Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 31 Thường Niên – Năm B

0
664

Bài Ðọc I: Ðnl 6, 2-6

“Hỡi Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.

“Hỡi Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.

“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47-51ab

Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).

Xướng: 1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa; lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ, cứu tinh. – Ðáp.

2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù. – Ðáp.

3) Vạn tuế Thiên Chúa, chúc tụng Ðá Tảng của con, ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho đức vua được đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 7, 23-28

“Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu”.

Trích thư gởi cho tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.

Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 12, 28b-34

“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:

“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng:

KHỦNG HOẢNG CĂN TÍNH (Lm. Micaell Nguyễn Trung Tây, SVD)

Trong khi theo học lớp Thần học Đệ Nhị Luật (ĐNL) tại đại học Catholic Theological Union, tôi nhớ có lần đột nhiên thiên đường đổ vào tâm hồn tối tăm của tôi một câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại đòi hỏi con người phải yêu Ngài hết cả trái tim, hết cả linh hồn và hết cả tâm trí? Lý do nào đã khiến Thiên Chúa đưa ra một lời yêu cầu lạ lùng đến như vậy tới người Do Thái? Có bao giờ bạn cũng có những dòng tư tưởng tương tự khi đọc Đệ Nhị Luật 6,4-5 hay không? Hỡi Israel, hãy nghe đây! Thiên Chúa là Thiên Chúa của chúng ta. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất mà thôi. Bạn phải yêu mến Thiên Chúa là Đức Chúa của bạn bằng cả trái tim, cả linh hồn, và cả trí lực (Đnl 6,4-5).

Hoặc trong khi đang có mặt ở Đất Thánh, có bao giờ bạn gặp một người Do Thái đứng nơi công cộng hay trước bức tường Than Thở đọc thiết tha lời kinh Đệ Nhị Luật này chưa? Có bao giờ bạn thắc mắc tự hỏi tại sao những người đàn ông Do Thái này, bỗng dưng, lại đứng giữa nơi thanh thiên bạch nhật để đọc lời kinh cầu nguyện Đnl 6,4-5 hay không?

Để trả lời những câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải đặt Đệ Nhị Luật 6,4-5 vào trong toàn bộ bối cảnh của nó. Theo Đnl 6, đặc biệt câu 1, Môsê tuyên bố rằng Thiên Chúa đã buộc ông phải dạy cho dân Do Thái điều luật này trước khi dân du mục đặt chân vào miền đất hứa. Môsê thậm chí còn khẳng định rằng người Do Thái phải lưu trữ điều luật này ngay trong trái tim, nơi chứa đựng sự khôn ngoan theo quan điểm cổ xưa.

Hơn thế nữa, dân Do Thái của muôn muôn thế hệ phải dạy con cái họ điều luật này, và lập lại lời kinh này bất cứ ở đâu. Không dừng lại ở đó, Môsê tiếp tục tuyên phán, “Hãy buộc [điều luật này] như một dấu hiệu trên tay bạn, gắn chặt [điều luật này] như một biểu tượng trên trán bạn, và viết [điều luật này] lên các cột và cổng nhà của bạn” (Đnl 6,8-9).

Do đó, du khách ở vùng đất Thánh có thể sẽ gặp một người đàn ông Do Thái đứng cầu nguyện nghiêm trang nơi công cộng, hay trong Hội đường với một bộ “trang phục” philắctơri (phylactery), gồm hai khối da hình vuông màu đen chứa một mảnh vải da, trên đó khắc hàng chữ Đnl 6,4-5. Một philắctơri được gắn dây cuốn chung quanh cánh tay trái, philắctơri còn lại đeo ngay trên trán.

Nếu bạn đã từng hỏi tại sao người đàn ông Do Thái này lại đeo philắctơri trong khi đứng cầu nguyện, bây giờ bạn đã có câu trả lời. Nói ngắn gọn, những người đàn ông Do Thái này đang thực hiện lời dạy dỗ của Môsê, như đã được viết trong Đnl 6,4-5.

Suy Niệm

Theo như tác giả Máccô 12,28b-34, một ngày nọ, một thầy thông luật đến gặp Đức Giêsu và hỏi Ngài,

  • Điều luật nào là điều luật quan trọng nhất (Mc 12:29)? Đức Giêsu liền đọc,
  • Hỡi Israel, hãy lắng nghe: Thiên Chúa là Đức Chúa của chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa. Bạn sẽ yêu Thiên Chúa bằng cả trái tim, cả linh hồn, và cả tâm trí của bạn.

Nói một cách khác, đối với Đức Giêsu, nếu một người toàn tâm toàn ý yêu Thiên Chúa với tất cả các năng lực, người đó cũng sẽ thực hành các điều luật còn lại trong toàn bộ sách Torah.

Bạn đọc có thể đã tự hỏi, “Yêu Chúa bằng cả trái tim, bằng cả tâm trí và bằng tất cả sức mạnh, điều đó có nghĩa là gì?”

Điều đó có nghĩa là người tín hữu phải yêu Chúa không phải với một trái tim “lờ lờ nước hến,” mà là một tình yêu đam mê.

Đam mê như Romeo và Juliet yêu nhau say đắm.

Đam mê như Vua Edward VIII sẵn sàng từ bỏ ngai vàng vì tình yêu với Wallis, một thường dân người Mỹ đã từng một lần dang dở.

Đam mê như công chúa Mako, sẵn sàng từ bỏ hoàng gia để đi theo tiếng gọi đam mê một người thanh niên không thuộc hoàng gia.

Khi một người yêu đam mê, người đó trở nên dịu dàng và kiên nhẫn hơn, đặc biệt là với người yêu. Khi đó, bạn gái hoặc bạn trai trở thành trung tâm điểm của cuộc đời. Mọi nỗ lực đều được hướng về và hướng tới người đó.

Khi yêu đam mê, người ta không thể lắng nghe bất kỳ giọng nói nào khác, ngoài tiếng nói của trái tim và của người yêu.

Đó là lý do tại sao cả Romeo và Juliet đã chấm dứt cuộc sống.

Vua Edward VIII bỏ tất cả để lại sau lưng vì một người thường dân mà ông yêu cuồng nhiệt.

Và Mako bỏ lại cuộc sống hoàng gia bởi người thường dân mà công chúa yêu nồng nàn.

Những người Do Thái từng có một quá khứ nô lệ tại Ai Cập, một vùng đất của chủ nghĩa đa thần. Tương tự như thế, người Canaan của vùng đất mà dân Do Thái sắp tiến vào là vùng đất của rất nhiều thần thánh. Nhưng, người Do Thái chỉ tôn thờ một và chỉ một Thiên Chúa mà thôi.

Bởi thế, trước khi đặt chân vào Canaan, Môsê đã triệu tập người Do Thái tới trước mặt ông. Sau đó, ông truyền lệnh con dân Do Thái phải yêu Thiên Chúa với một tình yêu tuyệt đối. Bởi ngôn sứ Môsê biết, sau khi gặp gỡ dân Canaan trên vùng đất đa thần, trái tim Do Thái có thể sẽ biến đổi hình dạng, bởi chính những vị thần cư dân địa phương tôn thờ từ bao lâu nay.

Mối đe dọa này rất thật và đã xảy ra. Bởi không yêu Thiên Chúa hết tâm hồn hết linh hồn hết sức lực, người Do Thái cuối cùng thay lòng đổi dạ. Họ không còn coi là Chúa của Ápraham là Chúa của họ nữa. Kết quả là họ đã nhiều lần mất đi bản sắc dân riêng của mình. Đã có những khoảng thời gian người Do Thái bị ngoại bang chinh phục, lưu đày biệt xứ. Một lần vào năm 722 trước Công nguyên. Lần khác vào năm 587 trước Công nguyên.

Môsê hoàn toàn đúng khi đoán trước điều gì sẽ xảy ra nếu người Israel không nuôi dưỡng tình yêu nồng nhiệt dành cho một Chúa duy nhất của họ. Thật vậy, lịch sử Do Thái cũng là một lịch sử của phản bội. Sau khi hoàn toàn sở hữu vùng đất hứa, phần lớn người Do Thái đã từ bỏ Thiên Chúa của Ápraham cho các vị thần của cư dân địa phương. Ngay cả vua Solomon, người khôn ngoan nổi tiếng đến nỗi Nữ hoàng từ phương Nam lên đường đến Jerusalem để lắng nghe sự khôn ngoan của ông, cũng đã bỏ Chúa cho những vị thần mang đến vương quốc Đavít từ rất nhiều người bà vợ mà ông ta đã cưới từ các quốc gia xung quanh.

Không lạ chi, vương quốc Đavít, sau Salomon, đã bị chia thành hai quốc gia, Bắc quốc Israel, gồm mười bộ tộc, Vương quốc Nam Judea gồm hai chi tộc Judah và Benjamin. Cả hai vương quốc đều đã không học được bất kỳ bài học nào từ lịch sử phản bộ của tổ tiên. Họ lại thay đổi trái tim, không yêu Thiên Chúa hết lòng hết trí khôn hết linh hồn. Họ thờ phượng tà thần. Bởi thế, Bắc Quốc Israel sụp đổ vào năm 722 trước Công nguyên và Nam Quốc Judea vào năm 587 trước Công nguyên.

Sụp đổ Nam Quốc dẫn đến lưu vong Babylon, “Bên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi đó và ở đó chúng tôi khóc, chúng tôi nhớ đến Zion” (Thánh Vịnh 137,1). Riêng Bắc quốc Israel biến mất vĩnh viễn sau cuộc chinh phục của người Assyria, bởi vua Assyri đã trục xuất phần lớn người dân Bắc quốc sang các nước xung quanh. Riêng người dân của Nam quốc, sau khi bị lưu vong Babylon, may mắn hơn được phép trở về vùng đất Judea vào năm 539 BC.

“Tôi không còn là một nửa con người tôi đã từng là.” Người sáng tác ca khúc “Yesterday” chắc hẳn đã từng trải qua những mối tình say đắm. Vì yêu hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực, nên anh được biến đổi thành một con người mới. Cũng vậy, sau một thời gian sống đời sống tu trì, tiếc thay tôi khám phá ra rằng tôi hầu như vẫn không thay đổi, tôi vẫn là con người cũ với đầy đủ hỷ nộ ái ộ, vẫn nguyên vẹn thái độ tiêu cực và bi quan về cuộc đời và con người. Nếu đúng tôi vẫn là tôi của ngày hôm qua như thế, có lẽ Thiên Chúa không thực sự là trung tâm của đời tôi, hoặc có lẽ Ngài không phải là ưu tiên của tôi, hoặc có lẽ tôi không hết lòng yêu mến Chúa.

Tất cả những điều này đã xảy ra, bởi vì thực ra tình yêu của tôi dành cho Thiên Chúa không phải là một tình yêu cuồng nhiệt, mà thực sự ra chỉ là một mối tình nguội lạnh, lờ đờ nước hến.

Lời Nguyện: Lạy Ngài! Xin ban con một trái tim yêu Ngài thiết tha! 


 

MẾN CHÚA, YÊU NGƯỜI (Lm. Micae Trần Niên, SVD)

“ Nếu anh em của ngươi là những người ngươi thấy được mà ngươi lại không yêu thương, thì làm sao ngươi có thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng ngươi không thể thấy được”

Kính thưa ông bà anh chị em rất thân mến, sau những lần thất bại trong những cuộc đấu lý với Chúa Giê su, những người biệt phái, Pharisiêu và những kẻ  thông luật  tiếp tục tìm cách tranh luận với Ngài về điều răn quan trọng nhất trong các giới luật nhằm gài bẫy Người, nhưng chúng đã lầm to, chúng  đã đẩy một tảng đá lớn để mong cản đường Chúa nhưng không thể được. Vì thế, kết thúc cuộc tranh lý nào, phần thắng cũng thuộc về Chúa Giê su. Hôm nay, nhờ cuộc đấu lý này, thánh sử Marcô chuyển tải cho chúng ta một bản tóm tắt lề luật tôn giáo hoàn hảo, đó chính là mến Chúa và yêu người.

Cha Anderson đã từng làm cha tuyên úy cho một nhà tù tại Mỹ, ngài đã thành lập một nhóm chuyên lo cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa cho một số tù nhân. Nhóm này thường đọc một đoạn Kinh Thánh nói về người con hoang đàng, sự tương thân tương ái giữa con người với nhau. Sau đó mọi người yên lặng suy gẫm và chia sẻ với nhau về cách thức áp dụng đoạn Kinh Thánh vào cuộc sống hằng ngày của mỗi người.

Buổi tối nọ, có một tù nhân tên là Richard, thuộc khu những người tâm thần, lần đâu tiên Richard đến với nhóm, tham gia chia sẻ lời Chúa và có một cử chỉ tuyệt vời. Cha Anderson, tuyên úy diễn tả câu chuyện xảy ra như sau:

“ Một buổi tối trời trở gió vào tháng ba, màn đêm càng về đêm càng lạnh buốt, căn phòng không đủ ấm, người bạn ngồi đối diện với Richard chỉ mặc một chiếc áo mỏng manh, một cái quần dài tuy nhiên cũng không đủ ấm, người thì run lẫy bẩy. Trong lúc đó, Richard thì ngoài mặc áo quần ấm áp, trên vai còn có đến hai chiếc mền khoác vào. Thế là đang lúc chúng tôi đang bàn luận về ý tưởng “ tương trợ lẫn nhau, đột nhiên Ricard đứng phất lên, tiến đến người bạn tù kia và choàng một chiếc mền lên người bạn tù ấy.”

Cử chỉ không lời của Richard đã gây ấn tượng mạnh liệt cho cả nhóm hơn bất cứ mọi lời chia sẻ đang thốt ra. Cử chỉ đẹp mà Richard vừa làm cũng nêu bật điểm quan trọng và mấu chốt mà chính Đức Giê su đã đề cập trong bài Tin Mừng chúng ta vừa được nghe.

Yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân là hai loại tình yêu đi đôi với nhau như hai mặt của một đồng tiền không thể tách rời nhau được. Nói cách khác, chúng ta không thể cầu nguyện với Chúa bằng những lời thật dễ thương, giống như những tù nhân đã cầu nguyện trong những buổi chia sẻ Lời Chúa của họ, nếu chúng ta không đối xử với người bên cạnh chúng ta bằng những hành động cụ thể, bằng những cử chỉ yêu thương đối với những người bất hạnh và kém may mắn hơn chúng ta.

Thánh Gio an Tông Đồ thật có lý khi nhấn mạnh điểm này trong lá thư của ngài, người nghiêm giọng lên án những ai bên ngoài cứ nói là yêu mến Chúa, nhưng sống với anh chị em đồng loại chẳng ra gì: “ Nếu ai nói rằng, mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em thì kẻ ấy là một tên nói dối. Bởi vì anh ta không thể yêu mến Chúa là Đấng nó không thấy, nếu anh ta không yêu người anh em mình là kẻ anh ta thấy được. Chúa Giê su đã truyền cho chúng ta huấn lệnh này là: “ Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em mình”

Một số nhà tu đức khẳng, mệnh lệnh của Đức Giê su đòi buộc chúng ta yêu tha nhân và yêu mến Thiên Chúa, hai mệnh lệnh này tương quan mật thiết với nhau, đến nỗi nếu chúng ta không yêu thương anh em mình thì chẳng bao lâu chúng ta cũng chẳng còn yêu mến Thiên Chúa nữa, thực thế, chẳng bao lâu chúng ta sẽ không còn tiếp xúc được với Thiên Chúa và với linh hồn bất tử của mình nữa. Một câu châm ngôn diễn tả chân lý sống động ấy như sau: “ Tôi tìm linh hồn tôi, nhưng hồn tôi! tôi nào thấy được; tôi tìm kiếm Thiên Chúa tôi nhưng Thiên Chúa lại lẫn tránh; tôi tìm kiếm anh em tôi thì tôi lại gặp được cả ba đối tượng tôi muốn tìm. Như vậy bí quyết để gặp Thiên Chúa là chúng ta tìm gặp và yêu thương người thân cận của mình.

Trớ  trêu thay, việc yêu tha nhân, chúng ta thường gặp thất bại ngay từ đầu trong gia đình, thiếu yêu thương các thành viên trong gia đình mình, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào yêu thương những người khác được và ngược lại cũng thế, khi chúng ta yêu thương các thành viên trong gia đình thì chắc chắn chúng ta sẽ yêu thương được người khác nữa.

Kính thưa ông bà anh chị em! Tin mừng hôm nay, mời gọi chúng ta trở về với chính mình, can đảm đặt cho mình những vấn nạn như là phương thế trắc nghiệm tình Chúa tình người nơi mỗi người chúng ta.

Chúng ta đã dành tình thương cho những người trong gia đình mình như thế nào?” Nếu ta trả lời “ chưa mặn mà cho lắm” thì có lẽ tình yêu ta dành cho láng giềng cũng chẳng thể khá hơn! Và nếu chúng ta chẳng yêu tha nhân, chẳng yêu láng giềng mặn nồng thì không có chuyện chúng ta yêu mến Thiên Chúa nồng nàn. Ngược lại, nếu chúng ta yêu quý mọi người trong gia đình mình, ta mới có thể yêu mến được người hang  xóm và một khi yêu được người hàng xóm thì chúng ta cũng dễ dàng yêu mến Thiên Chúa.

Cách đây ít lâu, trên mạng xã  hội, rất nhiều người chúng ta dã đọc thấy một bức thư của người thiếu phụ đã đăng trên tờ báo buổi sáng của Mỹ. bức thư này được viết sau cái chết của mẹ cô, cô viết: “ Mẹ tôi sống ở gần chỗ tôi ở, việc dành chút thời giờ để pha cho mẹ một tách caphe nóng, hay tỏ ra một cử chỉ yêu thương đối với mẹ, lẽ ra đối với tôi, phải là một việc rất dễ dàng và thường  xuyên, khi tôi gọi điện thoại cho mẹ, tôi lại nói chuyện với mẹ quá vắn tắt và vội vàng. Tôi cảm thấy thật xấu hổ khi nghĩ lại những lần tôi cúp điện cho mau lẹ khi nói chuyện với mẹ, lúc đó tôi nói với mẹ “ tiếc quá, con phải đi ngay mẹ ơi. Thế giới đầy dậy những đứa con giống như tôi. Tôi hy vọng trong số những người con ấy, nhiều người sẽ nhận ra điều này và biết rút ra bài học cho bản thân mình”.

Anh chị em thân mến! Tôi chắc chắn nhiều người trong chúng ta cảm thấy những lời nhận xét của thiếu phụ nầy cũng đúng đối với mình. Chúng ta đã từng đối xử với cha mẹ, anh chị em của chúng ta hoặc những ai cần đến tình thương và sự âu yếm nâng đỡ của chúng ta một cách tương tự như người thiếu phụ trong lá thư trên.

Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta can đảm xét lại, xét lại cuộc sống,  tự vấn xem chúng ta có giống người thiếu phụ trong lá thư của cô không? Nếu có như vậy, thì lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi của chính Chúa Giê su yêu cầu chúng ta làm một việc gì đó để sửa đổi thái độ sống của chúng ta.

Mến Chúa và yêu người là trọng tâm sứ điệp Kitô giáo. Là Kitô hữu, chúng ta thuộc lòng chân lý này. Tuy nhiên để thực thi đạo mến Chúa – yêu người thì cần phải biết Chúa, một sự “biết” theo nghĩa Thánh Kinh đó là gắn bó nên một với Chúa. Ngoài các giờ kinh nguyện, ngoài các buổi tham dự Phụng vụ, thì việc giữ tỉnh lặng khoảng năm, mười phút hay lâu hơn trong một ngày sẽ giúp ta can đảm và nhiệt thành mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình cách hữu hiệu nhất. Amen

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật Tuần 31 TN)
Bài tiếp theoHạt Nhà Chính SVD Nha Trang: Tháng cầu nguyện cho các đẳng linh hồn, 2024

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.