Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 28 Thường Niên – A

0
465

Bài Ðọc I: Is 25, 6-10a

“Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài (c. 6cd).

Xướng: 1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. – Ðáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. – Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo con hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, con sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Pl 4, 12-14. 19-20

“Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Ðức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 22, 1-10 {hoặc 1-14}

“Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.

{Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.}

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng / chia sẻ chủ đề:

DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI (Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD)

Dụ ngôn là những câu chuyện ẩn dụ mang tính giáo dục cao. Người kể dùng những hình ảnh có thật ở hiện tại nhằm diễn tả một viễn tượng chưa từng xảy ra. Nội dung và ý nghĩa giáo huấn không nằm trên mặt chữ, nhưng nó ở phía sau câu chuyện được kể. Trên hành trình rao giảng của mình, Đức Giê-su đã dùng loại hình kể chuyện này nhiều lần để truyền đạt giáo lý về hạnh phúc Nước Trời. Ngài mượn chuyện dưới trần thế để nói về ơn cứu độ chốn thiên cung. Trong đó, dụ ngôn tiệc cưới là một ví dụ điển hình.

Dụ ngôn mà Đức Giê-su kể có phần đặc biệt: vua tổ chức tiệc cưới cho hoàng tử. Đại hỷ này là biến cố mang tầm cỡ quốc gia, của cả một dân tộc. Thường dân trong thiên hạ hẳn nhiên ai cũng vui, chắc chắn là mọi người đều mừng. Mừng cho hoàng cung, mừng cho hoàng tử. Bao nhiêu khuôn mặt, bấy nhiêu niềm vui mong ngóng ngày trọng đại nhanh đến. Là ngày trọng đại như vậy, đương nhiên hoàng tộc chuẩn bị mọi sự chu đáo và kỹ lưỡng: nhiều cỗ bàn thịnh soạn được bày biện. Biết bao cánh thiệp vua đã gửi đi, bao nhiêu lời mời đã nhắn đến khách quý. Thật là vinh dự, thật là hạnh phúc cho những thực khách nào được vua ngỏ lời mời. Lại nữa, những người phục vụ, những kẻ tiếp đón được bố trí công việc đâu vào đó cả. Vậy là, mọi sự đã tươm tất, mọi việc đã được sắp xếp chuẩn bị sẵn sàng. Duy chỉ chờ thực khách đến nữa thôi là vua sẽ ra lễ khai tiệc.

Thế nhưng, lạ lùng thay, giờ lành đã điểm mà thực khách không ai đến cả. Thật trớ trêu! Vua đã sai đầy tớ gửi lời mời rồi cơ mà. Hà cớ gì họ không đến dự tiệc? Hay là khách quên ngày tháng? Hay là họ đau ốm bệnh tật gì không đến được chăng? Vua không biết lý do. Ngài lại sai đầy tớ đến thỉnh ý khách mà rằng: “cỗ bàn đã dọn xong, bò tơ, thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới”. Phải nói, vua là người chu đáo, hiếu khách và quảng đại biết dường nào. Khách quý không đến, ngài nhẫn nại cho mời lần nữa. Lẽ thường, khi lời mời thiện chí của mình bị xem nhẹ, chúng ta sẽ cảm thấy tự ái, mất thể diện mà nổi cơn thịnh nộ, quát mắng. Lại nữa, đường đường là vua của một đất nước, ngài có quyền mời những vị khách khác. Thế nhưng, nhà vua đã kiên nhẫn hạ mình, ra chiếu mời khách lần thứ hai. Ngài quả là vị vua đặc biệt giàu lòng nhân ái.

Tiếc thay, tất cả khách được mời đều phớt lờ vinh dự vua ban. Họ không quên ngày tiệc. Họ cũng chẳng đau ốm chi. Mà họ “chẳng đếm xỉa gì”: người thì bỏ đi thăm trại, kẻ thì đi buôn, có kẻ còn cả gan bắt đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Chúng ta có quyền tự hỏi, tại sao họ lại hành xử như vậy? Lẽ nào việc cá nhân quan trọng hơn đại hỷ của đất nước? Lẽ nào đi buôn vinh dự hơn dự đại hỷ của hoàng tử? Chuồng trại cao quý hơn chỗ ngồi trong cung điện tráng lệ hay sao? Lại còn bắt người mà giết chết nữa. Thật hỗn xược! Họ đã từ chối ân huệ. Họ đã đạp đổ hồng phúc cuộc đời mà biết bao người ngày đêm hằng mong ước. Họ không xứng đáng. Họ phạm thượng. Họ bị vua tru diệt. Vậy là, từ chỗ hẳn nhiên được ngồi vào chỗ cao quý, giờ đây biết bao con người tự đẩy mình xuống bùn đen, thậm chí là vong mạng. Đau lòng thay! Bữa tiệc vui trở nên ngày buồn thảm. Biến cố hoan hỷ trở thành ngày chết chóc thê lương.

Tuy nhiên, vốn là người nhân từ lấy đại sự làm trọng, nhà vua sai đầy tớ ra các ngã đường gặp bất kỳ ai, không phân biệt người xấu kẻ tốt, người lành lặn hay kẻ đui mù, mời tất thảy họ vào dự tiệc. Bởi thế, phòng tiệc từ chỗ trống trơn vắng lặng, bây giờ đã nhộn nhịp thực khách; bầu khí u ám trở nên rộn ràng. Hoàng cung lại đầy ắp tiếng cười và hoan hỷ. Mọi người cất cao giọng nói, tay bắt mặt mừng vì được chung phần vinh dự, vì chuyện không ngờ. Không ngờ mình lại có được phần phúc này, được vinh hạnh tham dự đại tiệc nơi hoàng cung tráng lệ. Từ chỗ không được mời, không được để ý đến, họ may mắn được vua cất nhắc lên vị trí đặc biệt, được nhận ân lộc nhà vua. Cuộc đời của họ bước sang một trang mới. Họ thật sung sướng và hạnh phúc. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc không trọn vẹn bởi trong số những người vào dự tiệc lần này, có một kẻ không mặc phẩm phục lễ cưới. Người này bị trói, bị quăng ra nơi tối tăm. Thật bất hạnh và xót xa!

Chúng ta dễ dàng nhận thấy tiệc cưới mà Đức Giê-su kể có những điểm xem ra lạ lùng, éo le. Ban đầu, bữa tiệc chỉ dành riêng cho một số người được mời chọn nhưng vì thái độ khinh thường nên dẫn đến mạng vong. Về sau, vua không giới hạn lượng người nữa mà “bất cứ ai, bất luận tốt xấu” hễ mặc áo cưới ắt sẽ được vào tham dự tiệc. Những người đang ở nơi cao lại bị đày xuống đất thấp. Những kẻ không được để ý đến lại được cất nhắc lên cao. Thật ngược đời.

Câu chuyện tiệc cưới – Nước Trời của Đức Giê-su kết thúc ở đó. Cái khó là Ngài kể mà không giải thích gì thêm. Tuy nhiên, theo các nhà giải thích Kinh Thánh thì nhà vua trong dụ ngôn tượng trưng cho Thiên Chúa, con của vua là Đức Giê-su. Đầy tớ vua là các ngôn sứ và các môn đệ của Đức Giê-su. Quan khách là dân Ít-ra-en, là giới lãnh đạo Do Thái. Thiên Chúa đã mời dân Ít-ra-en đến tham dự tiệc cưới của Người Con. Nhưng họ đã cố tình từ chối. Họ không thừa nhận Đức Giê-su là Con của Người. Họ phớt lờ hồng ân mà Thiên Chúa thương ban. Qua câu chuyện này, chúng ta dễ dàng nhận thấy Đức Giê-su thật tinh tế và khéo léo khi mượn hình ảnh tiệc cưới của trần gian để diễn tả niềm hoan lạc chốn trời cao. Tiệc vui nơi thiên cung không giới hạn lượng người tham dự, ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dành cho một dân Ít-ra-en hay một dân riêng nào nữa. Trái lại, Thiên Chúa mời gọi tất thảy mọi người trên mặt đất này. Ân huệ của Ngài là món quà chung, miễn sao con người sẵn sàng chìa tay đón nhận với lòng công chính và thái độ chân thành thật tâm.

Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân ái. Ngài không ngừng mời gọi con người thuộc mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ trên trái đất này, hãy mau mắn đến tham dự tiệc vui, tiệc cưới hiệp thông để được cứu độ. Ngài không chỉ mời gọi một hai lần mà là “hết lần này đến lần khác”. Thế nhưng, con người hiện đại có thể đã quen mùi vị của những món ăn thế gian cho nên nhiều khi không trân trọng tiệc thánh của Chúa. Họ thường viện cớ để khước từ: những lo toan công ăn việc làm, bận tâm chuyện gia đình, vì sự ươn lười của bản thân mà con người coi nhẹ lời mời gọi của Thiên Chúa. Có khi nào “bò tơ và thú béo” của Vua Trời không hấp dẫn, không ngon bằng những món ăn mà trần gian thiết đãi.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì chúng con cảm thấy mình thật may mắn khi được Chúa mời gọi vào dự tiệc cưới Nước Trời. Tuy nhiên, vì phận người yếu đuối, chúng con lắm khi sa ngã trước những “món ăn” của trần gian mà chối từ “đại tiệc” Chúa ban. Xin Chúa giúp chúng con ăn ở hiền lành, công chính để xứng đáng được cùng Ngài dự tiệc Nước Trời mai sau. Amen.

 


 

BỮA TIỆC NƯỚC TRỜI (Lm. Phêrô Nguyễn Tương Lai, SVD)

Qua các bài đọc Chúa Nhật hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta tham dự bữa tiệc Nước Trời. Kinh Thánh nhắc đến nhiều bữa tiệc: bữa ăn tổ phụ Ápraham khoản đãi ba người khách lạ dưới lều vải (x. St 18,1-8); bữa tiệc người cha mừng con đi hoang trở về (x. Lc 15,22-32); tiệc cưới ở làng Cana (Ga 2,1-10);bữa ăn Chúa Giêsu dọn cho dân chúng được ăn no từ 5 chiếc bánh và 2 con cá (x. Mc 6,30-44); bữa ăn Chúa Giêsu Phục Sinh dọn cho các môn đệ (x. Ga 21,1-14). Tất cả để báo hiệu bữa tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu lập và được tái diễn trên bàn thờ mỗi ngày.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về những người tá điền sát nhân, để ám chỉ về Nước Trời. Lời hứa Nước Trời được ban cho dân riêng của Chúa, nhưng họ đã khước từ. Chúa nhấn mạnh đến trách nhiệm của những ai đã nhúng tay vào máu của người con thừa tự; họ sẽ bị tiêu diệt và lời hứa được trao cho người khác. Qua đó, Chúa phác họa lại lịch sử cứu độ qua các giai đoạn chính: Từ khi Thiên Chúa gửi đến cho họ các ngôn sứ, rồi đến chính Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô, nhưng tất cả đều bị khước từ.

Sự chối từ của những người được tuyển chọn lại là cơ may để những người khác được mời vào bàn tiệc Nước Trời. Quả vậy,phòng tiệc Nước Trời vẫn mở rộng, mời gọi hết mọi người, mọi dân tộc đến tham dự, làm sao cho phòng tiệc phải đầy ắp. Lời ngôn sứ Isaia trong bài đọc I ví Nước Trời như một bữa tiệc mà Chúa dọn sẵn cho muôn dân, nay đã nên ứng nghiệm.

Từ đời nọ đến đời kia, Thiên Chúa vẫn tiếp tục gửi các vị thừa sai đi qua mọi nẻo đường trên thế giới, kêu gọi mọi người vào phòng tiệc, bất cứ họ là ai, tốt hay xấu. Thiên Chúa không loại bỏ bất kỳ ai; chỉ có chúng ta tự loại bỏ mình khi khước từ lời mời gọi vào bàn tiệc Nước Trời mà thôi.

Một chi tiết trong dụ ngôn làm chúng ta khó hiểu là khi nhà vua đi vào bữa tiệc quan sát và loại ra ngoài một người không mặc y phục lễ cưới. Một câu hỏi được đặt ra là:tại sao nhà vua lại nổi cơn thịnh nộ khi trước đó đã ra lệnh “gặp bất cứ ai đều mời vào dự tiệc cưới”? (Mt 22,9).Thánh Matthêu nhận thức rằng, Giáo Hội càng ngày càng đông. Nhưng Giáo Hội không phải là quán cơm bình dân, ai vào cũng được, không có một chút điều kiện tối thiểu. Đành rằng Chúa rất thương kẻ có tội và Giáo Hội của Ngài đầy tội nhân hơn là vị thánh. Nhưng dẫu sao, muốn vào Giáo Hội, Chúa cũng đòi hỏi có một sự ước muốn trở lại chân thật, một “chiếc áo trắng Rửa tội”, một sự ao ước “mặc lấy Đức Kitô”.

Giáo Hội là một “bữa tiệc” của người tội lỗi, nhưng là những người tội lỗi biết sám hối và tin tưởng vào Chúa Kitô và ơn cứu độ của Ngài. Tình thương đòi hỏi chút tình thương đáp đền, mới xứng đáng dự vào bữa tiệc tình thương.Mặc áo cưới là mặc lấy nhân phẩm, để được nâng lên ngang hàng thượng khách, là khách mời của Vua tình yêu. Mặc áo cưới là trân trọng tình yêu của Chúa, là muốn đáp lại tình yêu của Ngài.

Chuyện kể rằng: Charles de Foucauld (1858-1961) là một sĩ quan phóng khoáng, 12 năm không tin tưởng gì cả. Một hôm gặp cha Huvelin, một linh mục quen với gia đình, Foucauld nói với cha: “Từ ngày lên 15 tuổi, con không còn đức tin”. Cha Huvelin như đọc được trong tâm hồn, chỉ nói: “Con hãy quỳ xuống xưng tội đã”. “Từ đó tôi hiểu rằng tôi không còn cách nào khác là chỉ sống cho một mình Ngài”.

Hạ mình nhìn nhận tội lỗi là chiếc áo cưới của Charles de Foucauld, con người đã tìm thấy Chúa trong im lặng.

Ước gì lời Chúa hôm nay thấm nhuần trong tâm hồn của mỗi người chúng ta,để rồi cuộc đời của chúng ta luôn phải phấn đấu hy sinh. Là người Kitô hữu phải biết đẩy lùi tội lỗi, tránh xa những dính bén vật chất, danh vọng và dục vọng, sống bền đỗ đến cùng mới nhận được phần thưởng xứng đáng là Nước Trời mà Thiên Chúa dọn sẵn cho chúng ta.

 

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII Thường Niên, Năm A (Mt 22,1-14)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 28 TN-A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.