Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 19 Thường Niên – Năm A

0
610

Bài Ðọc I: 1 V 19, 9a. 11-13a

“Ngươi hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang… Có lời Chúa phán cùng ông rằng: “Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán báo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong Ðất Nước chúng tôi. – Ðáp.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. – Ðáp.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và Ðất Nước chúng con sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 9, 1-5

“Tôi đã ước ao được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Ngôi lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 14, 22-33

“Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

CHÚA ĐÂU RỒI? (Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)

Bài đọc I hôm nay trích từ sách Các Vua, kể lại cho chúng ta nghe giai đoạn tăm tối nhất trong cuộc đời của một trong những vị ngôn sứ lẫy lừng nhất của thời Cựu Ước (1V 19,9a.11-13a) đó là ngôn sứ Ê-li-a. Ngôn sứ Ê-li-a nổi tiếng với cuộc chiến khốc liệt chống lại 450 ngôn sứ thần Ba-an trên núi Các-men. Ê-li-a với một đức tin mãnh liệt đã đánh bại 450 ngôn sứ thần Ba-an để chứng minh cho toàn dân thấy rằng Đức Chúa là Thiên Chúa thật. Tuy nhiên, chiến tích ấy lại đẩy ông vào một khoảng thời gian tăm tối nhất của cuộc đời ngôn sứ. Hoàng hậu I-de-ven, vốn thờ thần Ba-an, đã đùng đùng nổi giận và thề sẽ giết chết Ê-li-a để tế thần. Ê-li-a buộc phải trốn lên núi Khô-rép để thoát thân. Ông muốn nói với Đức Chúa rằng: Ông mệt mỏi lắm rồi, chán lắm rồi cái sứ vụ mà Chúa trao phó. Thế nhưng Đức Chúa đã đến gặp ông và an ủi ông. Và rồi, ông lại xuống núi tiếp tục sứ mạng mà Chúa trao cho ông cho đến khi được cất lên trời.

Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma (Rm 9,1-5) hôm nay cũng tỏ ra ưu phiền quá đỗi vì đa phần dân Ít-ra-en không tin vào Đức Ki-tô, dẫu rằng họ đã có nhiều đặc ân thuận lợi hơn mọi dân khác, để dẫn đến đức tin.

Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng diễn tả một viễn cảnh u ám của cuộc đời các môn đệ, của cộng đoàn tín hữu thời sơ khai (Mt 14,22-33). Đó là hình ảnh một con thuyền đi trong đêm tối bị sóng đánh. Sau khi Đức Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Người lên làm vua. Các môn đệ vọng tưởng rằng sẽ bước vào một thời kỳ huy hoàng nhất, nếu Đức Giê-su làm vua. Vậy mà, Đức Giê-su lại làm cho giấc mơ của họ tan thành mây khói trong chốc lát. Người giải tán đám đông và bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia.

Vì hụt hẫng và vì vuột mất vinh quang, lại phải ra khơi trong đêm tối, nên những chàng ngư phủ lành nghề, dẫu đang đi trên biển hồ quen thuộc, vẫn không thể nào tránh được những cơn sóng đánh vì ngược gió. Những sóng gió của biển cả làm cho con thuyền các môn đệ chao đảo. Bóng đêm càng làm cho các ông hoang mang. Tuy nhiên, điều làm cho con thuyền của các môn đệ chao đảo và làm cho các ông sợ hãi nhất, chính là làn sóng ngầm trong lòng của các môn đệ. Đó là sự hụt hẫng về một giấc mơ quyền lực trần thế. Quan trọng hơn, đó là cảm giác thiếu vắng Chúa trong cuộc đời mình, cảm giác như Thầy Giê-su không cùng chung chí hướng với họ. Cảm giác thiếu vắng Chúa làm cho con thuyền đức tin Phê-rô và đồng bạn chơi vơi giữa lòng biển, lạc hướng giữa dòng đời và không biết đường, biết hướng đi về đâu nữa.

Đức Giê-su biến đâu mất giữa lúc các môn đệ gặp nhiều sóng gió nhất của cuộc đời dương thế? Thưa! Đức Giê-su vẫn ở đó. Ngài đã hứa ở cùng các môn đệ và nhân loại cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Ngài hứa là “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14,8). Sao Ngài lại có thể vắng mặt vào lúc họ cần Ngài nhất được? Ngài vẫn ở đó, vẫn đồng hành với các môn đệ trên con thuyền đức tin của họ. Ngài vẫn xuất hiện đúng lúc, vào lúc khó khăn gây cấn nhất của cuộc đời. Vấn đề là họ đã không tin vào sự hiện diên của Ngài. Vì thế, khi thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển mà đến với họ. Tất cả đều hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” và sợ hãi la toáng lên. Tiếng kêu la thất thanh của các môn đệ nghe có vẻ như tiếng kêu la của những đứa trẻ bị người lớn nhát ma. Nhưng không! Đó không đơn giản chỉ là nỗi hoảng sợ một bóng ma theo kiểu trẻ con, nhưng là một nỗi hoảng sợ của kẻ mất niềm tin. Đó là nỗi kinh hoàng, sự hoang mang của những kẻ không nhận ra chính Thầy mình. Đó là một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng và có thể dẫn đến gục ngã không lối thoát.

Đức Giê-su đã lên tiếng là: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Vậy mà Phê-rô lại còn nói: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Và ngay cả khi đã được đi trên mặt nước rồi, Ông lại không tin, hoảng sợ, và gần chìm. Chính Đức Giê-su đã xác nhận sự kém tin của Phê-rô và các môn đệ: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”.

May mắn thay, trong đêm tối của Đức Tin, Phê-rô đã kịp kêu lên một câu hết sức cần thiết: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Và ngay lập tức Đức Giê-su nắm lấy tay ông và mọi sóng gió trong cuộc đời Phê-rô dường như tan biến hết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là: Lúc ấy Phê-rô, các môn đệ và tất cả những người trong thuyền đều tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, tin rằng Ngài vẫn đồng hành, vẫn chở che họ giữa bao sóng gió của cuộc đời. Và lẽ dĩ nhiên, nơi nào có niềm tin vào Đức Ki-tô, nơi nào có Đức Ki-tô hiện diện thì gió biển liền lặng như tờ, và thuyền đời lại trôi đi một cách êm đềm.

Kinh nghiệm đức tin của thánh Phê-rô và các môn đệ hôm nay thật là quý báu. Quả thật, cho dù chúng ta đi đạo bao nhiêu năm, có học biết bao nhiêu kiến thức về đạo đi nữa, thì đức tin của chúng ta vẫn không tiến triển, nếu như trong cuộc đời chúng ta chưa một lần cảm nghiệm được dấu ấn bàn tay Chúa nâng đỡ; nếu như chúng ta chưa một lần cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, đặc biệt là trong những lúc khó khăn, sẽ làm cho niềm tin chúng ta thêm vững mạnh.

Mỗi người chúng ta là một con thuyền, mỗi gia đình chúng ta là một con thuyền, mỗi cộng đoàn chúng ta cũng là một con thuyền. Con thuyền ấy đang di chuyển trên dòng sông dương thế để tiến về quê trời. Và người quan trọng nhất, vị khách VIP, không thể thiếu trên con thuyền này chính là Đức Ki-tô. Và hành lý quan trọng nhất, nhất thiết không thể bỏ quên đó là niềm tin vào Đức Ki-tô.

Mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta dẫu đang sống trong cảnh giàu sang sung túc hãy kiểm tra lại xem trong lòng mình, trong gia đình mình có Đức Ki-tô hay không? Nếu không có sự hiện diện của Đức Ki-tô chắc chắn con thuyền chúng ta đang lạc hướng và sẽ bị sóng gió cuộc đời đánh trôi dạt. Ngược lại, mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta, dù đang ở trong khung cảnh đen tối ảm đạm nhất của cuộc đời, hãy tin tưởng chạy đến với Chúa, hãy mời Đức Giê-su vào lòng mình, vào nhà mình, để Ngài dẹp yên mọi sóng to gió lớn và dẫn chúng ta đến bờ bình an. Amen.


 

TIN CHÚA HIỆN DIỆN (Tu sĩ Phanxicô Xaviê Trần Thiện Trí, SVD)

Trong một đêm mưa gió, cô bé năm tuổi thức giấc giữa khuya, bàng hoàng khiếp sợ, khi nhận ra rằng chung quanh mình tất cả là đêm tối.Với trí tưởng tượng, cô bé thấy quanh mình đầy những hình ảnh ma quái đáng sợ. Cô khóc thét lên và chạy về phòng ngủ của bố mẹ. Người mẹ trấn an, vỗ về và bế cô bé về lại phòng mình. Người mẹ bật tất cả đèn trong phòng lên và nói với cô bé rằng:

“Con đừng có sợ. Con đâu có ở đây một mình. Có Chúa ở đây với con mà.”

Nhưng cô bé trả lời: “Mẹ ơi, con biết Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Thiên Chúa cũng ở đây nữa, nhưng con cần có một người có thân thể, có xương thịt như mẹ, như con đây, ở trong phòng này với con.”

Câu chuyện đơn giản trên đã một cách nào đó minh hoạ cho chúng ta lý do tại sao Chúa Giêsu hiện diện và ở giữa chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay cho biết, sau phép lạ hoá bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người được ăn no nê, dân chúng muốn tôn Đức Giêsu làm vua theo kiểu trần thế. Do đó, Đức Giêsu đã thúc giục các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia. Đêm đó có gió bão, nên thuyền của các môn đệ bị sóng đánh và các môn đệ phải vất vả để chèo chống vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, tức khoảng ba giờ sáng, Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Nhưng các môn đệ không nhận ra Người, nên hoảng sợ la lên “ma đấy”. Vì thế, Đức Giêsu đã trấn an các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14,27).

Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều điều khiến chúng ta phải lo âu, sợ hãi. Nhưng nếu có Chúa hiện diện bên chúng ta, thì chẳng còn gì phải lo sợ. Nhưng Chúa hiện diện ở đâu và như thế nào?

Bài đọc một trích từ sách các Vua quyển thứ nhất cho chúng ta biết Chúa mạc khải cho ngôn sứ Êlia. Chúa cho ông thấy Người không phải trong bão táp, sấm động, hay trong chớp lửa, mà Chúa hiện diện trong làn gió nhẹ nhàng làm mát dịu con người (x. 1V 19, 11-13a).

Đây cũng là một sự tiến bộ trong lịch sử tôn giáo. Bởi vì, trước đây người ta hình dung Thiên Chúa hiện diện trong những trận động địa kinh hoàng, sấm chớp hãi hùng như chính Dân Thiên Chúa cũng đã nhìn thấy đỉnh núi Sinai như một ngọn lửa khi có tiếng Giavê đến gần. Nay với ngôn sứ Êlia, Thiên Chúa tỏ ra nhẹ nhàng, như buổi ban đầu Thiên Chúa tản bộ trong Vườn Địa Đàng với Ađam và Evà trong gió chiều hiu hắt để ông cảm nếm được tình thân mật với Thiên Chúa.[1]

Qua đây, chúng ta cũng nhận ra rằng Chúa hiện diện qua những gì là bình thường, tầm thường, nhỏ bé, khiêm tốn, đơn sơ, nhẹ nhàng và trong thinh lặng. Tuy vậy, con người chúng ta vẫn lắm lúc đi tìm Chúa trong những việc to tát, vĩ đại, ồn ào, náo động. Chúng ta cần tìm đến với Chúa và kết hiệp với Ngài trong thinh lặng để cảm nghiệm được sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa. Từ đó tâm hồn chúng ta mới cảm nhận được sự bình an của Chúa.

Đúng vậy! Bình an đích thật chỉ có được khi có Chúa hiện diện trong tâm hồn chúng ta. Cũng thế, giữa một đêm khuya khoắt giữa biển khơi với cơn bão dữ dội, con thuyền của các môn đệ bị sóng đánh tròng trành khiến các môn đệ ở trong thuyền sợ đến tột độ. Dù được Chúa Giêsu truyền cho đi trên mặt nước mà đến với Người, nhưng thánh Phêrô tỏ nghi ngờ sự hiện diện thật sự của Người. Do vậy, thay vì để ý nhìn đến Chúa, ông lại nghĩ đến cuồng phong, nên ông bị chìm. Nếu không có Chúa giơ tay nâng đỡ, thì ông đã bị vùi dập trong sóng nước (x. Mt 14,24-33).

Cuộc đời của chúng ta thường được ví như con thuyền đang lênh đênh giữa biển đời đầy sóng gió. Bởi vì cuộc sống của tất cả chúng ta luôn gặp phải những thử thách trong cuộc sống cá nhân, gia đình cũng như xã hội và những bận rộn,lo toan của cuộc sống: lo ăn, lo mặc; lo cho hiện tại, lo cho tương lai; lo cho chính mình, lo cho con cháu. Vì thế, chúng ta luôn phải ra sức chèo chống để vượt qua những khó khăn thử thách đó. Nhưng nhiều lúc dường như chúng ta không còn đủ sức để chèo chống con thuyền cuộc đời chúng ta, vì những lầm lỗi và thất bại trong cuộc sống. Chính những lúc đó chúng ta lo âu, hoảng sợ và cần nghe được lời trấn an của Chúa: “Thầy đây, đừng sợ”. Khi chúng ta nghe được tiếng Chúa trấn an chúng ta, nghĩa là chúng ta nhận ra Chúa đang ở bên cạnh chúng ta thì còn gì phải sợ. Bởi vì sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta sẽ đem lại cho chúng ta sự an bình đích thực, cho dù cuộc sống chúng ta đang phải trải qua những phong ba bão táp.

Chúng ta có thể tự hỏi mình, lúc này cuộc sống của chúng ta đang bình yên hay đang gặp phong ba bão táp? Và chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của chúng ta hay không? Bởi vì trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cảm thấy như Thiên Chúa bỏ mặc chúng ta trong phong ba bão táp của cuộc đời. Nhưng kỳ thật, Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng ta, để nâng đỡ, chở che. Ngài ban cho chúng ta tự do, ý chí và ân sủng, để giúp chúng ta vượt qua sóng gió cuộc đời và cập bến bình an.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn khơi dậy trong lòng chúng ta một niềm tin vững chắc vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, nhất là trong những lúc gặp sóng gió nổi lên trong cuộc đời, trong môi trường và hoàn cảnh chúng ta đang sống. Đồng thời, Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng ta phải tin tưởng vào quyền năng mà Thiên Chúa thông ban cho Giáo Hội, cách riêng qua các Bí Tích, để giúp chúng ta đạt được ơn cứu độ.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng vào tình thương và sự hiện diện quyền năng của Chúa trong cuộc đời chúng ta, để chúng ta có thể vượt qua những phong bathử thách của cuộc đời và đạt tới bến bờ bình an.

[1] Xc. Nguyễn Sơn Lâm, Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm A, Tái bản lần 2, Tôn Giáo, tr. 339.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 18 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 19 TN – A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.