BÀI ĐỌC I: Is 49, 1-6
“Đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa, và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”.
Và bây giờ Chúa là Đấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người và quy tụ Israel chung quanh Người, tôi được vinh hiển trước mặt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh tôi, Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta đã ban cho đến tận bờ cõi trái đất”.
BÀI ĐỌC II: Cv 13, 22-26
“Gioan rao giảng việc Chúa Kitô sắp đến”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô nói: “Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: Ta đã gặp được Đavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”. Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước, khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.
Tin mừng: Lc 1, 57-66.80
57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.
59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em.
60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.”
62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan.” Ai nấy đều bỡ ngỡ.
64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê.
66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? “ Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
80 Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen.
BÀI GIẢNG CHỦ ĐỀ
GƯƠNG MẪU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ (Ts. Lm. G.B. Trịnh Đình Tuấn, SVD)
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Thiên Chúa đã chuẩn bị và kêu gọi ngài ngay từ trong lòng mẹ, để làm người loan báo về Đức Giêsu, Con của Người.
Lòng sùng kính Thánh Gioan Tẩy Giả đã bén rễ sâu trong tâm hồn các tín hữu qua mọi thời đại. Chính vì thế, ngài được sùng kính một cách đặc biệt và đã để lại rất nhiều truyền thống trong dân chúng về ngày lễ của ngài. Chắc chắn, Gioan Tẩy Giả là một con người chân chính và hoàn thiện, một vị ngôn sứ vĩ đại và thánh thiện.
1. Ơn gọi từ Thiên Chúa
Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe trường thuật về việc sinh hạ của Gioan Tẩy Giả. Thông thường, Giáo Hội chọn ngày mất như là ngày mừng kính các thánh: ngày sinh ra trong sự sống viên mãn. Cùng với Đức Giêsu, chỉ có hai người được mừng ngày sinh nhật của mình: Đức Mẹ Maria (8/9) và Thánh Gioan Tẩy Giả (24/6).
Tại sao Giáo Hội ngày hôm nay lại kính nhớ một cách trọng thể ngày sinh nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả? Câu trả lời có ngay trong Tin mừng, vì: Ngay từ trong lòng mẹ, em đã tràn đầy Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,15). Thiên sứ Gápriel nói với Dacaria khi loan báo cho ông về việc sinh hạ người con của mình. Điều này chỉ cho ta thấy Ngài đã được thánh hóa để chuẩn bị cho sự hiện diện của Đức Giêsu. Ngay từ khi thánh nhân còn trong lòng mẹ Êlisabét, Đức Maria viếng thăm. Ngoài ra, sự ra đời của vị Tiền Hô là một nguồn hạnh phúc lớn lao cho nhân loại, vì Ngài đã loan báo sự xuất hiện của Đấng Mêsia, Đấng Cứu Rỗi nhân loại.
Hoàn cảnh và những dấu chỉ đặc biệt kèm theo ngày sinh của con trẻ này đã khiến những người láng giềng hết đỗi ngạc nhiên: Đứa trẻ này rồi sẽ ra như thế nào đây? Không phải là đã có bàn tay Thiên Chúa phù hộ em đó sao? Họ nhận ra rằng, sau rất nhiều dấu chỉ, Thiên Chúa đã lên kế hoạch gì đó độc đáo cho em.
Rõ ràng, chúng ta đang đối diện với một ơn gọi đặc biệt của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã gọi Gioan Tẩy Giả trở thành khí cụ được Người tuyển chọn. Điều này cũng được nói đến trong bài đọc một về ơn gọi của ngôn sứ Isaia: Thiên Chúa gọi tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, ngay từ trong bụng mẹ Người đã nhắc đến tên tôi. Ngay từ trong lòng mẹ, Người đã uốn nắn tôi để tôi trở thành tôi tớ của Người.
Thiên Chúa đã chuẩn bị và mời gọi Ngài ngay từ trong dạ mẹ để thành Tiền Hô cho Con của Người.
2. Đáp lại lời mời gọi
Một ơn gọi thánh thiêng chỉ có thể chu toàn nếu khí cụ nhân loại đón nhận một cách trọn vẹn lời mời gọi. Nơi Thánh Gioan Tẩy giả chúng ta bắt gặp rất nhiều đức tính luôn cần thiết cho tất cả những ai theo Chúa.
Cuộc sống khổ hạnh, tinh thần hy sinh của Gioan Tẩy Giả
Ngài đã từ bỏ mọi thứ để sống cuộc sống đơn sơ và dâng hiến. Các Tin Mừng nhấn mạnh rằng Ngài mặc chiếc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và uống mật ong rừng: không uống rượu vang cũng như rượu nặng. Và Đức Giêsu nói về Gioan rằng ông không phải là người mặc đồ sang trọng: “Bởi vì những người ăn mặc nhã nhặn ở trong cung điện của các vị vua” (Mt 11,8). Những điều này đều mô tả lối sống cực kỳ khắc khổ, khó khăn và không thoải mái để hoàn thành sứ vụ thiêng liêng mà Thiên Chúa đã mời gọi ông.
Sự khiêm hạ của Gioan Tẩy Giả
Gioan Tẩy Giả có thể vượt qua Đức Giêsu hoặc các ngôn sứ, nhưng ngài khẳng định rằng mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa và điều đó liên hệ đến Đấng Mêsia rằng ngài không đáng cởi quai dép cho Người. Và khi Chúa Kitô xuất hiện, Gioan giới thiệu Người cho họ và khẳng định rằng “Người phải lớn lên còn tôi phải bé lại” (Ga 3,30). Sau đó, ngài biết rằng mình phải tự hạ mình xuống, ẩn đi, để cho sự hiện diện Thiên Chúa được trổi vượt lên.
Sự can đảm của Gioan
Tuy đứng trước những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị đầy quyền lực, Gioan Tẩy Giả thể hiện sự can đảm và chính trực của mình trong việc lên tiếng cho sự thật và tố cáo những bất công. Khi “thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Mt 3,7). Và đối với vua Hêrôđê, ông công khai khiển trách về vụ bê bối lấy vợ của anh trai mình làm vợ. Dù biết việc lên án này sẽ làm ông mất mạng sống sau này nhưng chính sự chính trực và công bằng trong nội tại, ông cũng không ngần ngại sống lối sống mà Thiên Chúa muốn.
Tính kiên định/cứng rắn của Gioan
Điều này được nhấn mạnh bởi Chúa Kitô: Anh em đi xem gì trong hoang địa: một cậy sậy đung đưa trước gió ư? (x. Mt 11,7). Vì điều đó, ông xứng đáng được Đức Giêsu ngợi khen là người cao trọng nhất khi nói ngài là một vị ngôn sứ, và còn hơn cả một vị ngôn sứ nữa. Trong số những người sinh ra từ lòng mẹ, đã không ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả (x. Mt 11,10-11).
3. Sứ mạng của Gioan Tẩy giả: Kêu gọi sự hoán cải
Thiên Chúa kêu gọi ai để Ngài giao phó cho họ một sứ mạng nào đó. Sứ mạng của Thánh Gioan Tẩy Giả là dọn đường cho Chúa. Đó là lý do tại sao ngài là vị ngôn sứ vĩ đại của sự biến đổi và hoán cải. Ngài làm lay động lương tâm những con người đương thời, mời gọi họ sống công bình, chính trực, bác ái và quay về với Thiên Chúa.
Việc đổi mới nội tâm, thay đổi tâm hồn và cuộc sống cũng là một thông điệp có ý nghĩa lâu dài. Người Kitô hữu ngày nay cũng được mời gọi đón Đức Giêsu Kitô đến lần thứ hai bằng cách làm sạch môi trường (công lý và sự thật), nhổ bỏ mọi thứ ngăn cản đời sống Kitô hữu. Bởi vì Kitô giáo không bao gồm những hình thức bề ngoài tốt đẹp, nhưng ở sự gắn kết của cuộc sống hàng ngày với niềm xác tín nội tâm sâu sắc vào Tin mừng.
Mừng Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả cũng là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại bản thân và tự hỏi:
Tôi đang sống ơn gọi Kitô hữu của mình như thế nào?
Tôi có đang cố gắng nên thánh hằng ngày trong ơn gọi và đời sống của mình không?
Tôi có sẵn sàng sống khắc khổ, khiêm nhường và can đảm như thánh nhân không?
Tôi đang dọn đường cho Chúa như thế nào trong xã hội, gia đình, nơi làm việc, trong khu xóm của mình?
Tôi có phải là ngôn sứ và tác nhân của sự thay đổi và hoán cải, bắt đầu từ chính mình, từ việc tự giáo dục bản thân và cả việc giáo dục con cái mình theo tinh thần của Tin mừng không?
GIOAN TIỀN HÔ, VỊ NGÔN SỨ MẪU MỰC (Linh mục Antôn Pađôva Lê Sơn,SVD)
Gioan sinh ra giữa thời đại loạn lạc và một đất nước nhiễu nhương, quan tham ô hợp, nhũng nhiễu; dân chúng lầm than cực khổ; cả xã hội gần như chìm đắm trong tội lụy và mê lầm. Trong bối cảnh đó Gioan như một ánh sáng chân lý tự trời cao chiếu dọi vào cảnh đời tăm tối của thế gian. Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả là một duyên cơ để mỗi chúng ta nhìn lại ơn gọi và sứ mạng Kitô hữu của mình giữa thời đại hôm nay.
- Vị ngôn sứ mẫu mực
Ở vào thời đại và hoàn cảnh của đất nước Paléttin lúc bấy giờ, việc một đứa trẻ trai sinh ra không chỉ là một niềm khích lệ to lớn cho gia đình, mà còn là niềm vui mừng khôn tả cho những người hàng xóm láng giềng: “sinh con trai vui mừng khắp chốn, sinh con gái buồn tủi nơi nơi” (tục ngữ). Sự xuất hiện của Gioan đã làm cho niềm hạnh phúc của gia đình ông Dacaria và bà Êlisabét tăng lên bội phần, bởi cả hai bị mang tiếng son sẻ vì ông đã già và bà cũng đã cao niên (x. Lc 1,7). Thế nhưng Thiên Chúa đã cất nỗi nhục cho hai ông bà.
Đúng với ý nghĩa tên gọi: “Gioan” là ơn của Chúa (hay Thiên Chúa nhân hậu). Việc Gioan Tiền Hô có mặt trong cuộc đời không chỉ đem lại niềm hạnh phúc lớn lao cho cả gia đình dòng tộc của ông, nhưng còn là quà tặng ý nghĩa mà Thiên Chúa đã trao ban cho toàn thể nhân loại.
Đương thời có không ít ý kiến đã thắc mắc: “Đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào?” (1,67). Mỗi đứa trẻ ra đời luôn mang theo cả một niềm ước vọng lớn lao cho gia đình và toàn xã hội. Gioan được sinh ra trong thế gian là niềm vui lớn cho nhiều người. Bởi sự ra đời của Gioan có những điều khác thường, lạ lẫm nên đã không ít người tự hỏi về tương lai của đứa trẻ mới chào đời này và người ta đang kỳ vọng rằng chính cậu sẽ làm một cuộc cách mạng cho dân tộc của mình.
Gioan là người được Chúa sai đến: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3,4-6). Trước đó hơn hai trăm năm, ngôn sứ Malakhi trong Cựu Ước đã tiên báo về sự xuất hiện của một vị ngôn sứ dọn đường cho Đức Chúa: Này ta sai sứ giả của ta đi trước mặt con, người sẽ dọn đường cho con đến để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu (x. Ml 3,1-24). Dưới tác động của Thánh Thần, ông Dacaria đã cất lên lời chúc tụng Benedictus ngợi khen Thiên Chúa: “Hài nhi hỡi, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết, người sẽ cứu độ và tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76-77). Những cứ liệu này giúp chúng ta thấy được tầm quan trọng của Gioan trong lịch sử cứu độ.
Một vị ngôn sứ khiêm nhường, quả cảm, cương trực, thẳng thắn, quyết đoán, không lùi bước trước những “phi lý cùng cực” của thế thái nhân tình, của xã hội; nhưng cũng đầy lòng trắc ẩn và rất mực yêu thương những người cùng khổ dưới đáy xã hội.
Dựa theo những gì được mô tả trong Kinh Thánh, chúng ta thấy Gioan là một con người với y phục khác thường, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Lối trang phục dị thường ấy đã làm nên phong cách riêng của một Gioan Tiền Hô. Một trong những dấu ấn mạnh mẽ mà Gioan để lại trong tâm khảm nhiều người chính là lời rao giảng và thái độ sống chứng nhân của mình. Lời rao giảng của ông nhằm để dọn đường cho Đức Chúa và làm cho lòng cha ông quay về với con cháu và khiến bao kẻ ngỗ nghịch phải thành tâm chuyển ý trở về với nẻo chính đường ngay. Với một thái độ cương quyết và cứng rắn trước cái ác, cái phi nhân của những kẻ khốn nạn, ông đã không ngần ngại chỉ trích những người có quyền thế thời bấy giờ: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh trốn cơn thịnh nộ sắp giáng xuống?” (Lc 3,7); “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh hoa quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Lc 3,9). Chính trong sự cương nghị, ông đã khuyên họ phải hối cải, ăn năn trở về để được tha thứ: “Vậy các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng hối cải”(Lc 3,8).
Gioan giảng dạy về một lối sống công bằng và đầy bác ái như một đạo lý chân chính trong mối tương quan giữa con người với nhau. “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng phải làm như vậy” (Lc 3,11). Một trong những yếu tố làm nên sự thành công của Gioan trong việc rao giảng, là ông đã nhắm đến từng đối tượng với những đặc tính khác nhau mà ông đã không ngần ngại lên án lối sống giả tạo và sự lầm đường lạc lối của họ. Ông đã chỉ cho họ cách thức và con đường để thống hối, trở về và phục thiện.
Nhiều người đã đến để xin ông Gioan làm Phép rửa như để tỏ lòng sám hối. Phép rửa của Gioan là để giúp cho những kẻ tội lỗi chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn tha tội từ “Đấng sẽ đến và làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16). Lời rao giảng của Gioan có sức lay động lòng người và làm chuyển xoay thái độ sống của họ. Nói cách khác,phép rửa của Gioan nhằm tạo điều kiện cho ơn hối cải, đồng thời thực hiện cuộc thanh tẩy nội tâm.
Như thế, lời rao giảng của Gioan là một mô phạm điển hình cho bất cứ công cuộc rao giảng, kêu gọi sám hối nào mà các ngôn sứ cũng như những môn đệ của Đức Kitô thực hiện sau này. Cũng vậy, lối sống và nhân cách của ông là điểm tới của cuộc đời ngôn sứ cho bất cứ ai muốn bước theo Đức Kitô.
- Gioan đã sống lời chứng bằng cả cuộc đời mình
Gioan không chỉ rao giảng bằng lời nói, ông còn chứng thực các chân lý đã rao truyền bằng hành động và thái độ sống cách sinh động và hữu hiệu. Chúng ta bắt gặp một vị ngôn sứ khiêm nhường và chính trực. Với một tầm ảnh hưởng rộng lớn trong quần chúng thời đó, Gioan có thể dự phóng cho mình một tương lai tốt đẹp. Khi người ta nghe lời ngôn sứ rao giảng và thấy những việc ông làm,ai nấy đều tự hỏi, biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Kitô! (x. Lc 3,15; Ga 1,25). Tuy nhiên, trong sự khiêm tốn của mình Gioan đã khẳng định: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16-17). Ông còn rao giảng về một Thiên Chúa công bằng và đầy lòng trắc ẩn, Người tha thứ hết mọi tội lỗi của họ. Ông đã chứng thực cho họ biết về lòng nhân từ và sự quảng đại của Thiên Chúa.
Vì ý thức sứ mạng cao cả là dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, Gioan đã can đảm làm chứng cho Ánh Sáng và Sự Thật, dù phải trả giá bằng cả mạng sống mình. Đôi khi có người lý luận: chính Gioan đã bị Hêrôđê chém đầu, đó là một sự thất bại! Đúng thế, trước mặt người đời Gioan là kẻ trắng tay, thua cuộc vì ông đã bị Hêrôđê kết liễu cuộc đời. Nhưng sự thành bại của con người không dừng lại ở đó. Gioan đã sống chết vì chân lý mà ông đã rao giảng, nên ông vẫn sống mãi trong lòng mọi người Kitô hữu và trong lịch sử cứu độ, bởi ông đã thi hành sứ mạng cách anh hùng.
- Lời mời gọi sống đời ngôn sứ cho chúng ta
Cuộc đời Gioan khép lại bằng cái chết tử đạo, như một minh chúng hùng hồn cho chân lý ông đã rao giảng. Có nhiều người nhìn về Gioan như mẫu gương của sự khiêm cung, thánh thiện; số khác nhìn nơi thánh nhân như một chuẩn mực cho ơn gọi và sứ mạng của mình. Ở thời đại nào cũng vậy, tất cả chúng ta cần nhìn nhận nơi vị ngôn sứ cuối cùng của thời đại Cựu Ước này như một điển hình cho gương can đảm và sống hết mình vì sứ vụ.
Gioan đã khiêm nhường để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện trong cuộc đời. Ông đã can đảm tuyên bố trước mặt mọi ngườirằng Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại; Người phải trổi vượt còn tôi phải lu mờ (x. Ga 3,30). Chỉ khi nào chúng ta có được đức độ khiêm nhu và tinh thần quả cảm đó, thì sứ mạng chứng nhân của chúng ta mới có thể thành toàn. Tức là mỗi người chúng ta hãy để cho Chúa được lớn lên trong ta, lúc ấy bóng tối và sức nặng của tội lỗi sẽ không còn có thể kìm nén chúng ta trong sự ích kỷ nhỏ nhen của riêng mình.
Thiên Chúa đã sai Gioan đến trong cuộc đời để dọn đường cho Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, Ngài cũng đang mời gọi chúng ta hãy là ngôn sứ bạt những chỗ gồ ghề của toan tính cá nhân, san bằng những lồi lõm của tham vọng, sửa lại những khúc quanh co của tâm hồn và cuộc đời mình để chúng ta luôn xứng đáng là người đi tiên phong trong ánh sáng và công lý trước khi Chúa đến với chúng ta.
Sự thành công của Gioan chính là dám để cuộc đời mình chìm ngập trong trong thánh ý của Đấng đã sai ông đến. Gioan đã ta biến đi trong sự khiêm nhường và thánh thiện và trên tất cả thánh nhân đã để mình được mất hút trong ý muốn của Thiên Chúa trong cả cuộc đời và bằng cả cái chết của mình. Đó chính là lời mời gọi sống động và hùng hồn nhất cho sứ mạng của mỗi người Kitô hữu chúng ta giữa thời đại nhiễu nhương, tranh tối tranh sáng về các giá trị đạo đức, nhân phẩm và mục đích ý nghĩa đời người.