Bài Ðọc I: 2 V 4, 8-11. 14-16a
“Người đến trọ nhà mình, là một vị thánh của Thiên Chúa”.
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa. Và từ đấy, mỗi khi ông đi ngang qua đó, ông đều đến nhà bà dùng bữa. Bà nói với chồng bà rằng: “Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy làm cho ông một căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó”.
Một ngày nọ Êlisê đến, ông lên căn phòng trên lầu và nghỉ tại đó. Ông nói (với Giêzê, tiểu đồng của ông): “Bà muốn chúng ta làm gì cho bà?” Giêzê nói rằng: “Thầy khỏi hỏi, bà ấy không có con, và chồng bà đã già”. Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 16-17. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).
Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. – Ðáp.
2) Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài. – Ðáp.
3) Vì Chúa là vinh quang quyền năng của họ; nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng tôi được suy tôn. Bởi chưng khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi thuộc về Ðấng Thánh của Israel. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 6, 3-4. 8-11
“Chúng ta chịu mai táng với Ngài nhờ phép rửa, chúng ta phải sống đời sống mới”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi vì được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 10, 37-42
“Kẻ nào không mang lấy thập giá, thì không xứng đáng với Thầy; kẻ nào tiếp đón các con, là tiếp đón Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
“Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA (Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD)
Trong cuộc sống, khi chọn lựa, người ta thường phải chấp nhận sự đánh đổi và từ bỏ: chọn lựa điều này thì phải từ bỏ hay đánh đổi điều kia, và có khi sự đánh đổi hoặc từ bỏ đó thật lớn lao và khủng khiếp. Trong trình thuật Lời Chúa theo thánh Mát-thêu hôm nay, Đức Giê-su đã đưa ra hai điều kiện cốt lõi cho những ai chọn bước theo Người và trở thành môn đệ của Người. Đó là từ bỏ chính mình và vác thập giá đời mình mà theo Người (x. Mt 10,37-39). Như thế, hành trình hay ơn gọi của người môn đệ bước theo Đức Giê-su là một cuộc tự hủy và cùng vác thập giá theo Người lên đồi Gol-gô-tha. Trong bài chia sẻ này, chúng ta cùng nhau suy niệm về hai điều kiện căn bản ấy.
- Từ bỏ chính mình
Trước hết, phải chân nhận rằng, mỗi Ki-tô hữu đều là môn đệ của Chúa, chứ không riêng gì những người sống đời thánh hiến. Bởi đó, tất cả mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi “từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa”.
Trong các đòi hỏi trên, sự từ bỏ là điều kiện cần thiết và căn bản để theo Chúa. Muốn đi đến một điểm nào đó, chắc chắn ta phải rời bỏ chỗ ta đang đứng, di chuyển và hướng tới đích điểm đó. Một người muốn trở thành môn đệ của Đức Ki-tô nhưng lại không muốn rời bỏ chỗ cũ của mình thì không thể nào đi theo Người được. Trong các trình thuật Tin Mừng, chúng ta tìm thấy ít là một trường hợp nói về thực tế này (x. Mt 19,16-27). Người thanh niên muốn đến để tìm sự sống đời đời nơi Đức Giê-su. Anh ta đã được Người hướng dẫn về bán hết của cải, phân phát cho người nghèo, rồi đi theo Người. Nhưng anh ta đã không muốn làm như thế. Anh không dám từ bỏ những gì anh đang có là sự giàu có, cùng với những gì thuộc về anh là lối sống hiện tại để đi theo Chúa.
Khác với người thanh niên này, các sách Tin Mừng cũng nói đến nhiều nhân vật đã từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giê-su, như các Tông Đồ, ông Gia-kêu,… Như thế, muốn đi theo Đức Giê-su, người môn đệ buộc phải từ bỏ những gì mà họ thuộc về: từ gia đình, thói quen, lối sống, của cải, đến công việc, và cả những mơ ước rất tự nhiên khác nơi con người. Chính Đức Giê-su vốn là Thiên Chúa, cũng đã từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để tự hủy, xuống thế làm người để cứu chuộc con người; thì người môn đệ đi theo Người cũng không thể đi trên một con đường khác.
Trong mọi thời đại, những ai muốn đi theo Đức Giê-su đều phải từ bỏ hoặc là mọi thứ, hoặc ít là những thứ chính yếu để được tự do mà đi theo Người. Ngày hôm nay, khi mà cuộc sống vật chất và tri thức của nhân loại được cải thiện đáng kể, thì sự từ bỏ sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Như thế, người môn đệ thời hiện đại này lại càng được mời gọi từ bỏ cách dứt khoát và quyết liệt hơn. Trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta đã chứng kiến nhiều mẫu gương sáng của sự từ bỏ để đi theo Chúa, chẳng hạn như thánh Phao-lô, thánh Phan-xi-cô Át-si-si, thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, những người chọn sống đời thánh hiến, và cả những người sống đời gia đình nhưng chọn từ bỏ những quyến luyến của vật chất. Ơn gọi làm môn đệ đòi hỏi ta từ bỏ cả cái bên trong, tức là những tư tưởng hay khuynh hướng đi ngược lại với giá trị của Nước Trời. Là môn đệ Chúa, chúng ta chấp nhận bỏ đi những thứ mà người đời cho là tốt để sống triệt để cho sứ vụ theo Chúa và minh chứng cho một tình yêu thuần khiết dành cho Thiên Chúa duy nhất, nhân từ và đầy lòng thương xót. Đây là điều kiện tối cần cho ơn gọi làm môn đệ của Đức Giê-su và lối sống Nước Trời. Sự đề cao này của Thầy Giê-su cũng ngụ ý nhấn mạnh đến tính cấp bách và ưu tiên cho Nước Trời hơn những thứ khác. Từ bỏ những thứ thân thuộc, những ràng buộc hay cản trở mình sống với Chúa, trong Chúa và cho Chúa thôi cũng chưa đủ, mà cần phải từ bỏ cả chính mình thì mới xứng đáng là môn đệ của Thầy Giê-su.
- Vác thập giá mình
Thứ đến, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Đức Giê-su là điều kiện đủ để trở thành môn đệ của Người. Thật thế, chính Đức Giê-su đã xác quyết rằng “tôi tớ không hơn chủ”. Nếu như Đức Giê-su đã chọn sống mầu nhiệm thập giá để mang ơn cứu độ cho nhân loại, thì muốn được thông dự vào vinh quang và sự sống đời đời với Người, người môn đệ cũng chỉ có một con đường duy nhất để đi, là tiếp nối bước chân Thầy đã đi trên con đường thập giá. Điều này giúp người môn đệ được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, cùng bước theo một Đức Ki-tô chịu đau khổ rồi mới đến vinh quang.
Thập giá là một biểu tượng của sự chết chóc và hình phạt, nhưng lại là nơi mà Đấng Cứu Độ đã chọn để biểu lộ tình yêu tột đỉnh của Người vì “không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình”. Từ khi Đức Ki-tô bước lên thập giá thì thập giá ấy đã trở nên Thánh Giá, là biểu tượng của sự chiến thắng sự chết và tội lỗi, đồng thời cũng là biểu tượng của tình yêu trao hiến trọn vẹn. Nhạc sĩ Phan Ngọc Hiến, sau khi cảm thấu được tình yêu ấy, đã diễn tả qua lời bài hát đáng yêu này: “Thánh giá là chữ T, người nằm giang tay là chữ Y. Là Tình Yêu, yêu đến tột cùng”. Cũng ngang qua thập giá mà tình yêu Thiên Chúa dành cho con người mới được lột tả hết. Đó cũng là minh chứng cho nhân loại biết rằng Ki-tô Giáo tôn thờ một Thiên Chúa yêu thương. Người không phải là một vị Thiên Chúa chỉ ở trên cao nhìn xuống và trừng phạt con người khi họ lầm lỗi, mà là một Thiên Chúa đã nhập thế và nhập thể để mang lấy thân phận con người, sống trọn vẹn kiếp người ngoại trừ tội lỗi. Người đã rời bỏ địa vị cao sang để mặc lấy thân phận con người, chịu đau khổ, chịu chết trần trụi để đồng cảm với kiếp người và cứu độ con người.
Trong muôn vàn thập giá của cuộc đời, có lẽ thập giá nặng nề nhất chính là cái tôi, là ý riêng của chúng ta, chứ không chỉ là những thứ bên ngoài ta. Chính những thứ bên trong ta lại là những thứ kéo ghì chúng ta một cách mãnh liệt nhất. Vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi nhìn lại mình cả bên ngoài lẫn bên trong để nhận ra điều đúng, điều sai. Từ đó, ta có thể vác thập giá mình một cách nhẹ nhàng hơn.
Vậy tại sao việc từ bỏ mình và vác thập giá hằng ngày để theo Chúa lại cần thiết như thế? Thưa, vì đó là cách để ta đạt được sự sống đời đời là cái quý giá nhất mà mọi Ki-tô hữu đều nhắm tới như là cùng đích của đời mình. Để đạt được mục tiêu Nước Trời ấy ta buộc phải đánh đổi, bằng cách từ bỏ mình và vác thập giá hằng ngày như Chúa mời gọi. Trong tác phẩm Đường Hy Vọng, Đức hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ chính mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính con sẽ dần dần thu góp lại những gì con đã bỏ trước đó”.
Lạy Chúa, xin khai lòng mở trí để chúng con luôn khát khao Chúa. Xin thêm sức mạnh để chúng con dám từ bỏ mọi sự, nhất là ý riêng của mình để theo sát Chúa hơn. Dẫu biết rằng có những lúc đứng trước sự chọn lựa, chúng con gặp rất nhiều khó khăn, và khi chấp nhận cắt tỉa, chúng con sẽ rỉ máu, nhưng như thế chúng con mới xứng đáng là môn đệ của Chúa. Xin cho chúng con biết sẵn sàng đón nhận những thập giá trong cuộc đời và vác thập giá ấy theo chân Chúa với niềm xác tín rằng mai sau sẽ được ở bên Chúa vinh quang muôn đời. Amen.
TIÊU CHUẨN XỨNG VỚI CHÚA KITÔ (Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Đức Hảo, SVD)
Lời Chúa trong bài đọc I nói về việc một gia đình tốt lành đã quảng đại tiếp đón ngôn sứ của Chúa trong thân phận của lữ khách. Họ đã coi lữ khách mà gia đình mình tiếp đón là “thánh nhân của Thiên Chúa” (2 V 4,9). Và mỗi khi tiếp đón lữ khách như tiếp đón “vị thánh của Thiên Chúa” một cách quảng đại như vậy thì phần thưởng cho lòng quảng đại hiếu khách là cả một sự sống: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai” (2 V 4,16).
Lời Chúa trong bài Tin Mừng cũng đề cập đến vấn đề tiếp đón sứ giả của Tin Mừng rằng ai tiếp đón sứ giả của Tin Mừng cũng là tiếp đón Chúa: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ… Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,40-42). Tuy nhiên, lời Chúa trong bài Tin Mừng không chỉ đề cập đến việc đón tiếp sứ giả của Tin Mừng mà thôi, mà còn phát đi một thông điệp khác quan trọng hơn nữa đó là “Những Đòi Hỏi Của Tin Mừng” hay còn gọi là “Tiêu Chuẩn Xứng Với Chúa Kitô”. Vậy đâu là tiêu chuẩn để xứng đáng với Chúa Kitô?
Nói đến tiêu chuẩn để xứng đáng với Chúa Kitô, chắc có người nghĩ rằng đó là những tiêu chuẩn như: đạo đức, hiền lành, siêng năng, nhẹ nhàng, ngoan ngoãn, dấn thân, hãm mình… Tất cả đó mới chỉ là những đức tính cần nhưng chưa phải là tiêu chuẩn chính yếu. Tiêu chuẩn để xứng đáng với Chúa Kitô là: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37-38). Như thế, tiêu chuẩn để xứng đáng với Chúa Kitô là phải biết đặt sự yêu mến Chúa Kitô vượt trên các sự yêu mến của các mối quan hệ và các đối tượng khác, cho dù đó là ai.
Khi nói đến những tiêu chuẩn này, hay khi nghe đến đoạn Tin Mừng này, nhiều người lại nghĩ rằng đoạn Tin Mừng này, những tiêu chuẩn này là dành riêng cho những ai chọn đời sống tu trì chứ không phải cho tất cả mọi người vì nó quá khó. Và trên thực tế, tiêu chuẩn này cũng là điều làm cho nhiều người từ chối Chúa Kitô, từ chối Tin Mừng vì họ bị sốc trước tiêu chuẩn của Chúa. Họ bị sốc vì văn hóa của họ chưa đủ sức tiếp nhận điều quá mới lạ, và nhiều khi xem ra như đi ngược lại, như chống lại cả nền văn hóa lâu đời của nhân loại! Người ta sốc và bối rối vì hầu như mọi người đều đặt cha mẹ hoặc con cái trong sự ưu tiên hàng đầu về sự yêu mến cũng như phụng dưỡng. Nhiều người cho rằng tiêu chuẩn để xứng đáng với Chúa Kitô đi ngược lại với đạo hiếu, đi ngược lại với truyền thống văn hóa con cái nối dõi tông đường, đi ngược lại với chức năng cha mẹ hay bổn phận con cái.
Người ta có lý khi nói như thế, nhưng nếu suy nghĩ kỹ và nhận định rõ sẽ thấy tiêu chuẩn để xứng đáng với Chúa Kitô mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới không có gì quá đáng. Bởi lẽ, thông điệp của Chúa đưa ra rất rõ ràng rằng: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”,chứ Chúa không xúi người ta, không kêu gọi người ta, không yêu cầu người ta phải ghét bỏ cha mẹ hay con cái. Ở đây phải hiểu thêm nữa là những người xứng đáng với Chúa Kitô cũng phải yêu mến cha mẹ, yêu mến con cái, nhưng cần phải biết đặt lòng yêu mến Chúa Kitô lên trên. Giới răn trọng nhất là yêu mến Thiên Chúa trên hết và yêu tha nhân như chính mình(x. Lc 10,27); cha mẹ hay con cái cũng là tha nhân.
Vậy tại sao “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”? Phải đặt sự “yêu mến Thầy” lên trên là vì chính Chúa là Đấng có quyền trên vận mạng mỗi con người, và hơn hết chính Chúa là Đấng ban ơn cứu độ cho con người. Vậy, xét về phương diện lợi ích và ơn nghĩa, thì ai là người có ảnh hưởng, là người đem lại cho ta nhiều lợi ích nhất, ai là người có thể quyết định đến vận mệnh đời ta, ai là đấng cứu rỗi ta thì ta phải biết ơn, yêu mến và tôn thờ người đó nhất.
Thông điệp của Chúa là hãy biết yêu mến Đấng ban ơn cứu độ hơn tất cả những thứ khác. Nếu không yêu mến và đặt mối tương quan với Đấng Cứu Độ lên trên những mối quan hệ khác thì không xứng đáng với Ngài. Chúa Kitô mời gọi chúng ta trở nên môn đệ của Ngài cũng vì mục đích là để chúng ta đón nhận ơn cứu độ và để chúng ta góp phần mang ơn cứu độ đến cho người khác chứ chẳng vì mục đích gì khác.
Vì thế, đối với Kitô hữu chúng ta, những người tin vào Chúa Kitô, mỗi khi đã xác định được ai là đấng có quyền trên vận mạng đời mình, ai là đấng mang lại cho chúng ta nguồn ơn cứu độ mà chúng ta không biết ơn, không yêu mến, không tôn thờ Đấng đó hơn mọi mối tương quan khác thì quả thật chúng ta trở thành những kẻ vô ơn và bất kính, và như thế rõ ràng là không xứng đáng. Không xứng đáng với Chúa Kitô cũng đồng nghĩa với không xứng đáng với ơn cứu độ. Trái lại, xứng đáng với Chúa Kitô cũng đồng nghĩa với xứng đáng với ơn cứu độ.
Theo Chúa Kitô để trở thành môn đệ của Ngài không phải là để làm ông hoàng bà lớn, hay để làm công này việc nọ mà đơn giản là để được ơn cứu độ và để góp phần mang ơn cứu độ đến cho người khác. Với hy vọng được ơn cứu độ nên tôi đang cố gắng để yêu mến Đấng Cứu Độ hơn yêu mến cha mẹ, hơn yêu mến con cái, và tôi cũng dạy cho con cái biết yêu mến Đấng Cứu Độ hơn yêu mến tôi vì “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39). Cũng vậy, ai tìm cách để giữ, để đòi hỏi con cái hay cha mẹ yêu mến mình hơn yêu mến Đấng Cứu Độ thì sẽ mất sự yêu mến ấy; nhưng ai khuyến khích con cái hay cha mẹ yêu mến Đấng Cứu Độ hơn mình thì sẽ được đón nhận sự yêu mến.
Đừng sống ích kỷ, đừng đòi buộc con cái hay cha mẹ phải yêu mến mình hơn yêu mến Đấng Cứu Độ và sứ vụ của Ngài. Và cũng đừng nghĩ rằng tiêu chuẩn để xứng đáng với Chúa hay những đòi hỏi của Tin Mừng chỉ hợp với linh mục hay tu sỹ mà không phải là với mình.
NGƯỜI MÔN ĐỆ XỨNG ĐÁNG (Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD)
Nếu chúng ta để ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng đoạn Tin Mừng mà chúng ta nghe hôm nay nằm trong phần trình bày về sứ mạng truyền giáo. Và để sứ mạng đó được hoàn trọn, Đức Giêsu cũng cần sự cộng tác của những người khác. Nếu lật giở lại những đoạn trước thì chúng ta thấy việc tuyển lựa của Đức Giêsu khá dễ dàng nếu không muốn nói là vơ vét hết, có ai chọn người đó. “Người đang đi dọc biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia đang quăng chài xuống biển… Người bảo các ông: ‘các anh hãy theo tôi…’ Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác… đang cùng với cha vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông, lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà đi theo Người” (Mt 4,18-22). Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại đưa ra một số điều kiện cho những ai muốn trở thành một người môn đệ đích thực, một người môn đệ xứng đáng. Vậy điều kiện gì để trở thành một người môn đệ đích thực, một người môn đệ xứng đáng?
Mở đầu bài Tin Mừng, Đức Giêsu liệt kê một loạt những người không xứng đáng với Đức Giêsu: người “thương cha thương mẹ hơn Thầy”, “thương con trai con gái hơn Thầy”, “không mang lấy thập giá mình”… Vậy tại sao Đức Giêsu lại đòi hỏi như thế? Vì trên thực tế: cha – mẹ, con trai – con gái là những người thiết thân nhất với chúng ta, là những người đáng để chúng ta thương yêu nhất. Sự đòi hỏi ở đây có vẻ quá cao vời, sự đòi hỏi này dễ làm chúng ta chùn bước, và có thể, sự đòi hỏi này làm cho chúng ta phải bỏ cuộc. Vậy tại sao Đức Giêsu đưa chúng ta vào một sự chọn lựa quyết liệt như thế? Thật vậy, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đi vào trong sự chọn lựa giữa Ngài với những người mà họ yêu quý, những người mà họ trân trọng. Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta yêu Ngài hơn bất kỳ một ai khác, dù rằng người đó là cha mẹ, anh chị em hay bất kỳ một ai chúng ta gắn bó thiết thân nhất. “Ai thương cha thương mẹ hơn thầy thì không xứng đáng với Thầy. Ai thương con trai con gái hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37). Tình yêu thương và gắn bó với Đức Giêsu còn được Ngài đẩy cao hơn nữa khi Ngài đòi hỏi những người theo Ngài phải từ bỏ ngay chính bản thân mình. Thiết tưởng, bản thân là điều gì đó chúng ta khó có thể tách rời nhất, vậy mà Đức Giêsu lại yêu cầu những người xứng đáng với Ngài phải từ bỏ chính điều đó. Như thế, những ai theo Ngài thì phải bỏ đi tất cả, phải dứt khoát mọi sự và chỉ nhắm Ngài là mục tiêu và đối tượng duy nhất để gắn kết.
Tuy nhiên, lời mời gọi quyết liệt của Chúa Giêsu, “Ai thương cha thương mẹ hơn thầy thì không xứng đáng với Thầy. Ai thương con trai con gái hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy”, không nên được hiểu theo nghĩa đen, theo nghĩa câu chữ nhưng nó cần phải được hiểu theo ý nghĩa bên trong mà Đức Giêsu muốn nhắm đến. Nếu chúng ta đọc lại các giới răn của Ngài thì ta sẽ thấy rằng, Đức Giêsu đòi buộc chúng ta phải yêu thương và thảo hiếu với cha mẹ (x. Mt 15,1-8), yêu thương người thân cận (x. Mt 22,39) và thậm chí yêu cả kẻ thù (x. Mt 5,43-48). Điều đó có nghĩa là, Đức Giêsu mời gọi mỗi chúng ta phải mở rộng vòng tay, mở rộng lòng quảng đại đến với hết mọi người, mở rộng gia đình chật hẹp của chúng ta. Chỉ khi chúng ta làm được như thế, chúng ta mới thực sự quên mình, sẵn sàng hy sinh cho tất cả mọi người. Ngài chỉ yêu cầu ta, những kẻ muốn thật sự theo Ngài, phải đặt Ngài lên trên tất cả những gì ta yêu quý nhất trên đời. Và nếu có yêu thương quý mến ai, thì đều phải vì Ngài mà yêu thương, vì nhận ra họ là hình ảnh hay hiện thân của Ngài.
Tuy nhiên, nếu bài Tin Mừng hôm nay chỉ dừng lại ở việc Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ theo Ngài một cách dứt khoát, không do dự thì quả là một sự “bất công” cho các ông. Thông thường, người ta chỉ phải chọn lựa khi đứng giữa ít nhất hai lựa chọn và họ sẽ cân đo đong đếm để so sánh thiệt hơn, để phân định trước khi đưa ra chọn lựa. Vậy những người theo Chúa sẽ được gì? Bài đọc I trích từ sách các Vua quyển thứ 2 (2 V 4,8-16), nhắc nhớ chúng ta về phần thưởng mà những người theo Chúa cũng như những người cộng tác với các ngôn sứ cách này hay cách khác được hưởng. Câu chuyện người phụ nữ tại Sunêm đón tiếp ngôn sứ Êlisa đã minh chứng cho lời nói trên của Chúa. Bà là người giàu có trong thành. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, nhưng chỉ tiếc một điều là ông bà đã lớn tuổi mà không có con trai. Ngôn sứ Êlisa đã được gia đình bà tiếp đãi ân cần và kính trọng, đến độ họ làm thêm một căn phòng đặc biệt để ngài có chỗ nghỉ ngơi mỗi lần đi qua Sunêm. Trước lòng tốt của người phụ nữ ấy, ngôn sứ Êlisa muốn làm một điều gì đó để trả ơn. Ngài hỏi bà muốn điều gì, nhưng bà đều từ chối. Đối với bà, đón tiếp vị ngôn sứ, người của Thiên Chúa, là một bổn phận và một vinh dự, chứ không phải là việc có qua có lại. Tiểu đồng Giêkhadi đi theo ngôn sứ là người tinh tế, nhận ra được nỗi khổ tâm của bà vì không có con. Hai ông bà mong có được một đứa con trai, nhưng điều ấy chỉ có quyền năng Chúa mới giúp họ toại nguyện. Theo đề nghị của tiểu đồng, ngôn sứ Êlisa đã cầu xin Chúa ban cho bà một mụn con. Ngôn sứ nói với bà trước khi lên đường: “Vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng” (2V 4,16). Quả thực, bà đã sinh được một đứa con trai. Nhưng ít năm sau, đứa nhỏ bị bạo bệnh và chết. Nghe tin, ngôn sứ Êlisa đã đến cầu nguyện và làm cho em được sống lại.
Lòng tốt và sự kính trọng của người phụ nữ Sunêm đối với vị ngôn sứ đã được ân thưởng. Ân thưởng này không phải là món quà của vị ngôn sứ dành cho bà mà là món quà Thiên Chúa trả công cho sự quảng đại đó. Người đã ban cho bà được thoát khỏi nỗi đau khổ ray rứt, thoát khỏi nỗi tủi hổ vì không có con trai. Đứa con là sự tiếp nối sự sống của bà mẹ, là đời sống mới phát sinh từ sự sống của người mẹ, là bảo chứng rằng Thiên Chúa đoái nhìn xem gia đình họ. Do đó, ngôn sứ Êlisa cầu xin Chúa ban cho bà một đứa con là ngài giúp cho bà được tiếp tục sống và sống đời sống mới. Và đó cũng là bảo chứng chắc chắn cho những ai theo Đức Giêsu rằng, Ngài sẽ luôn ở bên họ cũng như Ngài sẽ khơi lên trong lòng mọi người sự quảng đại cộng tác với các ngôn sứ. Vì “Ai đón tiếp một ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính” (10,41).
Còn đối với các môn đệ, những người bỏ mọi sự mà theo Đức Giêsu thì sao? Họ sẽ được phần phần thưởng gì? Đức Giêsu đã chỉ cho các môn đệ mối liên hệ bền chặt và thâm sâu giữa họ với tất cả mọi người, giữa họ với Đức Giêsu, và cao hơn nữa là giữa họ và Chúa Cha. Mối thân tình thâm sâu đó như là một bảo chứng chắc chắn họ sẽ được đưa về thừa hưởng vinh quang với Chúa Cha. Và mối dây liên kết bền chặt đó không ai khác đó chính là Đức Giêsu; Ngài là bảo chứng bền chặt và vững bền mà không ai có thể thay thế được.
Lạy Chúa, để xứng đáng là môn đệ của Chúa, chúng con chỉ có một cách là chọn Chúa như là cùng đích của đời mình, vượt lên trên tất cả những gì là thụ tạo ở trần gian này; Ưu tiên chọn Chúa đòi buộc chúng con sống tinh thần từ bỏ. Tuy nhiên, việc từ bỏ, việc chọn lựa bao giờ cũng làm chúng con cảm thấy bị thua thiệt; những mất mát trước mắt có thể làm chúng con thấy “đau”, “nỗi đau” có thể cản lối, ngăn đường để chúng con thuộc trọn về Chúa. Xin cho chúng con biết khôn ngoan và can đảm dám coi nhẹ chính bản thân và những gì mang lại lợi ích trước mắt để luôn luôn dành mọi ưu tiên cho Chúa và do đó con sẽ xứng đáng thuộc về Chúa.