CHIA SẺ TIN MỪNG (Chúa Nhật 14 TN – C)

0
634

Bài đọc 1: Is 66,10-14c; Bài đọc 2: Gal 6,16-18; Tin Mừng: Lc 10,1-12,17-20

Tin Mừng: Lc 10, 1-9 {hoặc 1-12. 17-20}

1 Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. 2 Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. 3 Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. 4 Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. 6 Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. 7 Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

8 “Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. 9 Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’.

{10 “Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: 11 ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. 12 Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.

17 Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. 18 Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. 19 Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. 20 Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.}


 

Chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật:

THAO THỨC TRUYỀN GIÁO “TẬN TÂM CAN” ( Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD)

Theo Tin Mừng thánh Lu-ca, sau khi khởi sự rao giảng một thời gian, Đức Giê-su thâu nạp các môn đệ và đào tạo họ thành những ngôn sứ để tiếp tục công việc sứ vụ của mình. Ngài đã dạy các ông nhiều điều qua những dụ ngôn, các bài giảng. Ngài dẫn dắt họ đi thực tế nhiều nơi, cho các ông thấy tận mắt công việc Ngài làm, nghe những lời Ngài giảng dạy dân chúng. Có lẽ bấy nhiêu thời gian ở bên Thầy, các ông đã trưởng thành, “đủ lông đủ cánh”, đã am tường giáo lý Thầy dạy, thấu hiểu lời lẽ và công việc của một ngôn sứ. Bởi thế, sau khi sai nhóm Mười Hai lên đường, hôm nay Đức Giê-su quyết định tiếp tục cử bảy mươi hai môn đệ khác ra đi thi hành sứ vụ. Trước lúc Thầy trò tiễn biệt nhau, Ngài và nhóm các ông lại chia sẻ tâm tư, kinh nghiệm và dặn dò một cách kỹ lưỡng.

Buổi trò chuyện không có gì đặc biệt, không gian chỉ gói gọn trong tình thầy trò mà thôi. Thầy Giê-su mở lời với giọng thiết tha, đầy trăn trở: “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Rõ ràng, Thầy đang đề cập đến thực trạng của việc truyền giáo lúc đó. Rằng những kẻ chưa tin vào Thiên Chúa còn nhiều mà những người đi rao giảng lại ít. Nhận định đó phần nào phản ánh đúng với tình hình chung của Giáo Hội ngày nay. Hiện tại, người sống đời dâng hiến, làm nghề “lưới người” ngày một ít. Bốn bể khắp năm châu nào còn bao nhiêu ‘thợ gặt’ đâu. Trong khi cánh đồng vốn đã bao la bát ngát, biển người mênh mông. Dân số thế giới ngày càng tăng, những con chiên lạc ngày càng nhiều. Giờ đây, Thầy định liệu để các môn đệ của mình ra đi “gặt lúa” về. Đó là quyết định sáng suốt, đúng người đúng thời điểm.

Thực tế mà nói, Thầy đã từng trải. Duy một mình Thầy đã đi rao giảng nhiều vùng miền, nay đây mai đó các địa phương khác nhau, bằng kinh nghiệm của Thầy, lần này Thầy sai các ông đi “từng hai người một”. Nhóm họ có cả thảy bảy mươi hai người. Như vậy là vừa vặn hai người một cặp, không ai thừa mà cũng chẳng cặp nào thiếu. Không đôi nào ít, không cặp nào nhiều nhưng đủ để nương tựa nhau lúc thương đau hoạn nạn, gặp cảnh ốm yếu gian truân, phòng khi có chuyện bất trắc mà đỡ đần nhau. Hơn nữa, các lần trước có thầy đồng hành, lần này thì không. Các ông sẽ đi xa trong thời gian dài. Người ngược kẻ xuôi đến nơi đất khách quê người. Hoàn cảnh, bầu khí hoàn toàn mới lạ. Lại nữa, lần đầu xa gia đình, xa bố mẹ, vắng người thân yêu. Bước đầu có thể các ông cảm thấy bỡ ngỡ, thiếu thốn. Cảm giác cô đơn, trống vắng là điều chắc chắn không thể tránh khỏi, nhiều khi tủi thân chán nản mà bỏ cuộc. Bởi thế, Thầy bố trí như vậy là phải lẽ hợp lý, có anh có em, có trên có dưới mà chỉ bảo nhau trong công việc hòng vượt ải khó khăn trong đời sống chung. Thế mới biết Thầy chu đáo và tâm lý nhường nào. Thầy một mực lo lắng cho đời sống tinh thần, sinh hoạt thiêng liêng của các môn đệ. Hẳn nhiên, Thầy sắp xếp nhân sự một cách bình đẳng, không thiên vị mà cũng chẳng kiêng nể ai.

Với tư cách là thầy, người giáo dưỡng các trò của mình, có lẽ Thầy Giê-su hiểu rõ tâm tính của họ hơn ai hết. Mặc dù học trò của Thầy đông, khác nhau về tuổi tác, tính cách. Họ còn trẻ người non dạ. Bởi vậy mà lần đầu được thầy tin tưởng sai đi sứ vụ, chắc họ hớn hở vui mừng lắm. Tuy nhiên, là người trực tiếp chịu trách nhiệm và hướng dẫn các ông, Đức Giê-su thận trọng dặn dò một cách kỹ càng: “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”. Chúng ta có quyền thắc mắc: Tại sao Thầy Giê-su khuyên họ như vậy? Lẽ ra, các trò đi xa nhiều ngày, Thầy phải chuẩn bị thêm hành trang mới phải chứ? Lỡ may trên hành trình, các ông nhỡ đường nhỡ xá biết tá túc nơi đâu. Sinh hoạt ăn uống toan liệu thế nào? Tuy nhiên, người đời thường nói: ‘ôm nhiều thì không chặt’. Phải chăng Thầy muốn các trò của mình không dựa dẫm, bám vào tiền bạc? Phải chăng Thầy ngụ ý tình yêu mới là hành trang thực của môn đệ? Hay Thầy có ý nhắc nhở các ông chú trọng đến đời sống nội tâm hơn? Tôi không dám chắc. Nhưng có thể đó là tâm tư của Thầy. Thầy dặn các ông ý thức sống lời Chúa là trên hết, mang theo ba lô khiêm tốn và nhiệt huyết thì hữu ích hơn hành lý, vật dụng bên ngoài. Thầy cũng gợi cho các ông nói những điều cần nói, làm những việc cần làm. Rằng hễ vào bất cứ nhà nào trước tiên hãy chúc “bình an cho nhà này”. “Hãy chữa lành những người đau ốm bệnh tật”. “Đừng chào hỏi ai dọc đường, đừng đi nhà nọ đến nhà kia”. Những lời này của Thầy nghe có vẻ khắt khe quá phải không? Không! Ngôn sứ là cánh tay phải, là người thay mặt Chúa mang tình yêu đến với nhân gian cho nên lời nói và hành động cần phải cẩn trọng. Thầy khuyên các môn đệ không kề cà với bất kỳ ai dọc đường, không phiếm chuyện riêng chuyện tư của người này người khác, từ nhà nọ hết nhà kia mà đánh mất nhân cách của người môn đệ, phá vỡ các mối tương quan huynh đệ, thân hữu. Hơn nữa, các nhà truyền giáo thuộc giới trí thức. Họ được chu cấp ăn học, được đào tạo bài bản cả về kiến thức lẫn nhân cách làm người chân chính. Giả dụ, công việc mà họ thực hiện sai lạc lời Chúa dạy, những điều các ông nói trái lệch đạo lý làm người thì quả là tai họa. Thành thử, Thầy khuyên nói lời chân thành, cứu chữa người bệnh tật, thăm viếng kẻ đau lâu ốm dài để an ủi, tạo thêm niềm tin cho họ; vì bình an trong tâm hồn và khỏe mạnh nơi thân xác là tình trạng hạnh phúc mà người người đều mong muốn. Đức Giê-su chú trọng ở khía cạnh nhân sinh này nhất. Bởi vậy Thầy ban cho các ông năng quyền để thực hiện những việc đó cho dân chúng. Thầy không bảo các ông mở rộng đất đai để xây dựng nhà thờ to lớn, công trình cao đẹp cho oai; nhưng Thầy dặn đi dặn lại: “hãy nói với họ Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”. Thầy muốn các ông vun đắp đời sống đức tin nơi thế gian. Thầy muốn triều đại của tình yêu Thiên Chúa được nhân loại nhận biết qua Con Một của Ngài.

Một chi tiết khiến chúng ta phải lưu ý là tâm tư mà Thầy Giê-su bộc bạch trong buổi nói chuyện đều hướng đến người dân. Ý Thầy là lời nói và việc làm của ngôn sứ phải sinh ích cho dân chúng mà không màng lợi cho mình. Ai dọn gì thì ăn nấy, không lấy chuyện ăn uống làm đầu. Người môn đệ dường như phải quên mình đi, không sợ gian nan “đi như chiên vào giữa bầy sói”. Thầy đã từng trải nên mới rút ra được kinh nghiệm này. Quả thật, chưa đi chưa biết đường lầy, đi rồi mới biết đường lầy khó đi. Đời truyền giáo là thế nhưng một mực phải hướng đến tha nhân mà thôi. Đó là tâm can mà khi xưa Thầy thổ lộ với các môn đệ của Ngài. Rằng sứ vụ của các trò là tập trung vào việc gầy dựng đức tin, tùy khả năng của mỗi trò mà mang niềm vui và bình an đến sống cùng bà con thiên hạ. Tuy nhiên, môn đệ của Đức Giê-su đa dạng, khác tính khác nết, người nghe lời, kẻ khác hữu ý thực hiện hời hợt lời dặn dò của Thầy. Như thế, không những hư hại đức tin dân chúng mà còn làm gương xấu cho các thế hệ con em. Đó là điều đáng lên án.

Thật thú vị khi thánh Lu-ca kể lại khá chi tiết cuộc trò chuyện giữa Thầy Giê-su và học trò của mình. Buổi trò chuyện ngắn gọn, đầm ấm tình Thầy trò. Những lời chia sẻ, lời dặn dò của Thầy nghe đơn giản nhẹ nhàng nhưng thấm thía và rất thực tế. Đúng là “ngôn cận chỉ viễn” (lời nói gần mà hàm ý sâu xa). Qua mấy dòng ký sự này, thánh nhân muốn tóm kết hai vấn đề mà Thầy Giê-su đề cập trong buổi trò chuyện đó. Một là dặn dò và gợi hứng cho các môn đệ về hoạt động truyền giáo. Hai là Ngài vạch ra phương pháp cho các ông theo đó mà thực hiện để thu lại kết quả tốt đẹp. Chúng ta cầu xin Chúa giúp sức cho các ngôn sứ thời nay để họ không phí phạm công sức mà Thầy đã tôi rèn các ông, không phớt lờ kỳ vọng của dân chúng. Amen.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên, Năm C (Lc 10, 1-12.17-20)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật 14 TN – C)