Bài Ðọc I: Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9
“Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi”.
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Ðây Thiên Chúa phán: “Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
“Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn.
Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6
Ðáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng Cứu Ðộ (c. 3).
Xướng: 1) Ðây Thiên Chúa là Ðấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Ðấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi. – Ðáp.
2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người, hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa, hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang. – Ðáp.
3) Hãy ca tụng, vì Người làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Ðấng cao cả là Ðấng Thánh Israel ở giữa ngươi. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Ep 3, 8-12. 14-19
“Biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người”.
Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân Ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vạn vật: khiến các chủ thần và quyền thần thiên quốc đều phải nhờ Hội thánh mới biết được sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, thể theo dự định từ trước muôn đời mà Ngài đã thi hành trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Người, chúng ta được cậy trông và nhờ lòng tin vào Ngài, chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài.
Nhân vì lẽ ấy, tôi quỳ gối trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Ngài chiếu theo sự giàu có vinh quang của Ngài và nhờ Thánh Thần của Ngài, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 11, 29ab
Alleluia, alleluia! – Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. – Alleluia.
Hoặc: 1 Ga 4, 10b
Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 19, 31-37
“Tên lính đâm thủng cạnh sườn Người, và máu cùng nước chảy ra”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Bởi lẽ là Ngày Chuẩn Bị, và để tránh cho các tử thi không còn treo trên thập giá trong ngày sabbat, vì ngày sabbat là một ngày trọng đại, những người Do-thái xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi đánh giập ống chân. Bấy giờ những người lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra. Và kẻ đã xem thấy, thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cả chư vị cũng tin. Những điều đó đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: “Không một cái xương nào của Người bị đánh giập”. Và lại có lời Kinh Thánh khác rằng: “Chúng sẽ nhìn vào Ðấng chúng đã đâm thâu qua”.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng:
BA LOẠI TÌNH YÊU (Ts. Lm. Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD)
Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Do đó, cử hành Thánh Tâm Chúa cũng là cử hành tình yêu của Chúa. Tình yêu được phân loại bằng nhiều cách, nên cũng có khá nhiều loại tình yêu khác nhau. Tôi muốn thử chia tình yêu thành ba loại sau đây để làm nỗi bật tình yêu Chúa. Đó là TÌNH YÊU BỞI VÌ; TÌNH YÊU NẾU và TÌNH YÊU MẶC DẦU.
1. Tình yêu “bởi vì”.
Tình yêu ‘bởi vì’ thường qui về quá khứ để ‘trả nợ tình xa’ và có phần gắn với sự công bằng giao hoán theo kiểu “Có qua có lại mới toại lòng nhau” hay “Cục đất ném qua, cục chì ném lại”. Đối với những người theo thuyết tình yêu bởi vì thì khi sự công bằng không được đảm bảo sẽ nảy sinh vấn đề. Ví dụ gần đây trên mạng có đăng hình ảnh tin nhắn hai người phụ nữ chửi nhau thậm tệ vì sự “thiếu công bằng giao hoán” trong việc mừng đám cưới của nhau.
Tình yêu ‘bởi vì’ cũng có thể gắn với những quy chuẩn. Ví dụ như ‘em trắng da dài tóc, vóc dáng cao sang, nên chàng đem lòng thương mến’; ‘vì anh đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi nên ba mẹ khỏi phải lo tuyển cô dâu’. Như vậy, tình yêu bởi vì dựa trên hai yếu tố, thứ nhất là sự công bằng giao hoán, thứ hai là sự hấp dẫn “bởi vì mật ngọt nên ruồi mới bu”.
2. Tình yêu “nếu”.
Tình yêu ‘nếu’ là tình yêu có điều kiện và thường quy chiếu về tương lai. Tình yêu nếu hay tình yêu có điều kiện có mặt tích cực là tạo động lực để người ta phấn đấu. Đây cũng có thể là nguyên tắc mà nhiều bậc cha mẹ dùng để dạy dỗ con cái. Nếu con lịch sự, dễ thương, ngoan ngoãn thì mọi người sẽ thương mến con. Nếu học giỏi cha mẹ sẽ khỏi phải lo “chạy chọt” kiếm việc, vì xã hội chuộng người tài. Tình yêu có điều kiện như trên thiếu sự chắc chắn vì khi đối tượng không còn đủ điều kiện thì tình yêu cũng bay theo mây khói.
3. Tình yêu “mặc dầu”
Nếu tình yêu bởi vì và tình yêu nếu là hai loại tình yêu có điều kiện nên có mặt tích cực và tiêu cực, thì tình yêu “mặc dầu” là tình yêu nhưng không, vô điều kiện, không giới hạn và là một tình yêu trọn vẹn. Nghe đến hai chữ mặc dầu chúng ta nghĩ ngay đến một thái độ chấp nhận hoàn toàn và dứt khoát, một sự dấn thân cao độ và vô điều kiện cho đối tượng mình yêu.
Bài đọc 1 ngày hôm nay ví việc Thiên Chúa đã chọn cứu Israel ra khỏi Ai-cập như một người tốt bụng cứu một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Như mẹ hiền ấp ủ con thơ, nâng niu nó trên đầu gối, hết tình chăm sóc cho nó lớn lên, nảy nở và thành cô thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần – xứng ngôi hoàng hậu, Thiên Chúa cũng đã chăm sóc Israel như vậy (x. Hs 11, 1b. 3-4).
Những tưởng Israel sẽ biết ơn Vị Cứu Tinh hết tình thương yêu săn sóc, làm cho nó nên lớn mạnh và phong phú, nhưng trái lại, như đứa con bất hiếu, họ phản phúc, phản loạn và phản bội Chúa. Thay vì yêu mến Chúa, Israel đã bỏ Chúa chạy theo tà thần và “khấn vái tứ phương”. Do đó, Israel bị ví như người vợ thất trung, lăng chạ với đủ loại đàn ông, đàng điếm với hết khách này đến khách khác. Nhiều lần Thiên Chúa như đã hết kiên nhẫn với họ và thốt lên: “Ta sẽ trao nộp ngươi vào tay chúng, (…); chúng sẽ lột áo ngươi ra; chúng sẽ bỏ ngươi lại trần truồng; chúng sẽ triệu tập đại hội để trừng phạt ngươi; chúng ném đá ngươi và lấy gươm tàn sát ngươi.” Từ tình trạng “trần truồng”, lây lất, không danh phận, mất phẩm giá, Thiên Chúa đã “cưới” họ về làm hiền thê, mặc cho chiếc áo danh phận hoàng hậu. Tuy nhiên, họ đã bỏ Chúa để trở về với thân phận “trần truồng”. Hay nói khác đi, họ đã đánh mất phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã mặc cho họ khi đón nhận họ. Theo lẽ thường, họ sẽ bị lên án, trừng phạt hay ít ra sẽ bị bỏ rơi mãi mãi.
Tuy nhiên, như trong bài đọc 2 đã diễn tả, tình yêu của Thiên Chúa vượt quá trí hiểu của loài người. Chính lúc Israel đáng bị trừng phạt nhất lại là lúc Thiên Chúa biểu lộ tình yêu ‘mặc dù’, tình yêu vô điều kiện của Ngài. Mặc dù họ thất trung, năm lần bảy lượt chạy theo tà thần, Ngài vẫn một mực trung tín, vẫn yêu thương họ chỉ vì Ngài là tình yêu (x. 2 Tm 2,13). Mặc dù họ phản bội và xa lánh Ngài, trái tim Ngài vẫn thổn thức băn khoăn vì họ:
“Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi; Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành!” Ta sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm” (X. Hs 11, 8c-9).
4. Cái giá mà Thiên Chúa phải trả vì tình yêu “mặc dù”
Những nỗ lực trong Cựu Ước chưa thể diễn tả hết sự sâu xa nhiệm mầu của tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Do đó, trong thời sau hết, Người đã dùng chính Con Một của mình để mặc khải tình yêu ‘mặc dù’ đó. Thánh Phaolô nói rõ rằng: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.” Mặc dù chúng ta tội lỗi, phản bội Chúa đủ điều đủ cách, Chúa vẫn yêu và chết cho chúng ta. Vì yêu, Ngài đã hiến thân. Để từ trên cây thập tự, Ngài đã để máu và nước từ Thánh Tâm Ngài đổ ra hầu tẩy rửa muôn vàn tội lỗi và thánh hóa chúng ta. Từ cạnh sườn bị đâm thâu của Ngài nguồn mạch của các bí tích ban sự sống vọt ra cứu vớt và nuôi dưỡng chúng ta là những tội nhân.
Tình yêu ‘mặc dù’ của Thiên Chúa thật sâu nhiệm và khó hiểu, vượt quá những lý luận thông thường của con người. Chính thánh Phaolô đã cho chúng ta biết rằng chúng ta cần cầu xin Thánh Thần Chúa, để nhờ đức tin, chúng ta có thể hiểu được các kích thước dài, rộng, cao, sâu và cũng biết được rằng “tấm lòng” của Thiên Chúa thì vượt quá trí hiểu của con người. Thử hỏi đã bao lần chúng ta phản bội Chúa chạy theo đam mê xác thịt và của cải vật chất, sa vào hết tệ nạn này đến tệ nạn khác, hết bói toán đến xem ngày xem tháng, nhưng Chúa vẫn thương mời gọi ta hoán cải trở về với lòng Chúa bao dung.
Khi chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa cũng như tình yêu ‘mặc dù’ – tình yêu vô điều kiện của Chúa – chúng ta cũng được mời gọi thực hành thứ tình yêu đó trong chính cuộc sống của chúng ta. Nghĩa là chúng ta phải tha thứ, chấp nhận và cả hy sinh cho những người bội phản hay thù ghét chúng ta. Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi thăm và ôm lấy Ali Agca để thể hiện sự tha thứ, mặc dù trước đó người thanh niên này đã nổ súng ám sát ngài. Gần chúng ta hơn, có những người mẹ sẵn sàng đón nhận và săn sóc những người con hư hỏng rồi nhiễm bệnh xã hội, mặc dù họ đã gây biết bao đau thương cho những người mẹ này. Ngoài ra, trong đời sống gia đình, mặc dầu đã bao lần anh chị em đã xúc phạm đến nhau, làm cho nhau tổn thương, nhưng vẫn tha thứ, vẫn chấp nhận nhau để rồi lại yêu thương chăm sóc nhau. Đó là lúc chúng ta đã thể hiện tình yêu ‘mặc dù’ đối với nhau. Và nếu chúng ta càng làm được như thế, chúng ta càng trở nên giống Chúa hơn. Đó là điều quan trọng nhất khi chúng ta mừng kính Thánh Tâm Chúa. Amen.
TRÁI TIM TÌNH YÊU (Lm. Antôn Nguyễn Văn Tôn, SVD)
Hình ảnh “trái tim” thường được nhắc đến một cách trân trọng trong cuộc sống, trái tim là nơi phát xuất mọi suy tư, cảm xúc và tình cảm thiêng liêng nhất của con người. Và trên tất cả, “trái tim” là biểu hiệu của tình yêu. Hình ảnh mũi tên xuyên qua trái tim tượng trưng cho tình yêu của lứa đôi. Trái tim là dấu hiệu của lòng nhân ái, quảng đại như người ta thường gọi người quảng đại là người của trái tim. Ngoài ra, trái tim còn là biểu lộ của sức sống thể lý: khi nói đến người có trái tim mạnh mẽ chính là người can đảm dấn thân hy sinh cho một tình yêu cao cả; ngược lại người sở hữu trái tim yếu đuối là người hèn yếu và khiếp nhược. Người có trái tim ngừng đập là người đã đi vào cõi chết.
Ý niệm về “trái tim” trong Thánh Kinh cũng được dành một vị trí rất quan trọng nhằm diễn tả những tâm tình, cảm mến nơi cuộc đối thoại tâm linh của con người với Tình Yêu Thiên Chúa. Một Tình Yêu được mặc khải và cư ngụ giữa loài người.
Trái tim là nguồn mạch và là nơi bày tỏ niềm vui thánh thiện, như Thánh vịnh 16 diễn tả: “Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn”(Tv 16,9). Trái tim còn là nơi mang những nỗi khổ đau, thánh Phaolô đã chia sẻ tâm trạng đó trong tim: “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi” (Rm 9,2). Thánh vịnh 22 cũng diễn tả sự đau đớn của con tim: “Toàn thân con xương cốt rã rời, con tim đau đớn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan” (Tv 22, 15). Trái tim còn là nơi khắc ghi lề luật của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa Giêsu nói đến sức mạnh của trái tim để thực thi giới răn của Ngài: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22, 37). Từ tận cùng của trái tim, một tình yêu sâu sắc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa như là lời yêu thương của Hôn Thê và người yêu, được ngôn sứ Hôsê diễn tả: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình…” (Hs 2, 16).
Như vậy, với ý niệm nhân văn về trái tim của con người và ý niệm về trái tim theo Thánh Kinh có thể nói là được gặp gỡ nhau trong Trái Tim của Đức Giêsu, Trái Tim của Thiên Chúa nhưng cũng mang nhịp đập của trái tim con người, nghĩa là cũng ghi khắc những khắc khoải, lo âu, nổi buồn và niềm vui tình yêu con người.“Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi…” (Hs 11,8). Người đã yêu thương chúng ta bằng trái tim nhân loại. Thánh Phaolô xác tín: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Theo truyền thống Thánh Kinh, nơi thân xác con người có máu và nước, hai yếu tố này trào ra khỏi con người, và đó là dấu con người thực sự chết. Tác giả Gioan trong Tin Mừng có một cái nhìn sâu xa về hiện tượng này. Như chiên lễ Vượt Qua của người Do Thái chịu sát tế vào chiều ngày trước lễ Vượt Qua (14 Ni-xan), Đức Giêsu cũng đổ máu mình ra vào chiều áp ngày áp lễ (14 Ni-xan). Như thế Người trở thành Chiên lễ Vượt Qua mới, tức là lễ vật trong hy lễ thập giá nhờ cái chết của Người (Ga 6, 53-56). Máu là tượng trưng cho sự sống, còn nước là biểu tượng của Thánh Thần. Với và nhờ cái chết của Đức Giêsu mà nhân loại được tặng ban Thánh Thần, Đấng ban sự sống vĩnh cửu. Nước chính là nước Rửa tội dẫn đưa chúng ta tái sinh vào cuộc sống mới (Ga 3,7), và máu tượng trưng cho bí tích Thánh Thể. Các bí tích, mà cách riêng là hai bí tích Rửa tội và Thánh Thể được bắt nguồn từ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá (x. Rm 6,4; 1Cr 11,25…), sự sống mới được thông ban cho chúng ta qua các bí tích này. Qua đó, Giáo hội được phát xuất từ cạnh sườn của Đức Giêsu như Evà phát xuất từ cạnh sườn của Ađam. Nên máu và nước chạy ra từ cạnh sườn Đức Giêsu khai sinh ra Giáo hội (x. Kinh Thánh ấn bản 2011, chú giải Tin Mừng Gioan. tr.2396).
Vâng, chính Chúa Giêsu trên Thập giá nơi đồi Canvê, Trái Tim Người bị đâm thâu qua, Con Thiên Chúa đã chết để toàn nhân loại được sống (x.Ga 3,16). Đỉnh cao của Tình yêu Đức Kitô là tình yêu tự hiến, hy sinh phục vụ, chính Ngài đã khẳng định: “không có tình yêu cào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Đó là tiếng nói mạnh mẽ nhất, mặc khải sâu đậm nhất về tình thương Thiên Chúa dành cho nhân loại.
“Họ đã nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37). Khi thấy một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Đức Giêsu, thánh Gioan khẳng định rằng, lời Kinh Thánh ấy đã được ứng nghiệm như lời ngôn sứ Dacaria đã báo trước: “Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một”(Dr 12,10). Hình ảnh lưỡi đòng đâm thâu con tim nói về tình thương của Thiên Chúa đối với tội lỗi của chúng ta, chính máu và nước chảy ra là để thanh tẩy những yếu đuối tội lỗi con người, cũng nhờ đó con người được thánh hóa trong máu Con Chiên Thiên Chúa. Trái tim Chúa Giêsu đã mở ra để chữa lành mọi thương tích tật nguyền, cả thể xác và tinh thần, hầu đem lại sự bình an và tư do đích thực cho tâm hồn, như lời Thánh thi thốt lên: “Kìa ngọn giáo đã dụng tâm rộng mở, Trái tim Người cho tất cả chúng ta, Để từ đây nhờ máu nước chan hòa, Muôn tội lỗi được Người thương thanh tẩy”( Thánh thi kinh chiều I, lễ Thánh Tâm)
Cuộc sống của kiếp nhân sinh nhiều khi cũng mang những nỗi lo ấu, những ràng buộc và gánh nặng trần thế…cũng mời gọi:“Hởi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).
Quả thật, con người chỉ có thể tìm thấy lời giải đáp thỏa đáng cho mọi vấn nạn của cuộc sống hiện sinh khi đến bên thánh tâm mà chiêm ngăm trái tim cực thánh của Chúa Giêsu. Một tình yêu biểu lộ cách cụ thể qua trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu, để nhưng ai tin, đón nhận, và trở nên một với Ngài sẽ được biến đổi và trở nên con người mới. Nói đúng hơn là sống kinh nghiệm đức tin qua việc chiêm ngắm trái tim của Đức Giêsu Kitô bị đâm thâu trên thánh giá, một hy tế đã hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn êm ái dịu dàng, là niềm hy vọng cho những tâm hồn yếu đuối mỏng giòn biết chạy đến nương náu bên trái tim để được cải hóa và sống trọn vẹn trong tình yêu Thiên Chúa. Bởi lẽ, con người ngày nay đang sống trong sự vô ơn bạc nghĩa với Thánh Tâm Chúa Giêsu, con người được yêu thương, được ngụp lặn trong suối hồng ân của Thiên Chúa, thế nhưng con người lại hửng hờ sống không đúng với phẩm giá của người được yêu. Nhất là những ai đang sống trong sự thất vọng, bướng bỉnh và chai lỳ trong tội lỗi.
Xin cho con biết chiêm ngắm trái tim Chúa Giêsu từng giây phút trong cuộc đời, để cảm nghiệm sâu hơn tình thương Chúa dành cho con, hầu con sống xứng đáng với nhân phẩm của người được Chúa yêu. Xin ban cho con trái tim nhân hậu của Chúa, để con biết yêu thương tha và thứ như Ngài. Amen.