesus. To say that one should not pay taxes to the Romans would put him at odds with the civil authorities, while he would have lost favor with the people if he had advocated the payment of taxes to the Roman authorities” [B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew (UBS; New York 1992) 683]; “The introduction of the Herodian party makes the question a pointed one. The Herodians were supporters of the family of Herod the Great, ruling only by favor of the occupying Roman authority. Anxious to maintain the status quo, the Herodians would certainly have supported the payment of taxes to Rome where the patriotic Pharisees emphatically would not [W.F. Albright, & C.S. Mann, Matthew. Introduction, translation, and notes (New Haven – London 2008) 272]; “Herodians were partisans of the Herodian dynasty, who held their power by Rome’s favor and hoped for the full restoration of Herodian authority (cf. Simon 1967: 86)” [C.S. KEENER, The Gospel of Matthew. A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2009) 524].

[3] “Their estimate of Jesus does, however, correspond well with what we have seen of his style of teaching, unafraid to speak his mind and to challenge accepted traditions. They therefore assume that Jesus prides himself on his independence, and so plan to use it to lead him into a politically sensitive pronouncement” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 382).

[4] “You do not regard the position of men translates the Semitic idiom: “you do not look into the face of men.” A literal translation may imply guilt or shame on Jesus’ part, whereas the real emphasis is upon the impartiality with which Jesus treats people, regardless of their status (AT “you are impartial”). GeCL connects this clause with the previous one: “… influenced by people, no matter how important they are.” Some translators will make this a new sentence: “You don’t care whether someone is important or not” or “It does not matter to you whether someone is an important person or not” (B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew, 683).

[5] “In saying that Jesus “recognized” their intention Matthew perhaps intends us to think of his supernatural knowledge of people’s thoughts, but the sycophantic nature of their question was in itself enough to betray their insincerity” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 833).

[6] “The poll tax had been among the taxes imposed on Judea following the imposition of direct Roman rule in AD 6, not long before, and had been fiercely resented by patriotic Jews, resulting in a serious revolt led by Judas (Josephus, War 2.117–118; Ant. 18.4–10). That revolt was the inspiration for the later Zealot movement which led to the war of independence beginning in AD 66 and so to the fall of Jerusalem and the destruction of its temple in AD 70 (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 829, 832).

[7] D. Harrington, The Gospel of Matthew (SP 1; Collegeville 1997) 310.

[8] “The coin related directly to pagan Roman religion and to the imperial cult in the east: the side bearing his image also included a superscription, namely, “TI. CAESAR DIVI AVG.F.AVGVSTVS”—“Tiberius Caesar, son of the Divine Augustus”; the other side bore a feminine image (perhaps of the Empress Livia personified as the goddess Roma) and read “PONTIF. MAXIM,” referring to the high priest of Roman religion” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 525); R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 833;

[9] “Jesus asserts that this is not necessarily so: it is possible to pay one’s dues both to the emperor and to God, to be both a dutiful citizen and a loyal servant of God” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 830).

[10] Neither the image nor the superscription on coins in common usage could prevent Jewish people’s single-minded devotion to God, nor did the coin have this effect (.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 525).

[11] “And Jesus apparently did not have one—but they did, and in the holy precincts of the temple at that! Well then, if they were using the emperor’s (idolatrous) coinage they could hardly object to paying his tax” (Ibid.).

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 28 TN)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo