Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 19 Thường Niên – Năm B

0
441

Bài Ðọc I: 1 V 19, 4-8

“Nhờ sức của nuôi ấy, ông mới đi tới núi của Thiên Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Êlia đi một ngày đàng vào trong hoang địa. Khi đến nơi kia, và ngồi dưới gốc cây tùng, ông xin được chết mà rằng: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con”. Rồi ông nằm ngủ dưới bóng cây tùng. Và đây Thiên Thần Chúa đánh thức ông và bảo rằng: “Hãy chỗi dậy mà ăn”. Ông nhìn thấy gần đầu ông có chiếc bánh lùi và một bình nước: ông ăn uống, rồi ngủ lại. Thiên Thần Chúa trở lại đánh thức ông lần thứ hai và bảo: “Hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi phải đi còn xa”. Ông liền chỗi dậy ăn uống, và nhờ sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. – Ðáp.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ. – Ðáp.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. – Ðáp.

4) Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa, và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 4, 30 – 5, 2

“Anh em hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã sống”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em chớ làm phiền hà Thánh Thần của Thiên Chúa, vì trong Người, anh em được ghi ấn tín để chờ đợi ngày cứu chuộc đến. Anh em hãy loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác. Anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô. Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người: hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó Mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 41-52

“Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống'”.

Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo’. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.

“Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

BÁNH NUÔI LINH HỒN

Lm. Đaminh Đặng Trung Hiếu, SVD

Chúa Nhật tuần trước, Đức Giêsu đã khẳng định: Ngài chính là Bánh Trường Sinh, ai đến với Ngài sẽ không phải đói, ai tin vào Ngài sẽ không hề khát bao giờ! (Ga 6,35). Các bài đọc hôm nay cũng mời gọi chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm đó: mầu nhiệm Đức Giêsu trở nên của ăn, của uống cho trần gian, để những ai tin vào Ngài, những ai ăn Ngài, sẽ được sống muôn đời.

  1. Tầm quan trọng của lương thực đối với thân xác:

Thân xác con người cần được nuôi dưỡng bằng của ăn thức uống. Không có chúng, con người không thể sống, không thể phát triển. Chúng trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống thường ngày. Nếu tuần trước chúng ta được nghe đọc về chuyện Thiên Chúa nuôi dân của Người bằng manna giữa lòng sa mạc, thì hôm nay, chúng ta được nghe về việc Thiên Chúa cung cấp thức ăn, nước uống cho ngôn sứ Êlia nhiều lần, để ông có thể đi suốt bốn mươi ngày đêm ròng rã để đến núi Khôrép, núi của Đức Chúa.

Ngôn sứ Êlia cần thức ăn, nước uống. Dân Ítraen cần manna giữa lòng sa mạc. Chúng ta cũng cần lương thực cho đời sống thường ngày. Thiên Chúa biết đều đó. Ngài hiểu tầm quan trọng của thức ăn, nước uống đối với thân xác con người. Thế nên, trong lời cầu nguyện mà Đức Giêsu dạy cho các môn đệ của mình, Ngài đã dạy các môn đệ xin với Chúa Cha để có “lương thực hàng ngày” (Mt 6,11) ngay sau các ý nguyện dành cho Thiên Chúa.

Dân gian cũng truyền tụng rằng: “Có thực mới vực được đạo”. Nói nôm na là: Phải có cái gì bỏ vào bụng, mới có sức mà làm việc Chúa, mới có sức mà sống đạo! Người ta có thể nhìn lại những ngày của nạn đói 1945. Những thân hình còm cõi như những bóng ma vất vưởng; những con người sẵn sàng xâu xé nhau để giành giật từng củ khoai, miếng bánh; những xác chết vất vưởng bên đường… Tất cả chỉ vì đói ăn.

Lương thực thật là quan trọng đối với thân xác. Tuy nhiên, đó không phải là điều mà Lời Chúa hôm nay nhắm đến. Nhưng đúng ra, qua hình ảnh lương thực của thân xác, Đức Giêsu mời gọi chúng ta đến với lương thực của linh hồn, lương thực trường tồn cho con người đi vào cõi sống vĩnh cửu.

  1. Lương thực thiêng liêng nuôi linh hồn:

Lời khẳng định của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay khiến nhiều người Do Thái khó chịu và không tin. Và lời của Ngài vẫn là thách đố và trở ngại cho nhiều người trong chúng ta hôm nay.

Người Do Thái và chúng ta, những con người văn minh của thế kỷ XXI, vẫn không thể hình dung cảnh: người ăn thịt người. Chúng ta cho đó là sự man rợ của các dân tộc bán khai, sự u mê tăm tối của những bộ tộc sống âm u trong rừng rậm. Người ta sợ hãi và kinh khiếp trước hình ảnh đó.

Thế mà hôm nay, Đức Giêsu khẳng định: Ngài là bánh cho con người, Ngài mời gọi mọi người hãy ăn bánh ấy, bánh thân thể Ngài, để được sống đời đời. Lời ấy có làm cho chúng ta hoang mang? Lời ấy có làm cho chúng ta khó chịu? Lời ấy có làm cho chúng ta giận dữ?

Người ta kể rằng: Nằm sâu trong vùng rừng rậm Amadôn, có một bộ tộc tên là Wari. Bộ tộc này còn lưu giữ tập tục ăn thịt người mãi đến những năm sáu mươi của thế kỷ XX. Theo họ, việc ăn thịt người, đặc biệt xác người chết được coi là việc vô cùng thiêng liêng, nhằm bày tỏ tình yêu và lòng tôn kính với những người đã khuất. Họ không tiến hành chôn cất người chết bởi họ cho rằng, như vậy là phạm tội bất hiếu khi con cháu đem thân xác người chết chôn xuống đất ẩm ướt, bẩn thỉu, lạnh lẽo, đầy côn trùng, để cho xác thối rữa. Họ chọn cách ăn thịt người đã chết để “giữ mãi linh hồn và trí tuệ của người chết ở thân xác của người sống”.

Ta nghĩ gì trước niềm tin của họ: ăn thịt người đã chết để “giữ mãi linh hồn và trí tuệ của người chết ở thân xác của người sống”?

Gần gũi với chúng ta hơn, hình ảnh của một người gần chết trao tặng cho một bệnh nhân nào đó: trái tim của mình, trái thận của mình, lá gan của mình… với ước mong trái tim đó, trái thận đó, lá gan đó vẫn tiếp tục sống nơi người được tặng. Và nhờ đó, người lãnh nhận được sống, được mạnh khỏe, được tồn tại?

Hay gần hơn nữa, hình ảnh người mẹ cắt tay của mình, để dùng dòng máu của mình mà nuôi đứa con thơ đang mắc kẹt giữa đống đổ nát của trận động đất. Người mẹ đã lấy chính dòng máu mình để nuôi đứa con, đã lấy sức sống của mình để cứu đứa con. Điều đó có làm chúng ta kinh hãi, khiếp sợ hay giận dữ???

Nếu những hành vi trao tặng ấy khiến chúng ta cảm động, khâm phục và yêu mến, thì Đức Giêsu phải là Đấng khiến chúng ta yêu mến nhiều hơn nữa. Ngài không chỉ trao tặng chúng ta một trái tim, một quả thận, một lá gan… nhưng Ngài ban cho chúng ta cả con người của Ngài. Để khi chúng ta ăn Ngài, khi chúng ta đón nhận Ngài, thì – nói như người Wari – linh hồn và trí tuệ của Ngài ở lại nơi chúng ta.

Và chính khi đón nhận Ngài, chúng ta không chỉ được sống thêm một thời gian như bệnh nhân được thay tim, ghép thận… nhưng Ngài ban cho chúng ta được sống vĩnh cửu. Và ước mơ trường sinh bất tử của con người, nay được Đức Giêsu thỏa mãn. Không phải trường sinh bất tử nơi thân xác như Tần Thủy Hoàng đã mơ, cũng không phải giấc mơ trẻ mãi không già của những yêu ma quỉ quái khi đòi ăn thịt Đường Tăng, nhưng là một tâm hồn bất tử như Đức Giêsu, Đấng đã đi qua sự chết để sống mãi, Đấng đã vượt qua sự chết để trường sinh vĩnh cửu.

Theo dòng lịch sử, Giáo Hội đã nhìn nhận biết bao phép lạ từ bí tích Thánh Thể. Những phép lạ đó nhằm củng cố đức tin cho những ai nghi hoặc, những người yếu đức tin. Nhưng Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở nên vững mạnh trong đức tin, khi nhìn bí tích Thánh Thể bằng con mắt đức tin. Nhận ra một Đức Giêsu Kitô vẫn đang hiến tế mỗi ngày trên bàn thờ, để trở thành lương thực cho con người được sống và sống dồi dào. Ước mong sao, mỗi người nhận ra bí tích Thánh Thể chính là lương thực cần thiết và quan trọng để chúng ta được sống vĩnh cửu. Và siêng năng đón nhận thứ lương thực này trong đời sống thường ngày.

Bài trướcGx An Mỹ – Trại Hè 2018
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XIX – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.