Bài Ðọc I: Kh 7, 2-4, 9-14
“Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần khác từ phía mặt trời mọc đi lên, tay cầm ấn Thiên Chúa hằng sống, và lớn tiếng kêu gọi bốn thiên thần được lệnh tàn phá đất và biển mà rằng: “Chớ có tàn phá đất, biển và cây cối trước khi ta đóng ấn trên trán những tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta”. Và tôi đã nghe biết số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel.
Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Ðấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”.
Rồi tất cả các thiên thần đến đứng chung quanh ngai vàng, và các trưởng lão cùng bốn con vật sấp mình xuống trước ngai mà thờ lạy Thiên Chúa rằng: “Amen! Chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, uy quyền và dũng lực cho Thiên Chúa chúng tôi muôn đời. Amen”. Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?” Tôi đáp lại rằng: “Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ”. Và người bảo tôi rằng: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Ðáp: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa (c. 6a).
Xướng: 1) Trái đất và muôn loài trên mặt đất là của Chúa, hoàn cầu và muôn vật trên địa cầu. Vì chưng Chúa đã xây dựng nền móng trái đất trên biển cả, và Người đã tạo dựng nó trên các sông ngòi. – Ðáp.
2) Ai sẽ được trèo lên núi Chúa? Ai sẽ được dừng bước trong thánh điện? Ðó là người có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá. – Ðáp.
3) Người đó sẽ hưởng phúc lành của Chúa và lượng từ bi của Chúa, Ðấng giải thoát họ. Ðấy là dòng dõi của những kẻ tìm Người, những kẻ tìm tôn nhan Thiên Chúa của Giacóp. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-3
“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, các con hãy coi: Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Ðấng Thánh.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mc 11, 28
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 5, 1-12a
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
NHỮNG NẤC THANG LÊN THIÊN ĐƯỜNG (Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)
Trong ngày lễ mừng kính trọng thể Các Thánh Nam Nữ, Giáo Hội cho chúng ta (là những người đang ở Giáo Hội Lữ Hành) hân hoan nhìn về Giáo Hội Khải Hoàn của các thánh, để ngợi khen và chúc tụng các ngài, xưa kia là những người đã sống đức tin sáng ngời trên trần thế, nay các ngài được thưởng vinh quang vĩnh viễn trên trời. Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt 5,1-12a) trình bày “tám mối phúc thật”, còn được gọi là Bát Phúc, Hiến Chương Nước Trời, phác họa một con đường nên thánh “có phần lạ lùng” dành cho những công dân Nước Trời mai sau. Ai muốn gia nhập hàng ngũ các thánh thì nên tâm niệm và thực hành đường lối của Hiến Chương này, tinh thần “Bát Phúc” hướng về quê hương của những ai muốn nên trọn lành, muốn chọn con đường thánh thiện để được vinh thắng khải hoàn. Từ tinh thần Bát Phúc mời gọi, chúng ta thử chiêm ngắm ba món quà mà Chúa ban cho chúng ta trong hành trình bước tiếp trên những nấc thang lên thiên đường với các thánh hiển vinh.
Ân sủng
Câu nói nổi tiếng của Oscar Wilde, nhà thơ nổi tiếng người Ireland, “Mỗi thánh nhân có một quá khứ, mỗi tội nhân có một tương lai,” gợi mở cho chúng ta nhiều điều về kiếp nhân sinh: về sự yếu đuối, về tội lỗi, về sự lầm lạc, và về sự hoán cải, và cuối cùng nên thánh. Sách Khải Huyền phần nào gọi hành trình ấy là con đường của “những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Đích điểm của con đường thánh thiện là thiên đường của sự sống vĩnh cửu. Hành trình nỗ lực và cố gắng ấy, không phải do sức riêng của mỗi người, nhưng luôn cần sự giúp sức của ân sủng Chúa, nhất là nhờ công trạng của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, nhờ bửu huyết của Con Chiên. Thương tích của thế nhân tội lỗi quá nhiều nên phải nhờ hồng ân ban ơn giải cứu. Vì vậy, Hermann Fischer nhận định rằng: “Ân sủng chữa lành và thánh hóa; ân sủng cho phép người ta tham dự vào sự tinh tuyền, thánh thiện, và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Sự thánh thiện của con người không được hoàn hảo trong một sớm một chiều mà nó có thể là một tiến trình và lớn lên nhờ sự cộng tác với ân sủng.” 1
Theo đó, sự cố gắng thánh thiện của chúng ta cần có hồng ân trợ giúp của Thiên Chúa để trở thành “những vị thánh tiềm năng.” Cho nên, “với bản chất của sự thánh thiện này, rễ sống cũng chỉ là cấp độ thấp nhất của ơn thánh hóa. ‘Nếu rễ cây mà thánh, thì cành cây cũng vậy’ (Rm 11,16). Điều đó giải thích tại sao các tông đồ, đặc biệt là thánh Phaolô, gọi các tân Kitô hữu là ‘các thánh’ ở rất nhiều nơi trong các lá thư gửi cho họ, mặc dù họ chỉ mới theo đạo từ Do Thái giáo và dân ngoại, vẫn còn đầy lầm lỗi và sự yếu đuối. Các linh mục ngày nay gọi các cộng đoàn của họ là ‘các tín hữu’; còn ngày xưa, từ ngữ ‘các thánh’ được dùng trong những lúc chào hỏi và chia tay. Nhiều thập kỷ sau đó trong Giáo Hội và thành hiển nhiên, cách gọi này của các tông đồ cho thấy rằng ơn thánh hóa là sự tham gia vào bản tính thần linh và do đó thành ‘các thánh,’ như chính cái tên của nó bộc lộ rõ.”2 Nhờ ân sủng và tình thương của Chúa mà mọi thương tích của chúng ta có cơ hội được chữa lành, xứng đáng với danh hiệu “thánh” thường được nhắc nhở.
Tình thương
Mừng kính Các Thánh Nam Nữ với tinh thần của Tin Mừng Bát Phúc mời gọi chúng ta nhìn về thực tại kiếp nhân sinh với biết bao tổn thương cần được chữa lành. Những cuộc “bách hại” thời hiện đại, đối nghịch với tinh thần Bát Phúc, vẫn đang làm cản trở con đường nên thánh của người Kitô hữu như: sự giàu có bất chấp, sự gian ác, sầu khổ không lối thoát, ảo tưởng về sự công chính, sự dửng dưng, sự gian dối, bạo ngôn và bạo hành, và đánh mất chính mình. Đó là những cuộc “bách hại hiện đại” khi con người nhu nhược chấp nhận để mình “đứng chung trên cùng chiếc thang giá trị với các loài thuần vật chất khác” để tự mình làm tổn thương mình, ngụp lặn trong đau khổ triền miên, và chết trong sự thất vọng cùng đường. Không. Thiên Chúa không muốn con người “ngụp lặn” như thế để rồi chết thoi thóp vô căn. Con đường Bát Phúc là “trị liệu pháp”3 không những để động viên tinh thần mà còn là chiếc phao cứu sinh để chúng ta định hình lại cuộc đời biết bao ý nghĩa và tươi đẹp, một cuộc đời đáng để sống cho “Đấng đã chết để chúng ta được sống” là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 10). Thiên Chúa muốn chữa lành con người bằng tình liên đới, sự hiền lành, niềm ủi an, đức công chính, tâm xót thương, lòng trong sạch, tình hòa bình, và chứng nhân đức tin vì danh Chúa. Người Kitô hữu luôn sống trong sáng kiến tình thương của Thiên Chúa để được đổi mới và đứng dậy sau mỗi lần sa ngã. Tình thương của Chúa giúp chúng ta vững tin “sẽ hưởng phúc lành của Chúa và lượng từ bi của Chúa, Đấng giải thoát” chúng ta là “những kẻ tìm… tôn nhan Thiên Chúa” (x. Tv 23,5- 6).
Yêu thương là món quà của tinh thần giải phóng ra khỏi sự tù túng của những hành vi và lối nghĩ tiêu cực. Yêu thương chưa đủ thì vết thương mủ còn mâng. Con đường nên thánh của các thánh phần lớn phải đối diện với thách đố lớn nhất là “từ bỏ chính mình”, tức là phải “chết đi mỗi ngày cho những tham sân si” của phận người trầy xước đầy thương tích thế tục, để tìm lại tình yêu tinh ròng và thuần khiết dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân, sao cho trở nên hoàn hảo nhất có thể, như Đức Giêsu đã tự hạ hình (kenosis), từ bỏ vinh quang để sống kiếp phàm nhân. Vì yêu mà Đức Giêsu bước vào bể khổ để nâng loài người sa ngã lên và làm cho con người trở nên giàu có (x. Pl 2,6-11). Trong hành trình về Thiên Quốc, tình thương của Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong mọi nấc thang cuộc sống, giúp duy trì niềm hạnh phúc làm con của Chúa cho đến khi chạm được hạnh phúc Nước Trời.
Hạnh phúc
Hạnh phúc Nước Trời là tột đỉnh mọi niềm khát mong vì sự sống và niềm vui. Tuy nhiên, cậy dựa vào ân sủng và tình thương của Chúa, đồng thời với những hy sinh cố gắng mỗi ngày, các thánh đã sống cuộc đời mình bằng niềm tín thác, và tìm hạnh phúc cuộc đời trong những thăng trầm của cuộc sống. Hạnh phúc của các thánh khi còn tại thế chính là “không lìa xa thực tại trần gian”, lấy yêu thương không mệt mỏi để đổi lấy hạnh phúc vĩnh cửu. Bob Goff nhận định: “Sức mạnh của tình yêu thật kỳ diệu. Nó có thể khiến người này chìm vào đau đớn tuyệt vọng, hay làm cho người kia tột đỉnh hạnh phúc, đôi khi là động lực phấn đấu của rất nhiều người khác nữa.”4 Con đường Bát Phúc là con đường khác thường. Vì thế, ta cần một tình yêu lớn để thực hiện nếu muốn giành được phần thưởng lớn lao trên trời.
Chúng ta có thể thấy điều này rõ nhất “tình yêu lớn” qua cuộc đời của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, với thông điệp nên thánh bằng những điều tầm thường và bé nhỏ, miễn sao chúng ta làm mọi việc với tình yêu lớn. Têrêxa hạnh phúc với mọi khoảnh khắc gắn bó với Chúa. Khi đọc thư thánh Phaolô, Têrêxa khám phá ra: “Giữa lòng Giáo Hội có một trái tim rực cháy tình yêu. Nếu không có tình yêu các tông đồ sẽ không ra đi loan báo Tin Mừng. Nếu không có tình yêu các vị tử đạo đã chối từ đổ máu. Cho nên tình yêu là tất cả. Tôi cảm thấy tình yêu thấm vào trái tim tôi. Tôi cảm thấy cần phải quên mình để làm đẹp lòng tha nhân. Và kể từ đó, tôi sống hạnh phúc…. Giữa lòng Hội Thánh tôi sẽ là tình yêu…”5 Các thánh cũng lấy tình yêu để chinh phục hạnh phúc cho mình, cho Chúa và cho tha nhân. Tình yêu của các thánh được khắc họa ít nhiều trong tám mối phúc của Tin Mừng. Hạnh phúc Nước Trời là món quà lớn nhất của người Kitô hữu, của các thánh, được sắm bằng ân sủng và tình thương.
Ngày mai (2/11) Giáo Hội Thanh Luyện (thế giới của những người đã qua đời và còn đang ở trong luyện ngục) sẽ được cả Giáo Hội Lữ Hành nhớ và cầu nguyện, nài xin lòng thương xót của Chúa, cho họ sớm được thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi, và về hưởng nhan thánh Chúa. Nơi luyện ngục, họ đang ở đâu đó, bị kẹt giữa những nấc thang lên thiên đường, phản ánh lúc còn tại thế họ phớt lờ ân sủng, yêu thương qua quít, hoặc lạc lối giữa hoan lạc thế trần. Họ là nhân chứng cho một cuộc chiến cam go mà chính các thánh cũng đã phải chiến đấu để “giành lấy sự sống đời sau,” bằng cách bước theo Đức Kitô “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6). Là hậu duệ của các thánh, chúng ta sẽ chiến thắng và dành triều thiên vinh quang cùng với Đức Kitô.
Chỉ có ân sủng và tình thương mới đưa chúng ta đến hạnh phúc, xin Các Thánh Nam Nữ nguyện giúp cầu thay, để mỗi người Kitô hữu nhận ra tiếng gọi tha thiết của Thần Khí trong con đường Bát Phúc, con đường của hạnh phúc đích thực của những ai muốn nên giống Chúa. Amen.
*Chú thích bài “Những Nấc Thang…”:
1 Hermann Fischer, Anh Chị Em Là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ dịch (Nxb. Đồng Nai, 2023), 91.
2 Hermann, 91.
3 Đoạn này có sử dụng một số thuật ngữ và tư tưởng của Lm. Gioan Bosco Nguyễn Hữu Thy, O.Cist, giới thiệu cho tác phẩm Tổn thương và chữa lành trong Đức Kitô theo tinh thần bát phúc của tác giả Eymard An Mai Đỗ.
4 Bob Goff, Sống để yêu thương, Quế Chi dịch (Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, 2019), 121.
5 Lm. Giuse Nguyễn Hữu An, “Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo”, https://dongcatminh.org/thanh-theresa-hd- gieusu-bac-thay-trong-nghe-thuat-truyen-giao/
ƠN GỌI NÊN THÁNH (Tu sĩ Phaolô Đặng Văn Lãng, SVD)
Giáo Hội dành ngày hôm nay để mừng kính tất cả các thánh nam nữ. Theo dòng lịch sử, chúng ta biết rằng ngày Lễ Các Thánh đầu tiên trong lịch sử được cử hành vào đầu thế kỷ thứ IV để vinh danh và tưởng niệm các vị tử đạo. Sau này, khi các Ki-tô hữu được tự do, không bị bách hại đạo nữa, Giáo Hội đã dùng ngày lễ này để tỏ lòng kính trọng, tôn vinh những “phúc nhân” đang được hưởng nhan thánh Chúa trên Thiên Quốc: đó là các Tông Đồ, các vị tử đạo, các thánh hiển tu, các thánh đồng trinh,… Trong đó có người là giáo hoàng, giám mục, linh mục, phó tế, hay giáo dân. Các ngài cũng thuộc đủ màu da, tiếng nói, nghề nghiệp, tuổi tác, hoàn cảnh, giới tính, có thánh già, có thánh trẻ, có thánh nam, có thánh nữ. Như vậy, các thánh thuộc đủ mọi thành phần và mọi tầng lớp trong xã hội, các ngài là những người “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” nên chắc chắn, trong số đó có những người bà con thân thuộc của chúng ta. Chính vì thế, việc mừng Lễ Các Thánh ngày hôm nay cũng mang lại cho tất cả mọi người chúng ta, là những Ki-tô hữu theo Đức Ki-tô không chỉ niềm vui mừng, hân hoan, hãnh diện, nhưng còn là niềm hy vọng về một đời sống vĩnh cửu cho bản thân mình đời sau.
- “Họ Từ Đâu Mà Đến?”
Đây là câu hỏi mà vị trưởng lão trong bài đọc một trích từ sách Khải Huyền hỏi thánh Gio-an khi ngài chứng kiến những đoàn người đông đúc xuất hiện trong thị kiến ở trên trời trong Ngày Phán Xét: “Đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng” (Kh 7,9). Và đó có lẽ cũng là thắc mắc của rất nhiều Ki-tô hữu trên khắp thế giới khi cử hành ngày Lễ Các Thánh hôm nay. Các thánh là ai? Diễn tiến tiếp theo cuộc trò chuyện của thánh Gio-an với vị trưởng lão đã hé mở cho chúng ta biết các thánh nam nữ mà chúng ta mừng kính ngày hôm nay là ai: “Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?” Tôi đáp lại rằng: ‘Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ.’ Và người bảo tôi rằng: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên” (Kh 7,14).
Thực tế, chúng ta có thể thấy rằng, các thánh không phải là ai xa lạ hay những con người hoàn hảo, thánh thiện, tinh tuyền, không vướng mắc tội lỗi hay tật xấu nào. Không ai bẩm sinh đã là thánh, và các thánh cũng không phải là những siêu nhân, không phải là những con người phi thường vượt trên đám đông nhân loại. Các thánh càng không phải là những người bất thường, lập dị. Các thánh là những con người bình thường như mọi người, nhưng các ngài đã sống những điều tầm thường đó bằng một tình yêu phi thường, như lời mẹ Tê-rê-sa Cal-cut-ta từng nói: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại.”
Bí quyết nên thánh của các ngài chính là đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa và lấy Người làm mục đích của cuộc đời mình. Các ngài đã vượt qua những thử thách ở trần gian để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà các ngài tôn thờ và đặt niềm hy vọng như bài đọc hai trích từ thư thứ nhất của thánh Gio-an Tông Đồ: “Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Đấng Thánh” (1 Ga 3,3). Các thánh đã bước theo lời mời gọi của Đức Giê-su: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48) để sống đúng tinh thần mà Đức Giê-su đã sống, đã dạy trong bản Hiến Chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật trong trình thuật Tin Mừng ngày hôm nay (x. Mt 5,1-12).
Tất cả các thánh, không ai là người sống ngoài bản Hiến Chương Nước Trời mà Tin Mừng hôm này thuật lại. Các ngài luôn coi bản Hiến Chương Nước Trời như là khuôn vàng thước ngọc cho cuộc đời mình. Qua bản Hiến Chương này, các ngài đã sống tinh thần nghèo khó, không bị lệ thuộc vào vật chất, sống hiền lành, bao dung, quảng đại và tha thứ. Cuộc đời các ngài luôn khao khát sự sống công chính, mong muốn sống trong sạch, yêu thương, chăm sóc những người đau khổ, luôn kiến tạo hòa bình và khước từ hận thù, xây dựng tình huynh đệ, hiệp nhất, yêu thương. Các thánh còn là những người vì yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, nên chấp nhận mọi sự hiểu lầm, đòn vọt, bắt bớ, gươm đao và ngay cả cái chết để được mối lợi tuyệt đối là Đức Giê-su Ki-tô, vì Người, các ngài đành mất hết: “Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác để được Đức Ki-tô” (Pl 3,8). Các ngài được ví như những người lái buôn, đã đánh đổi tất cả một khi đã tìm được kho tàng, viên ngọc quý. Vì thế, đối với các ngài: “… sống là Ðức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (x. Pl 1,21), nên không có gì tách các ngài ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô.
Đức Giê-su đã chúc phúc và ân thưởng cho những ai sống tinh thần nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khát khao nên công chính, biết xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình và chấp nhận những gian lao vì sống công chính. Đây cũng chính là hình ảnh phác họa chân dung các vị thánh mà chúng ta mừng kính ngày hôm nay.
- Mỗi Chúng Ta Cũng Có Thể Nên Thánh
Chính Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta nên thánh mỗi ngày khi Người nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Chính vì thế, việc nên thánh không phải là một ơn gọi biệt loại chỉ dành riêng cho một số người, nhưng đó là ơn gọi phổ quát mà Thiên Chúa trao ban cho tất cả chúng ta. Thánh Phao-lô cũng từng đã quả quyết “quê hương của chúng ta ở trên trời” và trần gian chỉ là nơi ta tạm trú. Không ai có hộ khẩu thường trú vĩnh viễn trên trái đất này, năm mươi năm, bảy mươi năm, tám mươi năm, hay một trăm năm rồi cũng phải từ giã cõi đời này, dù muốn hay không. Mục đích của mỗi Ki-tô hữu chúng ta sau khi từ giã cõi đời này để đi đâu, nếu không phải là về Thiên Quốc để chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa cùng với các thánh. Nên Nước Trời phải được xem như là mục đích tối hậu mà mỗi người Ki-tô hữu chúng ta phải hướng tới, để nơi đó chúng ta sẽ được hợp đoàn cùng Đức Ma-ri-a, thánh Giu-se và các thánh mà ca tụng Thiên Chúa muôn đời.
Lời mời gọi nên thánh vẫn luôn là một điều gì đó mới mẻ và hấp dẫn đối với chúng ta. Tuy nhiên, để sống được lời mời gọi này, chúng ta phải lội ngược dòng sống tinh thần Hiến Chương Nước Trời trong một xã hội thực dụng, thích được thỏa mãn xác thịt, ham muốn điều bất chính, gây bất hòa, chia rẽ, vô cảm, dửng dưng với đau khổ của anh chị em, gây nên những bạo lực, đau khổ, sống dối trá, giả hình, bóc lột, bất công…! Các trình thuật Lời Chúa ngày hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta hạnh phúc đích thực của chúng ta ở nơi Thiên Chúa và quê hương chúng ta ở Thiên Quốc, chứ không phải ở những thứ chóng tàn, mau qua sớm hết nơi trần gian này. Vì thế, muốn đạt được Nước Trời làm gia nghiệp, chúng ta phải chiến đấu liên lỉ để biện phân, lựa chọn giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác, giữa cuộc sống tạm bợ và cuộc sống vĩnh cửu. Chấp nhận đi theo con đường hẹp của Hiến Chương Nước Trời trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Được hạnh phúc cùng các thánh trong Nước Trời hay chịu đau khổ nơi Hoả Ngục là do sự tự do chọn lựa của mỗi chúng ta.
Lễ Các Thánh cũng là niềm hy vọng và khích lệ cho mỗi Ki-tô hữu chúng ta là những người đang bước đi trên con đường lữ thứ trần gian, bởi vì, nên thánh không phải là một mơ mộng ảo tưởng xa vời hão huyền, nhưng là ơn gọi và là bổn phận của chúng ta. Nên thánh cũng không chỉ là một phần thưởng ở đời sau như nhiều người lầm tưởng, nhưng là niềm hạnh phúc mà chúng ta có thể cảm nghiệm ngay ở đời này.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin và sức mạnh cho mỗi người chúng con để chúng con biết noi gương các thánh mà trung kiên làm chứng về Ngài giữa thế gian nhiều xô bồ và cám dỗ này hầu mai này được hiệp đoàn cùng các thánh mà ca ngợi Chúa nơi Thiên Quốc. Amen.
HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC ♦ (Chia sẻ của tu sĩ Phêrô Đỗ Huy Xuân, SVD)
Con người chúng ta được sinh ra trên cõi đời này vẫn luôn không ngừng tìm kiếm hạnh phúc. Hạnh phúc mang đến cho con người niềm vui và sức sống. Hạnh phúc cũng có nhiều cung bậc và cách thể hiện của nó cũng khác nhau, một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, nhiều của cải vật chất, vợ chồng, con cái sống yêu thương nhau là hạnh phúc… Chung quy lại, con người vẫn luôn tìm kiếm để sống hạnh phúc, nhưng có lẽ nhiều người sẽ tự hỏi hạnh phúc thật sẽ như thế nào, vì con người cho rằng ở đời này mọi sự sẽ chóng qua và không có gì là trường tồn mãi mãi.
Đối với niềm tin của người Kitô hữu, chỉ nơi Thiên Chúa mới là hạnh phúc viên mãn, hạnh phúc đích thực mà thôi. Hạnh phúc Nước Trời chính là nơi mà chúng ta đang tìm kiếm, là nơi Chúa sẽ hứa ban cho mỗi người chúng ta. Đó là nơi quê hương đích thực, là nơi mà chúng ta mong đợi và khao khát để có thể đạt được. Đó cũng là chính hạnh phúc mà các thánh nam nữ mà chúng ta mừng kính hôm nay đang được vui hưởng.
Trong ngày mừng lễ các thánh hôm nay, chúng ta được mời gọi hướng lên để noi theo các nhân đức tốt lành mà các thánh khi còn ở trần gian đã thi hành. Khi còn sống ở thế gian, các thánh cũng sống như chúng ta nhưng đặc biệt hơn, các ngài đã có một đời sống hướng về thiên đàng và sống một cách chu toàn nên đã được Thiên Chúa ân thưởng vinh phúc vĩnh hằng. Với một niềm tin tưởng vào hạnh phúc mà Chúa hứa ban, các thánh đã dấn thân vì Nước Trời. Nhưng để có được như vậy, các ngài đã phải trải qua biết bao hy sinh, bao thăng trầm của cuộc sống ở trần gian để hướng tới và đạt được “Nước Trời” làm gia nghiệp. Chúng ta cũng đều được Thiên Chúa mời gọi sống như các thánh để hướng tới và đạt được phần thưởng cao quí đó. Các thánh là những người đã sống và thi hành những điều Thiên Chúa mời gọi. Có thể nói rằng các ngài như là những mẫu gương sáng cho chúng ta noi theo, các ngài đã đi trước chỉ cho chúng ta một con đường để chúng ta đi về với Chúa. Con đường ấy chính là con đường hạnh phúc đích thực, nguồn hạnh phúc thật làm thoả mãn mọi khát vọng của lòng người. Hạnh phúc đích thực đến từ việc tìm kiếm Thiên Chúa và Nước của Người.
Thật vậy, hạnh phúc ấy không đến cách ngẫu nhiên hay may mắn nhưng được dành sẵn cho chúng ta, những người con của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và quả thật, chúng ta đã được yêu thương hết mực. Bài đọc thứ hai trích từ thư thứ nhất của thánh Gioan Tông Đồ đã làm sáng tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1). Hạnh phúc đích thực được dành sẵn cho những kẻ được Thiên Chúa yêu thương hết mực. Đó là một tình yêu trao ban. Ngài cho chúng ta được làm con cái của Người trong một tình yêu mãnh liệt với lòng tôn trọng dạy dỗ và bảo ban. Chúng ta cũng sẽ được trở nên giống Con của Người trong một diện mạo mới khi chúng ta biết đặt hy vọng vào Người. Chúng ta là con cái Thiên Chúa, như trong thư thứ nhất của thánh Gioan đã nhấn mạnh điều đó (x. 1 Ga 3,2). Thế nên, đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi nỗ lực đạt tới hạnh phúc đích thực.
Hạnh phúc đích thực là niềm khao khát Thiên Chúa và tìm kiếm Nước Trời. Dĩ nhiên, mối phúc của Thiên Chúa hứa ban, nghĩa là hạnh phúc đích thực, khác xa hay thậm chí là đối ngược với mối phúc theo lối của con người, điều mà người đời vẫn thường kiếm tìm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ cho dân chúng thấy những điều đó. Tác giả Mátthêu trình bày cho chúng ta thấy khung cảnh rất đông của đoàn người kéo đến với Đức Giêsu để được nghe lời giảng dạy. Đoàn người trong bài Tin Mừng có lẽ đã khám phá ra được nơi Chúa Giêsu có những điều mà họ mong ước, những điều họ đang khát khao tìm kiếm. Chính vì thế mà họ đã tuôn kéo đến với Chúa để được nghe Lời của Chúa. Với lòng mong mỏi ao ước của dân chúng, Chúa Giêsu đã chỉ cho họ cách thức để đạt được hạnh phúc Nước Trời. Đó là “tâm hồn nghèo khó”, “hiền lành”, “khao khát sự công chính”… và cả những điều kiện mà người thường khó mà nghĩ tới như “sầu khổ”, “chịu bách hại”, “sỉ vả”. Đức Giêsu đã đảm bảo hạnh phúc Nước Trời sẽ dành cho ai sống tinh thần của những đòi hỏi đó. Thật vậy, ngang qua bài giảng trên núi, Đức Giêsu tha thiết muốn quy hướng đám đông về nguồn hạnh phúc Nước Trời là nơi đầy hy vọng và niềm hạnh phúc viên mãn.
Hạnh phúc Nước Trời đòi hỏi con người phải chọn lựa sống theo tinh thần các mối phúc. Điều đó là sự đánh đổi, chấp nhận chọn sự khiêm tốn, chịu khổ, chịu thiệt thòi ở trần gian để hướng về nơi hạnh phúc đích thực. Với các mối phúc, Đức Giêsu đã chỉ cho ta cảm nhận được mọi giá trị sống động khi ta thi hành ở trần gian. Nào là sống với tinh thần nghèo khó, không lệ thuộc tiền bạc, của cải vật chất. Chúng ta cần biết cách làm ra của cải và sử dụng chúng cách hợp lý. Ai có nhiều của cải thì biết chia sẻ cho người thiếu thốn. Dù nghèo hay giàu chúng ta đều vượt trên mọi tham vọng vật chất, để vật chất luôn chỉ là phương tiện gúp chúng ta vươn tới mục đích tối thượng là chính Chúa, là hạnh phúc đích thực và biết sống tinh thần yêu thương chia sẻ. Dẫu rằng khó khăn và lắm lúc ngược đời, việc chọn sống những điều đó thực là sự chọn lựa khôn ngoan mà người Kitô hữu cần nắm bắt. Có vậy, người Kitô hữu mới ra sức để đạt được hạnh phúc đích thực. Điều mà Chúa Giêsu mời gọi “anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Mt 5, 12).
Bài đọc thứ hai trích trong thư thứ nhất của thánh Gioan Tông Đồ chỉ cho chúng ta con đường và cũng là một trong những điều kiện cần: “Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch” (1 Ga 3,3). Để đạt được hạnh phúc mà Đức Giêsu mời gọi, trước hết và cũng là điều tiên quyết, chúng ta cần hướng đến tâm hồn trong sạch. Kế đến, sự cởi mở với tha nhân đến độ quên chính bản thân mình, hướng đến những con người bị loại trừ và bách hại với một lòng gắn bó, yêu thương cũng như không ngừng hoạt động để mang lại hòa bình cho người khác, sống tương quan trong tình yêu để mọi người biết nhìn nhận tình yêu của Cha trên trời cũng là những điều giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc đích thực.
Đó là hạnh phúc đích thực và hành trình mà Đức Giêsu mời gọi mỗi người. Dẫu khó khăn nhưng điều đó không có nghĩa là không thể. Đức Giêsu đã mở đường và Ngài hằng ban ơn trợ lực cho những ai khao khát. Các thánh nam nữ mà chúng ta mừng lễ hôm nay là những minh chứng sống động. Các thánh đã trải qua những cung bậc thăng trầm của cuộc sống, đã hết mực sống theo lời mời gọi của Chúa. Vì thế, Chúa đã cho các ngài được hưởng hạng phúc đích thực mà Chúa đã hứa ban. Các thánh đã chọn sống theo lời mời gọi của Chúa, đã trải qua những gian nan, thử thách, bị bắt bớ và cả hy sinh mạng sống vì chọn lựa ấy. Đó là những sự thật không thể phủ nhận. Và chung cuộc, các ngài đã thực sự đạt được hạnh phúc mà Thiên Chúa hứa ban.
Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Khải Huyền, thánh Gioan đã cho chúng ta cảm nhận được sự viên mãn nơi mà con người đang hướng đến đích điểm cuối cùng trong sự hạnh phúc, với “đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi dân tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7, 9). Họ đã được quy tụ về một mối duy nhất để được hưởng niềm vui hạnh phúc đích thực mà tất cả cùng mong đợi. Ở nơi đây họ không còn phân biệt nhau về thân phận, về tương quan, nhưng cùng quy tụ về một điểm duy nhất là hạnh phúc mà Thiên Chúa hứa ban. Họ cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa với lời kính cẩn, chúc tụng, vinh quang. Thế nên, việc Giáo Hội mừng kính các thánh hôm nay thực là một lời tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu của Người, đồng thời, cũng là sự tuyên dương sự chọn lựa khôn ngoan của các thánh nhân như là những mẫu gương cho thế hệ con cháu noi theo. Thiên Chúa vẫn hằng yêu thương con người. Ngài tha thiết mong muốn con người đến và lãnh nhận hạnh phúc mà Ngài hứa ban. Noi gương các thánh nam nữ, người Kitô hữu được mời gọi can đảm chọn lựa và dấn thân cho hạnh phúc đích thực đang vẫy gọi mỗi ngày.
Lạy Chúa, mang thân phận yếu hèn, chúng con dễ nghiêng chiều theo những cám giỗ và thế sự của trần gian. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con biết nhận ra hạnh phúc đích thực mà Chúa hằng hứa ban và can đảm dấn thân cho lời mời gọi ấy. Amen.
CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH ♦ Chia sẻ của Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta long trọng cử hành lễ các Thánh Nam Nữ. Đây là dịp để chúng ta tuyên dương những mẫu gương sống đời trần thế cách trọn hảo; đồng thời với niềm hạnh phúc viên mãn mà các thánh đang có được, chúng ta cũng được mời gọi hy vọng và tin tưởng sẽ được nên thánh như các ngài.
- Các Thánh Nam Nữ Là Những Ai?
Họ là những người đã được ghi tên vào sổ trường sinh và hiện đang được chiêm ngưỡng nhan Chúa trên thiên đàng. Đứng đầu danh sách này là những người đã được Giáo Hội long trọng tôn phong lên bậc hiển thánh. Sau đó nữa, theo như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1023, danh sách đó còn bao gồm những người đã chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa, hoặc là những người đã được thanh luyện trọn vẹn nên đã được đưa lên thiên đàng để được sống muôn đời với Đức Kitô.
Trong một thị kiến được trích từ sách Khải Huyền, thánh Gioan còn liệt kê cho chúng ta hai danh sách những người được đưa tới trước mặt Con Chiên đang ngự trên ngai vàng: trước hết là một trăm bốn mươi bốn ngàn người thuộc mọi chi tộc Ítraen, sau đó là đoàn người đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Như thế, dù ta không biết cụ thể họ là ai, nhưng dựa vào con số vô số kể ấy, chúng ta có thể mường tượng và tin tưởng rằng có thể bà con thân thuộc hay những người hàng xóm láng giềng gần gũi với ta cũng ở trong số đó. Đó cũng chính là niềm hy vọng cho mỗi người chúng ta. Hơn hết, chúng ta cũng được mời gọi để trở nên những người như họ. Lời mời gọi nên thánh vẫn luôn được gửi đến hết thảy mỗi người chúng ta.
- Các Ngài Đã Nên Thánh Như Thế Nào?
Hẳn là để có thể lọt vào hàng ngũ các thánh, các ngài đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều; đã phải trải qua vô vàn khổ đau, gian nan, cùng với ơn Chúa thì mới có thể đạt được. Thánh Gioan trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Khải Huyền đã nói: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.” Theo đó, để làm cho tấm áo lòng mình được trắng, họ đã phải trải qua không ít khổ đau. Nhưng một điều đáng quý nơi họ, đó là họ luôn biết lấy Đức Giêsu – Con Chiên làm hình mẫu, Đấng cũng đã chịu đau khổ, chịu đổ máu, chịu chết nhưng đã chiến thắng tử thần. Nhờ luôn biết cậy dựa vào dòng máu Con Chiên đổ ra, họ đã có thể tẩy rửa mình khỏi mọi hoen ố do thế gian mang lại để được trở nên tinh tuyền. Trong bài đọc hai, trích từ thư thứ nhất của thánh Gioan, tác giả còn cổ võ chúng ta rằng: “Phàm ai đặt hy vọng vào Đức Kitô, thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch.” Như thế, việc tin tưởng và hy vọng vào Đức Kitô không những giúp chúng ta trở nên tinh tuyền mà còn thần hóa chúng ta trở nên giống với Người là Đấng Thánh.
Thánh sử Mátthêu trong bài Tin Mừng cũng thuật lại con đường nên thánh mà Đức Giêsu đã chỉ ra, con đường đó chính là Tám Mối Phúc. Thoạt nhìn, chúng ta dễ cảm thấy thất vọng bởi lẽ dường như con đường đó đi ngược với những gì mà người đời vẫn thường quan niệm và sống. Nghèo khó, hiền lành thì chẳng được ai trân trọng, có khi còn bị bắt nạt, sỉ vả, làm nhục nữa. Chẳng ai lại muốn chọn sống đau khổ thay vì hạnh phúc; chẳng ai lại muốn sống công chính, chân thật giữa một thế giới đầy bon chen và gian dối này; chỉ lo xót thương người khác thì ai sẽ xót thương ta? Sống trong sạch thì phải bỏ đi những thú vui mà đời mang lại hay sao? Những công dân của thế gian có lẽ sẽ chỉ cười nhạo khi đọc thấy những lời dạy “đi xa thực tế” này.
Thế nhưng, đó mới thực sự là con đường nên thánh, con đường của những công dân Nước Trời. Những điều được dạy trong Bát Phúc đều là những điều giúp chúng ta trở nên giống Chúa hơn. Quả vậy, với một tâm hồn nghèo khó, tức là biết chấp nhận ta là gì và có gì, đồng thời biết chia sẻ những gì mình có cho những người kém may mắn hơn, chúng ta đang trở nên giống như Đức Giêsu, Đấng đã trở nên nghèo khó để làm cho chúng ta trở nên giàu. Với việc sống hiền lành, chúng ta đang thực thi điều mà Chúa mời gọi là học hỏi sự hiền lành và khiêm nhường của Người. Khi biết bỏ đi những thú vui của thế gian, tình trạng bị cho là đau buồn nơi cuộc sống tạm bợ này, chúng ta sẽ được muôn đời đón nhận sự an ủi từ Thiên Chúa trong Nhà Người. Khi chọn tìm kiếm và sống sự công chính, chúng ta sẽ được Chúa là Đấng Công Chính làm cho vui thỏa vì sự khao khát chính đáng và đúng mực đó. Khi biết yêu thương người khác như chính Chúa đã sống và đã dạy, chúng ta sẽ chẳng thiệt thòi gì nhưng còn nhận lại được lòng xót thương gấp bội từ Thiên Chúa. Khi biết sống hòa thuận, tìm an bình, và xây dựng cho nhau, chúng ta đang làm sáng tỏ lên hình ảnh Chúa nơi chính mỗi người chúng ta. Đó là dấu cho người khác nhận ra rằng chúng ta đích thực là Kitô hữu, là con cái của Thiên Chúa. Khi chúng ta vì Chúa mà chấp nhận thiệt thòi, bị hiểu lầm, bị ghen ghét, bị áp bức và thậm chí bị giết chết, chúng ta đang thực sự làm cho mình trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu hơn.
Con đường nên thánh với những đường nét kể trên thật là đẹp và ý nghĩa, nhưng cũng thật khó để bước theo. Sống giữa thế gian nhưng lại đi theo con đường Nước Trời quả không dễ dàng. Nhưng chẳng lẽ có vô số người làm được điều đó và đã được Chúa đón về Vương Quốc của Người mà chúng ta lại không làm được? Mừng lễ các thánh nam nữ hôm nay là dịp để nhắc nhở mỗi người chúng ta về tấm gương của các thánh, đồng thời mời gọi chúng ta can đảm đi theo con đường các ngài đã đi qua để có thể đạt tới cùng đích mà các ngài đã đạt được.
Lạy Chúa, dù chúng con vẫn còn ở trong thân xác, vẫn còn sống trong thế gian với biết bao cạm bẫy, nhưng xin giúp chúng con biết can đảm, mạnh mẽ, quyết tâm, luôn biết bám lấy Chúa để chúng con không lãng quên cùng đích của mình, nhưng luôn biết khẳng khái tiến lên trên con đường hướng về quê Trời. Xin các thánh nam nữ cũng cầu bầu cùng Chúa cho chúng con. Amen.
NHỮNG THÁCH ĐỐ TRÊN ĐƯỜNG NÊN THÁNH (Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD)
Hôm nay toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Các Thánh Nam Nữ. Đây là dịp để chúng ta nhìn vào những nhân đức của các ngài mà noi theo trên con đường nên thánh của mỗi chúng ta. Các thánh là những người sau khi đã trải qua những thử thách “lớn lao” trong hành trình dương thế mà vẫn giữ vững niềm trung kiên vào Chúa, nhất là làm theo những điều mà chính Chúa Giêsu đã truyền dạy như trong bài Tin Mừng hôm nay qua “Tám Mối Phúc Thật”. Hành trình ơn gọi nên thánh của mỗi chúng ta cũng phải luôn giữ vững đức tin và đi theo đường lối của Chúa.
Bài đọc thứ nhất trích trong sách Khải Huyền cho chúng ta một cái nhìn theo chiều kích cánh chung. Những vị thánh của Thiên Chúa là những người thuộc mọi nước, mọi dân và mọi ngôn ngữ. Các ngài là “những người đã đến sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”(Kh 7,14). Thiên Chúa không phân biệt đối xử theo địa vị nhưng hễ ai biết lấy Thiên Chúa làm gia nghiệp, đặt hy vọng vào tình thương của Người thì Người sẽ không cất phần thưởng của họ trên Nước Trời. Vì vậy, chúng ta dù ở bất cứ giai tầng nào cũng có trọn vẹn niềm hy vọng trong ngày cánh chung. Nhưng niềm hy vọng của chúng ta phải được xây dựng trên nền tảng của đức tin và lòng mến thể hiện qua đời sống hằng ngày.
Bài đọc hai trích trong thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ; đoạn trích này cũng hướng chúng ta đến niềm hy vọng cánh chung. Chúng ta là con Thiên Chúa và là họa ảnh của Đức Kitô. “Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người” (1 Ga 3,2). Trong ngày Đức Kitô quang lâm cùng với các thánh của Người, chúng ta cũng phải ra trước ngai tòa Đấng Tối Cao để được xét xử về những công việc chúng ta làm khi còn tại thế. Chính trong niềm hy vọng phục sinh và vì chúng ta là con cái Thiên Chúa nên chúng ta luôn được mời gọi gia nhập hàng ngũ chư thánh trên Thiên Quốc.
Cùng đích của con người là được hưởng kiến dung nhan Thiên Chúa trong vương quốc của Ngài. Thế nhưng để đạt được điều đó thì chúng ta, những người đang sống trên trần gian cần phải đào luyện bản thân hầu tìm ra con đường dẫn tới quê hương đích thực của mình. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã vạch sẵn con đường hầu giúp chúng ta đạt đến cứu cánh của cuộc sống mai hậu; đó là “Tám Mối Phúc Thật” hay còn gọi là bản “Hiến Chương Nước Trời”. Tám Mối Phúc Thật cũng có thể được gọi là “tám con đường” vào Nước Trời. Thoạt nghe chúng ta có cảm tưởng những lời dạy của Chúa Giêsu chẳng có gì thú vị và những điều ấy có vẻ đi ngược lại với quan niệm của người đời. Những mối phúc Chúa Giêsu đưa ra là phải bỏ hết những giá trị trần thế mà người ta vẫn nỗ lực đạt tới. Không ai trong chúng ta muốn nghèo khổ, muốn đói khát, muốn sầu khổ, hay muốn bị bách hại. Thế nhưng đó lại là điều Thiên Chúa muốn chúng ta hướng tới như tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay. Việc thi hành những điều Chúa dạy không phải dễ; nó đòi hỏi những hy sinh và nỗ lực từng giây phút trong cuộc sống. Hơn ai hết, các thánh là những người đã bước theo con đường Chúa Giêsu vạch ra bằng tất cả sự nỗ lực dẫu phải chịu những thiệt thòi trong kiếp nhân sinh. Con đường nên thánh chưa bao giờ là con đường rộng rãi và dễ đi. Những thử thách càng khiến các thánh vững tin hơn vào Thiên Chúa để rồi sau khi vượt qua, các ngài đã được Thiên Chúa ân thưởng trong Vương Quốc Hằng Sống. Chính những thử thách đã tôi luyện đức tin và lòng mến của các thánh để rồi các ngài trở thành những tấm gương nhân đức chiếu soi cho chúng ta.
Con đường nên thánh của chúng ta cũng có thể so sánh như những phiến đá. Có khi cùng một phiến đá, một nửa được dùng làm đá lát đường, nửa còn lại được tạc thành bức tượng để thờ kính. Sự khác biệt nằm ở chỗ, những viên đá lát đường chỉ chịu vài lần đục đẽo, trong khi những bức tượng là cả một quá trình gọt giũa kỳ công. Và rồi những viên đá lát đường bị người ta coi thường, đạp lên trong khi những bức tượng lại được người ta chiêm ngắm và cung kính. Ai dám chấp nhận đớn đau để hoàn thiện bản thân thì cũng giống như những phiến đá, một ngày sẽ trở nên hoàn thiện và đẹp đẽ trong sự nể phục của mọi người. Con đường nên thánh của chúng ta cũng vậy; phải chấp nhận những đòi buộc của Tin Mừng sống trong tinh thần nghèo khổ, sống trong tinh thần sầu thương, chấp nhận bị người đời sỉ vả và bách hại vì đức tin. Đó là những thách đố, những thiệt thòi khi mang danh Kitô hữu giữa một thế giới đầy danh lợi và bất công. Sống vì Tin Mừng, vì tha nhân là một lối sống từ bỏ chính mình để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời. Cách sống ấy đòi hỏi sự hy sinh lớn lao và liên lỉ trong từng thời khắc của cuộc đời nhưng cũng vì thế chúng ta mới đạt tới cứu cánh mai hậu là được cùng triều thần thánh trên trời mà ca tụng Thiên Chúa.
Nhìn vào cuộc đời các thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay, biết bao vị đã can đảm đổ máu mình ra để làm chứng cho Chúa Kitô, làm chứng cho đức tin. Có những vị sống vì tha nhân mà quên đi chính mình để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Lại có những vị dám chấp nhận từ bỏ cuộc sống giàu sang để hiệp thông với những đau khổ của Chúa Kitô trên con đường thập giá trong lối sống nghèo hèn nơi tu viện. Và còn biết bao vị khác vì gia nghiệp Nước Trời đã dấn thân phục vụ tha nhân trong tinh thần khiêm hạ. Còn chúng ta, những người đang tìm con đường về Quê Thật, liệu chúng ta có dám quảng đại sống vì Tin Mừng, vì tha nhân như các thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay hay không? Mỗi người trong chúng ta phải tự lựa chọn con đường mình đi. Chúng ta muốn trở thành bức tượng hay trở thành những viên đá lát đường, điều đó tùy thuộc vào cách sống, cách dấn thân của chúng ta. Nhưng thiết nghĩ, để được hưởng gia nghiệp Nước Trời thì ắt hẳn con đường của chúng ta sẽ không thiếu những thách đố.
Xin Chúa cho chúng ta biết nhìn vào gương sáng của các thánh để lại mà noi theo. Xin cho chúng ta cũng biết can đảm chấp nhận những thách đố ở đời này vì danh Chúa hầu sau này được vào Thiên Quốc cùng triều thần thánh trên trời mà ca tụng Chúa.